Đóng vai cô kĩ sư kể lại câu chuyện Lặng lẽ Sa Pa
Có những cảnh vật làm ta mãi nhớ. Có những con người làm ta không thể nào quên. Tôi mãi ấn tượng về anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh cao Yên Sơn. Đó là một con người đã sống vì mọi người, vì tổ quốc thân yêu, vì cuộc chiến đấu giữ nước ác liệt và thiêng liêng của dân tộc, là một mẫu hình của tuổi trẻ mà ai cũng khao khát chạm tới.
Năm ấy, sau khi tốt nghiệp trường đại học Nông Lâm, bỏ lại sau lưng “mối tình đầu nhạt nhẽo”, rời xa Hà Nội, tôi lên vùng Tây Bắc xa xôi công tác. Lần ấy, tình cờ, trên chuyến xe, cùng đi có một ông họa sĩ, người mang trong mình khát vọng đi tìm cái đẹp của cuộc sống, cũng đang lên Lào Cai để tìm kiếm đề tài sáng tác. Tôi vốn ít nói, chỉ biết ngồi lặng lẽ nhìn núi rừng vụt qua, đầu óc trống rỗng. Khung cảnh núi rừng Sa Pa đẹp một cách kì lạ, cứ như là tiên cảnh đang giăng bày trước mắt, khiến tôi ngắm mãi mà quên hết mọi thứ ở xung quanh.
Bác lái xe vui tính kể hết chuyện này đến chuyện khác khiến ai cũng thấy vui vẻ, thoải mái dù đường đi rất sốc. Chiếc xe đang đi bỗng dừng lại , bác lái xe nói cho mọi người nghỉ ngơi và ăn uống. Bác kể, trên đỉnh cao Yên Sơn, có một anh thanh niên mới lên nhận việc, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá, anh ta kiếm kế dừng xe lại để gặp những ai qua đường, nhìn trông và nói chuyện một lát.
Bác lái xe nói chưa dứt lời thì đã thấy một người con trai tầm vóc bé nhỏ, nét mặt rạng rỡ từ trên sườn núi trước mặt chạy lại chỗ xe đỗ. Ông họa sĩ nhìn chăm chú, còn tôi cố víu chặt vào vai ông, nửa vì tò mò, nửa để tự vệ chống lại một cái gì đó.
Người con trai chạy đến đưa cho bác lái xe một gói tam thất nhỏ và nhận sách mà anh đã nhờ bác lái xe mua hộ, anh thanh niên mừng quýnh quáng. Bác lái xe dắt anh đến giới thiệu với chúng tôi. Tôi ngượng ngùng không dám nhìn lên. Anh thanh niên nhận ra tôi, đỏ mặt, rõ ràng luống cuống mời chúng tôi lên thăm “vương quốc” của anh ở trên núi. Nói rồi, anh thanh niên xin phép chạy lên trước để chuẩn bị, dặn mọi người cứ đi thong thả. Tôi chẳng nghĩ gì, lúc ấy tự nhiên thấy bần thần. lần đầu tiên, tôi bắt gặp một người con trai nhanh nhạy, vui vẻ và “kì lạ” đến như thế. Tôi bỗng thấy háo hức lạ thường.
Bước lên tới nơi, tôi chỉ kịp “ồ“ lên một tiếng khe khẽ khi nhận ra xung quanh một căn nhà nhỏ là một vườn hoa rực rỡ. Sau gần hai ngày, qua ngót bốn trăm cây số đường dài cách xa Hà Nội, đứng trong mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia, bỗng nhiên lại gặp hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong… ngay lúc dưới kia là mùa hè, đột ngột và mừng rỡ, quên mất e lệ, tôi chạy đến bên người con trai đang cắt hoa. Anh con trai, rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt cho tôi, và cũng rất tự nhiên, tôi đỡ lấy.
Anh thanh niên mỉm cười, nhìn tôi nói muốn lấy bao nhiêu tùy thích. Anh còn nói tôi là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà anh từ bốn năm nay khiến tôi đỏ mặt ngượng ngùng. Đáng lẽ, anh không nên nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ. Cũng là những điều ta ít nghĩ. Việc ấy làm tôi cảm động và bị cuốn hút ngay. Tôi ôm bó hoa vào ngực, lấy hết can đảm, bạo dạn nhìn thẳng vào mặt anh. Anh thanh niên bắt gặp cái nhìn đó, phủi vội giọt mồ hôi trên sống mũi, mỉm cười, hạ giọng hỏi: – Cũng đoàn viên, phỏng? Tôi khe khẽ đáp: – Vâng, rồi cúi mặt không dám nhìn lên nữa. Cái tiếng “phỏng” kia nghe sao mà thân thiết quá.
Anh thanh niên đon đả mời nước rồi kể về công việc của anh. Công việc tuy không có gì khó khăn nhưng hết sức vất vả. Anh thanh niên đang nói, dừng lại vì nhác thấy tôi lặng im lắng nghe một cách say sưa làm tôi thấy ngượng nghịu. Kể hết câu chuyện, anh cười vui vẻ rồi giục mọi người uống trà kẻo nguội mất. Sau đó, tôi và ông họa sĩ đi ngắm cái cơ ngơi riêng của anh. Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách. Thấy ông hoạ sĩ còn đang nheo mắt cố đọc tên các sách trên giá, tôi bước tới đọc hộ ông. Tôi không trở lại bàn giữa và ngồi ngay xuống trước chiếc bàn học con, lật xem bìa một cuốn sách rồi để lại nguyên lật mở như cũ.
Ông hoạ sĩ nhấp chén trà nóng và cùng trò chuyện với anh thanh niên. Anh tâm sự, hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, anh thấy lẻ loi một mình. Bây giờ , nhận ra công việc của mình là rất hữu ích, rất quan trọng nên anh không còn thấy cô đơn hay lẻ loi nữa. Đến lúc này tôi mới biết quê anh ở Lào Cai. Năm trước, anh và bố cùng viết đơn xin ra lính đi mặt trận. Kết quả, bố anh được đi. Không chịu yên phận ở thành phố, anh tình nguyện lên Sa Pa làm công tác khí tượng thủy văn. Nhờ những số liệu do anh báo cáo mà quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng.
Anh thanh niên cứ kể, còn người hoạ sĩ già vừa nói chuyện, tay vừa bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối. Hơn bao nhiêu người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội hoạ trong cuộc hành trình vĩ đại là cuộc đời.. Phát hiện ra điều đó, anh bối rối thanh minh : Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng để cho bác vẽ hơn. Để khỏi vô lễ, người con trai vẫn ngồi yên cho ông vẽ, nhưng cho là mình không xứng với thử thách ấy. Anh muốn giới thiệu với ông họa sĩ bác ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa và đồng chí đang làm một cái bản đồ sét riêng cho nước ta. Đối với anh thanh niên, đó là những con người đẹp đẽ hơn anh nhiều.
Cũng may mà bằng mấy nét, hoạ sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên. Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ trong cái vắng vẻ vòi vọi hai nghìn sáu trăm mét trên mặt biển, cuồn cuộn tuôn ra khi gặp người. Những điều suy nghĩ đúng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác, có sẵn mà chưa rõ hay chưa được đúng. Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.
Những băn khoăn ấy làm cho tôi bần thần nghĩ ngợi. Những điều tôi cùng nghe, cộng với những điều tôi khám phá thấy trên hai trang sách hay đang đọc dở của người con trai làm tôi bàng hoàng. Một ấn tượng hàm ơn khó tả dạt lên trong lòng tôi. Không phải chỉ vì bó hoa rất to sẽ đi theo tôi trong chuyến đi thứ nhất ra đời. Mà vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm tôi. Và vì một cái gì đó nữa mà lúc này tôi chưa kịp nghĩ kĩ.
Tôi loay hoay tìm trong túi xách. Nhà hoạ sĩ thì còn trở lại, nhưng với riêng tôi, trong trời đất Tây Bắc bạt ngàn, trong cuộc đời mông mênh nói chung, chốc nữa, chắc là tôi sẽ đi luôn, biến mất, có cái gì tặng lại anh ta để, như anh ta nói, kỉ niệm lần gặp gỡ này.
Thời gian ngắn ngủi đi qua, 30 phút trôi qua thật mau chóng. Anh chạy ra nhà phía sau, rồi trở vào liền, tay cầm một cái làn. Ông hoạ sĩ tặc lưỡi đứng dậy. Tôi cũng đứng lên, đặt lại chiếc ghế, thong thả đi đến chỗ bác già. Bỗng anh phát hiện ra chiếc khăn mùi xoa của tôi cố tình để quên khiến tôi ngại ngùng đỏ ửng mặt. Nhận lại chiếc khăn, tôi quay vội đi. Ông họa sĩ từ biệt, hứa sẽ trở lại. Đến lượt tôi từ biệt. Tôi chìa tay ra cho anh nắm, cẩn trọng, rõ ràng, như người ta cho nhau cái gì chứ không phải là cái bắt tay. Tôi cố nhìn thẳng vào mắt anh và nói lời tạm biệt – những người con gái sắp xa ta, biết không bao giờ gặp ta nữa, hay nhìn ta như vậy. Lần đầu, chính là anh thanh niên quay mặt đi.
Chúng tôi theo bậc cấp bước xuống đồi, đến mặt đường nhìn lên, không thấy người con trai đứng đấy nữa. Anh ta đã vào nhà trong. Ông xách cái làn trứng, tôi ôm bó hoa to. Lúc bấy giờ nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho tôi cảm thấy mình rực rỡ theo. Chúng tôi lững thững đi về phía chiếc xe đỗ, im lặng rất lâu.
Quá là dài