lam-sang-to-nhan-dinh-nguoi-van-con-mang-vet-thuong-da-toan-di-chua-vet-thuong-cho-nguoi-khac-toi-nghi-nghe-viet-va-nguoi-viet-cung-don-gian-vay-chua-lanh-an-ui-nhung-vet-thuong

Làm sáng tỏ nhận định: Người vẫn còn mang vết thương đã toan đi chữa vết thương cho người khác. Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình

“Người vẫn còn mang vết thương đã toan đi chữa vết thương cho người khác. Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình”


  • Mở bài:

Không biết từ bao giờ, long lanh qua từng trang sách của bao tài năng văn học là những giọt nước mắt. Độc giả nhỏ lệ khi chứng kiến kiếp sống trầm luân, đau khổ, uất nghẹn nối dài qua từng chữ, từng dòng. Người nghệ sĩ- họ khóc cho đời, cho người và cho cả chính mình. Cũng chính vì vậy mà khi bàn về sứ mệnh, thiên chức lớn lao của “nghề viết và người viết”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nói: “Người vẫn còn mang vết thương đã toan đi chữa vết thương cho người khác. Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình”. Và hành trình lội ngược dòng nước mắt trong văn học cùng những “vết thương” bắt đầu….

  • Thân bài:

Từ thuở bình minh, văn chương đã đến bầu bạn và tự tình với con người. Sợi chỉ đỏ đó đã hòa làm một với dòng chảy của đời sống, sống giữa bao ấu thơ của nhân loại để rồi cùng con người vượt qua bao bão táp mưa sa, bao thăng trầm lịch sử. Và người nghệ sĩ, họ bước lang thang qua gió bụi trời đất, mang trên mình bao “vết thương” chắp vá mãi không lành. “Vết thương” hay chính là nỗi đau của chính mình, nỗi đau thời đại chất chứa trong tim kẻ cầm bút. Họ kí gửi những nỗi lòng ấy qua từng trang viết…

“Sau câu thơ hồi hộp những tâm tình
Những vui buồn đời kí thác cho thơ”

(Chế Lan Viên)

Sẽ ra sao nếu những nỗi đau cứ thế giấu kín? Quá đỗi uất nghẹn và càng ngày càng quặn thắt hơn. Người nghệ sĩ bắt đầu hành trình nhúng bút nghiên vào chính “ vết thương” của mình để “ chữa vết thương cho người khác”- mong muốn được chia sẻ những nỗi đau, bất hạnh, mong muốn đấu tranh cho quyền sống với những khát vọng chân chính, cao đẹp của con người. “ Mang”, “chữa” hay cũng chính là quãng đường đi tìm kiếm, sáng tạo của nhà văn, thi nhân.

“Người viết cũng đơn giản vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình”- người nghệ sĩ cầm bút như một sự giải tỏa những trăn trở, những xúc cảm đang bùng cháy trong lòng và cũng là để chia sẻ đồng cảm với nỗi thống khổ của con người. Đó cũng là cách người nghệ sĩ tìm được cảm giác hạnh phúc và tìm được ý nghĩa cho trang viết của mình. Rất ngắn gọn nhưng ý kiến của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã khái quát tư chất cũng như sứ mệnh lớn lao của người nghệ sĩ: một trái tim nhạy cảm, giàu lòng nhân ái và khát khao dùng ngòi bút của mình như con thuyền chở bao kiếp người đến bến bờ chân –thiện-mĩ.

Không quá khó để hiểu vì sao những người cầm bút thường “ mang vết thương” trong tim, bởi vốn dĩ họ là những con người nhạy cảm, dễ xúc động. Trước những vang đông của cuộc đời, tâm hồn nhà văn như sợi dây đàn căng ra giữa khoảng không, một chút gió thoảng qua cũng đủ ngân lên bài ca vọng lại tận tâm hồn. Nghệ sĩ dùng chính cán bút của mình để “thương vay khóc mướn” cho những số phận bất hạnh, đau nỗi đau của mọi kiếp người, kiếp đời từ đó khóc thương cho chính mình, ngân lên những khúc ca hi vọng, yêu thương. Không biết bao nhiêu giọt lệ đại thi hào Nguyễn Du đã rơi trên mảnh giấy tàn của nàng Tiểu Thanh còn sót lại. Và mấy trăm ngăm sau, cũng chừng ấy nước mắt hậu sinh khóc cho ngọn bút Hồng Lĩnh và cho thân nàng Kiều đoạn trường mười lăm năm…

“Bên đèn ta biết ơn Nguyễn Du từng lời, từng chữ
Hiểu giọt lệ thơ kia chảy tự trái tim nào?”

(Chế Lan Viên)

Bên cạnh đó, nghệ thuật đòi hỏi sự trải nghiệm, miệt mài “ đãi cát tìm vàng” trong “muối mồ hôi”, vì vậy bản thân người nghệ sĩ cũng thường đa đoan và bất hạnh, chính điều này đã giúp họ nối sợi dây đồng cảm sâu sắc với bao cảnh đời, cảnh người. Những “vết thương” mà họ mang theo cũng là những “hạt bụi vàng” lượm nhặt được từ cuộc đời gió bụi, chưng cất và âm ỉ qua từng trang viết. Nếu trái tim không đầy rẫy những vết thương, làm sao anh ta có thể hiểu và cảm thông với nhân sinh đang đau khổ, gào thét ngoài kia, “những điều trái với lòng mình mà viết thành thơ chỉ có thể lừa dối được một thời chứ không thể lừa nổi muôn thời” (Diệp Tiếp). Những “vết thương” chẳng thể lành, chẳng bao giờ được thấu nếu người nghệ sĩ không viết, không trải lòng mình ra, “ nghệ thuật là sự giải thoát của lòng tôi” (La Mac Tin). Và chính nhà văn Nga Rasul Gamzatop cũng viết:

“Trong lòng tôi hai vết thương nhức nhối
Một vết còn đau khi một vết liền da
Và cứ thế suốt cuộc đời bất tận
Niềm vui với nỗi buồn, từng phút nối nhau qua!”

Về phía người đọc, họ thấy vết thương của mình được “ xoa dịu” thông qua việc gặp gỡ những nỗi lòng, những cảnh ngộ qua từng trang sách, họ tìm thấy ở đó sự chia sẻ, cảm thông, trái tim được sưởi ấm bằng tình yêu thương và khát khao hướng đến những điều tốt đẹp. Tôi nhớ mãi câu nói của Dylen Thomas- “ thơ là những gì làm bạn khóc, cười, đau khổ, câm lặng, làm cho móng chân của bạn lấp lánh, làm cho bạn muốn làm mọi điều hoặc chỉ ngồi yên một chỗ, khiến bạn cảm thấy mình cô độc trên thế giới, rằng hạnh phúc, khổ đau của riếng mình sẽ mãi mãi được sẻ chia”. Những tiếng lòng thầm kín, những “vết thương” đau khổ diễn tả thành lời, bằng thơ ca, người nghệ sĩ đã nói lên đúng “ chỗ sâu kín nhất của tâm hồn con người” ( Thạch Lam).

Không chỉ là gọi tên, phơi bày nỗi thống khổ, bất hạnh của con người, văn học còn chữa lành “vết thương” bằng sự cảm thông, sẻ chia sâu sắc, “Không có gì nghệ thuậ hơn bản thân lòng yêu quý con người” (Van Gốc). Như nhà thơ Vũ Cao đã nói hộ người chiến sĩ nỗi đau xé ruột gan khi nghe tin sét đánh-người yêu mất

“Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em”

(Núi đôi)

Nếu âm nhạc chọn chữa lành tâm hồn con người bằng giai điệu trầm bổng du dương, nốt trầm nốt thăng thì văn học “ xoa dịu vết thương” nơi chính người cầm bút và cả độc giả bằng niềm sẻ chia, bằng tiếng nói từ chính tâm hồn, bằng cách để nhân vật tự nhận thức và chạy thoát, bằng sự phê phán sâu cay với thực tại xã hội đày đọa thân phận con người. Tất cả được thể hiện qua hình thức nghệ thuật độc đáo, “ cái đẹp là địa hạt của thi ca”(Ellen Poe Egar), cốt truyện hấp dẫn, tài miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo của nhà văn, hình tượng nhân vật độc đáo, điển hình, ngôn từ, giọng điệu sắc sảo…Văn học băng bó “ vết thương” bằng hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo, bằng con đường thẩm mĩ…

Đến với “Đàn ghi ta của Lor-ca”, ta thấy nhà thơ Thanh Thảo chọn thể thơ tự do, lối viết tượng trưng siêu thực nối “ những vết thương”, những niềm đau xuyên không gian, thời gian lịch sử với người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh bên kia Địa Cầu – Lorca…

“Vết thương” mà người nghệ sĩ tài năng của Tây Ban Nha chính là những niềm đau, sự bạc mệnh của con người tự do nhưng cô đơn. Dòng thơ đầu với năm chữ nhưng Thanh Thảo đã khắc học được chân dung, số phận của Lorca-một nghệ sĩ, chiến sĩ có nhân cách đẹp, cao cả nhưng cuộc đời bi phẫn. Nhà thơ Thanh Thảo đã hiểu thấu đồng cảm sâu sắc với nỗi niềm này nên đã khắc họa hình ảnh Lorca một cách chân thực qua ngôn từ tượng trưng, giàu ý nghí biểu tượng đến thế. Hay nói cách khác, “ vết thương” của Lorca cũng chính là niềm đau của những nghệ sĩ chân chính nhưng gặp bi kịch ngang trái trong cuộc đời. Từ hình ảnh Lorca người đọc thấu buốt thêm nỗi đau nhân tình, đồng cảm, yêu thương, sẻ chia với những kiếp người tài hoa mà bạc mệnh. Cái chết của Lorca tạo làn song với những người yêu mến, ngưỡng mộ Lorca.

Trân trọng tài năng, yêu mến nhân cách, ngưỡng mộ khát vọng tự do, công lý…Thanh Thảo từ bài thơ này, từ hình tượng Lorca mà hướng người đọc đến cái đẹp của cuộc đời. Tôi yêu cây đàn huyền thoại của người nghệ sỹ thiên tài, yêu bầu trời xứ sở, tôi biết căm hờn những thế lực vùi dập, chà đạp lên cái đẹp và tôi càng khao khát hơn bầu trời tự do…Chuỗi âm thanh lila- lila – lila ngân lên toàn bộ bài thơ, âm vang mãi không dứt hay cũng chính là khúc tình ca mà thi sĩ Thanh Thảo dạo lên để tưởng nhớ Lorca nơi chín suối, “vết thương” rỉ máu của Lorca được người đời sau hiểu, cảm thông và chia sẻ, trong đó có Thanh Thảo.

Qua việc khắc họa hình ảnh người nghệ sĩ phương xa nhưng cũng là cách để nhà thơ trải lòng mình, “vực dậy sự sống ba chiều trên trang văn hai mặt phẳng” (Chế Lan Viên). Lorca khao khát cống hiến, cách tân thì Thanh Thảo cũng vậy, họ cùng là lá cờ đầu, họ cùng đại diện cho nền nghệ thuật của một quốc gia, dân tộc, Thanh Thảo tìm thấy sự đồng điệu, tìm thấy chính hình ảnh mình trong Lorca và ông viết bài thơ như cách để “an ủi vêt thương người” và “ xoa dịu vêt thương chính mình”…

  • Kết bài:

Văn chương giống như ngọn lửa nhen lên trong lòng người, một ngọn lửa đốt cháy, sưởi ấm và soi sáng; nhà thơ chân chính dù không muốn và phải chịu đau đớn vẫn phải đốt cháy mình lên và đốt cháy những người khác. Nếu anh không “ mang những vết thương” làm sao anh hiểu được con người ngoài kia đang đau đớn nhường nào. Dòng sông văn học cứ thế chảy vào miên viễn, tôi tin “những vết thương” cuộc đời sẽ còn được nối tiếp nhau qua từng trang sách. Bức tranh cuộc sống hiện ra qua các tác phẩm thật sống động, hấp dẫn, bên cạnh những niềm vui, hạnh phúc là những nồi buồn, niềm bất hạnh, là tiếng kêu cứu của bao kiếp lầm than, là những “vết thương” chỉ được xoa dịu mà rất khó “chữa lành” hẳn. Tiếng cười rồi sẽ tan vào trong khoảng hư vô của lịch sử, đọng lại trên những áng văn bất hủ chỉ còn là những vết máu, những giọt nước mắt đau thương không thôi ám ảnh hậu sinh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang