gioi-thieu-tac-gia-vu-trong-phung-tieu-thuyet-so-do-chuong-hanh-phuc-cua-mot-tang-gia

Giới thiệu tác giả Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết “Số đỏ” và chương “Hạnh phúc của một tang gia”.

Giới thiệu tác giả Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết “Số đỏ” và chương “Hạnh phúc của một tang gia”.

1. Tác giả Vũ Trọng Phụng.

Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) quê ở làng Hảo (Bần Yên Nhân), huyện Mĩ Hào, tỉnh Hưng Yên, nhưng sinh ra, lớn lên và mất ở Hà Nội. Mồ côi cha từ thuở ấu thơ, gia đình nghèo, Vũ Trọng Phụng được bà mẹ tần tảo nuôi cho ăn học. Ông viết văn sớm, có truyện đăng báo từ năm 1930. Vũ Trọng Phụng viết nhiều thể loại nhưng nổi tiếng với hai thể tiểu thuyết và phóng sự.

Quá trình sáng tác của Vũ Trọng Phụng diễn ra trong khoảng 9 năm (1930-1939). Ông nổi tiếng sớm với danh hiệu “ông vua phóng sự đất Bắc”. Năm 1936 là năm chói lọi nhất của ông với các kiệt tác : Giông tố, Số đỏ, Cơm thầy cơm cô. Vũ Trọng Phụng viết đủ các thể loại văn xuôi, nhưng tài năng ông thể hiện trội nhất ở hai thể văn: phóng sự và tiểu thuyết phóng sự.

Về phóng sự, ông thường “mở những cuộc điều tra” nhằm đúng vào những tệ nạn nhức nhối nhất của xã hội : nạn mại dâm, nạn cờ bạc, nạn tham nhũng v.v… và có cách tiếp cận thông minh, độc đáo, đi vào cốt lõi của vấn đề. Ông có tài quan sát và miêu tả rất sắc sảo, khiến sự việc và con người hiện ra linh hoạt, sống động như trên màn ảnh. Nghệ thuật trần thuật biến hóa, hấp dẫn, nhiều giọng điệu và giàu chất hài hước. Ngôn ngữ đây góc cạnh với những lối ví von so sánh hết sức mới lạ, độc đáo…

Vũ Trọng Phụng viết nhiều tiểu thuyết đặc sắc, nhưng Giông tốSố đỏ trội hơn cả. Giông tố xây dựng được một điển hình bất hủ: một tên đại địa chủ, đại tư sản, đại dâm, đại ác và đại gian hùng. Về quan hệ xã hội, Nghị Hách có đầy quyền lực để đảo ngược công lý do liên kết với thực dân, quan lại. Về quan hệ gia đình, hắn có thể dựa ngay vào sự loạn luân của con cái để quảng cáo cho “óc bình dân” đang là cái mốt thời Mặt trận dân chủ Đông Dương để tranh ghế Nghị trưởng… Số đỏ là một cuốn tiểu thuyết trào phúng không tiền khoáng hậu. Mỗi chương là một màn hài kịch đặc sắc. Nghệ thuật hài hước, châm biếm phong phú, đa dạng. Tác phẩm ném ra hàng loạt chân dung biếm họa tài tình, bút pháp phóng đại tưởng như hết sức phóng túng, tùy tiện mà vẫn phản ánh được chân thực xã hội đương thời, tạo nên những điển hình hiện thực chủ nghĩa có thể sống mãi với thời gian.

Vũ Trọng Phụng cũng có một số truyện ngắn đặc sắc; cách trần thuật giàu kịch tính. Ông có ngòi bút tả chân sắc và lạnh, dựng nên những cảnh tượng ghê sợ khí con người mất hết lương tâm vì đồng tiền (Bộ răng Ung, ương tổng tiên…). Một số truyện khác phân tích và diễn tả tâm lý khá sắc sảo (Một đồng bạc, Máu mê, Lòng tự ái, Cái ghen đàn ông).

Xuyên suốt các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là tư tưởng bi quan định mệnh chủ nghĩa, bắt nguồn từ nhận thức về tình trạng mà ông gọi là “vô nghĩa lý” bao trùm cả xã hội và mọi kiếp người. Đây là con người ráo riết đi tìm nghĩa lý của cuộc đời mà bất lực. Tư tưởng này tất nhiên là tiêu cực, tuy vậy cũng phản ánh được qua lăng kính siêu hình những hiện tượng ngẫu nhiên may rủi và vô lý khá phổ biến trong một xã hội đầy biến động, đang trên quá trình phân hóa dữ dội. Bên cạnh tư tưởng định mệnh nói trên, Vũ Trọng Phụng còn thể hiện một tâm trạng phẫn uất mãnh liệt đối với xã hội, mà công lý là lẽ phải thuộc về kẻ có quyền và có tiền, trong đó tác giả chính là một trong những nạn nhân điêu đứng nhất. Tâm trạng này đã mài sắc ngòi bút châm biếm, đả kích bậc thầy của nhà văn.

Vũ Trọng Phụng có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. Ông có một sức tưởng tượng tổng hợp rất mạnh, nghĩa là có thể tạo ra một thế giới hình tượng bao quát cả một mảng đời sống rộng lớn và bề bộn.

Chẳng hạn như tác phẩm Giông tố. Thế giới nhân vật của cuốn tiểu thuyết này bao gồm rất nhiều loại người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, từ nông thôn đến thành thị, từ nông dân đến trí thức, từ lưu manh mật thám đến chính khách, từ gái quê, gái điếm đến gái tân thời, từ cường hào địa chủ đến quan lại các cấp v.v…

Số đỏ thì người đọc có thể bắt gặp hầu hết các loại người của xã hội thành thị thuộc các giới khác nhau: đốc tờ, nhà thơ, họa sĩ, nhà thể thao, nhà sư, hội viên Hội khai trí tiến đức, nhà cải cách y phục, me Tây, gái mới, thầy tướng, chủ khách sạn, chủ hiệu thuốc, cảnh sát, ký phán, vua Bảo Đại, vua Xiêm, khâm sứ Pháp, cố văn Đức, cố vấn Nhật v.v… Và xã hội không phải ở trạng thái tính mà đầy biến động số phận các nhân vật luôn biến đổi, biến động, hoặc lên voi, xuống chó, ông hóa thằng, thằng hóa ông, cứ đan chéo vào nhau tạo nên nhiều tấn bi hài kịch dở cười dở khóc v.v…

Truyện Vũ Trọng Phụng thường có khuynh hướng khái quát triết lý ở nhiều cấp độ khác nhau, mà bao trùm hơn hết là triết lý bi quan định mệnh. Vũ Trọng Phụng còn là một cây bút trào phúng bậc thầy. Ông tạo ra tiếng cười hầu đủ mọi cung bậc, từ hài hước, mỉa mai đến đả kích chết tươi. Tài nghệ này đặc biệt tâp trung ở Số đỏ. Ở tác phẩm này, lối hài hước hiện đại. phương Tây đã kết hợp được một cách thú vị với truyền thống trào phúng dân gian kết tỉnh ở những truyện tiếu lâm: Trạng Quỳnh, Trạng Lợn v.v…

Vũ Trọng Phụng là một tài năng lớn. Không ai phủ nhận điều ấy. Cuộc đời tuy hết sức ngắn ngủi nhưng ông đã để lại một sự nghiệp văn chương phong phú, trong đó có những kiệt tác. Song, về tư tưởng, Vũ Trọng Phụng quả là một hiện tượng phức tạp. Đây là con người được bàn đến nhiều nhưng ít.được hiểu đúng. Có thể xem Vũ Trọng Phụng là một trường hợp thử thách gay gắt đối với nhà nghiên cứu về quan điểm và phương pháp khoa học, về thái độ trung thực đối với chân lý.

2. Tiểu thuyết Số đỏ.

Số đỏ là một tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10 năm 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường và tác phẩm đã được dựng thành kịch, phim. Nhân vật chính của Số đỏ là Xuân – biệt danh là Xuân Tóc đỏ, từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó.

Tác phẩm Số đỏ, cũng như các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng đã từng bị cấm lưu hành tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975 cũng như tại Việt Nam thống nhất từ năm 1975 cho đến năm 1986. Cho đến nay, tác phẩm Số đỏ đã được tái xuất bản và được phê duyệt ở Việt Nam. Đồng thời đoạn trích của tác phẩm này cũng được đưa vào chương trình học ở trong nước (Sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập 1 với tên gọi: Hạnh phúc của một tang gia).

Truyện dài 20 chương và được bắt đầu khi bà Phó Đoan đến chơi ở sân quần vợt nơi Xuân tóc đỏ làm việc. Vô tình Xuân tóc đỏ vì xem trộm một cô đầm thay đồ nên bị cảnh sát bắt giam và được bà Phó Đoan bảo lãnh. Sau đó, bà Phó Đoan giới thiệu Xuân đến làm việc ở tiệm may Âu Hóa, từ đó Xuân bắt đầu tham gia vào việc cải cách xã hội. Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu, hắn được vợ chồng Văn Minh gọi là “sinh viên trường thuốc”, “đốc tờ Xuân”. Hắn gia nhập xã hội thượng lưu, quen với những người giàu và có thế lực, quyến rũ được cô Tuyết và phát hiện cô Hoàng Hôn ngoại tình. Xuân còn được bà Phó Đoan nhờ dạy dỗ cậu Phước, được nhà sư Tăng Phú mời làm cố vấn cho báo Gõ Mõ. Vì vô tình, hắn gây ra cái chết cho cụ cố tổ nên được mọi người mang ơn. Văn Minh vì nghĩ ơn của Xuân nên dẫn Xuân đi xóa bỏ lý lịch trước kia rồi đăng ký đi tranh giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm đến Bắc Kì. Bằng thủ đoạn xảo trá, hắn làm 2 vận động viên quán quân bị bắt ngay trước hôm thi đấu nên Xuân được dịp thi tài với quán quân Xiêm. Vì để giữ tình giao hảo, hắn được lệnh phải thua. Kết thúc trận đấu, khi bị đám đông phản đối, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho đám đông dân chúng hiểu hành động “hy sinh vì tổ quốc của mình”, được mời vào hội Khai trí tiến đức, được nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh và cuối cùng trở thành con rể cụ cố Hồng.

Bằng ngòi bút trào phúng độc đáo, Số đỏ lên án gay gắt cái xã hội tư sản thành thị Việt nam đang chạy theo lối sống văn minh rởm hết sức lố lăng đồi bại đương thời. Tác giả đã đả kích cay độc các phong trào “Âu hóa”, “thể thao”, “giải phóng nữ quyền” đang phát triển rầm rộ khi ấy, nhân danh “văn minh”, “tiến bộ”, “cải cách xã hội” mà thực chất chỉ là ăn chơi trụy lạc, làm tiền, chà đạp trắng trợn lên mọi nền nếp đạo đức truyền thống…

Số đỏ tuy chỉ tập trung phê phán xã hội tư sản về phương diện đạo đức, sinh hoạt. Đây là một hạn chế – song tác phẩm vẫn có màu sắc chính trị thời sự và có tính chiến đấu rõ rệt…Tuy nhiên, sự phản ánh hiện thực của Số đỏ có rộng song chưa thật sâu. Trong khi lật mặt bọn bịp bợm giả danh “bình dân”, ít nhiều nhà văn vẫn để lộ cái nhìn miệt thị đối với quần chúng lao động. Quan điểm sinh lý thô bạo – ảnh hưởng của học thuyết Phrơt khi giải thích “cái dâm của loài người” và sự miêu tả có phần sống sượng đây đó, cũng hạn chế chiều sâu nhận thức và sức tố cáo của tác phẩm.

3. Chương truyện: Hạnh phúc của một tang gia.

Hạnh phúc của một tang gia thuộc chương XV của tác phẩm. Qua việc miêu tả một đám tang, nhà văn đã vạch trần thói đạo đức giả của một đại gia đình bất hiếu, từ đó phản ánh sự xuống cấp của đạo đức xã hội.

“Hạnh phúc của một tang” gia xoay quanh câu chuyện của một người chết là cụ Cố tổ, từ khi cụ ngấp ngoái chết đến khi chết thật. Chuyện bắt đầu cũng xảy ra từ khi ông cụ mất và câu chuyện cũng chỉ có ý nghĩa từ giây phút này. Cụ chết để lại cho con cháu cơ hội để khoe mẽ với thiên hạ những nghịch lý của “thế hệ con cháu” hiếu thảo bằng những bộ trang phục âu hóa nửa tây nửa ta lẫn những trò “mèo mả gà đồng” của dâu con lẫn người xung quanh. Cái đám ma to tát cụ cố Hồng là một cuộc diễu hành của buổi lễ hội di động bằng mọi trò hề của tầng lớp trung thượng lưu. Cảnh hạ huyệt đã nói lên một cá xã hội giả nhân giả nghĩa, các diễn viên đa tài trong đám tang cụ cố tổ.

Qua đoạn trích, tác giả đã phơi bày những trò nhố nhăng, phi đạo đức lẫn truyền thống của những kẻ sống núp dưới gót giày thực dân xâm lược, là bức tranh toàn cảnh của xã hội đương thời đầy thối nát lúc ấy.

Phân tích chương truyện “HẠNH PHÚC CỦA MỘT TANG GIA” (trích tiểu thuyết SỐ ĐỎ) của Vũ Trọng Phụng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang