Hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận văn học dạng so sánh

Hướng dẫn cách làm bài văn nghị luận văn học dạng so sánh

I. Các dạng đề so sánh thường gặp:

Kiểu bài so sánh văn học yêu cầu thực hiện cách thức so sánh trên nhiều bình diện:

+ So sánh các tác phẩm
+ So sánh các đoạn tác phẩm (hai đoạn thơ hoặc hai đoạn văn xuôi)
+ So sánh các nhân vật văn học.
+ So sánh các tình huống truyện.
+ So sánh các cốt truyện.
+ So sánh cái tôi trữ tình giữa các bài thơ.
+ So sánh các chi tiết nghệ thuật.
+ So sánh nghệ thuật trần thuật…

Quá trình so sánh có thể chỉ diễn ra ở các tác phẩm của cùng một tác giả, nhưng cũng có thể diễn ra ở những tác phẩm của các tác giả cùng hoặc không cùng một thời đại, giữa các tác phẩm của những trào lưu, trường phái khác nhau của một nền văn học

II. Cách làm bài dạng đề so sánh:

  • Mở bài:

– Dẫn dắt (mở bài trực tiếp không cần bước này)
– Giới thiệu khái quát về các đối tượng so sánh

  • Thân bài:

* Cách 1:

– Bước 1: Làm rõ đối tượng thứ nhất (bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích).

– Bước 2: Làm rõ đối tượng thứ 2 (bước này vận kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích).

– Bước 3: nét tương đồng và khác biệt giữa hai đối tượng trên cả hai bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật (bước này vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích và thao tác lập luận so sánh).

– Bước 4: Lý giải sự khác biệt: thực hiện thao tác này cần dựa vào các bình diện: bối cảnh xã hội, văn hóa mà từng đối tượng tồn tại; phong cách nhà văn; đặc trưng thi pháp của thời kì văn học…( bước này vận nhiều thao tác lập luận nhưng chủ yếu là thao tác lập luận phân tích).

* Cách 2:

– Bước 1:. Giới thiệu vị trí, sơ lược về hai đối tượng cần so sánh.

– Bước 2: So sánh nét tương đồng và nét khác biệt giữa hai hai nhiều đối tượng theo từng tiêu chí trên cả hai bình diện nội dung, nghệ thuật. Ở mỗi tiêu chí tiến hành phân tích ở cả hai tác phẩm để có thể thấy được điểm giống, điểm khác.

+ Học sinh có thể dựa vào một số tiêu chí sau để tìm ý (tất nhiên tùy từng đề cụ thể có thể thêm, hoặc bớt các tiêu chí).

+ Tiêu chí về nội dung: đề tài, chủ đề, hình tượng trung tâm (tầm vóc, vai trò, ý nghĩa của hình tượng), cảm hứng, thông điệp của tác giả….

+ Tiêu chí về hình thức nghệ thuật: Thể loại, hệ thống hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu, giọng điệu,
biện pháp nghệ thuật…

– Bước 3: Sau khi chỉ ra điểm giống, điểm khác cần lí giải vì sao có điểm giống, điểm khác này.

Với cách làm này các tiêu chí so sánh được thể hiện một cách rõ ràng và phân tích kĩ hơn tuy nhiên đòi hỏi học sinh phải có khả năng tổng hợp và tư duy rất cao để tìm ra các tiêu chí so sánh (nếu không sẽ bị mất ý) nên cách làm này theo chúng tôi chỉ nên áp dụng với đối tượng học sinh giỏi. Trong khuôn khổ của chuyên đề, tất cả các đề thực nghiệm đều được chúng tôi triển khai theo cách làm thứ nhất để phù hợp với đông đảo đối tượng học sinh phổ thông cũng như đáp án của Bộ giáo dục và đào tạo.

  • Kết bài:

– Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu
– Có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang