Kể lại sự việc em đã gây ra khiến bố mẹ buồn phiền.

Kể lại sự việc em đã gây ra khiến bố mẹ buồn phiền.

  • Mở bài:

– Mở bài trực tiếp: giới thiệu về sự việc em lỡ gây ra khiến bố mẹ phiền lòng.

– Mở bài gián tiếp: dẫn dắt kể về hoàn cảnh khiến em gợi nhớ về một lần đã khiến bố mẹ phải buồn phiền ở trong quá khứ. Từ đó dẫn vào phần thân bài kể về sự việc đó.

  • Thân bài:

– Kể lại diễn biến của sự việc em đã lỡ gây ra khiến bố mẹ phiền lòng:

+ Kể lại sự việc đã diễn ra theo trình tự thời gian (cái gì diễn ra trước thì kể trước, cái gì diễn ra sau thì kể sau).

+ HS sắp xếp câu chuyện kể theo mô tip nguyên nhân xảy ra sự việc – diễn biến sự việc – kết quả sự việc.

– Nêu những cảm xúc, suy nghĩ (buồn bã, hối hận…) của em sau khi diễn ra sự việc ấy.

– Em đã làm những gì để khắc phục lỗi lầm của mình (bằng lời nói và hành động cụ thể…)

– Thái độ của bố, mẹ sau khi em thể hiện sự hối lỗi của mình.

  • Kết bài:

– Suy nghĩ, bài học mà em rút ra được sau sự việc mà em đã kể.

Bài văn tham khảo:

Con người sinh ra vốn bất toàn, có ai là người chưa từng một lần mắc sai lầm trong cuộc đời dài của chính mình, điều quan trọng là ta phải biết thức tỉnh, sửa sai, đứng lên trên sai lầm ấy mà trưởng thành. Tôi cũng đã từng phạm sai lầm, điều đáng buồn hơn cả là sự việc tôi gây ra đã khiến bố mẹ, những người yêu thương, tin tưởng tôi nhất đau lòng, phiền muộn. Sự việc ấy dù đã qua đi được một thời gian dài nhưng mỗi khi nhắc đến tôi vẫn cảm thấy day dứt và hối hận vô cùng.

Vì công việc bận rộn, bố mẹ cũng ít có thời gian quan tâm sát sao tôi. Nhưng tính tôi hiền lành, nhút nhát, lại rất thương bố mẹ nên tôi rất ngoan ngoãn, lễ phép, biết vâng lời và giúp đỡ bố mẹ công việc nhà. Thành tích học tập của tôi cũng vào loại khá đủ khiến bố mẹ đặt lòng tin ở tôi để tu chí làm ăn. Nhưng tất cả sự tin tưởng, niềm tự hào của bố mẹ dành cho tôi đã hoàn toàn sụp đổ vào năm tôi học lớp bốn.

Tôi còn nhớ như in năm đó, ở gần trường tôi có mở thêm vài quán nét mới. Vốn tính nhút nhát lại không ham chơi, đua đòi nên tôi rất ít ra vào nơi đó. Nhưng hôm ấy, tôi còn nhớ vì bị điểm kém bài thi toán tôi đã rất buồn, lại có phần hụt hẫng và chán nản bởi đó là môn mà tôi đã hi vọng và nỗ lực rất nhiều để đạt điểm cao. Trong lúc tâm trạng đang rối bời, có mấy bạn đã rủ tôi vào quán nét chơi game cho thoải mái đầu óc. Sau một hồi đắn đo, phân vân tôi đã quyết định đi cùng các bạn. Chưa bao giờ tôi nghĩ những trò chơi game lại có ma lực lôi cuốn mình đến thế. Những trận đánh ảo, những gia tài khổng lồ trong game khiến tôi như quên đi mọi thứ xung quanh mà chìm đắm vào nó. Một lần, hai lần, ba lần rồi dần dần tôi thường xuyên vào quán nét. Hằng ngày, số tiền bố mẹ cho tôi để ăn sáng tôi đều dành để đi chơi game. Tội lỗi và đáng trách hơn cả là tôi bắt đầu biết nói dối bố mẹ. Tôi nói rằng mình phải đi học thêm, học nhóm để thoái thác các công việc nhà mà tôi thường hay làm, bỏ qua những giờ tự học ở nhà để đến quán nét. Tôi dần trở nên hư đốn, tha hóa khi thường xuyên trốn học, bỏ tiết để đi chơi game. Thậm chí có lần, vì ham chơi lại không có tiền nên tôi đã nói dối bố mẹ xin tiền đi học phụ đạo để phục vụ cho việc làm sai trái của mình. Tôi học hành sa sút nghiêm trọng, tự bản thân tôi cũng cảm thấy mình như trở thành một con người hoàn toàn khác. Bố mẹ tôi đi sớm về khuya có lẽ chưa kịp phát hiện ra sự thay đổi của tôi, cho nên tôi vẫn ngang nhiên bỏ học chơi game.

Sự việc này cứ thế diễn ra hơn ba tháng trời, chỉ đến khi cô giáo gọi điện mời bố mẹ tôi lên trường để gặp gỡ, trao đổi thì mọi chuyện mới vỡ lở. Vì trốn học quá nhiều, tôi còn không biết đến cuộc gặp mặt này. Buổi chiều hôm ấy, cũng như bao ngày khác, tôi bước ra từ quán nét vào đúng giờ tan học và trở về nhà cũng rất đúng giờ như các bạn khác. Bước vào nhà, tôi ngạc nhiên vô cùng khi cả bố và mẹ đều đang ngồi ở phòng khách. Tôi chào bố mẹ và tỏ ra thắc mắc “sao bố mẹ hôm nay đi làm về sớm thế ạ”. Vẻ mặt tôi cố tỏ ra thật tự nhiên nhưng nhìn nét mặt nghiêm nghị của bố và ánh mắt buồn rầu của mẹ tôi biết chắc chắn đã xảy ra chuyện gì. Bố hỏi tôi:

– Con vừa đi đâu về?

Tôi vẫn tỏ ra ngoan cố vì không nghĩ rằng bố mẹ chưa biết chuyện:

– Dạ, con vừa đi học về ạ.

Lúc này, ánh mắt bố tôi đục ngàu, tôi cảm nhận được những tia giận giữ lóe lên từ cái nhìn về tôi. Bố gằn giọng, cố kìm nén cơn nóng giận và nói:

– Bố mẹ vừa đi gặp cô giáo chủ nhiệm của con về.

Chỉ nghe đến đây thôi, chân tay của tôi như rụng rời, tim tôi đập nhanh, môi run run không thốt lên lời. Tôi biết bão tố sắp ập đến với mình. Tôi cũng đã từng nghĩ ngày này sớm muộn cũng sẽ đến nhưng tôi không sao kiềm chế được bản thân. Tôi khóc nấc không thành tiếng rối rít xin lỗi bố mẹ. Thực sự khi ấy, lời xin lỗi của tôi không đơn thuần xuất phát từ nỗi sợ hãi mà tôi đang ăn năn, day dứt về dằn vặt thực sự về việc làm của mình. Tôi sẵn sàng đón nhận sự trừng phạt, những trận đòn roi, những lời chửi mắng từ bố mẹ. Thế nhưng, mọi thứ hoàn toàn không như tôi nghĩ, mẹ tôi đã khóc, khóc rất nhiều, từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ phải thấy mẹ khóc nhiều đến thế. Tôi đau lòng vô cùng, những giọt nước mắt ấy còn làm tôi xót hơn cả những trận đòn roi. Tôi càng trách bản thân nhiều hơn, tôi tự cảm thấy xấu hổ cho chính bản thân mình. Bố điềm tĩnh giảng giải chỉ ra những sai lầm và khuyên răn tôi. Tôi thức tỉnh thực sự, tôi hối hận về những hành động sai trái của mình, tôi yêu thương và kính trọng bố mẹ mình nhiều hơn. Kể từ hôm ấy, tôi chuyên tâm học hành, trở về là chính mình và tự hứa với bản thân sẽ học tập chăm chỉ hơn, ngoan ngoãn hơn để bù đắp những sai lầm mà mình gây ra.

Giờ đây, tôi đã trưởng thành, tôi thấu hiểu rằng, sai lầm không đáng sợ, thứ đáng sợ hơn cả là bản thân không nhận ra được lỗi sai và sửa chữa, Từ ngày ấy, mỗi lần đưa ra các quyết định hay hành động gì tôi đều nghĩ đến bố mẹ, những người đã bao dung rộng lòng cho tôi biết sai, sửa sai và có được một bài học đường đời quý giá.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.