»» Nội dung bài viết:
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
I. Sự trong sáng của tiếng Việt.
1. Thế nào là sự trong sáng của tiếng Việt?
– “Trong”: có nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục.
– “Sáng”: là sáng tỏ, sáng chiếu, sáng chói, nó phát huy cái trong, nhờ đó phản ánh được tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam ta, diễn tả trung thành và sáng tỏ những điều chúng ta muốn nói.
VD1: Lục Lam lăm lay núa mất mùa.
+ Chỗ sai: Lục Lam lăm lay.
+ Nguyên nhân: Phát âm không chuẩn, viết sai chính tả.
+ Sửa lại: Lục Nam năm nay lúa mất mùa.
VD2: Cô ấy tỏ ra bàng quang với mọi người.
+ Chỗ sai: từ bàng quang.
+ Nguyên nhân: không hiểu nghĩa từ.
+ Sửa lại: Cô ấy tỏ ra bàng quan với mọi người.
VD3: Nguyễn Đình Chiểu nhà thi sĩ mù của dân tộc.
+ Chỗ sai: không có phần vị ngữ.
+ Nguyên nhân: nhầm phần phụ chú là phần vị ngữ.
+ Sửa lại: Thêm vị ngữ vào cuối câu; thêm từ “là” vào sau “Nguyễn Đình Chiểu”.
2. Biểu hiện sự trong sáng của tiếng Việt:
Biểu hiện 1: Tiếng Việt có hệ thống chuẩn mực, quy tắc chung về phát âm, chữ viết, dùng từ, đặt câu, cấu tạo lời nói, bài văn…
- Nguyên tắc:
+ Phát âm theo chuẩn của một phương ngữ nhất định, chú ý cách phát âm ở phụ âm đầu, phụ âm cuối, thanh điệu.
+ Chữ viết: Tuân theo quy tắc chính tả, viết đúng phụ âm đầu, cuối, thanh điệu các từ khó.
+ Dùng từ: Khi nói viết phải dùng từ đúng nghĩa.
+ Đặt câu: phải đầy đủ các thành phần câu.
+ Cấu tạo lời nói, bài văn…
– Tiếng Việt có hệ thống quy tắc chuẩn mực nhưng không cứng nhắc, máy móc mà có sự linh hoạt, sáng tạo, miễn là sự linh hoạt, sáng tạo đó dựa trên cơ sở những quy tắc chung.
Như vậy, sự trong sáng của tiếng Việt trước hết bộc lộ ở hệ thống các chuẩn mực và quy tắc chung, ở sự tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc đó. Có thể nói qua hàng ngàn năm phát triển, tiếng Việt đã xác lập được một hệ thống chuẩn mực và quy tắc thuộc các phương diện khác nhau. Hệ thống đó làm nên phẩm chất trong sáng của tiếng Việt và là cơ sở cho mọi hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ. Mặt khác, chuẩn mực không phủ nhận sự chuyển đổi linh hoạt và sáng tạo, không phủ nhận cái mới, miễn là cái sáng tạo, cái mới phù hợp với quy tắc chung.
Biểu hiện 2: Tiếng Việt không cho phép pha tạp lai căng, sử dụng tuỳ tiện, không cần thiết những yếu tố của ngôn ngữ khác.
– Sự trong sáng không dung nạp tạp chất. Nghĩa là không cho phép sử dụng tuỳ tiện, không cần thiết những yếu tố của ngôn ngữ khác. Nhưng nếu trong tiếng Việt không có yếu tố nào đó để biểu hiện thì có thể vay mượn từ tiếng nước ngoài. Điều này là cần thiết đối với mọi ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.
Biểu hiện 3: Việc sử dụng những từ ngữ cần phải thể hiện được tính lịch sự, có văn hoá trong lời nói. Tránh dùng từ thô tục, thiếu văn hóa, thiếu lịch sự sẽ làm mất đi vẻ trong sáng của tiếng Việt.
Sự trong sáng của tiếng Việt cũng biểu hiện ở tính văn hoá, lịch sự của lời nói. Nói năng thô tục, thiếu văn hoá, bất lịch sự tức là làm cho tiếng Việt mất đi vẻ trong sáng vốn có.
II. Trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
1. Phải có tình cảm yêu mến và ý thức quý trọng tiếng Việt.
2. Cần có những hiểu biết cần thiết về tiếng Việt:
– Về chuẩn mực.
– Về quy tắc.
– Muốn có hiểu biết cần tích luỹ kinh nghiệm từ thực tế giao tiếp, từ sự trau dồi vốn ngôn ngữ qua sách giáo khoa, hoặc qua việc học tập ở nhà trường.
3. Trách nhiệm cao của mỗi người trong chính hoạt động sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp.
– Phải rèn luyện năng lực nói và viết theo đúng chuẩn mực, quy tắc ngôn ngữ để đảm bảo sự trong sáng.
– Lời nói phải vừa đúng, vừa hay, vừa có văn hoá.
→ Giữ gìn được sự trong sáng của tiếng Việt.
III. Luyện tập:
1. Bài tập 1.
Các từ ngữ nói về các nhân vật:
– Kim Trọng: rất mực chung tình (say mê Thuý Kiều…)
– Thuý Vân: cô em gái ngoan.
– Hoạn Thư: người đàn bà bản lĩnh khác thường, biết điều mà cay nghiệt.
– Thúc Sinh: sợ vợ.
– Từ Hải: chợt hiện ra, chợt biến đi như một vì sao lạ.
– Tú Bà: màu da “nhờn nhợt”.
– Mã Giám Sinh: “mày râu nhẵn nhụi”.
– Sở Khanh: chải chuốt dịu dàng.
– Bạc Bà, Bạc Hạnh: miệng thề “xoen xoét”.
2. Bài tập 2:
“ Tôi có lấy ví dụ về một dòng sông. Dòng sông vừa trôi chảy, vừa phải tiếp nhận – dọc đường đi của mình –những dòng nước khác .Dòng ngôn ngữ cũng vậy – một mặt nó phải giữ bản sắc cố hữu của dân tộc, nhưng nó không được phép gạt bỏ, từ chối những gì thời đại đem lại .”
(Chế Lan Viên)
3. Bài Tập 3:
Microsoft là tên riêng (tên một công ti) nên cần dùng nguyên bản tiếng Anh.
file là từ tiếng Anh có nghĩa tiếng Việt tương ứng là tệp tin. Vì vậy, không nên sử dụng tiếng Anh trong trường hợp này.
hacker là từ tiếng Anh có nghĩa tiếng Việt tương ứng là kẻ đột nhập trái phép. Vì vậy, cũng không nên sử dụng tiếng Anh trong trường hợp này.
Từ “cocoruder” là danh từ tự xưng, đã được đặt trong ngoặc kép nên có thể chấp nhận được.
Bài tham khảo: Trách nhiệm “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
Chữ viết, tiếng nói là của cải vô cùng quan trọng và quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, là niềm tự hào của mỗi dân tộc. Tiếng Việt của dân tộc Việt Nam cũng như vậy. Tiếng nói, chữ viết tiếng Việt có nguồn gốc bản địa, được cha ông ta sáng tạo, gìn giữ, cải tiến trong hành trình tạo dựng cuộc sống, phát triển cộng đồng xã hội. Trải qua các triều đại lịch sử, qua những giai đoạn phát triển, tiếng Việt đã trở thành hồn cốt của dân tộc, có sức sống lâu bền trong tâm hồn, lối sống, tư duy của con người Việt Nam. Dù có sống ở miền đất nào trên lãnh thổ Việt Nam hay sống xa quê hương, những con người mang dòng máu Việt đều không quên thứ tiếng ông cha, lời ăn tiếng nói của dân tộc mình.
Trải qua thời gian, người dân Việt Nam không ngừng giữ gìn, cải tiến tiếng Việt, làm cho tiếng nói của dân tộc ngày càng giàu và đẹp, luôn là niềm tự hào của con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Để có một hệ thống quy tắc tiếng Việt nói và viết theo chuẩn như ngày nay, chúng ta đã phải trải qua nhiều lần cải tiến tiếng Việt trên những phương diện cụ thể như phát âm, chính tả, ngữ pháp, phong cách ngôn ngữ… Trên cơ sở loại bỏ, sửa chữa những yếu tố không phù hợp hoặc khó sử dụng trong tiếng Việt để tạo ra một cách nói, cách viết mang tính phổ thông, ai ai cũng sử dụng được. Đồng thời, chúng ta cũng không ngừng sáng tạo để tạo ra những yếu tố mới trong tiếng Việt nhằm làm cho vốn từ, vốn câu và cách nói tiếng Việt được phong phú, đa dạng, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Hệ thống quy tắc trong nói và viết tiếng Việt đã được chuẩn hóa thành quy định mang tính pháp quy để Nhà nước ban hành ra toàn dân thực hiện. Những quy định này được đưa đến người dân theo một trình tự chứ không áp đặt, khiên cưỡng. Đó là việc chúng ta đưa vào dạy cho học sinh từ mầm non cho đến các bậc học cao hơn. Tùy vào tâm lý lứa tuổi để các nhà trường triển khai dạy về cách phát âm, cách viết sao cho chuẩn tiếng Việt. Dần dần, hệ thống quy tắc, quy định về chuẩn mực tiếng Việt đã đi vào đời sống của nhân dân, từng người dân nói và viết tiếng Việt theo chuẩn mực đã quy định và có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như làm giàu thứ của cải vô cùng quý báu của dân tộc mình. Cho dù có sáng tạo, cải tiến tiếng Việt nhưng chúng ta vẫn phải đảm bảo nguyên tắc trên nền những quy định chung, trên cái cốt có sẵn chứ không thay đổi hoàn toàn.
Trở lại với những công trình nghiên cứu mới đây đã nêu ở phần đầu của bài viết, nhìn vào đó, chúng tôi nhận thấy, các tác giả đã có ý thức và dày công trong sáng tạo tiếng Việt, đặt vấn đề về sử dụng tiếng Việt trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, sự sáng tạo ấy khác biệt so với cách viết, cách phát âm tiếng Việt mà chúng ta đang sử dụng chứ không đơn thuần là cải biến một hai từ, một hai chữ viết hay một số cách phát âm như chúng ta đã làm từ bấy lâu nay trong hành trình cải tiếng tiếng Việt. Như thế, nhìn ở một góc độ nào đó, bộ sản phẩm này liệu lại một lần nữa gây nên những ý kiến trái chiều, những tranh luận trong dư luận nhân dân?.
Trước hết, chúng ta cần nhận thức rõ, tiếng Việt là tiếng của dân tộc Việt, là tài sản quốc gia, việc sử dụng tiếng Việt gồm cả nói và viết phải theo một hệ thống quy định về chuẩn mực. Việc ban hành quy định về sử dụng tiếng Việt theo chuẩn mực là thuộc về Nhà nước, không cá nhân và tổ chức nào có quyền thay thế những quy định về sử dụng tiếng Việt vốn đã trở thành quy tắc chung cho toàn dân. Đồng thời, việc cải tiến, sáng tạo tiếng Việt trong quá trình sử dụng là điều cần thiết nhưng không được thay đổi hoàn toàn diện mạo của nó, không xáo trộn gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Bởi lẽ, việc đưa những quy tắc nói và viết tiếng Việt vào nhân dân, vào từng người không phải là việc dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều mà phải trải qua một quá trình học tập từ khi con người mới tập nói, tập viết đến khi nói và viết thành thạo.
Trong sự cải tiến, sáng tạo tiếng Việt, chúng ta có thể chấp nhận sự cải tiến tiếng Việt để sử dụng cho phù hợp với đặc thù ngành nghề, nhóm ngành nghề. Chẳng hạn như việc sử dụng tiếng Việt không dấu, viết tắt, những kí hiệu gắn với đặc thù các lĩnh vực như công nghệ thông tin, các ngành khoa học… Hiện nay, có tình trạng giới trẻ sử dụng “tiếng lóng” trong tiếng Việt, ngôn ngữ quảng cáo sử dụng không đúng quy cách… ít nhiều đã và đang làm ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Giữ gìn và làm giàu tiếng Việt là trách nhiệm của toàn dân. Song, dù xã hội, khoa học công nghệ có thay đổi đến đâu, chúng ta phải nhận thức sâu sắc và xác định không được làm méo mó, lai căng tiếng Việt trong quá trình sử dụng. Mỗi người cần ý thức được việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt phải trên cơ sở nói và viết đúng chuẩn mực về phát âm, chính tả chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp và phong cách ngôn ngữ. Cần loại bỏ những yếu tố không phù hợp, làm ảnh hưởng đến sự chuẩn mực, trong sáng của tiếng Việt. Mỗi người dân cần nêu cao trách nhiệm giữ gìn và làm giàu tiếng Việt để chúng ta luôn tự hào về tiếng của dân tộc Việt Nam, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.