hoan-canh-sang-tac-bai-tho-viet-bac-cua-to-huu

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu

Việt Bắc là căn cứ địa vững chắc của cách mạng Việt Nam từ đầu những năm 40 tới khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Nơi đây, người dân Việt Bắc đã từng che chở, đùm bọc và đã sát cánh bên bộ đội, cán bộ kháng chiến để giành và bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, tháng 10 – 1954 các cơ quan trung ương của Đảng  và chính phủ từ biệt căn cứ địa cách mạng Việt Bắc trở về Hà Nội. Một loạt những vấn đề đặt ra trong đời sống tình cảm của dân tộc: liệu những người chiến thắng có giữ được tấm lòng thủy chung với đồng bào Việt Bắc và quê hương cách mạng? Có nhớ những tháng ngày gian khổ hào hùng và sâu nặng nghĩa tình trong kháng chiến? Việt Bắc sẽ có vị trí như thế nào trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì mới?…

Nhân sự kiện lịch sử trọng đại ấy của dân tộc, Tố Hữu sáng tác bài thơ Việt Bắc. Bài thơ gồm 2 phần: Phần đầu tái hiện những kỉ niệm của cách mạng và kháng chiến ở Việt Bắc; Phần sau gợi ra viễn cảnh tươi sáng của đất nước và ca ngợi công ơn của Đảng, Bác Hồ đối với dân tộc.

Với sự thể hiện những nét tiêu biểu nhất trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, Việt Bắc không chỉ là đỉnh cao của thơ Tố Hữu mà còn là một trong những thành công xuất sắc của thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. Việt Bắc được coi là khúc hùng ca và bản tình ca về cách mạng về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang