Cảm nhận truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh (dưới góc độ thi pháp)

phan-tich-truyen-thuyet-son-tinh-thuy-tinh-duoi-goc-do-thi-phap

Cảm nhận truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh dưới góc độ thi pháp

Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh vốn bắt nguồn từ thần thoại cổ về thần núi Tản Viên, được lịch sử hóa thành truyền thuyết. Do vậy, về mặt loại hình, Sơn Tinh Thủy Tinh là kiểu thể loại mang trong mình dấu ấn của cả thần thoại và truyền thuyết. Theo đó, đặc trưng thi pháp của truyện cũng chịu sư qui chiếu của kiểu loại truyện truyền thuyết được lịch sử hóa từ thần thoại.

Về mặt đề tài và chủ đề, truyện mang cả tính chất thần thoại và truyền thuyết. Đó là vấn đề tự nhiên, vũ trụ trong quan niệm và cách giải thích của người xưa (thần thoại) và vấn đề lịch sử, thế sự của cuộc sống con người với những cuộc giao đấu của các nhân vật lịch sử cùng các lực lượng đối lập để khẳng định bản thân, giống nòi, bộ tộc và cộng đồng trong lịch trình phát triển của xã hội và con người (truyền thuyết).

Thi pháp nhân vật trong truyện được thể hiện ở nhiều điểm nhìn:

Một là, các nhân vật chính được nhìn từ sự phối kết của nhân vật thần thoại và nhân vật lịch sử. Tính chất thần thoại được thể hiện ở mấy phương diện cơ bản như: Nhân vật xuất hiện không rõ nguồn gốc. Người đọc không biết nguồn gốc, lai lịch của cả Sơn Tinh lẫn Thủy Tinh, chỉ biết được rằng: “Một người ở vùng núi Tản Viên có tài lạ (…), một người ở miền biển, tài năng cũng không kém…” Nhân vật có những khả năng siêu phàm của các vị thần mà người thường không thể có được: “Với Sơn Tinh thì Vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi”; còn với Thủy Tinh thì “gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về”.  Như vậy, những vấn đề mà nhân vật biểu trưng và thể hiện thuộc về phạm trù của vũ trụ, tự nhiên, vốn là cốt lõi của những vấn đề thuộc về thần thoại. Bên cạnh đó là tính chất lịch sử của các nhân vật chính được thể hiện thuộc phạm trù cuộc sống xã hội, văn hóa, lịch sử của con người và cộng đồng, bao gồm vấn đề hôn nhân, sính lễ, hạnh phúc, lũ lụt và công cuộc trị thủy để bảo vệ mùa màng và cuộc sống dân cư…

Trong truyện, các phương diện thuộc tự nhiên và xã hội có sự gắn kết, tạo nên sức hấp dẫn và gần gũi với người đọc vì nếu những tính chất tự nhiên kia không có mối liên hệ với tính chất xã hội thì vấn đề được phản ánh có thể sẽ xa lạ với người đọc. Nhưng trước hết, tình tiết đầu mối và cốt lõi là tình yêu và hôn nhân: Cả hai vị thần đều muốn có vợ, mà người vợ đó là công chúa, lại là người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu… Như vậy, tác giả thiên chuyện đã kéo thế giới thần về với thế giới người. Đặc biệt là chọn chi tiết tìm vợ – vốn là một vấn đề có tầm phổ quát rộng rãi trong toàn xã hội và thuộc về vấn đề có tính muôn thuở – với lời yêu cầu sính lễ không dễ thực hiện, cùng với giao tranh dữ dội và hận thù không dứt…, đã nhân hóa thần linh

Theo đó, tác giả thiên truyện kéo thế giới thần về thế giới người, giao thoa hai thế giới này một khi thần cũng yêu bỏng cháy, cũng khát khao gia đình, cũng ghen tuông và thù hận như người vậy. Đặc biệt, vấn đề tình yêu và hôn nhân vốn dĩ là một trong những vấn đề phố quát nhất, có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống và con người trong xã hội thì tính xã hội của truyện càng cao.

Hai là, mối quan hệ giữa các nhân vật được nhìn từ sự trái ngược về tính chất, đối kháng, loại trừ triệt để và được tác giả thiên truyện đẩy về hai đầu mút cực đoan: Đất và nước, núi và biển, được vợ và mất vợ. Chính việc lựa chọn này là đầu mối cho việc tạo ra mâu thuẫn. Nhất là khi Mỵ Nương không thể làm vợ cả hai vị thần thì mối thù không thể triệt tiêu, mâu thuẫn không thể giải quyết. Nhân dân đã lấy hiện tượng lũ lụt xảy ra hàng năm ở vùng lưu vực sông Hồng để làm cơ sở giải thích cho điều đó, như thế càng làm tăng sự thuyết phục đối với người đọc.

Ba là, điểm nhìn bao trùm là điểm nhìn bên ngoài chứ không phải điểm nhìn bên trong, điểm nhìn tường thuật chứ không phải tâm lý. Đây là đặc điểm chung của nhân vật trong thần thoại và truyền thuyết. Cả nhân vật Sơn Tinh và
Thủy Tinh được miêu tả thông qua những hành động mà nhân vật thể hiện; nhân vật không có ngôn từ, không tự thể hiện diễn biến tâm lý bên trong mà thái độ được thể hiện qua việc miêu tả hành vi từ bên ngoài của người kể chuyện. Một số chi tiết miêu tả thái độ nhân vật hai vị thần cũng là ngôn từ người kể chuyện từ điểm nhìn bên ngoài chứ không phải ngôn từ nhân vật từ điểm nhìn bên trong, chẳng hạn: Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận; Sơn Tinh không hề nao núng.

Về thời gian nghệ thuật: Thời gian nghệ thuật được lịch sử hóa bằng mốc Hùng Vương thứ mưới tám có một người con gái tên là Mỵ Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Đặc điểm này kéo tính hoang đường kỳ ảo, vốn là đặc tính không xác định trong truyện thần thoại, về gần với đời sống con người và được xác định trong truyện truyền thuyết.

Về không gian nghệ thuật: Một số địa danh mang tính xác định trong thực tế như Tản Viên, Phong Châu có ý nghĩa xác lập và định vị không gian diễn ra của câu chuyện cùng với những cuộc giao đấu giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, qua đó, làm tăng tính thuyết phục của câu chuyện đối với người đọc.

Về kết cấu thẩm mỹ: Tên truyện là tên nhân vật, tên của hai vị thần: Sơn Tinh (thần núi) và Thủy Tinh (thần nước); nhưng vấn đề được thể hiện và diễn giải trong truyện không chỉ thuộc về hai vị thần đó, mà chủ yếu thuộc về đời sống của con người – mà lại là những vấn đề trọng yếu, sinh tử của người Việt cổ: Chuyện hôn nhân, đặc biệt là vấn đề lũ lụt, ngăn đê chống lũ để trồng trọt, bảo vệ mùa màng, sinh mệnh cư dân và phát triển xã hội.

Sức hấp dẫn của thiên truyện về mặt thẩm mỹ từ những vấn đề của thi pháp là đã tạo ra được sự quyến rũ của hình tượng kỳ vỹ, siêu nhiên; mỗi nhân vật chính có sức hấp dẫn riêng, lôi cuốn riêng. Mặt khác, thiên truyện đã lồng ghép, đan cài được những vấn đề trong quan niệm về thiên nhiên, vũ trụ mang tính hoang đường, kỳ ảo với những vấn đề căn cốt của đời sống con người lúc bấy giờ và muôn thuở. Do vậy, bên trong cái vỏ duy tâm là cái lõi duy vật. Đằng sau hình tượng Sơn Tinh – Thủy Tinh và những trận chiến giữa hai vị thần là thực tế lịch sử của công cuộc đắp đê sông Hồng trị thủy hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam, cũng như thiên tai lũ lụt vẫn luôn rình rập, đe dọa cuộc sống của cư dân châu thổ sông Hồng.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.