Dũng khí vượt qua nghịch cảnh
Nghị lực sống chính là biết cách vượt qua mọi nghịch cảnh. Chúng ta càng tiến bước trên đường đời, mọi việc lại càng khó khăn hơn, nhưng chính trong khi chống lại gian khổ mà sức mạnh nội tâm của con tim được hình thành. Nghịch cảnh chính là cơ hội để làm nên việc lớn.
Demosthenes, một diễn giả nổi tiếng đã từng khổ sở về sự ăn nói khó khăn của mình. Ông luyện nói bằng cách ngậm đá cuội ở trong miệng vì cho rằng khi làm tốt việc này thì ông sẽ có thể nói trước công chúng. Và ông đã trở thành một trong những nhà diễn thuyết nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Hellen Keller không cam chịu số phận mù lòa câm điếc của mình. Cô dành trọn đời mình để giúp những người có số phận hẩm hiu hơn cô.
Abraham Lincoln làm ăn thất bại ở tuổi 22. Năm 23 tuổi ông đã thất cử vào ghế cơ quan lập pháp. Đến 25 tuổi ông lại thất bại trên thương trường. Khi ông 26 tuổi, người yêu của ông qua đời, ông bị suy sụp tinh thần ở tuổi 27, ông thất cử liên tiếp vào ghế quốc hội ở tuổi 34, 37 và 39. Đến 46 tuổi ông lại bị thất cử vào thượng nghị viện, thất bại khi tranh ghế Phó Tổng thống Hoa Kỳ ở tuổi 47. Đến năm 52 tuổi ông được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ và trở thành một trong những nhà lãnh đạo tài ba nhất trong lịch sử thế giới.
Menachim Begin trải qua tuổi niên thiếu cù bơ cù bất trong khu ổ chuột người Ba Lan. Winston Churchill là một sinh viên nghèo và rất khổ sở về chứng nói lắp của mình. Về sau không những ông được giải thưởng Nobel mà còn là một trong những người có tài ăn nói hấp dẫn.
Bạn bắt đầu ở đâu không quan trọng, cái cốt yếu là bạn đạt đến cái đích nào. Những bất lợi đôi khi lại là lợi điểm nếu ta nhìn chúng theo cách này và dùng chúng như động lực để làm được tốt hơn, tốt hơn. Nghịch cảnh chính là phép thử tốt nhất của ý chí và khát vọng thành công.
Lúc nào chúng ta cũng đối mặt với những thử thách lớn mà đằng sau nó là những vấn đề hóc búa. Đôi lúc chúng ta có ý nghĩ: “Đời có đẹp không nhỉ nếu như chúng ta chẳng có vấn đề gì cả?”. Nếu vậy chúng ta có thể thỏa thích trên bãi biển suốt cả ngày mà chẳng cần lo toan gì cả. Thế thì cuộc đời bạn chẳng khác gì một con ốc biển. Con ốc biển chẳng phải lo nghĩ gì cả.
Chúng ta phải nghĩ ra cách giải quyết vấn đề và tìm ra những biện pháp mới để thực hiện chúng. Cuộc sống này luôn tồn tại những vấn đề. Chúng thôi thúc chúng ta phải học hỏi, kiểm nghiệm, và vượt qua những trở ngại. Các con mèo không phải đối mặt với những vấn đề lớn. Nếu bạn là mèo thì bạn thấy mọi thứ đều dễ dàng, đơn giản. Cuộc sống của con mèo có vẻ thoải mái lắm. Nhưng ai muốn làm con mèo nào?
Điều quan trọng nhất của con người là ở chỗ con người biết học hỏi và thu thập nhiều kinh nghiệm. Bạn có thể tạo ra những gì chưa có trên đời này. Mèo không biết viết nhạc, chó không thể thành lập công ty, ốc biển không thể đi xem phim. Tất cả những điều này chỉ có con người chúng ta mới làm được. Có nghĩa là chỉ chúng ta mới biết yêu, biết cười, biết khóc…
Người lạc quan cho rằng một vấn đề đơn giản chỉ là một cơ hội để học hỏi. Điều này nghe có vẻ như không có gì, nhưng rất là sâu sắc. Chúng ta thấy rõ điều này ở trẻ em. Đứa bé 10 tháng tuổi xem mọi thứ xung quanh nó là một thách thức để khám phá. Nào thích tạo ra tiếng ồn, nhặt vật rơi hoặc ăn uống và thậm chí thấy vui khi ném những gì chúng đang ăn. Cuộc sống đối với bé là một hành trình khám phá thú vị. Trong khi đó các bạn trẻ lại thích ném mình vào những hoạt động mạnh mẽ và mạo hiểm hơn như chạy xe, lao lên cầu thanh, lao mình vào
sóng…
Nếu bạn chịu khó suy ngẫm thì chắc chắn rằng bạn cũn đã từng trải qua những năm tháng đầu đời như vậy. Thế thì quả thật không làm sao hiểu được một người lúc đầu có tư chất can đảm như vậy lại trở thành người nhút nhát sợ hãi mà ngay cả những vấn đề bình thường nhất họ cũng cho là to tát, khó khăn. May mà ngày nay nhiều người trưởng thành không có thái độ “Tôi không bao giờ làm được điều đó”. Nếu không họ sẽ mãi mãi là một đứa bé trong vòng tay mẹ.
Có lý không khi chúng ta mong đợi ở trẻ em nhiều hơn là người lớn? Chúng ta nhắc nhở chúng ở trường: “Con phải ăn học, học tất cả những chữ cái nếu không con sẽ dậm chân ở lớp đầu mãi mãi”. Nói cách khác chúng ta cho chúng biết thông điệp là chúng phải ra sức học tập. Không may, nhiều người trưởng thành không nhận được cùng thông điệp như vậy!
Thỉnh thoảng lại có người quan niệm rằng cuộc sống tự ban cho ta những điều tố đẹp mà chẳng cần phải lo toan. Chúng ta, những người lớn chắc ai cũng mong và tự đòi hỏi phải tiến bộ hơn. Ta tự hỏi: “Chúng ta đã học những gì từ bao nhiêu năm qua? Ta có thể làm gì được trong năm này mà năm qua ta không làm được?”
“Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố” (Đặng Thùy Trâm). “Khi chúng ta mong ước cuộc đời không nghịch cảnh, hãy nhớ rằng cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược, và kim cương hình thành dưới áp lực”. (Peter Marshall)