Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

phan-tich-nhan-vat-vu-nuong-trong-chuyen-nguoi-con-gai-nam-xuong-cua-nguyen-du

Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

  • Mở bài:

Nguyễn Du đã từng than thở trước cuộc đời rằng:

“Đớn đau thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Đem lời thơ ấy vào cuộc đời của nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, ta càng thương hơn cuộc đời và số phận hẩm hiu của kiếp người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công, tàn bạo. Nàng là một phụ nữ đảm đang, hiếu nghĩa, chung thủy, son sắc đến thế mà hạnh phúc đối với nàng chỉ hư ảo, bấp bênh, vô định như chiếc bóng nhập nhoạng ở trên tường.

  • Thân bài:

Đọc chuyện ta thấy Vũ Nương đúng thực là một người phụ nữ mẫu mực mà xã hội phong kiến cần có với những phẩm chất đáng quý. Nàng không chỉ “thùy mị nết na” mà còn có “tư dung tốt đẹp” hơn người, trong đạo vợ chồng, nàng hết sức khôn khéo; lúc nào cũng chú trọng “giữ gìn khuôn phép”, “không từng lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”. Với hai phẩm chất quan trọng nhất của người phụ nữ, nàng cũng đủ hi vọng có một cuộc sống hạnh phúc.

Thế nhưng, hạnh phúc đến với nàng thật mong manh, ngắn ngủi, nó chỉ đến với nàng một lần đó là những giây phút ban đầu. Qua lời tống biệt chồng ra trận, ta thấy Vũ Nương dịu dàng, thiết tha với hạnh phúc, không hư danh và giàu lòng vị tha. Nàng nghĩ đến những khó nhọc, gian nguy của chồng trước rồi mới nhận ra sự lẻ loi, hiu quạnh của mình: “Chàng đi chuyến nay, thiếp chẳng mong theo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”…

Trong những năm tháng chồng ngoài nơi chiến địa, người thiếu phu ấy đã một mình nuôi dạy con thơ; phụng dưỡng mẹ chồng; ngày đêm giữ gìn tiết hạnh hầu vun đắp, dưỡng nuôi cái nguồn hạnh phúc mà nàng đang mong đợi. Đối với mẹ chồng Vũ Nương giữ vẹn đạo làm con dâu thảo, hết lòng săm sóc lo thuốc thang khi mẹ ốm đau và cả việc ma chay tế lễ  khi mẹ chồng mất…

Nhà văn đã tỏ ra già dặn đã để cho chính người mẹ chồng ấy nhận xét về tấm lòng thơm thảo của nàng trước khi bà cụ qua đời. Trong đôi mắt của bà mẹ chồng, nàng là người có “lòng lành”. Sự đảm đang, hiếu nghĩa ấy cũng biểu hiện phần nào “tấm lòng son” của nàng đối với Trương Sinh. Có thể nói đạo làm con, làm vợ, làm mẹ. Tất cả đều được Vũ Nương thực hiện trọn vẹn…

Tác phẩm còn đề cập đến những oan khổ, bất hạnh mà người phụ nữ phải gánh chịu, Dõi theo câu chuyện, ta thấy thiếu phụ Nam xương này hoàn toàn vô tội trước “vụ án” đầy oan khuất. Ba năm chồng đi chinh chiến nàng vẫn ngày đêm chồng mong chồng trở về. Vậy mà nàng có ngờ đâu những phút giây đoàn viên cũng chính là lúc tai họa phủ xuống cuộc đời nàng.

Chỉ vì thương con thiếu nơi nương tựa, nàng chỉ lên chiếc bóng của mình trên tường và nói đó là cha lại có thể gây nên sự hoài nghi của chồng, khiến trương Sinh phát động lòng ghen, sỉ nhục và đánh đập nàng thận tệ. Sự ngu muội và hồ đồ của Trương Sinh chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch thảm khốc, tước đoạt nhân phẩm và sinh mệnh của người thiếu phụ một lòng trung trinh.

Giờ đây, Vũ Nương không chỉ ngậm đắng nuốt cay chịu đựng những ngọn đòn roi và những lời miệt thị, đuổi xua mà còn phải mang nỗi oan uất lớn nhất đối với người phụ nữa là thất tiết. Bão tố oan khiên đã dồn đẩy nàng vào kết cục bi thảm nhất là phải chọn lấy cái chết ở bến Hoàng giang để tỏ lòng trinh bạch, minh chứng nỗi oan tình: “Kẻ bạc phận này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ…”. Đó là tiếng khóc ai oán của một Vũ Nương hay cũng chính là tiếng kêu chung của những kiếp má hồng mệnh bạc. Đó cũng là lời tố cáo mạnh mẽ xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, nắm quyền độc đoán lúc bấy giờ…

Câu chuyện có thể được khép lại nơi đây thế nhưng tác giả lại thêm vào chi tiết Vũ Nương ở dưới thủy cung hầu tô đẹp hơn tính cách cao đẹp của Vũ Nương đồng thời còn gián tiếp đồng cảm và thương yêu của tác giả trước số phận của con người. Dù đã chết, người thiếu phụ ấy vẫn muốn sống lại với đời để giãi bày oan khuất;  vẫn còn tình xưa nghĩa cũ; vẫn còn vọng tới quê hương xưa khác nào “Ngựa hồ gấm gió bấc, chim Việt đậu cành Nam”. Tấm lòng son sắt thủy chung của nàng thật đáng quý trọng.

Cũng chính là lớp màn kì ảo lung linh ấy đã làm tăng thêm bi kịch trong tâm hồn nàng. Dù nỗi oan ấy đã được thần linh chứng giám và sống trong vòng tây ân đức của Linh Phi, thế nhưng nàng vẫn cảm thấy day dứt và dày vò, đau khổ, tủi thẹn vì nỗi oan thất tiết vẫn còn đó, chưa được thấu cảm nơi trần thế.

Lời buộc tội nhân gian phong kiến xưa khép lại câu chuyện thương tâm ấy cũng là một nét đẹp của giá trị nhân đạo mang lại. Tuy khát khao hạnh phúc, thương yêu chồng con, gắn bó thiết tha với cộc sống trần thế, nhưng khi chồng lập đàn giải oan như ước nguyệt thì nàng vẫn từ chối cuộc sống trần thế.

Trước hết, do nàng đã cảm nhận được ân đức của Linh Phi “đã thề sống chết cũng không bỏ”. Điều đó, đã cho ta thấy được thiếu phụ ấy là một người sống có trước có sau, trọn nghĩa, trọn tình. Nhưng có lẽ, nguyên căn sau xa là do cuộc sống nhân gian kia thiếu hẳn sự công bình. Cái dương gian kia chỉ đem đến cho nàng những tháng ngày chờ đợi mỏi mòn, vò võ cô đơn và những nồi khổ đau, bất hạnh.

Dù người chồng vẫn chưa cạn tình người, đã thấu nỗi oan của vợ, cất lời gọi thảm thiết nhưng nàng cũng chỉ đa tạ và đớn đau trở lại với cuộc sống Thủy cung có nghĩa là nàng đã chấp nhận khước từ thiên chức cao quý nhất của người phụ nữ đó là được làm vợ, làm mẹ.

Có thể nói, tài năng và tấm lòng của nhà văn dường như đã được kí thác cả vào nhân vật trung tâm của tác phẩm. Đọc thiên truyện, ta thấy Vũ Nương được tác giả Nguyễn Dữ khắc họa bằng ngòi bút đầy trân trọng và cảm thông sâu sắc. Nàng đúng là mẫu người lý tưởng theo quan niệm xã hội lúc bấy giờ.

Thế mà sự mất mát nỗi đau của nàng quá lớn: người mẹ đáng thương nhất mãi mãi phải rời xa đứa con thơ dại, người vợ hiền đức mãi mãi xa lìa người chồng mà nàng đã nguyện với lòng suốt đời thủy chung, gắn bó. Bao nhiêu cố gắng của người đàn bà bất hạnh hầu giữ gìn lấy hạnh phúc đều vô vọng, hạnh phúc đã tuốt khỏi đời nàng. Ai trong chúng ta không khỏi xốn xang, nhức nhối khi nghe vọng lại lời thề nguyền thống thiết của nàng trước trời cao song thẳm! Thiết nghĩ nếu thiếu đi chứ “tâm” trên từng trang sách thì câu chuyện về người thiếu phụ của Nguyễn Dữ có thể làm day dứt, xốn xang với người đọc đến thế không?

Truyện còn có sức lôi cuốn đọc giả bằng cách viết tài hoa của tác giả. Nguyễn Dữ đặc biệt chú ý đến cách khắc họa nội tâm nhân vật qua đó tính cách nhân vật được thể hiện một cách rõ nét. Chẳng hạn, ở trường đoạn người chồng bắt đầu ngờ vực lòng chung thủy của vợ và lòng ghen tuông trỗi dậy cho đến khi Vũ Nương gieo mình xuống sông thì chuyện cổ tích “Vợ chàng Trương” chỉ có vài dòng. Còn trong truyện ngắn của Nguyễn Dữ thì đã phát triển thành cao trào, xung đột trong nội tâm được khắc họa khá tinh tế qua ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm…

Tác phẩm kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tài tình những phương thức tự sự, trữ tình và cả kịch; giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả; giữa văn xuôi và văn biểu mẫu; giữa hiện thực và yếu tố kỳ ảo lời văn cô đọng xúc tích, chặt chẽ, hài hòa và sinh động, Tác giả đã để cho nhân vật Vũ Nương nhiều lần nói trong tác phẩm, giọng điệu khi thì ngọt ngào êm ái, khi nghe thống thiết, bi ai khiến người đọc không ngừng xúc động.

Cách xây dựng tình huống gây cấn, thắt nút, gỡ nút đầy kịch tính, bất ngờ làm cho nỗi oan nổi bậc lên với tất cả sự bi thảm của nó. Trước hết, phải nói đến cách thắt nút bằng yếu tố bất ngờ. Tác giả đã khéo cân nhắc, chọn lọc câu nói phản ánh đúng cách thắt nút bằng sự ngây thơ đứa trẻ. Chỉ một câu nói ngây dại của một đứa trẻ thơ mà bão tố đã nổi dậy trong gia đình mà phút giây đoàn viên chưa thỏa. Câu nói ấy đã tạo nên trăm điều nghi kị trong đầu óc của một người chồng vừa mới từ xa trở về mà lại đa nghi và thiếu trí tuệ. Ngay cả người đọc chúng ta cũng cảm thấy bàng hoảng sửng sốt. Cách gỡ nút cũng thật tài tình, tự nhiên bởi vì tìm ra sự thật lại chính là người chồng đa nghi, thiếu trí tuệ, nói ra sự thật lại chính là đứa con ngây dại…

Mặc dầu truyện còn phản phất không khí thần linh, sử dụng văn biểu ngẫu nhưng với cách bố cục chặt chẽ, truyện tạo tình huống bất ngờ, đầy lý thú. Tác phẩm đã làm sống dậy hình ảnh “người đàn bà hôm qua” với nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng cuộc đời thật cay nghiệt, oan trái,…

  • Kết bài:

“Chuyện người con gái Nam Xương” là một bài ca ca ngợi phẩm chất tốt đẹp, cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Tấm lòng và nỗi oan của người thiếu phụ đã làm rơi nước mắt người Việt Nam trong suốt mấy trăm năm qua chính là thế, khơi động trong ta sự cảm thương, trân trọng và tôn quý những con người phụ nữ tốt đẹp mà được nhận được hạnh phúc xứng đáng.


Bài tham khảo:

Phân tích nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ

  • Mở bài:

“Chuyện người con gái Nam Xương” là truyện tiêu biểu trong số sáng tác viết về đề tài người phụ nữ và là truyện thứ 16 trong 20 thiên truyện của tác phẩm “Truyền ki mạn lục”. Ở tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, ngòi bút Nguyễn Dữ đã xây đựng nên hình tượng của nhân vật Vũ Nương, một hình tượng nhân vật điển hình cho số phận có tính bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy những bất công, ngang trái.

  • Thân bài:

Nguyễn Dữ là một trong những học trò xuất sắc của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sống trong cảnh chế độ phong kiến mục nát, sau khi đỗ hương cống, Nguyễn Dữ chỉ làm quan một năm rồi lui về ở ẩn. Đó là hành động bày tỏ thái độ chán nản trước thời cuộc của một trí thức tâm huyết nhưng sinh ra không gặp thời. Cảm thương số kiếp lầm than của những con người bất hạnh, ông kí thác tất cả tâm tư của mình vào trong các tác phẩm. Hình tượng nhân vật Vũ Nương là một thành công lớn của ông không chỉ về mặt hình thức nghệ thuật mà còn ở chỗ nhân vật đại diện cho tiếng nói bi thương, tiếng thét đòi quyền sống của người phụ nữ trong xã hội cũ vốn tồn tại nhiều bất công, bạo ngược.

1. Phẩm đức cao đẹp của Vũ Nương:

Mở đầu tác phẩm, tác giả đã có lời giới thiệu bao quát về Vũ Nương “Tính đã thuỳ mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” tạo ấn tượng về một chân dung phụ nữ hoàn hảo. Sau đó ông đi sâu miêu tả vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của nhân vật trong các mối quan hệ khác nhau, trong các tình huống khác nhau.

Vũ Nương là một người phụ nữ thuộc giới bình dân “vốn con kẻ khó”. Ngay từ đầu, Nguyễn Dữ đã thể hiện cái nhìn tiến bộ: quan tâm đến đời sống của người phụ nữ xuất thân từ tầng lớp bình dân.

Vũ Nương mang vẻ đẹp của một người phụ nữ lí tưởng. Chỉ bằng một vài câu văn, Nguyễn Dữ đã phác họa vẻ đẹp hoàn hảo. Nàng tính tình  thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp. Ở nàng là sự dịu dàng, hiền hậu, tốt nết, dễ mến. Vẻ đẹp cân đối hài hòa, tươi tẳn của Vũ Nương khiến người đọc ngay lập tức ấn tượng và cảm mến vô cùng.

Không chỉ ở hình thức, đức hạnh của Vũ Nương cũng trọn vẹn theo tiêu chuẩn đương thời. Khi về làm vợ Trương Sinh, biết tính chồng, lúc nào nàng cũng cư xử đúng mực, hết lòng vun vén cho hạnh phúc gia đình “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đền thất hòa. Hẳn đó là một người phụ nữ biết kính nhường, tuân thủ nguyên tắc tốt đẹp, lúc nào cũng hướng đến việc làm tròn bổn phận.

Chiến tranh đã khiến cho hạnh phúc lứa đôi chưa kịp mặn nồng thì chồng nàng phải ra trận. Khi tiễn chồng ra trận, nàng đằm thắm thiết tha, ân cần đưa tiễn, nỗi lòng lo lắng ngổn ngang như thấy trước những khó khăn nơi chiến trận: “chỉ xin ngày về mang theo hai chữ hình vén” chứ không mong gì phong ấn công hầu. Đó là người vợ không tham quyền quý, chẳng cậy giàu sang, thật đáng kính trọng.

Khi Trương Sinh đi chiến trận, Vũ Nương một mình nuôi dạy con thơ, phụng dưỡng mẹ chồng chu đáo, canh cánh bên lòng nỗi mong nhớ cô đơn. Lời nói của mẹ chồng trước lúc lâm chung “xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đõ chẳng phụ mẹ” đã khẳng định mạnh mẽ quý phẩm, cao đức của nàng.

2. Bi kịch cuộc đời Vũ Nương:

Dẫn đến bi kịch cuộc đời của nhân vật Vũ Nương trước hết là do vị thế thấp kém của nàng. Cuộc hôn nhân giữa Vũ Nương và Trương Sinh có phần không bình đẳng. Vũ Nương “vốn con kẻ khó” còn Trương Sinh lại là “nhà giàu” đến độ khi muốn Sinh có thể xin mẹ trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương về. Sự cách bức giàu nghèo ấy khiến Vũ Nương sinh mặc cảm và cũng là cái thế khiến Trương Sinh có thể đối xử thô bạo, gia trưởng với nàng.

Xã hội phong kiến nam quyền với những bất công, ngang trái đã khiến cho thân phận người phụ nữ trở nên nhỏ bé, thấp kém. Thói gia trường, đa nghi đã bóp chết niềm khao khát nghi gia nghi thất một đời của Vũ Nương, dẫn đến bi kịch thảm khốc.

Chiến tranh là nguyên nhân gieo rắc oan nghiệt vào số phận của nàng. Chiến tranh đã làm xa cách, tạo điều kiện cho sự hiểu lầm trở thành nguyên nhân gây bất hạnh. Đó cũng là ngòi nổ cho thói hay ghen, đa nghi của Trương Sinh nảy nở, phát triển.

Tiếp đến, chính lời nói ngây thơ của bé Đản làm bùng lên tất cả những hoài nghi và bất ổn trong lòng ích kỉ và mù quáng của Trương Sinh khiến chàng hành động hồ đồ đến nỗi vô tình bức hại Vũ nương. Quá oan ức, Vũ Nương gieo mình ở bến Hoàng Giang để người đời mãi xót xa về tấn bi kịch về số phận đau xót của người phụ nữ thời phong kiến – tấn bi kịch về cái đẹp bị chà đạp trong cuộc sống. Đó là bản án đanh thép đối với xã hội đương thời.

3. Cuộc sống chốn thủy cung:

Nguyễn Dữ như muốn minh oan và bù đắp cho những đức tính tốt đẹp của nàng bằng một cuộc sống khác với chốn dương gian. Nơi cung nước, Vũ Nương vẫn không nguôi nhớ đến gia đình – khóc thương gia cảnh tiêu điều, xơ xác. Và khi gặp được Phan Lang, người làng cũ, nàng kể rõ sự tình và gửi lời thiết tha, xin lập đàn giải oan, khao khát được trả lại danh dự, được rửa oan.

Hình tượng nhân vật Vũ Nương là hiện thân của lòng vị tha, vẻ đẹp người phụ nữ đức hạnh. Song cuộc đời nàng gặp nỗi bi kịch lớn. Đó cũng là bi kịch của những người phụ nữ trong chế độ xã hội phong kiến bất công, hà khắc.

  • Kết bài:

Tuy có những phẩm chất tâm hồn đáng quý nhưng nhân vật Vũ Nương đã phải chịu một số phận cay đắng, oan nghiệt. Nghịch lí ấy tự nó đã là tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến bất công phi lí đương thời chà đạp lên hạnh phúc của con người. Xây dựng hình tượng Vũ Nương, một mặt nhà văn ngợi ca những phẩm chất tâm hồn đáng quý của người phụ nữ, mặt khác thể hiện thái độ cảm thông thương xót cho số phận bất hạnh của họ và cực lực lên án xã hội phong kiến đương thời bất công, phi lí chà đạp, rẻ rúng con người đặc biệt là người phụ nữ. Có lẽ chưa cần nhiều, chỉ cần khai thác chân dung Vũ Nương đã đủ thấy chiều sâu hiện thực và nhân đạo của ngòi bút Nguyễn Dữ.

21 Trackbacks / Pingbacks

  1. Tóm gọn nội dung 4 tác phẩm văn học trung đại - Luyện thi văn 10 - Theki.vn
  2. Suy nghĩ về bi kịch gia đình của nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ - Theki.vn
  3. Phân tích Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ - Theki.vn
  4. Ý nghĩa hình tượng 'chiếc bóng" trên tường của Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" - Theki.vn
  5. Phân tích chi tiết nghệ thuật chiếc bóng của Vũ Nương trong "Chuyện người con gái Nam Xương" - Theki.vn
  6. Phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ - Theki.vn
  7. Đặc sắc nghệ thuật trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ - Theki.vn
  8. Đóng vai nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương kể lại cuộc đời oan ức của mình - Theki.vn
  9. Tóm tắt nội dung Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ - Theki.vn
  10. Qua chi tiết chiếc bóng trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ chứng mình: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” - Theki.vn
  11. Suy nghĩ về kết thúc truyện Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ - Theki.vn
  12. Viết đoạn văn ngắn theo cách diễn dịch, cảm nhận chi tiết cái bóng trên tường trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ - Theki.vn
  13. Dàn bài: Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương - Theki.vn
  14. Tiếng nói đồng cảm, trân trọng, ngợi ca người phụ nữ qua các tác phẩm: Chuyện người con gái Nam Xương, Truyện Kiều, Bánh trôi nước và Truyện Lục Vân Tiên - Theki.vn
  15. Nghị luận: Chuyện người con gái Nam Xương là bài ca ca ngợi và đề cao những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ - Theki.vn
  16. Ôn tập luyện thi văn bản: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) - Luyện thi tuyển sinh - Theki.vn
  17. Đóng vai nhân vật Trương Sinh kể lại Chuyện người con gái Nam Xương - Theki.vn
  18. Đề bài luyện thi Học sinh giỏi kiến thức Ngữ văn 9 (Bộ đề 1) - Theki.vn
  19. Hướng dẫn cách làm bài nghị luận (phân tích, cảm nhận) về một tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) - Theki.vn
  20. Bài 7. Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (Ngữ văn 8, tập 2, Chân Trời Sáng Tạo) - Theki.vn
  21. Nêu cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.