»» Nội dung bài viết:
Hình thức không gian nghệ thuật trong thơ trung đại.
I. Khái niệm không gian và không gian nghệ thuật.
1. Khái niệm không gian.
Trong cuốn Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê đã cắt nghĩa, lí giải về không gian như sau: “Không gian là khoảng không bao la trùm lên tất cả sự vật hiện tượng xung quanh đời sống con người”. Như vậy, không gian chính là môi trường chúng ta đang sống với sự tồn tại của các sự vật. Không gian chính là hình thức tồn tại của vật chất với những thuộc tính như cùng tồn tại và tách biệt, có chiều kích và kết cấu. Không gian này là cơ sở để con người sáng tạo không gian nghệ thuật.
2. Không gian nghệ thuật.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”. GS-TS. Trần Đình Sử: “không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại cùng thế giới nghệ thuật”. Ông còn khẳng định: “không có hình tượng nghệ thuật nào không có không gian, không có một nhân vật nào không nào không có một nền cảnh nào đó”, và “không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống”.
Không gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, là phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Không gian nghệ thuật trở thành phương tiện chiếm lĩnh đời sống. Không gian nghệ thuật trong một văn bản văn học không đơn giản là xác định nơi chốn hay tái hiện những khung cảnh hiện thực mà nó được xây dựng như một kí hiệu đặc biệt để thể hiện tâm trạng của nhân vật hay bộc lộ quan điểm của tác giả về thế giới.
II. Không gian trong văn học trung đại.
Đối với người trung đại, không gian có một giá trị riêng biệt gắn liền với cảm thức của họ. Trước hết đời sống lệ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp đã tạo nên một sự gắn bó mật thiết giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Mặt khác, chủ trương vô vi, sống hoà vào thiên nhiên của Lão Trang đã gieo vào tâm thức người trung đại một ý thức rất coi trọng không gian thiên nhiên. Thiên nhiên vừa rất huyền bí lại vừa rất gần gũi với con người. Do vậy, điều dễ thấy nhất trong văn học trung đại là sự xuất hiện rất thường xuyên của không gian vũ trụ, không gian thiên nhiên.
Mô hình không gian một mặt được xây dựng theo cách con người cảm thụ là trung tâm: phủ (cúi), ngưởng (ngẩng), tứ cố (nhìn bốn phía), trước sau, trong ngoài, gần xa; mặt khác, xây dựng theo mô hình chồng chất tầng lớp theo kiểu nghệ thuật vườn ngoài núi có núi, ngoài sân có cảnh. Không gian được hình dung theo thứ bậc trên dưới: thượng giới, trần gian địa phủ.
Con người ý thức về vị trí của mình trong thế giới tương quan với môi trường xung quanh, từ đó hình thành điểm nhìn siêu cá thể, nhìn thế giới và bản thân trong hoàn cảnh thế giới.
Quy mô không gian có ý nghĩa đặc biệt để biểu hiện sức mạnh tâm hồn: không gian lớn có tác dụng giải phóng tầm nhìn. Trong thơ ca cổ điển các động tác trữ tình “đăng cao, vọng viễn, cúi, ngửa, ngoái đầu, tứ vọng” hợp với không gian tâm thức đương thời.
Bên cạnh không gian mở là không gian khép để tạo thành sự đối lập giữa thanh cao và phàm tục, trong đời và ngoài đời. Các nhà thơ ở ẩn trong khi mở rộng cửa đón thiên nhiên thì cũng khép cửa trước đám khách tục vãng lai, cao quan hậu lộc để giữ gìn thanh thản cho tâm hồn.
III. Các hình thức không gian trong thơ trung đại Việt Nam.
1. Không gian vũ trụ rộng lớn.
Không gian nghệ thuật trong các bài thơ bộc lộ chí hướng là một không gian vũ trụ khoáng đạt, rộng lớn và hoành tráng, mà trong đó, con người dù nhỏ bé song vẫn cố gắng vươn lên ngang tầm và có khát vọng làm chủ trời đất, vũ trụ, chinh phục thiên nhiên.
Phạm Ngũ Lão trong bài thơ “Thuật hoài” đã phóng lớn ngọn giáo của mình cho tương xứng với kích thước của đất nước:
Hoành sóc giang san cáp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu
Hay không gian vũ trụ rộng lớn trong “Cảm hoài” của Đặng Dung:
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
(Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.)
Nổi bật trong không gian đó là một con người to lớn, ấp ủ hoài bão kinh người: xoay trục đất, kéo sông Ngân hà xuống rửa giáp binh. Con người muốn lên cao chiếm lĩnh không gian trong cái nhìn xa xăm, bao quát, đăng cao để viễn vọng, để “thu vào tầm mắt mụôn trùng nước non” :
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
(Có lúc lên thẳng đỉnh núi bơ vơ
Kêu dài một tiếng, lạnh cả bầu trời.)
(Ngôn hoài – Không Lộ thiền sư)
2. Không gian nhàn tản thoát tục.
Không gian mang tính nhàn tản thoát tục gợi lên cuộc sống bình dị thanh nhàn của con người trong thế giới tự nhiên. Trong thơ Thiền bắt gặp những ước mơ lên cao mang ý vị siêu thoát:
“Có lúc đỉnh núi trèo lên thẳng
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời”
Thơ tả cảnh đời Trần là một thế giới ấm áp gần gũi với sinh hoạt con người. Những không gian tầng tầng lớp lớp chia ra bằng khoảng cách gợi nên sự siêu thoát. Đó là không gian thanh nhàn siêu thoát của những tâm hồn muốn xa lánh sự thế của Chu An, Nguyễn Trung Ngạn… một không gian đơn nhất, thuần khiết.
Trong thơ Nguyễn Trãi thì không gian siêu thoát và không gian thế tục ở trong thế lựa chọn (Mộ xuân tức sự, Côn Sơn ca, Trại đầu xuân độ). Trong thơ Nôm sự đối lập 2 không gian này càng nổi bật: Không gian siêu thoát của Nguyễn Trãi đầy thiên nhiên hài hòa (núi láng giềng, chim bầu bạn, mây khách khứa…). Nhà ở là “con am”, “mái lều”, kề sát nhà là thiên nhiên vây bọc tạo từ ghép đặc biệt “hiên trúc, song mai, cửa trúc, án tuyết, cửa ngọc” như là sự kéo dài nối liền không gian con người với vũ trụ. Nhà của ông là thiên nhiên vườn tược (Cây rợp tán che am mát), tạo dặc trưng ở sự gần gũi giao hòa thân thiết “đạp áng mây, ôm bó củi, ngôi bên suối gác cần câu” nhưng không phải là không gian sinh hoạt mà là một biểu tượng lí tưởng (Rùa nằm hạc lẫn nên bầu bạn/ Ủ ấp cùng ta làm cái con). Đó là sự kết đọng của tất cả không gian siêu thoát xưa nay: quê hà hữu, bến Tử Lăng.
Gắn với thiên nhiên thường vắng bóng người và sự bận rộn của con người, vắng khách tục. Có một sự suy tôn các cảnh vắng người:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Đối lập với không gian thanh nhàn thoát tục kia là không gian thế tục đông đúc, gập ghềnh, đắng cay: “Mùi thế đắng cay cùng mặn chát”, “Đường lợi thực quanh co”.
Sau Nguyễn Trãi không gian nhàn tản được tiếp tục và xuyên suốt thơ ca trung đại Việt Nam, là một nét đẹp bất biến trong tư duy nghệ thuật trung đại.
3. Không gian hoang dại tiêu điều biến dịch.
Sự sa sút của xã hội phong kiến dẫn đến cảm xúc không gian của các nhà thơ đổi thay. Nguyễn Cư Trinh đầu thế kỉ XVIII:
Nghìn nhà trôi đến khu vực man di
Sông có nhiều cá sấu, đất có nhiều rắn hổ
(Ghi nhớ trận gió to ở Long Hồ)
Ở Nguyễn Gia Thiều cũng thể hiện một cảm thức không gian tiêu điều, tang thương: “Lép nhép vài hành tỏi, Lơ thơ mấy bụi khương, Vẻ chi tèo teo cảnh, Thế mà cũng tang thương”. Các sự vật nhỏ nhoi, xơ xác, yếu đuối như trải qua mưa to gió lớn đã gợi niềm cảm thương.
4. Không gian luân lạc (lưu lạc nay đây mai đó).
Khác với không gian nhàn tản trong thơ phú giai đoạn trước, trong thơ từ thế kỉ XVIII xuất hiện không gian luân lạc, dãi dầu. Không gian như trong Chiều hôm nhớ nhà, Thăng long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan rất khác với bài hoài cổ của đời Trần, Lê trong đó các dấu tích lịch sử hiện lên rõ ràng như trước mắt, còn ở đây tất cả đều đã phôi pha, dãi dầu và biến mất. Không gian không còn hòa hợp gần gũi như trong thơ thời Trần, Lê, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm mà trở nên xa lạ (Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ Dặm liễu sương sa khách bước dồn).
Tiêu biểu nhất cho không gian luân lạc là thơ chữ Hán của Nguyễn Du với không gian to lớn mênh mông: vạn dặm, nghìn dặm, những nơi tận cùng của thế giới như góc biển chân trời (hàng chục lần “Hải giác thiên nhai” (góc bể chân trời)), đường cùng trong núi sâu, ngoài khơi (sơn ngoại, giang tâm…), những nơi xa lạ (tha hương, dị hương…), những cái nhìn bao quát, từng xa tít (mãn thiên, mãn sơn); sự đối lập cái rộng lớn bao la và cái bé nhỏ đơn chiếc (Bóng người bãi cát, chiều vừa xế tây). Đây gần như là không gian lưu đày của con người và số phận.
5. Không gian trần tục hóa, thế tục hóa.
Theo dòng chảy của thời gian, không gian vũ trụ trong văn học trung đại đã dần được “trần tục hoá”, “thế tục hoá” gắn với không gian sinh hoạt đời thường. Không gian “trần tục hoá” được thể hiện rõ trong thơ Hồ Xuân Hương. Nó là không gian đặc thù mà có thể gọi là không gian buồng khuê vì dù nói tới chuyện gì, miêu tả cái gì chỉ khi đặt vào buồng khuê thì chúng mới toát ra ánh sáng và ý nghĩa của nó. Những bài như “Thiếu nữ ngủ ngày”, “Giếng nước”, “Đá ông chồng bà chồng” và cả những cảnh đèo, hang động, quán… đều gợi lên không gian buồng khuê tự nhiên khổng lồ:
Từng trên tuyết điểm phơ đầu bạc
Thớt dưới sương pha đượm má hồng
Gan nghĩa sãi ra cùng nhật nguyệt
Khối tình cọ mãi với non sông
Cách miêu tả khéo léo làm cho các hang động nổi tiếng, linh thiêng mất vẻ thiêng, tạo hóa đã hớ hênh mà kẻ đến thăm không còn chút lòng thành kính:
Bày đặt ai khéo khéo phàm
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom
Người quen cõi Phật chen chân xọc
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm.
Nhà thơ đã trần tục hóa các hang động, cảnh bằng cái nhìn bản năng và gợi ra cảm giác về cơ thể con người với những bộ phận, động tác, đồ vật khêu gợi hình ảnh cơ thể.
Không gian “thế tục hoá” trong thơ của Nguyễn Khuyến, Tú Xương với không gian làng quê yên tĩnh cùng những cảnh phố xá, cao lâu, nơi buôn bán sinh hoạt chợ búa
Không gian thế tục xuất hiện trong thơ Nguyễn Khuyến bên cạnh mô hình không gian truyền thống, tạo nét không gian mới gần gũi, thân thuộc của làng quê. Dùng ước lệ cũ nhưng mang ý tứ khác, nó mang nội dung sinh hoạt. Vịnh lụt có những câu thể hiện tính chất pha trộn, lưỡng tính:
Bắc bậc người còn chờ chúa đến
Đóng bè ta phải rước vua ra
Sửa sang việc nước cho yên ổn
Trời đã sinh ta ắt có ta.
Ở đây vua là ông đầu rau, việc nước là việc nước lụt, “ta” không phải nam nhi mang nợ tang bồng mà chỉ là thân ta, ta cứu ta.
Ba bài thơ thu trước hết thể hiện không gian thanh tĩnh, siêu thoát và sự tan vỡ của không gín ấy trước thực tại. Trong Thu điếu không thể buông cần yên tĩnh mãi vì “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Không gian truyền thống trong thơ Nguyễn Khuyến đã mất dần tính uẩn súc, tinh khiết truyền thống. Điều này tương hợp với con người đã trở nên trống rỗng và thiếu bản sắc.
Trong thơ Tú Xương không gian nghệ thuật đã hầu như thoát khỏi không gian nghệ thuật truyền thống. Phần lớn không còn không gian vũ trụ, không còn tùng, cúc, không còn đăng cao vọng viễn. Ông hoài cổ trước một di tích sinh hoạt như sông Lấp để cảm sự biến đổi hơn là nhớ tiếc. Không gian ở đây là phố xá, cao lầu, nơi buôn bán sinh hoạt. Cái nhìn của nhà thơ tập trung vào các quan hệ chi tiết, sinh hoạt với cái cười chế nhạo, báng bổ. Có thể nói trong thơ ông đánh dấu sự phai nhạt của không gian đời sống, mở ra không gian sinh hoạt đời thường, đô thị.
Tóm lại, trong thơ trung đại Việt Nam mô hình không gian nghệ thuật cơ bản là không gian vũ trụ, trong đó đã lần lượt xuất hiện không gian nhàn tản ẩn dật, không gian hoang dại tiêu điều biến dịch, không gian luân lạc, không gian trần tục hoá, thế tục hoá và cuối cùng phai nhạt không gian vũ trụ. Sự biến đổi không gian gắn bó với sự thay đổi xã hội, sự tự ý thức của con người và tư duy trong văn học. Càng đi gần thực tế đời sống, các không gian càng ít tính ước lệ và càng giàu tính sáng tạo độc đáo.