Những lưu ý đối với bài văn nghị luận văn học.
Bài văn nghị luận là một kiểu văn bản mà người viết chủ yếu sử dụng lí lẽ, dẫn chứng, lập luận nhằm xác lập, thuyết phục người khác về một quan điểm, tư tưởng nhất định. Bài nghị luận văn học là một dạng nghị luận mà các vấn đề đưa ra bàn luận thuộc phạm vi văn học sử, lí luận văn học hoặc các khía cạnh trong tác phẩm văn chương.
Bài nghị luận văn học của học sinh giỏi là một sản phẩm đặc biệt được kết tinh từ trí tuệ, tâm hồn của người học văn, được tạo lập trong quá trình tiếp nhận, học tập và nghiên cứu văn chương. So với bài viết của học sinh phổ thông thì bài nghị luận văn học của học sinh giỏi được nâng lên ở một cấp độ cao hơn, được khẳng định trên thang giá trị của làm văn, bài văn.
1. Những đặc điểm riêng trong bài nghị luận văn học của học sinh được thể hiện ở các phương diện sau:
Về bố cục, kết cấu: giống như bài nghị luận thông thường, bài nghị luận văn học của học sinh giỏi cũng đảm bảo 3 phần: Mở bài, Thân bài và Kết bài. Tuy nhiên, Mở và Kết trong bài viết của học sinh giỏi không chỉ làm nhiệm vụ giới thiệu và kết thúc vấn đề nghị luận mà còn phải tạo được hứng thú, sức hấp dẫn, tình huống có vấn đề cho người đọc, người nghe. Hệ thống luận điểm, luận cứ trong phần thân bài được sắp xếp với bố cục hợp lí, khoa học, có tính sáng tạo và mang tính thuyết phục cao.
Về nội dung kiến thức: bài nghị luận văn học của học sinh giỏi không chỉ đảm bảo đúng yêu cầu của đề, người viết cần phải thể hiện được vốn kiến thức vừa chắc chắn, phong phú, uyên bác, sâu sắc về các tác phẩm văn học, các tác giả, các hiện tượng trong lịch sử văn học, các phạm trù lí luận… vừa mang đến những phát hiện có tính mới mẻ.
Về kĩ năng lập luận: bài nghị luận văn học của học sinh giỏi thể hiện khả năng vận dụng nhuần nhuyễn, hiệu quả các thao tác lập luận giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ, so sánh. Lí lẽ sắc sảo và dẫn chứng lựa chọn tiêu biểu, mới mẻ; đảm bảo cả về lượng và chất; phân tích dẫn chứng sáng tỏ, sâu sắc – được phối hợp chặt chẽ, logic làm sáng tỏ, sâu sắc vấn đề nghị luận, tạo tính thuyết phục cao.
Về hành văn: bài nghị luận văn học của học sinh giỏi thường tạo được giọng điệu riêng, dùng từ độc đáo, viết câu linh hoạt, diễn đạt có hình ảnh. Bên cạnh phương thức biểu đạt chính là nghị luận, học sinh giỏi văn thường biết vận dụng linh hoạt, thông minh phương thức biểu cảm, thuyết minh, tự sự… khiến cho bài văn tạo được sức truyền cảm, hấp dẫn đối với người đọc.
Có thể nói, bài nghị luận văn học của học sinh giỏi là một “tác phẩm” của người học, vừa khoa học, sâu sắc lại vừa sáng tạo và giàu chất văn. Những bài viết đó tựa như một “thứ quả ngọt” được kết trái sau những ngày gieo trồng, vun xới; như “bông lúa vàng” trĩu hạt sau những ngày vỡ đất, cày ải, bón chăm… trên cánh đồng văn chương mà người học văn muốn có, người dạy văn muốn hái và người yêu văn muốn thưởng thức.
2. Cấu trúc bài văn nghị luận văn học.
a. Mở bài theo cấu trúc 3 phần.
– Giới thiệu tác giả: Những tác giả các em được học đều nổi tiếng nên cứ giới thiệu na ná như nhau. Chỉ thay nhà thơ bằng nhà văn…
– Giới thiệu tác phẩm: Những tác phẩm các em được học đều là những tác phẩm thành công và đặc sắc nên cũng giới thiệu na ná như nhau
– Giới thiệu nội dung cần nghị luận: Thì các em nói dung khái quát nhất của tác phẩm, của nhân vật… Cái này có trong ghi nhớ hoặc phải biết. Thế là xong
b. Phần thân bài: Cũng theo cấu trúc 3 phần.
– Luận điểm 1:…
+ Làm rõ luận điểm 1:….
+ Nêu dẫn chứng:…
– Luận điểm 2:…
+ Làm rõ luận điểm 2:….
+ Nêu dẫn chứng:…
– Luận điểm 3:…
+ Làm rõ luận điểm 3:….
+ Nêu dẫn chứng:…
……
– Đánh giá, nhận xét về nội dung và nghệ thuật:….
c. Kết bài cũng theo mô típ 3 phần..
– Tổng kết về nghệ thuật:…
– Tổng kết về nội dung:…
– Viết vài dòng cảm nghĩ, lời cảm ơn tác giả hoặc cảm xúc cho mượt mà.
– Dẫn một vài câu thơ gần gũi để kết thúc vấn đề nghị luận thì sẽ hay hơn.