Khiêm tốn là gì? Tại sao cần phải rèn luyện tính khiêm tốn?
- Mở bài:
Nếu trí tuệ là bông hoa khoe sắc trong khu vườn nhân cách thì khiêm tốn là hương thơm của bông hoa ấy. Khiêm tốn không đơn thuần là một phẩm đức mà nó còn là thái độ sống, một nghệ thuật về cách đối nhân xử thế trên đường đời.
- Thân đoạn:
Khiêm tốn là gì ?
Khiêm tốn là thái độ đúng mức trong việc đề cao bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác, không ganh ghét, đố kị, hơn thua. Người có lòng khiêm tốn luôn luôn thể hiện thái độ hòa nhã, nhún nhường trong văn hóa ứng xử; luôn tỏ ra tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác.
Tại sao sống cần phải có lòng khiêm tốn?
Sống mà biết khiêm tốn, con người ta mới có tinh thần cầu tiến, mới không ngừng học hỏi và tiến bộ. Khiêm tốn trong công việc giúp chúng ta có cơ hội được chỉ bảo, học được nhiều điều mới mẻ. Khiêm tốn trong giao tiếp giúp cúng ta được mọi người yêu quý và bớt người ganh ghét đi.
Khiêm tốn giúp con người ta không kiêu ngạo khi đứng trên đỉnh cao vinh quang. Chính lòng khiêm tốn tạo cho ta nguồn sức mạnh vượt qua trở ngại để thành công. Người thành công thường rất khiêm tốn vì họ thấu rõ giá trị của nó. Bởi thế, muốn thành công trong cuộc sống, nhất định phải có lòng khiêm tốn. Nếu tự mãn, đắm chìm trong thành công của mình mà quên mất rằng cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo lập nên những thành quả mới thì sớm muộn gì ta cũng sẽ chuốc lấy thất bại.
Đức tính khiêm tốn không tự nhiên mà có, cần rèn luyện và giữ gìn đức tính ấy theo thời gian. Trong cuộc sống, có biết bao con người khiêm tốn đáng để chúng ta kính trọng. Trần Hưng Đạo khi xưa đánh tan quân Mông Nguyên, chẳng nhận mấy công lao, xem chiến thắng ấy là do thiên thời, địa lợi, nhân hoà, toàn dân tộc một lòng đánh giặc cứu nước. Đó là khiêm tốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà quân sự lỗi lạc, nhà ngoại giao xuất chúng, nhà văn, nhà thơ xuất sắc, danh nhân văn hoá thế giới đã chẳng bao giờ kiêu căng, tự mãn, tự đắc mà lúc nào cũng khiêm nhường, giản dị. Đó là vô cùng khiêm tốn. Rõ ràng, những bậc vĩ nhân xưa càng vĩ đại càng trở nên khiêm tốn.
Sống không nên kiêu căng, tự mãn bởi chính nó có thể làm hỏng cả những thiên tài đẹp nhất. Những người đó sẽ dễ gặp thất bại và bị người đời xa lánh. Chính lòng khiêm tốn là thước đo trí tuệ, nhân cách và bản lĩnh con người. Có thể nói, sự quyến rũ lớn nhất đối với con người chính là lòng khiêm tốn.
Thấu hiểu được điều đó, ta cần phê phán lối sống kiêu căng, tự mãn. Mỗi chúng ta hãy tự ý thức và nuôi dưỡng cho mình một thái độ khiêm tốn, để có thể đạt được những thành công trong cuộc sống.
Rèn luyện tính khiêm tốn cần bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhặt trong đời thường. Trước hết, cần phải biết tôn trọng người khác, không đố lị, ganh đua lẫn nhau. Sống đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau tiến bộ. Không nên khoe mẽ bản thân quá mức. Không phê phán, chỉ trích người khác quá lời. Thực hành lối sống khiêm tốn, kính nhường. Biết khen ngợi đúng lúc, đúng lời.
- Kết bài:
Khiêm tốn là nhân tố thiết yếu tạo nên sự thành công và góp phần xây dựng những mối quan hệ bền vững trong xã hội. Không có lòng khiêm tốn sẽ không thể thành công trong cuộc sống này.
Xem thêm: