hay-cu-khat-khao-hay-cu-dai-kho

Suy nghĩ về câu ý nghĩa nói: Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ (Steve Jobs)

Suy nghĩ về ý nghĩa câu nói: Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ (Steve Jobs)

  • Mở bài:

Để trở thành người hiểu biết, không có gì quan trọng hơn là kiên trì học tập. Để thành công trong cuộc sống, không có gì quan trọng bằng một ý chí kiên cường và một tâm hồn với những khát khao mãnh liệt. Bàn về điều ấy, Steve Jobs đã từng khuyên: Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ.

  • Thân bài:

Khát khao hay khao khát, khát vọng là cảm xúc, là hi vọng mãnh liệt của con người mong muốn đạt được mục đích nào đó trong cuộc sống. Dại khờ có nghĩa là khờ khạo, dại dột, ngờ nghệch, hành động sai lầm.

Rõ ràng, cuộc sống có ý nghĩa bởi con người không ngừng khao khát. Và không có sự lớn lao nếu không có khao khát muốn trở nên lớn lao. Đưa ra lời khuyên về thái độ sống: “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”, Steve Jobs đã khẳng định: tuổi trẻ cần có và cần chấp nhận mạo hiểm, va vấp, bồng bột, sai sót như những trải nghiệm tất yếu, cũng như mơ ước lớn lao, dự định táo bạo chính là động lực quan trọng để người trẻ hoàn thiện bản thân.

Quả thật, khát khao đem lại hi vọng mãnh liệt vào tương lai, nó truyền cảm hứng để con người lao động, học tập, sáng tạo từng ngày và làm nên bao điều kì diệu. Sức mạnh của khát khao còn thể hiện ở sự lan tỏa mạnh mẽ, làm cho những người xung quanh cũng hồ hởi, yêu đời và hạnh phúc hơn. Luôn cháy hết mình với khát khao, không ngại vấp ngã, thất bại để rồi thành công và trưởng thành.

Chúng ta cũng cần nhận thức được rằng cuộc sống vốn đầy những bất ngờ, ngẫu nhiên, vì vậy phải hành động, dấn thân chứ không nên mất thời gian để đắn đo, băn khoăn suy tính. Chỉ qua những trải nghiệm dù đau thương, sai lầm, con người mới lớn dần lên, kinh nghiệm sống, sự khôn ngoan cũng được hình thành.

Bên cạnh luôn biết khát khao mãnh liệt và không ngừng theo đuổi ước mơ thì cũng cần biết sống khờ dại. Sống khờ dại, tưởng chừng như là nghịch mà lại hết sức có lí và cần thiết. Nếu lúc nào ta  cũng luôn tỏ ra là người khôn ngoan, hơn người, thì không ai muốn thân thiện với chúng ta. Kẻ tỏ ra khôn ngoan luôn là kẻ tự phụ bản thân, kiêu căng, ngạo mạn, không chịu lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của người khác để hoàn thiện bản thân. như thế, bản thân không những không thể tiến bộ mà còn dễ mắc sai lầm, dẫn đến thất bại.

Sống dại khờ không có nghĩa là sống ngu ngốc, không biết làm gì mà là sống chân thành, khiêm tốn, giản dị, biết yêu thương, giúp đỡ người khác, xây dựng cuộc sống giản dị, giàu lòng nhân ái. Sống dại khờ là sống không tham lam, ích kỉ, không tranh giành với người khác. Đó là lối sống của người khôn ngoan, biết quý trọng người khác và lạc quan, tin tưởng vào con người và cuộc sống.

Tuy vậy, ta cần hiểu đúng quan điểm trên, không lấy nó để bao biện cho cách sống tùy tiện, bản năng; cũng cần tránh thái độ sợ hãi, lúng túng, bi quan những lúc gặp trở ngại. Trong mọi trường hợp, mỗi người cần tỉnh táo, vững lòng, bền chí cũng như khả năng rút kinh nghiệm sau những sai sót, vấp ngã.

Thanh niên cũng cần phải phấn đấu hết mình để biến khát khao, ước mơ thành hiện thực vì nó không sẵn có để chờ ta đạt được dễ dàng. Bản thân tôi nhận thức được mình đang ở độ tuổi sung sức nhất, trẻ trung và nhiều năng lượng nhất, tôi chọn một cuộc sống dấn thân, tận hiến, không ngại những vấp ngã, va đập với cuộc đời, bởi “Cuộc sống chỉ mang lại cho chúng ta 10% cơ hội, 90% còn lại là do chúng ta trải nghiệm thế nào với nó.” (Lou Holtz).

  • Kết bài:

Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ và không ngừng mơ ước. Khát khao, mơ ước là động lực đưa bạn tiến lên phía trước. Dại khờ một cách không ngoan và chân thực là sức mạnh bảo vệ bạn giữa cuộc sống muôn vàn bất trắc này.

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang