hanh-kiem-la-gi

Hạnh kiểm là gì?

Hạnh kiểm là gì?

Đánh giá “hạnh kiểm” học sinh là một khái niệm được sử dụng thường xuyên ở các trường trung học. Thế nhưng, mấy ai hiểu rõ về chữ “hạnh” trong chữ “hạnh kiểm” ấy. Bởi thế, sự đánh giá của giáo viên phần lớn là chưa thể chính xác, chưa có tác dụng tạo động lực giúp học sinh rèn luyện tốt và hoàn thiện bản thân mình. Việc đánh giá hạnh kiểm là giúp học sinh tự nhận thức bản thân và tiến bộ hơn chứ không phải là khẳng định hạn mức nhân phẩm, nhân cách hay đạo đức.

Nhiều giáo viên còn lầm lẫn giữa hạnh kiểm và đạo đức. Điều này cũng khá phổ biến. Hạnh kiểm và đạo đức là hai khái niệm không đồng nhất.

Theo khái niệm tâm lí học, đạo đức là hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội đã quy ước mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cá nhân, cộng đồng và xã hội. Có nghĩa là việc tuân thủ các chuẩn mực, sự cân bằng các lợi ích sẽ hình thành nên đạo đức của con người.

Theo Kinh Dịch và quan niệm của Nho giáo, Đạo có nghĩa là con đường đi, hướng đi, lối làm việc, ăn ở. Hiểu đơn giản chữ Đạo là những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực do xã hội quy ước. Đức là mức độ tập trung của Đạo ở một con người. Đức hay chính là năng lực nắm vững và vận dụng những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực một cách tốt đẹp và hiệu quả.

Về chữ “hạnh”, trong Kinh Dịch cũng có nói: “quân tử dĩ thường đức hạnh, tập giáo sự” (người quân tử lấy việc rèn luyện năng lực thực hiện làm trọng). Như vậy, năng lực thực hiện là đức. Đem năng lực (tốt đẹp) ấy thực hiện những công việc, việc làm cụ thể nhằm đem lại một lợi ích thì gọi là “hạnh”. Chữ “hạnh” này cùng một chữ với hành của hành động. Đồng thời, chính những hành động cụ thể và hiệu quả (hạnh) sẽ làm nên đạo đức ở con người.

Chữ “kiểm” trong từ “hạnh kiểm” có nghĩa là kiểm tra để, nhận xét, đánh giá và rút kinh nghiệm. Đây là hoạt động được tiến hành từ phía giáo viên và trường học.

Như vậy, có thể hiểu rằng, hạnh kiểm có nghĩa là hoạt động kiểm tra, ghi nhận hiệu quả hoạt động rèn luyện bản thân của học sinh theo các quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực mà nhà trường, xã hội đã đặt ra. Căn cứ vào nghĩa của chữ “hạnh”, nguyên tắc đánh giá hạnh kiểm của học sinh nhất định phải dựa vào thái độ và hành động của học sinh chứ không nên chỉ căn cứ vào kết quả học tập, đánh giá một chiều, phiến diện.

Một học sinh giỏi, có kết quả học tập cao nhưng thương vô nguyên tắc, vi phạm đạo đức học sinh không có ý thức cộng đồng, không có lòng tốt thì không thể đánh giá là hạnh kiểm tốt được. Và ngược lại, một học sinh có kết quả học tập yếu kém nhưng biết thực hiện tốt các quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực của nhà trường và xã hội thì không thể đánh giá là hạnh kiểm yếu kém được bởi học sinh có sự nỗ lực nhưng kết quả (học tập) đạt được là chưa cao. Phải nhìn nhận hạnh kiểm học sinh ở thái độ thực hiện thì mới có sự đánh giá hợp lí, đúng đắn và toàn diện.

Kết quả học tập phản ánh một phần quá trình học tập và rèn luyện của học sinh trong nhà trường chứ không phải là tất cả. Mục đích của trường học là giáo dục học sinh trở thành những con người tốt đẹp, có hiểu biết và có đạo đức. Không thể vì trọng năng lực lĩnh hội kiến thức mà xem nhẹ năng lực rèn luyện đạo đức, nhân cách, nhân phẩm của học sinh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang