»» Nội dung bài viết:
Khái quát về lí luận văn học trong nhà trường THPT.
1. Khái niệm.
Lí luận văn học là bộ môn có nhiệm vụ nghiên cứu những quy luật chung nhất của văn chương. Nó có nhiệm vụ thông qua các nghiên cứu hàng loạt tác phẩm Đông – Tây- Kim – Cổ, tìm ra các quy luật chung nhất, cái bản chất chung của văn chương – cái mà bất kì tác phẩm nào được gọi là văn chương đều có sự tôn tại của nó.
2. Nội dung, tính chất của lí luận văn học.
2.1. Lí luận văn học là một bộ phận của nghiên cứu văn học.
Lí luận khoa học về văn học lấy các hiện tượng văn học như tác phẩm, thể loại, nhà văn, quá trình sáng tác, sự tiếp nhận, quá trình pát triển của văn học,…làm đối tượng nghiên cứu. Mục đích của lí luận văn học là rút ra các khái niệm, các quy luật có tính phổ biến về văn học nhằm trả lời câu hỏi văn học là gì, tác phẩm có cấu tạo như thế nào, thế nào là tác phẩm hay,… từ đó giúp Người đọc thưởng thức, nghiên cứu văn học là một cách tự giác.
Lí luận văn học nghiên cứu văn học như một hoạt động sáng tạo tinh thần thẩm mỹ của con người, bao gồm các mặt hoạt động của các yếu tố, quan hệ tạo thành hoạt động đó. Nó nghiên cứu các hiện tượng văn học cụ thể để rút ra các khái niệm phổ biến về bản chất, tính chất, quy luật của văn học. Chính vì vậy, nội dung của lí luận văn học là khái niệm, phạm trù văn học.
2.2. Nội dung của lí luận văn học.
Lí luận văn học là lí luận khoa học về văn học, lấy văn học làm đối tượng nghiên cứu. Lí luận văn học có nhiệm vụ khái quát về bản chất, đặc trưng, cấu tạo, quy luật tồn tại và phát triển của văn học, giúp con người hiêu được mọi hiện tượng văn học từ tác phẩm, tác giả, thể loại, trào lưu, phong cách,…
Lí luận văn học có nhiệm vụ cung cấp một hệ thống các khái niệm, phạm trù khoa học chặt chẽ với tư cách là những công cụ để người đọc và các nhà phê bình, các nhà văn học sử có thể vận dụng và nghiên cứu văn học một cách hữu hiệu.
Đối tượng của lí luận văn học không phải là một vài tác phẩm, tác giả cụ thể, mà là toàn bộ văn học như một lĩnh vực nghệ thuật, một hình thái ý thức xã hội. Đó là một đối tượng rộng, vừa thống nhất, vừa đa dạng, lại luôn đổi thay trong lịch sử, do đó lí luận văn học không dễ trả lời câu hỏi “ Văn học là gì?” nếu không xem xét một cách toàn diện.
Lí luận văn học tất nhiên không thể không phân tích một số tác phẩm, tác giả cụ thể, nhưng nó nghiên cứu các hiện tượng đó như là những ví dụ. Nói cách khác, nghiên cứu tác phẩm, tác giả cụ thể, lí luận văn học không nghiên cứu như nhà phê bình văn học và lịch sử văn học nhằm đánh giá ý nghĩa, vị trí từng tác phẩm, tác giả đó, mà là nhằm xem xét một trào lưu văn học, cuộc vận động của văn học.
Lí luận văn học vận dụng phương pháp luận triết học, từ tầm cao lí luận mà trình bày và phân tích tính chất, đặc điểm, quy luật của văn học, xây dựng nên các khái niệm, phạm trù. Phạm vi của lí luận văn học ngày nay bao gồm các bộ phận sau: Một là bản chất, đặc trưng của văn học, hai là cấu tạo của tác phẩm và thể loại, ba là quá trình sáng tác, bốn là tiến trình phát triển văn học, năm là sự tiếp nhận của văn học. Năm bộ phận này bao quát hết các mặt quy luật của văn học. Một bộ lí luận văn học đầy đủ phải bao gồm ngần ấy bộ phận. Mỗi bộ phận có những quy luật, phạm trù riêng. Nhưng các bộ phận đều liên hệ mật thiết với nhau trong quá trình lịch sử. Theo nhà lí luận Mỹ là M.H.Abrams thì có bốn yếu tố tạo thành đời sống văn học. Đó là tác phẩm, nhà văn, thế giới, người đọc được sắp xếp theo mô hình dưới đây:
2.3. Tính chất của lí luận văn học.
Lý luận văn học là một bộ môn khoa học, là thành quả đúc kết, khái quát kinh nghiệm của văn học nhân loại. Văn học càng phát triển phong phú thì khái niệm về lí luận văn học càng sâu sắc. Lí luận văn học là sản phẩm của lịch sử, nó không ngừng phong phú thêm, và đổi thay cho sâu sắc hơn. Là sự khái quát, đúc kết kinh nghiệm về văn học, lí luận văn học chịu sự chi phối của trình độ phát triển của văn học và trình độ nhận thức của con người. Chẳng hạn Aristote khi bàn đến bản chất của văn học chủ yếu chỉ nói đến bản chất “ bắt chước” của nó, còn bàn đến thể loại thì hầu như chưa nói gì đến thể loại trữ tình.
Ở phương Đông, lí luận Nho giáo nói đến văn học chủ yếu đề cập đến chức năng giáo hóa và không đánh giá cao các tác phẩm hư cấu… do đó lí luận văn học hôm nay là sự tổng kết thành quả của một quá trình nhận thức lâu dài về văn học của nhân loại. Nhưng lí luận văn học không phải là số cộng giản đơn các kiến thức về văn học. Từ kinh nghiệm nâng lên lí luận phải trải qua một quá trình kiểm nghiệm, sàng lọc, khái quát, hệ thống hóa. Quá trình xây dựng lí luận văn học phải chịu sự chỉ đạo của một hệ thống thế giới khác quan và các phương pháp khoa học. Bởi vì văn học là một hoạt động tinh thần của con người thông qua hình thức thẩm mĩ, hình thức đánh giá nhằm chiếm lĩnh thế giới, cho nên lí luận văn học không giản đơn là hệ thống kiến thức về văn học mà còn là hệ thống giá trị về văn học.
Lí luận văn học không chỉ giải thích văn học là gì mà còn phải cho biết văn học thế nào là hay, là tiến bộ. Lí luận văn học là bộ môn khoa học nhân văn, mang đậm bản chất nhân văn, nó nói lên mối quan hệ khăng khít giữa văn học và con người, thể hiện bản tính người của văn học. Triết học Marx- Lenin là cơ sở khoa học vững chắc để xây dựng và phát triển lí luận văn học hiện đại. Tất nhiên lí luận văn học mác- xít không hề gạt bỏ các thành quả lí luận văn học phong phú thuộc các trào lưu tư tưởng khác, mà hấp thụ chúng, phát triển chúng, làm cho lí luận văn học ngày càng sâu sắc và toàn diện. Lí luận văn học mác- xít là một hệ thống mở.
3. Lí luận văn học ở trường THPT.
– Lí luận văn học là một bộ phận của phân môn Văn học, nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn đối với cả bộ môn và có quan hệ mật thiết với phân môn Văn học. Những kiến thức Lí luận văn học sẽ giúp giáo viên trang bị cho học sinh những công cụ và phương tiện cơ bản để từng bước hình thành năng lực văn.
– Qua Lí luận văn học, học sinh có thể cảm thụ thẩm mỹ một cách có ý thức từ các phương diện của tác phẩm văn học như: ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu,… Đó cũng là con đường khắc phục có hiệu quả hội chứng “ xã hội học dung tục” trong dạy học văn.
– Lí luận văn học cũng giúp học sinh nâng cao năng lực tư duy. Đó là khả năng phát hiện vấn đề, đặt vấn đề trước một đối tượng, một hiện tượng nào đó của đời sống hiện thực hay đời sống văn học, khoa học. Đặc biệt với học sinh giỏi Văn, kiến thức lí luận văn học là chìa khóa giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp nhận văn học, thể hiện năng lực hiểu và lí giải các vấn đề thuộc về bản chất, quy luật của văn học.