»» Nội dung bài viết:
Cách làm bài nghị luận (phân tích, cảm nhận) về một tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích)
I. Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).
– Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nhân vật, sự kiện, chủ đề, nghệ thuật và tư tưởng của một tác phẩm văn học cụ thể (giá trị nội dung, nghệ thuật, tầm ảnh hưởng của tác phẩm)
– Những nhận xét, đánh giá, bình luận về truyện phải xuất phát từ ý nghĩa của cốt truyện, tính cách, số phận của nhân vật, tư tưởng và nghệ thuật trong tác phẩm được người viết phát hiện và khái quát.
– Các nhận xét, đánh giá và bình luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) trong bài nghị luận phải rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ xác đáng và lập luận thuyết phục.
– Bài nghị luận về tác phẩm truyện cần có bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, lời văn chuẩn xác, trong sáng, gợi cảm.
II. Dàn bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích).
- Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả: tên tuổi, vị trí trong nền văn học, đặc điểm phong cách sáng tác.
– Giới thiệu về tác phẩm: hoàn cảnh sáng tác (tác phẩm) hoặc xuất xứ (đoạn trích), nội dung khái quát.
– Đánh giá khái quát về tác phẩm (đoạn trích): tác phẩm tiêu biểu của nhà văn và của nền văn học.
- Thân bài:
1. Phân tích các giá trị nội dung, tư tưởng.
– Phân tích các luận điểm chính về nội dung của tác phẩm, có phân tích, chứng minh bằng các luận cứ tiêu biểu và xác thực:
+ Phân tích ý nghĩa nhan đề (nếu nhan đề là đặc sắc, chứa đựng nội dung, tư tưởng của tác phẩm, đoạn trích).
+ Phân tích tình huống truyện và đánh giá nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của nhà văn.
+ Phân tích hình tượng các nhân vật gắn liền với các chi tiết, sự kiện, diễn biến câu chuyện trong tác phẩm.
+ Phân tích các hình tượng nghệ thuật khác (nếu có).
2. Phân tích các giá trị trong nghệ thuật biểu hiện .
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình.
+ Nghệ thuật xây dựng kết cấu truyện: tình huống, trật tự các sự kiện, mở đầu hoặc kết thúc.
+ Nghệ thuật khắc hoạ tâm lý nhân vật.
+ Đặc sắc về ngôn ngữ, giọng điệu, nghệ thuật trần thuật, lựa chọn vai kể,…
3. Liên hệ, so sánh, bàn luận mở rộng.
– Liên hệ, so sánh với các tác phẩm cùng chủ đề. So sánh điểm giống và khác giữa các tác phẩm.
4. Đánh giá chung.
– Giá trị nội dung, tư tưởng: giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo.
– Giá trị nghệ thuật: mới mẻ, độc đáo.
- Kết bài:
– Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật, tư tưởng của tác phẩm và tầm ảnh hưởng (tác động) của tác phẩm trong nghệ thuật sáng tạo và đời sống văn học.
* Lưu ý: Việc triển khai các luận điểm, luận cứ, cần thể hiện cảm xúc, ý kiến riêng của người viết.
III. Các kiểu bài nghị luận tác phẩm truyện (đoạn trích).
1. Kiểu bài nghị luận về một nhân vật truyện.
- Mở bài:
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhân vật cần nghị luận.
– Nhận xét khái quát về nhân vật.
- Thân bài:
1. Phân tích nội dung, tư tưởng:
– Trình bày vị trí của nhân vật trong tác phẩm: nhân vật chính, chứa đựng nội dung, tư tưởng.
– Phân tích lai lịch, ngoại hình (nếu có) của nhân vật → nhận xét, đánh giá.
– Phân tích những phẩm chất (nếu có) của nhân vật → nhận xét, đánh giá.
– Phân tích thân phận, cuộc đời và số phận (nếu có) của nhân vật → nhận xét, đánh giá.
2. Phân tích, đánh giá nghệ thuật biểu hiện:
– Nghệ thuật khắc họa nhân vật điển hình, ý nghĩa của hình tượng nhân vật trong tác phẩm.
– Nghệ thuật khắc hoạ tâm lý nhân vật.
+ Nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ, giọng điệu,…
3. Liên hệ, so sánh, bàn luận mở rộng.
– Liên hệ, so sánh với nhân vật trong các tác phẩm cùng chủ đề.
– So sánh cách xây dựng nhân vật của nhà văn ở mỗi tác phẩm
- Kết bài:
– Đánh giá vẻ đẹp, sức sống của nhân vật trong văn học; tài năng, vị trí của nhà văn.
– Tác động của hình tượng nhân cật/tác phẩm trong đời sống hôm nay.
Xem thêm:
- Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
- Phân tích hình tượng người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ
2. Kiểu bài nghị luận về một tình huống truyện.
a. Tình huống truyện là gì?
– Tình huống truyện có thể hiểu là hoàn cảnh, bối cảnh tạo nên câu chuyện.
– Tình huống truyện chỉ ra mối quan hệ đặc biệt giữa nhân vật này với nhân vật khác; giữa hoàn cảnh và môi trường sống với nhân vật. Qua đó nhân vật bộc lộ tình cảm, tính cách hay thân phận góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác giả.
b. Các kiểu tình huống truyện thường gặp:
– Tình huống tâm trạng.
– Tình huống hành động.
– Tình huống nhận thức.
* Lưu ý: tình huống truyện giữ vai trò là hạt nhân của tác phẩm truyện ngắn. Nó chính là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến cuộc sống hiện lên rõ nhất và ý nghĩa tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ một cách rõ nét nhất.
c. Dàn bài:
- Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả, vị trí văn học của tác giả. (có thể nêu phong cách).
– Giới thiệu về tác phẩm (đánh giá sơ lược về tác phẩm).
– Nêu vấn đề cần nghị luận: tình huống truyện độc đáo.
- Thân bài:
1. Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác.
2. Phân tích các phương diện cụ thể của tình huống và ý nghĩa của tình huống đó.
+ Mở đầu, diễn biến và kết thúc.
+ Ý nghĩa và tác dụng đối với tác phẩm.
– Bình luận về giá trị của tình huống: làm nên thành công cho tác phẩm như thế nào, giá trị nghệ thuật mà nó mang lại.
3. Liên hệ, so sánh, bàn luận mở rộng.
– So sánh, liên hệ cách xây dựng tình huống của tác phẩm truyện khác.
4. Đánh giá nghệ thuật xây dựng tình huống ở mỗi tác phẩm.
- Kết bài:
– Đánh giá ý nghĩa vấn đề đối với sự thành công của tác phẩm.
– Cảm nhận của bản thân về tình huống đó.
Xem thêm:
- Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân
- Suy nghĩ về cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, giàu chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam
3. Kiểu bài so sánh hai nhân vật văn học.
- Mở bài:
– Giới thiệu 2 tác giả, tác phẩm và nhân vật.
– Nêu vấn đề nghị luận: điểm giống và khác nhau giữa hai nhân vật.
- Thân bài:
1. Trình bày về đặc điểm nhân vật thứ nhất:
– Phẩm chất tốt đẹp.
– Cuộc đời và số phận.
→ Đánh giá, nhận xét.
2. Trình bày về đặc điểm nhân vật thứ hai:
– Phẩm chất tốt đẹp.
– Cuộc đời và số phận.
→ Đánh giá, nhận xét.
3. So sánh hai nhân vật.
– Điểm giống nhau:
– Điểm khác nhau:
– Lý giải lý do/nguyên nhân khác biệt đó.
4. Bàn luận mở rộng vấn đề.
- Kết bài:
– Khẳng định ý nghĩa của hai nhân vật.
– Đánh giá tài năng của hai nhà văn và khẳng định vị trí của hai nhân vật trong nền văn học và tác động của tác phẩm trong đời sống hôm nay.
