Dàn bài: Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

dan-bai-phan-tich-ve-dep-cua-vu-nuong

Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương.

I. Mở bài:

Thân phận nhỏ bé, số phận bi thương của người phụ nữ trong xã hội phong kiến vốn là đề tài xuyên suốt trong trong nền văn học trung đại nước ta. Hình ảnh người phụ nữ khổ đau, bất hạnh hiện diện qua các tác phẩm vốn là những người phụ nữ “tư dung tốt đẹp”, tài sắc vẹn toàn; phẩm chất tốt đẹp. Nguyễn Dữ với thiên truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” đã góp một hình ảnh nổi bậc, hoàn thiện bức tranh số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến nam quyền bất công, tàn bạo.

II. Thân bài:

– Vũ Nương người phụ nữ có đẹp người, đẹp nết và phẩm chất cao quý, đáng được trân quý. Thế nhưng, đáng thương thay, nàng phải gánh cuộc đời bất hạnh, ngang trái. Với tấm lòng nhân đạo cao cả, Nguyễn Dữ đã bày tỏ sự trân trọng và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, đồng thời thể hiện tấm lòng cảm thông sâu sắc  đối với họ và mạnh mẽ lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến – kẻ đã gieo rắc những bất hạnh và đau thương lên những kiếp đời nhỏ bé.

1. Vũ Nương là hiện thân của cái đẹp chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam:

a) Vẻ đẹp của Vũ Nương qua dung mạo, cốt cách:

+ Nàng là người “thùy mị, nết na”: nét đẹp dịu dàng, hiền hậu, dễ mến.

+ Nàng có “tư dung tốt đẹp”: Vẻ đẹp tươi tắn, hài hòa → tác giả tập trung khắc họa vẻ đẹp của nàng trong cuộc sống gia đình.

b) Vẻ đẹp của Vũ Nương phẩm chất và đức hạnh:

– Vũ Nương là người phụ nữ không những thùy mị nết na, khéo léo, không màn danh lợi mà còn rất đảm đang, hiếu thảo, chung thủy, sắt son với chồng, hi sinh cho gia đình:

+ Nàng rất khéo léo trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Biết Trương Sinh tính tình đa nghi, hay ghen tuông mù quáng nên Vũ Nương đã hết sức giữ gìn khuôn phép, “không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa”.

+ Nàng không tham xa hoa quyền quý, danh lợi, chỉ muốn được hạnh phúc bên gia đình. Trong buổi đưa tiễn chồng đi chinh chiến, không như những người phụ nữ khác, nàng chẳng mong chồng mình “đeo ấn hầu, mặc áo gấm” trở về mà chỉ cần chồng bình an vô sự.

+ Nàng là người rất đảm đang, tháo vát. Khi chồng đi chinh chiến, thân là phụ nữ nhưng Vũ Nương lo lắng hết mọi việc trong gia đình, từ việc to đến việc nhỏ, từ chăm con thơ đến lo cho mẹ già. Việc gì nàng cũng chu toàn.

+ Vũ Nương là người con dâu vô cùng hiếu thảo với mẹ  mẹ chồng. Nàng xem mẹ chồng như mẹ ruột của mình. Lúc mẹ vì lo lắng cho con đi chinh chiến mà sinh bệnh, phận là con dâu, Vũ Nương đã hết lòng chăm sóc, “hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngon ngào khôn khéo khuyên lơn”. Lời trăn trối của người mẹ chồng trước khi mất: “xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ” cho thấy Vũ Nương là người phụ nữ đức hạnh. Khi mẹ chồng mất: “Nàng hết lòng thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”. Việc ấy khiến hàng xóm hết sức trân trọng, yêu mến.

+ Vũ Nương là một người vợ chung thủy, sắt son. Khi Trương Sinh nổi cơn ghen tuông, mắng nhiếc nàng, nàng bộc bạch nỗi lòng mình: “Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa từng bén ngót”. Thân “liễu yếu tơ đào”, đồng không mông quạnh, tủi phận nhưng Vũ Nương đã giữ trọn đạo “tam tòng”, một lòng chung thủy chờ đợi chồng trở về.

+ Lời trăn trối trước lúc quyên sinh tỏ rõ tấm lòng của nàng: “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ”. Điển tích, điển cố “ngọc Mị Nương” chứng minh cho tấm lòng trong sạch; “cỏ Ngu mĩ” chứng minh cho tấm lòng chung thủy, sắt son. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.

Qua lời thề độc này, càng minh chứng cho tấm lòng trong sạch, son sắt, thủy chung của Vũ Nương.

2. Nhận xét:

– Bằng bút pháp ước lệ, tượng trưng, sử dụng thành ngữ, từ ngữ giàu sức gợi hình và biểu cảm, Nguyễn Dữ đã khắc hoạ một nhân vật Vũ Nương không những người phụ nữ vừa đẹp người lại đẹp nết, đức hạnh vẹn toàn. Có thể nói, nàng là mẫu hình người phụ nữ mà xã hội phong kiến cần có. Thế nhưng, cuộc đời Vũ Nương lại gặp nhiều bất hạnh, ngang trái.

+ Xây dựng nhân vạt Vũ Nương, tác giả ít chú trọng vào vẻ đẹp ngoại hình của Vũ Nương. Nàng hiện lên với vẻ đẹp của người phụ nữ, người vợ, người mẹ, người con dâu trong gia đình: vị tha, bao dung, biết hi sinh cho hạnh phúc của gia đình, giống các mô típ giới thiệu nhân vật của truyện cổ dân gian.

– Vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật được bộc lộ qua những tình huống truyện gây cấn, giàu kịch tính: có chồng là Trương Sinh, tính tình hay ghen; khi chồng đi chinh chiến; khi bị oan ức, tìm đến xái chế, được cứu, giải oan,…

 

III. Kết bài:

– Vũ Nương chứa đựng tư tưởng của nhà văn: phát hiện, trân trọng và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hôi; lên tiếng bệnh vực người phụ nữ; tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đẩy người phụ nữ vào bước đường cùng không lối thoát.

– Khẳng định: vẻ đẹp của Vũ Nương cũng chính là vẻ đẹp của người phụ nữ xưa. Đó là nét đẹp vĩnh hằng cùng với thời gian qua bao thế hệ độc giả.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.