giong-dieu-nghe-thuat-trong-tac-pham-van-hoc

Giọng điệu nghệ thuật trong tác phẩm văn học

Giọng điệu nghệ thuật trong tác phẩm văn học

Khái niệm giọng điệu nghệ thuật.

Giọng điệu nghệ thuật là phương diện thể hiện thái độ, tình cảm của nhà văn về đối tượng phản ánh. Cảm hứng chủ đạo chính là nền tảng của giọng điệu trong sáng tác của nhà văn. Theo đó, cảm hứng chủ đạo sẽ chi phối giọng điệu của tác giả trong tác phẩm, việc tìm hiểu giọng điệu trong một tác phẩm cụ thể nào đó phải luôn được xem xét trong mối quan hệ với cảm hứng chủ đạo, vì cảm hứng chủ đạo là căn cốt, nguồn cội, còn giọng điệu là hình thái biểu hiện xúc cảm, thái độ của cảm hứng chủ đạo. Chẳng hạn, cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Đỗ Phủ là Cùng niên ưu lê nguyên, theo đó, giọng điệu chính trong thế giới nghệ thuật của ông là thương cảm, đau xót, âu lo. Cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Tố Hữu là tin Đảng, yêu cách mạng nên giọng điệu của thơ ông là ngợi ca, tự hào, động viên.

Đặc điểm của giọng điệu trong tác phẩm nghệ thuật.

Giọng điệu mang nội dung tình cảm, thái độ ứng xử của tác giả trước các hiện tượng đời sống, cũng như các vấn đề mà tác giả đặt ra trong tác phẩm. Chẳng hạn, thái độ thảng thốt, tiếc xót của Xuân Diệu khi mùa thu tới thể hiện qua điệp ngữ: Đây mùa thu tới, mùa thu tới,/ Với áo mơ phai dệt lá vàng. Đó không phải là tiếng reo vui, háo hức đón chờ mùa thu tới, mà là tiếng kêu thảng thốt, buồn thương, vì khi mùa thu tới thì sắc đỏ rủa màu xanh, vì hoa đã rụng cành, cây còn trơ lại đôi nhánh khô gầy, trăng tự ngẩn ngơ, và khí trời u uất hận chia ly. Chân dung tinh thần Nguyễn Du hiện lên ở nét vẽ từ những sắc thái chua xót, buồn đau về thế sự ngay ở những dòng thơ đầu của Truyện Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Ở giọng đay nghiến, lên án sự bất công, oan trái, bế tắc:

Chém cha cái số hoa đào
Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Giọng điệu trong tác phẩm văn học thường có các hình thức như giọng điệu tác giả và giọng điệu nhân vật. Giọng điệu tác giả thường là giọng điệu của người thuật chuyện đối với tự sự; người thể hiện cảm xúc, ý nghĩ đối với trữ tình. Giọng điệu nhân vật là tình cảm, thái độ của nhân vật trong tác phẩm ở những cảnh huống giao tiếp hay độc thoại cụ thể. Có khi, giọng điệu tác giả và nhân vật song trùng, nếu tác giả hóa thân vào nhân vật và để cho nhân vật nói thay mình. Chẳng hạn giọng điệu tác giả song trùng với giọng điệu nhân vật Độ trong tác phẩm Đôi mắt của Nam Cao.

Giọng điệu có các sắc thái cơ bản như: Giọng thương cảm, xót xa, cảm thông, bi ai, bi tráng, bi phẫn, bi lụy; giọng trào phúng, tự trào, giễu nhại, chê bai; giọng phê phán, tố cáo, lên án; giọng trầm tĩnh, sắc lạnh, lạnh lùng; giọng hồ hởi, phấn khởi, nồng nàn; giọng kêu gọi, thúc giục. Trong thực tế, có khi một tác phẩm bao hàm nhiều kiểu giọng điệu đan cài với nhau, nhất là tác phẩm lớn và có nhiều tình huống, nhân vật khác nhau, tương phản nhau.

Khi phân tích giọng điệu trong tác phẩm văn học, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, căn cứ vào tính tổng hợp thẩm mĩ của cảm hứng chủ đạo để xác định giọng điệu chính. Tính tổng hợp thẩm mĩ là hệ quả của sự phối ứng từ nhiều phân hệ của giọng điệu. Mỗi một tác phẩm, bất kể thể loại, độ dài ngắn khác nhau nhưng đều có tính tổng hợp thẩm mĩ. Có thể coi nó là giọng chủ, là cái lõi của tư tưởng nghệ thuật. Trên cơ sở nắm được tính tổng hợp thẩm mĩ của tác phẩm, mới đi vào tìm hiểu, phân tích giọng điệu của tác phẩm một cách cụ thể mà không bị lạc hướng.

Hai là, căn cứ vào giọng điệu vĩ mô chung của thời đại, trào lưu, xu hướng. Mỗi thời đại, giai đoạn văn học, do sự chi phối của lịch sử, đời sống xã hội, các quan hệ hiện thực và quan niệm văn học, tư duy văn học và mĩ cảm của thời đại đó, nên tác phẩm thường nằm trong sự tham chiếu chung của các giọng điệu vĩ mô. Ví dụ: Văn học Việt Nam thời Lý – Trần thường có giọng hùng tráng, hào sảng; giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX lại có giọng thương đau, tuyệt vọng, phê phán; giai đoạn văn học lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945 thường có giọng điệu buồn thương, bi ai; trong khi văn học hiện thực phê phán giai đoạn này lại có giọng thương cảm và phê phán. Văn học Việt Nam thời chống Mĩ thường có chung giọng điệu sử thi trong âm vang chung của cộng đồng, động viên, ngợi ca, tin tưởng.

Ba là, căn cứ vào tình cảm thái độ, tư tưởng chung trong phong cách tác giả. Mỗi một tác giả có thể có nhiều tác phẩm nhưng trong hệ tác phẩm thường có tính chung của giọng điệu. Chính điều này góp phần làm nên tính thống nhất trong phong cách nghệ thuật của tác giả đó. Tính thống nhất ở những mức độ nhất định nào đó trong hệ tác phẩm của một tác giả thường do kiểu dạng tâm lý, tính cách, kiểu quan niệm nghệ thuật, hoàn cảnh sống của cá nhân và đặc điểm thời đại…, chi phối, tác động và là những nhân tố góp phần tạo thành giọng điệu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp tác giả sống ở hai thời đại lịch sử khác nhau, hai hoàn cảnh xã hội và cuộc sống con người khác nhau về bản chất thì giọng điệu của từng tác phẩm lại được thể hiện trong từng giai đoạn sáng tác khác nhau. Ví dụ trường hợp giọng điệu của thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945; giọng điệu của Nguyễn Minh Châu trong các sáng tác trước và sau 1975.

Bốn là, căn cứ vào các yếu tố cụ thể trong tác phẩm như tình cảm, thái độ của nhà văn đối với nhân vật và hiện thực cuộc sống; thái độ trong lời văn, trong ngôn từ nhân vật; thái độ trong việc sử dụng hệ thống tình thái từ như ơi, thương ôi, thương thay, hỡi ôi… Ví dụ: “Hỡi ôi, súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ…/ Khá thương thay, vốn chẳng phải quân cơ quân vệ, theo dòng ở lính nghĩa binh; chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ” (Nguyễn Đình Chiểu); “Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi” (Quang Dũng); “Huế ơi, quê mẹ của ta ơi” (Tố Hữu); “Em ơi, buồn làm chi,/ Anh đưa em về bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm). Có khi tình cảm, thái độ của nhà văn giữa từ ngữ được dùng theo sắc thái biểu cảm thông thường với giọng điệu thật của tác giả khác nhau. Chẳng hạn, trong Chí Phèo, Nam Cao gọi Chí Phèo bằng hắn, gọi bá Kiến bằng cụ. Cách gọi đó không phải giọng thật mà là cách nhà văn mượn lời dân làng quen gọi như thế. Còn giọng thật về Chí Phèo là thương cảm, đau xót, về bá Kiến là phẫn uất, lên án lại nằm trong cái nhìn, quan niệm của nhà văn, trong xu thế vận hành của hình tượng, và trong giá trị nhân văn của tác phẩm. Đồng thời cũng nằm trong những điểm xuyết ở cách chỉ bá Kiến bằng từ người ta: Hắn làm điều đó trong khi say, hắn làm điều đó vì người ta bảo hắn làm và bao nhiêu việc ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm. Hoặc như trong bài thơ Hỏi thăm quan tuần mất cướp của Nguyễn Khuyến, lời thơ mang tính hai giọng: Giọng ngoài, giọng nổi là quan tâm, ân cần, lo lắng nhưng giọng trong, giọng chìm là mỉa mai, khinh thị: Cướp của, đánh người, quân tệ nhỉ!/ Xương già da cóc có đau không?/ Bây giờ trót đã sầy da trán,/ Ngày trước đi đâu mất mảy lông./ Thôi cũng đừng nên ki cóp nữa,/ Kẻo mang tiếng dại với phường ngông.

Mỗi một tác phẩm tự nó là một chỉnh thể. Cái chung của giọng chủ trong tính tổng hợp thẩm mĩ được thể hiện trong từng cung bậc, sắc thái, chi tiết cụ thể. Những tác phẩm lớn có thể có nhiều giọng điệu. Ví dụ Nhật kí trong tù là bản hòa tấu độc đáo, đa dạng của nhiều giọng, nhiều điệu, nhiều cung bậc, nhiều sắc thái biểu cảm. Điều đó thể hiện sự phong phú, mẫn cảm, tinh tế của tâm hồn Hồ Chí Minh. Có những giọng, những điệu nổi bật như: khẳng khái (Bài đề từ); tự bạch, chân thực (Khai quyển), mạnh mẽ, rắn rỏi (Việt Nam có báo động, Bốn tháng rồi); thương cảm (Người bạn tù cờ bạc vừa chết, Vợ người bạn tù đến thăm chồng); ung dung, thư thái (Trên đường đi); triết lí, triết luận (Nghe tiếng giã gạo, Nửa đêm); tự trào, hóm hỉnh (Ghẻ lở, Dây trói); thì thầm, cảm thông (Cảnh chiều hôm) …Tất cả hài hòa, đan xen, phối kết trong sự đa thanh nhưng thống nhất vì chúng là những nét dáng tâm trạng, tâm hồn, tư tưởng, tình cảm và thái độ của Hồ Chí Minh luôn sống và ứng xử theo nguyên tắc Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Thế nên các giọng, điệu không mâu thuẫn, loại trừ mà biến ảo, biện chứng và được diễn trình qua nhiều cung bậc của cái nhìn, điểm nhìn, chuỗi điểm nhìn nghệ thuật. Giọng điệu là một phần của cấu trúc thẩm mĩ hình tượng, Nó là một kênh, một lối dẫn đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, góp phần giúp độc giả hiểu đúng bản chất thẩm mĩ của hình tượng, đặc biệt là hình tượng tác giả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang