ÝSuy nghĩ về lòng biết ơn qua ý nghĩa câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”
- Mở bài
Sống trong xã hội, con người cần có thái độ như thế nào đối với những người đã giúp đỡ mình ? Trước mắt ta, không thiếu những kẻ trâng tráo vô ơn làm nên những hiện tượng “ăn cháo đá bát” mà nhân dân ta ai cũng cực lực phê phán. Những kẻ ấy đã không hiểu được một trong những đạo lý truyền thông của dân tộc ta đã được đúc kết từ thực tế, một mối quan hệ cần thiết trong đời sống con người đó là: Uống nước nhớ nguồn. Ta nên hiểu câu tục ngữ này ra sao? Trong cuộc sống hiện nay, ý nghĩa của câu trên càng trở nên sâu sắc.
- Thân bài
Trước tiên ta cần hiểu thế nào là “Uống nước nhớ nguồn”. Câu tục ngữ bắt đầu bằng một hình ảnh cụ thể, dễ thấy và dễ hiểu đó là “uống nước”. “Uống nước” là thừa hưởng hoặc sử dụng thành quả lao động hay thành quả đâu tranh cách mạng của các thế hệ trước đã qua để lại. “Nguồn” là nơi xuất phát dòng nước. “Uống nước nhớ nguồn” là lời khuyên nhủ, nhắc nhở của ông cha chúng ta đối với lớp người đi sau, đối với tất cả những ai, đang và sẽ thừa hưởng thành quả được tạo nên do công lao của bao thế hệ trước.
Có điều là vì sao “uống nước” phải nhớ nguồn cũng như “ăn quả nhớ kẻ trồng cây ” ? Điều này thật dễ hiểu! Bởi vì trong thiên nhiên cũng như trong xã hội, không có bất cứ một sự vật nào, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không có công sức lao động làm nên. Giống như hoa thơm, trái ngọt phải có người trồng cây, đổ bao mồ hôi công sức, đôi khi cả xương máu của mình nữa để cây xanh non, tươi tốt. Của cải vật chất trong xã hội cũng vậy, đều cần đôi bàn tay, khối óc công lao của người lao động khổ công nhọc trí làm ra.
Đất nước chúng ta có được như ngày nay cũng chính là thành quả của biết bao thế hệ ông cha đã đổ máu xương công sức để gầy dựng. Trong phạm vi gia đình, thì con cái là “thành quả” do các bậc cha mẹ sinh thành, dưỡng dục. Người thừa hưởng, sử dụng các thành quả đó phải biết đến công lao của những người tạo ra chúng. Vì thế “nhớ nguồn” là đạo lí tất yếu. Ân nghĩa, thủy chung, không quên công lao của tô tiên là một trong những phẩm chất tốt đẹp đã trở thành truyền thống cao quý của người Việt Nam. Ca dao có câu:
Ai ơi! Bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Khi bưng bát cơm đầy ta phải biết trân trọng, nhớ ơn những người đã “một nắng hai sương, muôn phận cay đắng” để làm nên “dẻo thơm một hạt”. Nói cách khác, được thừa hưởng cuộc sống thanh bình, no ấm hiện nay nhất thiết ta phải khắc ghi công lao của các vị anh hùng liệt sĩ đã hi sinh biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt.
Do đó, Uống nước nhớ nguồn chính là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội thân ái, đoàn kết, đầy đạo lý làm người. Ai chẳng biết là lòng vô ơn, bội bạc, thái độ “ăn cháo đá bát” sợ làm con người trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, ăn bám gia đình và xã hội.
Thế nhưng để nhớ nguồn chúng ta phải làm gì? Là người Việt Nam, tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, chúng ta phải ra sức góp phần bảo vệ đất nước, tích cực học tập và lao động để góp phần xây dựng đất nước trở nên giàu đẹp hơn.
Không chỉ có ý thức giữ gìn bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mà chúng ta còn phải có ý thức tiếp thu một cách chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm nền văn hóa nước nhà.
Ngoài ra, để nhớ nguồn chúng ta cần có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người. Có như thế mới xứng đáng trọn nghĩa trọn tình, đúng với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của cha ông.
Tóm lại, câu tục ngữ trên là lời khuyên, lời nhắc nhở ngắn gọn, xúc tích, hình tượng rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu mà ý nghĩa thật sâu sắc. Từ bao đời nay, cha ông chúng ta vẫn lấy câu tục ngữ này để giáo dục con cháu đạo lý làm người Việt Nam.
- Kết bài:
Là học sinh, hơn ai hết, chúng ta phải khắc ghi trong lòng công ơn sinh thành, nuôi nấng của cha mẹ và công lao tận tâm dạy dỗ của thầy cô giáo. Phải biết bảo vệ các thành quả vật chất lẫn tinh thần của bao thế hệ cha ông để lại, đồng thời cũng biết kế thừa, phát huy và giữ gìn giá trị vật chất, tinh thần của những thành quả đó.
Bài mẫu 2:
- Mở bài
Kho tàng văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị to lớn. Đi vào kho tàng văn hóa dân tộc, chúng ta có thể tìm thấy một trang sử hào hùng, một câu chuyện ly kỳ, một câu ca dao, tục ngữ ngắn gọn mà mang nhiều ý nghĩa. Những câu tục ngữ, ca dao bắt nguồn đó từ cuộc sống lao động bình dị hàng ngày của nhân dân. Nó ngắn gọn nhưng chứa đựng những chân lý hết sức sáng ngời, những phẩm chất cao quý, lưu truyền trong nhân dân ta từ đời này sang đời khác. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” đã biểu hiện sinh động lòng biết ơn đối với người mang lại cho ta hạnh phúc.
- Thân bài
Câu tục ngữ được chúng ta nhớ đến không chỉ vì nó ngắn gọn, dễ thuộc mà vì nó chứa đựng một ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Vậy ta hiểu câu tục ngữ đó thế nào cho đúng? Lẽ bình thường, nước rất cần cho sự sống, không những cho con người mà còn cho tất cả mọi sinh vật tồn tại trên trái đất này. Có nước thì mới có những bãi mía nương dâu, những mùa màng bội thu trên khắp miền quê. Cuộc sống của con người vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn cũng là nhờ những dòng nước đó. Dùng những giọt nước mát, chúng ta cần phải nhớ đến nơi sinh ra nó, đó chính là nguồn đã tạo ra nước và mang đi khắp nơi. Đó là nghĩa đen, còn nghĩa bóng của câu tục ngữ là gì?
Nước ở đây không chỉ là dòng nước chảy ra từ nguồn mà còn là những thành quả mà chúng ta được hưởng hôm nay. Khi hưởng những thành quả ấy, chúng ta cần phải nhớ những người đã tạo ra nó, đó chính là nhớ nguồn.
“Uống nước nhở nguồn”, đó chính là tâm niệm, khát vọng muôn đời của con người Việt Nam ân nghĩa, thủy chung. Có thể nói lời nhắn nhủ của cha ông ta gửi vào câu tục ngữ rất nhiều ý nghĩa. Câu tục ngữ khuyên chúng ta phải biết nhớ ơn những người đã làm nên thành quả cho chúng ta hôm nay. Công ơn của những người đi trước không thế không kể đến ơn sinh thành của cha mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Công cha nghĩa mẹ được so sánh với tất cả những gì cao cả và lớn lao nhất. Cha mẹ đã mang nặng đẻ đau sinh ra ta, nuôi nấng dạy dỗ ta nên người, tất cả hy sinh cho chúng ta. Những gì cha mẹ dành cho ta biết lấy gì so sánh cho vừa và ta làm gì để đền đáp lại công ơn đó? Câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” nhắc chúng ta phải biết ơn và kính yêu cha mẹ, ông bà, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh và tấm lòng bao la như trời biển của cha mẹ, ông bà.
Phải biết rằng, ta khôn lớn, hiểu biết như ngày hôm nay là nhờ vào công lao dạy dỗ của những người thầy, người đã không quản ngại khó khăn dạy dỗ ta nên người. Ngoài ra, ta được sống trong một đất nước hòa bình, tự do như thế này là nhờ những người đã hy sinh xương máu của mình, những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Biết ơn, ghi khắc công lao của những người thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng chính là những gì câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” muốn nhắn nhủ chúng ta.
Nước ta đang thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa những người có công với Tổ quốc, phong trào này thể hiện qua những việc làm như tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thương binh, ghi công liệt sĩ, tặng nhà tình nghĩa cho những người có công với cách mạng, chăm sóc những người neo đơn, quy tập mộ liệt sĩ… Chúng ta, người được hưởng những thành quả to lớn cần phải hướng về nguồn và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đôi với những người đã xả thân vì nước, đồng thời tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta được ôm ấm, an vui, hưởng một cuộc sống bình yên chính là nhờ vào những chiến sĩ công an biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương đất nước. Chính vì vậy, chúng ta an vui cần phải nhớ đến hy sinh không kém phần cao cả của những chiến sĩ công an, những anh bộ đội cụ Hồ.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, cũng có một số người vô ơn, không biết kính trọng những người đã làm nôn những thành quả cho mình được hưởng, có những kẻ chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình. Những kẻ có lối sống và suy nghĩ như vậy thật đáng lên án. Những đối tượng như vậy hơn ai hết cần phải đọc lại nhiều lần và nghiền ngẫm câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”.
- Kết bài
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là đạo lý sâu sắc, bổ ích cho mỗi chúng ta, là một lời khuyên chân thành, nhắc nhở chúng ta sống có đạo đức, biết công hiến cho đất nước, biết nhớ về nguồn cội của dân tộc, nhớ về công lao của tất cả những người đã nuôi nấng và dạy bảo ta nên người.Với tất cả những giá trị ấy, câu tục ngữ không chỉ được mọi người biết đến mà còn sống mãi với tất cả mọi người hôm nay và mai sau.
- Suy nghĩ của em về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”
- Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”
- Giải thích và chứng minh ý nghĩa câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
- Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về đạo lý: “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”