Đọc thêm:
- So sánh hình tượng nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo của Nam Cao) và người vợ nhặt (Vợ Nhặt của Kim Lân)
- So sánh hình tượng Huấn Cao trong Chữ người tử tù với ông lái đò trong Người lái đò sông Đà
4. Kiểu bài nghị luận về giá trị nhân đạo của tác phẩm truyện.
- Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
– Giới thiệu về giá trị nhân đạo.
– Khái quát vấn đề nghị luận.
- Thân bài:
1. Giới thiệu bối cảnh sáng tác.
2. Giải thích khái niệm nhân đạo:
+ Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của văn học chân chính, được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của con người, sự nâng niu trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ.
3. Phân tích các biểu hiện của giá trị nhân đạo trong tác phẩm:
+ Tố cáo chế độ thống trị đối với con người.
+ Bênh vực và cảm thông sâu sắc đối với số phận bất hạnh con người.
+ Trân trọng khát vọng tư do, hạnh phúc và nhân phẩm tốt đẹp con người.
+ Đồng tình với khát vọng và ước mơ con người.
4. Đánh giá về giá trị nhân đạo của tác phẩm.
+ Có giá trị thức tỉnh con người.
+ Mở đầu cho một xu hướng sáng tác hoặc trào lưu văn học.
5. Liên hệ, so sánh, bàn luận mở rộng.
- Kết bài:
– Đánh giá ý nghĩa vấn đề đối với sự thành công của tác phẩm.
– Cảm nhận của bản thân về vấn đề đó.
Đọc thêm:
- Suy nghĩ về nhân vật Thúy Kiều và giá trị nhân đạo của Truyện Kiều.
- Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài, Ngữ văn 12)
5. Kiểu bài nghị luận về giá trị hiện thực của tác phẩm truyện.
- Mở bài:
– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
– Giới thiệu về giá trị hiện thực.
– Nêu nhiệm vụ nghị luận.
- Thân bài:
1. Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác.
2. Giải thích khái niệm hiện thực:
+ Khả năng phản ánh trung thành đời sống xã hội một cách khách quan trung thực.
+ Xem trọng yếu tố hiện thực và lí giải nó bằng cơ sở xã hội lịch sử.
– Phân tích các biểu hiện của giá trị hiện thực:
+ Phản ánh một cách trung thực và đầy đủ đời sống xã hội, lịch sử.
+ Khắc họa đời sống, nội tâm trung thực của con người.
+ Giá trị hiện thực có sức mạnh tố cáo (hay ca ngợi) xã hội, chế độ.
3. Đánh giá về giá trị hiện thực của tác phẩm.
4. Đánh giá ngòi bút nghệ thuật của nhà văn.
- Kết bài:
– Đánh giá ý nghĩa vấn đề đối với sự thành công của tác phẩm.
– Cảm nhận của bản thân về vấn đề đó.
Xem thêm:
- Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân
- Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và vẻ đẹp thấm mĩ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” củaThạch Lam.
6. Kiểu bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
- Mở bài:
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, nội dung ý kiến, nhận định hướng tới.
– Trích dẫn lại ý kiến/nhận định đó.
- Thân bài:
1. Giải thích nội dung, ý nghĩa của ý kiến/nhận định.
2. Chứng minh, làm rõ ý kiến/nhận định bằng các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
3. Đánh giá, nhận xét về ý kiến
4. Liên hệ, so sánh, bàn luận mở rộng.
* Triển khai các luận điểm, vận dụng các thao tác phân tích, chứng minh để làm rõ nhận định. Kết hợp so sánh, bàn luận để làm rõ.
- Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề, nêu ý nghĩa.
Đọc thêm:
- Qua truyện ngắn Chí Phèo, hãy làm sáng tỏ ý kiến: “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than” (Trăng Sáng – Nam Cao)
- Từ hiểu biết về Truyện Kiều, hãy làm rõ ý kiến: “Máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột” (Mộng Liên Đường Chủ Nhân)