gioi-thieu-vai-net-ve-nha-van-lo-tan

Giới thiệu nhà văn Lỗ Tấn

Giới thiệu nhà văn Lỗ Tấn

1. Tiểu sử.

Lỗ Tấn tên thật là Chu Thụ Nhân, tự là Dự Tài, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881 tại phường Đông Xương, phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang trong một gia đình quan lại đã sa sút. Ông nội là Chu Phúc Thanh, đỗ tiến sĩ đời Thanh, có chân trong viện hàn lâm, sau là tri huyện, can án trường thi nên bị cách chức hạ. Cha của ông là Chu Phượng Nghi (tức Bá Nghi) đỗ tú tài nhưng không được ra làm quan, thường ốm đau, thích rượu chè, tính tình nóng nảy, tuy vậy ông vẫn chăm lo tới việc học hành của Lỗ Tấn. Ông bị bệnh và mất sớm. Mẹ của ông là Lỗ Thụy. Bà người thôn quê nhưng bà tự học có thể đọc sách được.Bà là người sớm có ảnh hưởng đến khả năng văn chương của Lỗ Tấn kể cho ông nghe nhiều truyện cổ dân gian. Lỗ Tấn là bút danh ông lấy từ họ mẹ.

Lỗ Tấn học vỡ lòng từ năm 6 tuổi. Năm 12 tuổi học trường Tam Vị tới năm 17 tuổi. Từ thuở bé, ông đã là người ham hiểu biết, thích đọc sách, ham mê truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết và thích xem hát tuồng, xem tranh dân gian. Hàng năm mùa hè đến Lỗ Tấn thường theo mẹ về quê ngoại ở thôn An Kiều. Những dịp đó lỗ Tấn có điều kiện tiếp xúc với con em nông dân, hiểu được cuộc sống của họ. Vốn có ác cảm với lễ giáo phong kiến từ lúc bé qua sách vở, lớn lên mục kích cảnh đau khổ của nhân dân, nhìn rõ con đường suy vong của đất nước, Lỗ Tấn căm ghét, nuôi một tinh thần chống lại nó, ông quyết tâm đi “tìm con đường khác, đi xứ khác, tìm những con người khác”.

Năm 1898, ông đến Nam Kinh theo học ở Thủy sư học đường (trường đào tạo nhân viên hàng hải). Học ở đây một năm, ông chuyển qua trường Khoáng Lộ, học kĩ sư hầm mỏ. Trong thời gian này ông đã thu nhận được nhiều kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội của phương Tây, tiếp thu tư tưởng duy tân, hiểu được tinh thần dân chủ, chịu hưởng khá sâu sắc quan điểm tiến hóa của Đácuyn.

Tháng 3 năm 1902, Lỗ Tấn tốt nghiệp trường Khoáng Lộ, ông được cử đi du học Nhật Bản, tại đây ông tham gia Quang Phục hội, một tổ chức yêu nước của người Trung Quốc.

Sau hai năm học tiếng Nhật, năm 1904, ông chính thức vào học ngành Y ở trường Đại học Tiên Ðài. Ông học thuốc với hi vọng lấy nó để đưa Trung Quốc vào con đường tiến bộ, cường thịnh nhưng ông nhận ra rằng y học không phải là việc cần thiết trước mắt mà theo ông “điều chũng ta cần phải làm trước hết là biến đổi tinh thần họ, mà theo tôi hồi đón muốn biến đổi tinh thần họ tất nhiên không gì bằng văn nghệ. Thế là tôi định đề xướng phong trào văn nghệ” (Tựa viết lấy) vì thế năm 1906, ông thôi học và bắt đầu hoạt động văn nghệ bằng việc dịch và viết một số tiểu luận giới thiệu các tác phẩm văn học châu Âu như thơ Puskin, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Jules Vernes.

Năm 1908, Lỗ Tấn Tham gia Quang phục hội, một tổ chức cách mạng chống lại triều đình Mãn Thanh.

Năm 1909, vì hoàn cảnh gia đình, Lỗ Tấn trở về Trung Quốc. Năm1910,Lỗ Tấn trở về quê nhà và dạy ở trường trung học Thiệu Hưng và có làm hiệu trưởng trường sư phạm Thiệu Hưng một thời gian.

Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi bùng nổ, ông tham gia cách mạng, sau đó được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường sư phạm Thiệu Hưng.

Năm 1912, chính phủ lâm thời Trung Quốc thành lập, Lỗ Tấn đến nhận chức kiểm sự tại bộ Giáo dục. Sau đo ông theo chính phủ dời tới Bắc Kinh.

Từ 1912 đến 1917, Lỗ Tấn dồn sức lực, tâm trí vào việc khảo cứu, hiệu đính, nghiên cứu sách cổ, kinh kệ Phật.

Năm 1917, cách mạng tháng mười Nga thành công mở ra con đường mới giải phóng cho nhân dân lao động. Nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến tầng lớp trí thức Trung Quốc trong đó có Lỗ Tấn.

Tháng 5 năm 1818, Lỗ Tấn cho ra đời truyện ngắn: Nhật kí người điên. Lỗ tấn lao vào hoạt động sáng tác, tuyên truyền với tư thế chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đó.

Từ 1920 đến 1925, Lỗ Tấn làm việc tại các trường Đại học Bắc Kinh, Cao đẳng Sư phạm Bắc Kinh và Đại học nữ Sư phạm Bắc Kinh. Trong thời gian này ông đã viết A.Q chính truyện (1921),

Từ năm 1926,chính phủ Đoàn Kì Thụy thẳng tay đàn áp cuộc đấu tranh chính trị của trường đại học nữ Sư phạm Bắc Kinh, ông viết báo vạch trần tội ác của chính phủ này, ca ngợi lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường của thanh niên học sinh và bị chính phủ Đoàn Kì Thụy theo dõi buộc ông phải dời Bắc Kinh tới Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) và làm việc tại trường Đại học Hạ Môn. Ðầu năm 1927, Lỗ Tấn đến Quảng Châu, làm trưởng phòng giáo vụ kiêm chủ nhiệm khoa Văn của trường Đại học Trung Sơn.

Tháng 10 năm 1927, ông rời Quảng Châu tới Thượng Hải. Ông đã nhận ra được rằng “chỉ có giai cấp vô sản đang lên mới có tương lai”. Từ đây trở đi Lỗ Tấn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản để sáng tác và hoạt động xã hội. Ông dồn sức lực vào hoạt động sáng tác văn học.

Năm 1928, ông tham gia Trung Quốc cách mạng hỗ tế hội, làm chủ biên Tạp chí Dòng nước xiết và Ngữ ty.

Đầu năm 1929, ông cùng một số thanh niên tiến bộ lập nên nhóm Triêu hoa và xuất bản Triêu hoa chu san nhằm giới thiệu văn học Nga Xô viết. Cũng lúc này Lỗ Tấn bắt tay vào dịch và giới thiệu có hệ thống lí luận văn nghệ mác xít.

Năm 1930, Lỗ Tấn cùng một sỗ nhà văn như Úc Đạt Phu, Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn …thành lập hội liên hiệp các nhà văn cánh tả dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Năm 1933, Lố Tấn đã tham gia vào rất nhiều hoạt động: trao thư phản kháng những hành động sát hại dã man của phát xít Hitle đối với công nhân, trí thức ở Đức, tổ chức hội nghị Viễn Đông, ra nhập nhiều tổ chức xã hội.

Trong 9 năm sống Ở Thượng Hải, ông đã viết nhiều tạp văn, truyện ngắn và biên dịch một sỗ tác phẩm văn học thế giới trong đõ nhiều nhất là văn học Nga…Ông làm việc dồn dập không chút nghỉ ngơi. Bệnh lao ngày càng trầm trọng và ngày 19 tháng 10 năm 1936, Lỗ Tấn qua đời.

2. Sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn

Trong hành trình văn nghiệp của mình, Lỗ Tấn đã tạo ra một số lượng tác phẩm phong phú với nhiều thể loại: truyện ngắn, thơ cổ, thơ mới, kịch, khảo cứu, nghị luận, phê bình, dịch thuật, tạp văn… Trong đó, truyện ngắn được coi là thành công hơn cả.

Năm 1918, truyện ngắn đầu tay của Lỗ Tấn là Nhật kí người điên được in trên tờ Thanh niên mới số tháng 5 – 1918, truyện được lấy tên dựa theo truyện ngắn Nhật ký của một người điên của Gogol.

Từ năm 1921 đến 1927 có thể nói là những năm đỉnh cao trong sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn với sự ra đời của hai tập truyện ngắn nổi tiếng: Gào thét (1921 – 1924) gồm 14 truyện và Bàng hoàng (1924 – 1925) gồm 11 truyện. Trong đó có A.Q chính truyện – tác phẩm được biết đến rộng rãi nhất trong sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn.

Nội dung bao trùm trong những truyện ngắn của Lỗ Tấn là cuộc sống của người nông dân, cuộc sống người phụ nữ, người phụ nữ và vấn đề cách mạng… Cương lĩnh sáng tác của ông là vạch trần cái xấu xa của xã hội lớp trên, phản ánh nỗi bất hạnh của xã hội lớp dưới.

Tạp văn chiếm một số lượng khá lớn trong di sản văn học Lỗ Tấn. Theo nhà nghiên cứu Trần Xuân Đề, Lỗ Tấn có 650 bài tạp văn được thu thập trong 16 tập, chia làm hai loại: Một loại thiên về nghị luận và một loại thiên về trữ tình, tự sự. Có thể kể đến một số tác phẩm như: Quan niệm của tôi về tiết liệt, Nôra đi rồi thì ra sao, Dạo bút dưới đèn, Kỷ niệm Lưu Hòa Trân, Hoa hồng không hoa…

Nội dung chiếm lĩnh hầu hết những bài tạp văn này là quan điểm của nhà văn về xã hội Trung Quốc thông qua những vấn đề mà ông đề cập: như vấn đề người phụ nữ, vấn đề “người ăn thịt người” hay thái độ xót xa về tình cảnh của đất nước Trung Quốc thời phong kiến. Tính chiến đấu phản đế, phản phong thể rất rỗ trong những tác phẩm này, đồng thời Lỗ Tấn đã kế thừa tư tưởng vô sản như một phương tiện hữu hiệu để tăng tính chiến đấu cho các tác phẩm của mình.

Lỗ Tấn còn có tập thơ văn xuôi Cỏ dại giàu tính hiện đại, nói về cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống thế lực đen tối đang ám ảnh, thể hiện nỗi u uất và buồn đau, nỗi căm hờn và tinh thần chiến đấu.

Ngoài ra, Lỗ Tấn còn sáng tác kịch, viết nghiên cứu lý luận phê bình và dịch nhiều tác phẩm của văn học Nga sang tiếng Trung. Nhưng, truyện ngắn và tạp văn vẫn được coi là những thành công rực rỡ nhất trong sự nghiệp văn học của ông.

3. Phong cách nghệ thuật.

Lỗ Tấn là nhà văn hiện thực xuất sắc của Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Ông là người khởi xướng đổi mới hình thức thể loại truyện ngắn và phát triển thể loại tạp văn.

Về bút danh: Lỗ Tấn ghép từ họ mẹ – bà Lỗ Thụy và chữ Tấn trong chữ tấn hành nghĩa là đi nhanh lên, do lúc nhỏ Lỗ Tấn thường đi học muộn, bị thầy giáo phê bình, ông khắc lên bàn hai chữ tấn hành để tự nhắc nhở mình cần nhanh hơn; sau này ghi nhớ kỉ niệm đó và cũng để nhắc nhở mình nên ông lấy bút danh Lỗ Tấn.

Cuối thế kỉ XIX, do sự xâm lược và chia cắt của các nước đế quốc (Nga, Nhật, Anh, Pháp, Đức) nên Trung Quốc thành một nước nửa pk nửa thuộc địa ốm yếu, què quặt, lạc hậu. Thanh niên TQ cuối XIX-đầu XX đều trăn trở tìm đường “cứu vong” cho dân tộc. Lỗ Tấn là một trong những người tiên phong đó. Tuổi trẻ, ông đã nhiều lần đổi nghề để tìm một con đường cống hiến cho tương lai dân tộc: lúc đầu vì mong ước đi nhiều nơi nên ông học nghề hàng hải, sau đó ông thấy đất nước có nhiều tài nguyên và nghĩ khai thác tài nguyên làm giàu cho đất nước nên đổi sang nghề khai mỏ.

Và rồi nhờ học giỏi ông được học bổng sang Nhật, lúc này ông chứng kiến có nhiều người bệnh nghèo không có thuốc chữa trị, một số người chết vì những phương thuốc lạc hậu (giống như cha ông: chữa bệnh phù thủng bằng phương thuốc là rễ cây mía kinh sương 3 năm và một đôi dế đủ cả con đực, con cái) nên ông chọn học nghề y với hi vọng về nước sẽ chạy chữa cho những con bệnh vì ngu dốt bị lừa bịp mà chết, lúc chiến tranh sẽ xin vào quân y.

Nhưng rồi nhân một lần xem phim thời sự giữa giờ học, Lỗ Tấn thấy cảnh một người Trung Quốc bị quân Nhật trói ở giữa chuẩn bị xử chém, xung quanh là những kẻ đứng xem, người nào người nấy thân thể khỏe mạnh còn vẻ mặt thì đần độn. Từ đó ông nhận thấy học thuốc không còn là việc quan trọng vì dân mà còn ngu muội, hèn nhát thì dù thân thể có khoẻ mạnh, cường tráng cũng chỉ có thể làm thứ người mà người ta đem ra chém đầu thị chúng và và thứ người đứng xem vô vị như thế kia mà thôi. Cho nên điều trước tiên là phải biến đổi tinh thần họ. Và theo ông để làm điều đó không gì hiệu quả bằng văn nghệ nên cuối cùng ông theo nghề viết văn để thức tỉnh quốc dân đồng bào.

Con đường gian nan để chọn ngành chọn nghề của Lỗ Tấn vừa mang dấu ấn của lịch sử Trung Hoa thời cận hiện đại vừa nói lên tâm huyết của một người con ưu tú của dân tộc.

Chủ đề nổi bật trong sáng tác của Lỗ Tấn: chọn đề tài từ cuộc sống của những người bất hạnh trong xh với bệnh tật, với mục đích lôi hét bệnh tật của họ ra, làm cho mọi người chú ý tìm cách chạy chữa: phép thắng lợi tưởng tượng, an phận, cam chịu, dửng dưng, vô cảm… Ông còn có 16 tập tạp văn, 75 bài thơ…

Bác Hồ thời trẻ rất thích đọc tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn vì ở đây có sự gặp gỡ của lí tưởng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, sự đồng điệu hai tâm hồn nghệ sĩ, sự gặp gỡ của 2 ngòi bút châm biếm chính trị…Nhà thơ, nhà phê bình văn học Trung Quốc – Quách Mạc Nhược từng nói: “Trước Lỗ tấn chưa hề có Lỗ Tấn, sau Lỗ Tấn có vô vàn Lỗ Tấn.” Câu nói này cho thấy tầm ảnh hưởng lớn lao của nhà văn Lỗ Tấn đối với văn hóa, văn nghệ Trung Quốc.

Những năm 30 của thế kỉ XX, nhà văn Lỗ Tấn từng được đề cử làm ứng viên giải thưởng Nô-ben về văn học nhưng ông từ chối với lời tâm sự cùng bạn bè: “Nếu lấy tiền thưởng rồi không viết được gì hay hơn thì thật xấu hổ; chi bằng cứ sống nghèo khổ không tiếng tăm gì nhưng nhàn tâm mà hơn”. Năm 1981, Lỗ Tấn được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Ông còn được xem là “linh hồn dân tộc” Trung Hoa.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang