Làm rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn qua đoạn thơ: “Những đường Việt Bắc của ta…” (Việt Bắc – Tố Hữu)
I. Mở bài:
Tố Hữu ( 1920-2002) được đánh giá là lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Ông để lại một sự nghiệp văn chương phong phú, giàu giá trị và một phong cách nghệ thuật độc đáo mang tính trữ tình-chính trị sâu sắc, đậm đà tính dân tộc. “Việt Bắc” là một trong những đỉnh cao của thơ Tố Hữu. Bài thơ như một khúc hát tâm tình, gợi lại những kỉ niệm gắn bó thủy chung giữa Việt Bắc và Cách mạng.Bài thơ là sự hòa quyện giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, tiêu biểu trong đoạn thơ:
“ Những đường Việt Bắc của ta
………………………………..
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”.
II. Thân bài:
1. Nét chính của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong văn học Việt Nam 1945-1975
– Khuynh hướng sử thi: văn học phản ánh những sự kiện, những vấn đề có ý nghĩa lịch sử lớn lao, tập trung thể hiện chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân vật chính thường là những con người tiêu biểu cho lí tưởng chung của dân tộc, kết tinh phẩm chất cao quý của cộng đồng, gắn bó số phận mình với số phận của đất nước. Lời văn mang giọng điệu trang trọng hào hùng thiên về ngợi ca ngưỡng mộ.
– Cảm hứng lãng mạn: cảm hứng lãng mạn chủ yếu được thể hiện trên phương diện lí tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
2. Cảm nhận khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn qua đoạn thơ: “Những đường Việt Bắc của ta…”
Với chất thơ trữ tình cách mạng, thật sôi nổi, hào hùng, thiết tha, nhà thơ Tố Hữu, trong đoạn thơ đã thể hiện nổi bật khí thế hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc; đồng thời đoạn thơ còn thể hiện niềm lạc quan cách mạng, ý chí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, làm nên những chiến thắng vẻ vang, mang niềm vui về cho dân tộc. Đoạn thơ điển hình cho sự kết hợp giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn trong thơ Tố Hữu.
* Mạch cảm xúc chung: Bài thơ là khúc ca ân nghĩa, là hồi tưởng đầy xúc động và ân tình của Tố Hữu về chặng đường kháng chiến gian khổ mà anh hùng đã qua của đất nước, từ đó mà hướng về tương lai tươi sáng, nhắc nhở tâm nguyện thủy chung.
* 8 câu đầu: Tác giả nhớ lại cảnh tượng hào hùng sôi động, đầy khí thế của cuộc kháng chiến toàn dân ở chiến khu Việt Bắc:
“Những đường Việt Bắc của ta
………………..
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên”.
* 2 câu đầu: Bức tranh toàn cảnh quân dân ta ra trận chiến đấu với khí thế hào hùng, sôi sục, khẩn trương:
“Những đường Việt Bắc của ta
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung.
– Đại từ sở hữu “của ta” được vang lên một cách dõng dạc khẳng định niềm tự hào của những con người ở vị thế làm chủ đất nước. Đồng thời, đại từ sở hữu “của ta” cũng khẳng định sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, khẳng định chiến khu Việt Bắc là chiến khu tự do.
– Hai chữ “rầm rập” vừa gợi âm thanh, vừa tạo hình ảnh, gợi sức mạnh của đoàn quân trong kháng chiến.
* 6 câu tiếp: Sự phối hợp các lực lượng chiến đấu:
“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên”.
+ Hình ảnh bộ đội ta trong những đêm hành quân: Từ láy điệp điệp trùng trùng, hình ảnh Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
+ Các từ láy “rầm rập”, “điệp điệp” và “trùng trùng” và hình ảnh so sánh “như là đất rung”: vừa tái hiện không khí sôi nổi trong những ngày chiến dịch của cuộc kháng chiến, vừa gợi lên sự đông đảo, vừa gợi lên sức mạnh, khí thế hào hùng của đoàn quân ra trận. Đoàn quân ra mặt trận hùng tráng, mang cả sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và chiến thắng quân thù. Qua câu thơ, giúp ta cảm nhận hình ảnh những đoàn quân đầy khí thế đang ngày đêm tiến về mặt trận.
⇒ Mỗi bước đi của đoàn quân ra trận mang theo sức mạnh của lòng yêu nước, của lí tưởng cách mạng, khát khao chiến đấu và quyết tâm chiến thắng quân thù.
+ Cùng hành quân với bộ đội là những đoàn dân công phục vụ chiến đấu: Hình ảnh đỏ đuốc từng đoàn, cách nói thậm xưng Bước chân nát đá.
+ Bằng một cách nói cường điệu “dấu chân nát đá ”, nhà thơ đã làm nổi bật sức mạnh yêu nước, yêu lí tưởng cách mạng, ý chí quyết tâm đánh thắng quân thù của người nông dân lao động. Người nông dân lao động (lực lượng nòng cốt của cách mạng) là lực lượng góp phần rất lớn để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn sau này.
– Họ là những người nông dân hồn hậu, chất phác, lớn lên từ bờ tre, gốc lúa nhưng họ đi vào cuộc kháng chiến với tất cả những tình cảm và hành động cao đẹp, họ bất chấp những hi sinh, gian khổ, chấp mưa bom bão đạn của quân thù, đạp bằng mọi trở lực để đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước và lí tưởng cách mạng như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã nói trong bài Đất Nước:
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.
– Hai hình ảnh “dấu chân nát đá” và “muôn tàn lửa bay” đã thể hiện cái khí thế hào hùng đó của nhân dân.
+ Những đoàn xe ra trận và niềm tin tưởng lạc quan: Hình ảnh Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
⇒ Đoạn thơ vừa đậm chất sử thi hào hùng, vừa giàu tính lãng mạn đã diễn tả thành công khí thế kháng chiến ở Việt Bắc. Qua đó Tố Hữu đã khắc hoạ sâu sắc hình ảnh dân tộc Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì kháng chiến đầy gian khổ hi sinh nhưng nhất định thắng lợi.
* 4 câu cuối: tin vui chiến thắng trăm miền:
– Dù có trải qua bao nhiêu gian khổ, có nghìn đêm đi trong “thăm thẳm sương dày” nhưng niềm lạc quan tin tưởng vào ngày mai thắng lợi vẫn sáng ngời. Như “ngọn đèn pha bật sáng” giữa cái “nghìn đêm thăm thẳm sương dày” ấy, mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc, đó chính là ánh sáng của lí tưởng cách mạng soi đường cho dân tộc ta bước qua đêm trường nô lệ để đến một ngày mai tươi sáng, một thời đại thắng lợi huy hoàng của cách mạng – một thời đại độc lập, tự do:
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
– Chính những sức mạnh ấy, niềm tin ấy đã đem lại những niềm vui chiến thắng:
“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về
Vui từ Ðồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”.
– Điệp từ “vui” được lặp đi lặp lại nhiều lần gợi lên những đợt sóng tình cảm trào dâng, đợt sóng này kế tiếp đợt sóng kia cứ dâng lên, dâng lên mãi, tràn ngập tâm hồn nhà thơ, trong lòng quân dân cả nước. Đó cũng là niềm vui chung của dân tộc, của đất nước.
III. Kết bài:
Thơ Tố Hữu: tập trung khắc họa những bối cảnh rộng lớn, những biến cố quan trọng tác động mạnh mẽ đến vận mệnh dân tộc. Hình tượng trung tâm là con người của sự nghiệp chung, kết tinh số phận, vẻ đẹp của cộng đồng. Cảm hứng chủ đạo là cảm hứng lịch sử – dân tộc. Đoạn thơ là cảm xúc của Tố Hữu và cũng là cảm xúc của toàn dân tộc: ca ngợi sức mạnh dân tộc, hướng tới niềm tin chiến thắng, thể hiện tinh thần lạc quan.
- Cảm nhận 24 câu thơ đầu bài thơ Việt Bắc
- Phân tích nỗi nhớ Việt Bắc trong bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu)
- Phân tích vẻ đẹp bức tranh tứ bình trong bài thơ”Việt Bắc” của Tố Hữu