dong-vai-nguoi-hang-xom-cua-de-men-ke-lai-cau-chuyen-bai-hoc-duong-doi-dau-tien

Đóng vai người hàng xóm của Dế Mèn, kể lại câu chuyện Bài học đường đời đầu tiên

Đóng vai người hàng xóm của Dế Mèn, kể lại câu chuyện Bài học đường đời đầu tiên.

  • Mở bài:

Nhà tôi ở gần nhà Dế Mèn, một vùng cỏ ven ao tươi tốt. Tôi cũng khá thân với mẹ của cậu ấy, chị ấy là một người tốt bụng, lúc nào cũng điềm đạm, không lớn tiếng với ai bao giờ. Ai cũng yêu mến chị ấy.

  • Thân bài:

Dế Mèn là chú Dế út trong ba anh em sinh cùng một lứa. Theo tục lệ nhà họ Dế, sau khi ra đời được hai tuần, Dế Mèn được mẹ cho ra ở riêng, một cái hang bên bờ ruộng trông ra một đầm nước. Cậu ấy vốn tính nghịch ngợm, lại thêm thói kiêu căng, mẹ Dế Mèn tuy lo lắng nhưng vẫn phải cho Dế Mèn ra riêng. Với sức trai trẻ, Dế Mèn đào được một cái hang sâu làm nhà, sống thoải mái trong ngôi nhà riêng của mình

Thoạt đầu, hàng xóm láng giềng ai cũng yêu mến Dế Mèn. Cậu ta cần cù chăm chỉ, ngày ngày ra sức tu bổ nơi ăn chôn ở của mình, đào cho nó thêm sâu, làm riêng phòng ăn, phòng ngủ, mở thêm nhiều ngách, nhiều ngăn, để phòng khi nguy hiểm. Tối tối, Dế Mèn thường ra cửa đứng, vừa hát, vừa đàn, tỏ ra rất thích thú với cuộc sống tự lập, phóng khoáng. Đêm khuya, Dế Mèn cùng bà con tụ tập giữa bãi, uống sương lạnh, ăn cỏ ướt, gảy đàn, thổi sáo, ca hát nhảy múa đến tận sáng, mới trở về hang.

Bởi ăn uống điều độ, lại chăm chỉ làm việc nên Dế Mèn lớn nhanh như thổi. Chẳng mấy lúc mà anh ta trở nên một chàng dế thanh niên cường tráng với đôi càng mẫm bóng, đôi cánh dài rộng chắc khỏe, hai chân chắc nịch như trụ đồng. Thỉnh thoảng anh ta vỗ lên nghe phành phạch; những vuốt ở chân cứng và sắc, mỗi khi anh ta co cẳng đạp phanh phách, cỏ cứ gãy rạp…

Nhưng dần dà mọi người đều nhận ra Dế Mèn là một anh chàng kiêu ngạo và hợm hĩnh. Anh ta hung hăng, hống hách và trịch thượng, lúc nào cũng hợm mình là người khỏe nhất, sẵn sàng cà khịa gây gổ với bất kỳ ai. Không muốn bị phiền hà, người ta tránh đi thì Dế Mèn lại nghĩ rằng người ta sợ. Tệ nhất là Dế Mèn hay bắt nạt kẻ yếu, như mấy chị Cào Cào, mấy anh Gọng Vó, mấy cô đom đóm yếu đuối trong vùng.

Cái tính khí bướng bỉnh ấy cuối cùng cũng khiến anh ta đến hành động ngu ngốc. Số là cạnh nhà Dế Mèn là nhà Dế Choắt, một người mới chuyển đến. Cậu ấy người gầy gò, yếu đuối, suốt ngày khổ sở vì bệnh tật. Choắt ở trong một cái hang nông choèn. Một hôm, Dế Mèn sang chơi, thấy thế, không những không thương xót tìm cách giúp đỡ mà còn nói ra những lời khinh thị. Có lần, Dế Choắt sang nhờ Dế Mèn đào cho cái ngách thông sang nhà, Dế Mèn không những thẳng thừng từ chối, còn mắng cho Dế Choắt một trận.

Một buổi chiều, sau cơn mưa to, các giống chim về đầy bờ đầm. Ngay trước nhà Dế Mèn có một chị Cốc ta đồ sộ. Dế Mèn quen thói hung hăng gây sự, rủ Dế Choắt trêu chị Cốc chơi. Dế Choắt sợ hãi, can ngăn. Dế Mèn nhất định không nghe, chê bai Dế Choắt nhát gan. Thế là anh ta bò ra cửa hang, hát to một bài do anh ta bịa ra:

“Cái cò cái vạc cái nông,
Ba con cùng béo vặt lông con nào?
Vặt lông con mẹ Cốc cho tao,
Tao nấu, tao nướng, tao xào, tao ăn”.

Tưởng mình chỉ hát vu vơ chơi thôi. Ai ngờ chị Cốc nổi giận quay lại quát hỏi:

– Ai thế? Ai trêu ta thế?

Nghe chị Cốc gắt gỏng, Dế Mèn giật mình hoảng sợ, biết chuyện chẳng lành liền chui tọt vào hang, nằm im thít. Anh ta yên trí là với cái hang sâu và chắc chắn như thế, dầu chị Cốc có mổ cũng không làm gì được anh ta.

Khốn khổ thay cho Dế Choắt, nghe thấy chị Cốc quát hỏi, Dế Choắt sợ đến vỡ mật, cố nép mình lẩn trốn trong cái hang nông cạn của mình. Dù đã cố nép vào nhưng cũng chẳng giấu mình đi được. Bị chị Cốc phát hiện mổ cho mấy nhát, Dế Choắt oằn lưng kêu khóc ầm ĩ. Đến khi đã hả cơn tức giận, chị Cốc bỏ đi, thì Dế Choắt chỉ còn thoi thóp.

Một lúc sau, khi đã không còn nghe thấy gì nữa, Dế Mèn rụt rè tìm sang nhà Dế Choắt. Trông thấy  Dế Choắt nằm im lìm, Dế Mèn hoảng hồn rối rít hỏi: Sao? Sao?

Dế Choắt không nói được nữa. Dế Mèn quỳ xuống, nâng đầu Dế Choắt lên, nói những lời ăn năn và xin lỗi. Dế Choắt thở hổn hển. Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, nó khuyên Dế Mèn đừng hống hách, kiêu ngạo nữa. Cái tính ấy sớm muộn gì cũng mang đến tai họa cho Dế mèn mà thôi. Nói rồi, Dế Choắt tắt thở.

Sau đó, Dế Mèn đưa Dế Choắt đi chôn. Đắp mộ cho Dế Choắt xong, Dế Mèn đứng lặng hồi lâu, ngẫm nghĩ về bài học đường đời đầu tiên của mình, nghĩ về những ngày qua và những ngày sắp tới của đời mình.

  • Kết bài:

Từ đó, Dế Mèn không còn kiêu ngạo và ngang ngạnh nữa. Chàng bắt đầu biết quý trọng, sống hòa hợp và thường xuyên giúp đỡ mọi người. Nhất là việc đào hang, ai cần mở hang, sửa hang là chàng tận tình giúp sức. Về sau, cậu ấy bước chân phiêu bạt khắp nơi, tôi cũng không còn nghe tin túc gì nữa. Tôi chỉ nghe anh gọng vó kể rằng, trên bước đường đi của mình, Dế Mèn đã làm không biết bao nhiêu việc tốt đẹp.

Đóng vai nhân vật Dế Mèn, kể lại câu chuyện Bài học đường đời đầu tiên

1 bình luận trong “Đóng vai người hàng xóm của Dế Mèn, kể lại câu chuyện Bài học đường đời đầu tiên”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang