Marcel Proust quan niệm: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”.
Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.
Bằng trải nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy bình luận những nhận định trên.
- Mở bài:
Nếu ví mỗi người nghệ sĩ là một bông hoa thì tác phẩm nghệ thuật chân chính do họ tạo ra chính là hương sắc, để rồi trăm hoa ngàn sắc, đóa hoa nào độc đáo tự khắc sẽ ngoi lên, sẽ thăng hoa. Bàn về phong cách cá nhân của nhà văn, Macel Proust quan niệm: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập”. Bàn về bóng dáng thời đại trong văn học, Tô Hoài cho rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.
- Thân bài:
Trong sáng tác văn chương rất cần cái chất giọng riêng, phong cách riêng của mỗi nhà văn. Hãy tưởng tượng xem nếu tác phẩm nào vừa ra đời cũng là một sự lặp lại những tác phẩm trước đó, hoặc những tác phẩm cùng thời lại nhan nhãn như nhau thì làm sao cuốn hút được người đọc, để lại dấu ấn trên văn đàn? Ai trong chúng ta cũng muốn được là chính mình, thỏa sức sáng tạo, mạnh dạn thể hiện “cái tôi” cá nhân không trộn lẫn với bất kì ai cả. Vốn dĩ khi sinh ra chúng ta đã là một bản chính, một chỉnh thể riêng biệt, đâu ai o ép mình để được mang dáng dấp của một người nào đó và rồi đánh mất chính mình. Nhà văn cũng thế, trong lĩnh vực sáng tạo văn chương rất cần tiếng tôi của “cái tôi cá nhân”, rất cần sự sáng tạo, bứt phá. Cuộc đời luôn mong chờ những điều mới mẻ, khác biệt của người nghệ sĩ chứ không dung nạp những điều cũ kĩ, tầm thường, những tác phẩm đi theo khuôn mòn sáo rỗng.
Theo Macel Proust “người nghệ sĩ độc đáo” là người có khả năng “tạo lập lại thế giới”. Khi người nghệ sĩ chân chính xuất hiện, cách nhìn nhận hiện thực cuộc sống trong tác phẩm văn học của anh như một vầng dương sáng chói rọi vào cuộc đời, xuyên qua tâm hồn, có khả năng làm suối nguồn chảy dạt dào sau một thời gian khô cạn, làm cho chiếc lá xanh mơn mởn sau kì nắng rát bỏng thịt da, làm cho những khuôn mặt ủ rũ u buồn tươi tỉnh hẳn như được trông nhìn người mình yêu thương nhất. Văn học có khả năng thay đổi thế giới, thay đổi cách nhìn, tác động sâu vào phần hồn con người, kích thích những suy nghĩ tích cực trong trí óc. Người nghệ sĩ “độc đáo” đã tạo nên phong cách văn chương. Một nhà văn có phong cách là nhà văn thành công trong lĩnh vực nghệ thuật. Mà phong cách văn học thì không phải ngày một, ngày hai mà thành. Đó là cả một quá trình như con ong, muốn có mật ngọt phải cần mẫn hút nhụy, cô đọng lại thành những giọt mật sóng sánh ngọt ngào cống hiến cho cuộc đời. Những nhân tố mới mẻ trong lĩnh vực nghệ thuật luôn được đón nhận nồng nhiệt. Nhà văn Nga – Leonit Leonop nói quả không sai: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”.
Cùng trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đều viết về đề tài tình yêu, song cách thể hiện tình yêu trong bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn và bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh lại không hề trùng khít. Mấy mươi năm trôi qua, hương hoa bưởi ngày xưa trong bài thơ “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn vẫn còn phảng phất, ngan ngát mãi không thôi. Chiến tranh đã lùi xa vào quá vãng, bụi thời gian đã phủ mờ lên tất cả, nỗi đau chiến tranh cũng đã được nguôi ngoai. Thế nhưng, khát vọng yêu đương, khát vọng hòa bình trong bài thơ vẫn mãi là khát vọng muôn thuở của con người. Giấc mơ ấy như hương thơm hoa bưởi, cứ thỏa sức nồng nàn, lan tỏa qua bao tháng năm thăng trầm của lịch sử.
Ngày hôm nay, “Hương thầm” của Phan Thị Thanh Nhàn vẫn chiếm một vị trí không hề thay đổi trong trái tim mỗi người. Lời thơ dịu dàng, ngọt ngào và lắng sâu như mùi hương tinh khôi của loài hoa dân dã. Những mùa hoa bưởi đi qua… Thuở thiếu thời trôi qua… “Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp” lớn lên trong lòng ấp ôm bao kỷ niệm êm đềm, đẹp đẽ. Kháng chiến trường kỳ, người con trai nhận thức được trách nhiệm của mình đối với non sông, mạnh mẽ dấn thân vào cuộc chiến như bao người trai trẻ khác. Chiến tranh chia cách một mối tình. Hương hoa bưởi lại trở thành một điểm nhấn thân thương trong buổi chia tay bịn rịn:
Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Bên ấy có người ngày mai đi xa…
Cuộc kháng chiến bùng nổi, biết bao người đang trong độ tuổi rực rỡ nhất đời “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”, tự nguyện hiến dâng bầu máu nóng của mình cho Tổ quốc Việt Nam. Người con trai trong bài thơ cũng thế. Ngày mai chàng trai ra đi. Những kỷ niệm đẹp đẽ chỉ còn trong ký ức. Mối tình thời chiến chinh thường trong sáng, chân thành. Họ biết yêu nhưng chưa trao gửi lời yêu. Họ còn “ngập ngừng” e thẹn thì chàng trai đã phải xa rời con phố nhỏ êm đềm. Khoảnh khắc chia ly ngắn ngủi, họ nhìn nhau chẳng nói điều gì. Bởi lẽ họ biết nói gì bây giờ? Nói bao nhiêu để thỏa những năm tháng sống cạnh bên nhau, trong sắc hương ngọt ngào của hoa bưởi?…
Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…
Những con người yêu nhau trong thời chinh chiến loạn li thường âm thầm kín đáo. Rất hiếm khi họ bộc trực, thẳng thắn bày tỏ nỗi lòng mình. Họ hòa hợp tình yêu lứa đôi với tình yêu Tổ quốc bao la, rộng lớn. Họ giữ kín lời yêu thương trong lòng mình, như cô gái bẽn lẽn chỉ biết nhờ hương hoa bưởi nói thay cho nỗi lòng của mình. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn ý thức được: trong hoàn cảnh chiến tranh, tình yêu quê hương đất nước luôn đặt lên trên hết. “Hương thầm” nói hộ tấm lòng của người thiếu nữ trong bài thơ, đồng thời cũng thay lời cả một thế hệ trẻ gói lại tình riêng dấn thân vào chiến trường đạn lạc bom rơi, sống mãnh liệt như hương hoa bưởi sau nhà, sống cho xứng đáng với tuổi hai mười, với dòng máu yêu nước cuồn cuộn sục sôi trong trái tim đỏ rực.
Nhưng tình yêu của người con gái dành cho người con trai trong “Sóng” của Xuân Quỳnh lại khác. Nếu người con gái trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn e ấp, kín đáo, ý nhị, rất đỗi truyền thống thì người con gái trong thơ Xuân Quỳnh lại táo bạo, mạnh mẽ và chủ động hơn nhiều. Không cần phải “Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”, người con gái đang yêu trong bài thơ “Sóng” chủ động bộc lộ nỗi nhớ, tình yêu trong lòng mình:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Như những con sóng ngoài khơi xa, con nào cũng nhớ bờ, cũng khát khao hướng vào bờ bãi để thỏa nhớ nhung. Sóng nhớ bờ thì sóng “không ngủ được”. Bởi “không ngủ được” nên sóng cứ vỗ hoài, cứ thổn thức không yên. Giống như sóng biển, người con gái trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ trong lòng mình:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Khi yêu nhau, lúc nào người ta cũng nhớ về nhau, hướng về nhau. Người con gái trong “Sóng” mạnh mẽ như sóng biển, táo bạo và hiện đại vô cùng. Lời thỏ thẻ: “em nhớ đến anh” nghe sao cồn cào, bồn chồn quá! Nỗi nhớ cứ khắc khoải lòng người không một phút bình yên. Ngay cả giấc mơ cũng bị nỗi nhớ hành hạ đến thao thức đêm trường: “Cả trong mơ còn thức”. Xưa nay, dẫu có nhớ nhau người ta cũng chỉ “thức mấy đêm rồi – Biết cho ai hỏi ai người biết cho” (Nguyễn Bính) chứ chưa thức trong mơ bao giờ. Nhưng người con gái đang yêu trong Xuân Quỳnh lại thức trong giấc mơ, khắc khoải trong thế giới của tiềm thức, rõ ràng cái nỗi nhớ ấy mãnh liệt, đong đầy, trào dâng như sóng biển mù xa.
Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của người phụ nữ nhiều trắc trở, suy tư, âu lo về cuộc đời và tình yêu. Trải qua những lần đổ vỡ trong tình yêu, những tưởng chị đã mất đi niềm tin và không còn mộng mơ gì thêm nữa. Nhưng không, người con gái ấy vẫn thiết tha tin rằng tình yêu là cứu cánh, lao đao đi tìm và rồi khát khao, mong muốn được “vĩnh viễn hóa” tình yêu của mình để tình yêu sống mãi cùng thời gian, nhịp bước cùng năm tháng:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Người con gái đang yêu muốn hòa nhập tình yêu của mình vào “biển lớn tình yêu” – nơi mà những con sóng tự do vẫy vùng bởi nó đã tìm được môi trường đích thực, nơi mà tình yêu của Xuân Quỳnh có thể ở lại cùng thời gian, không bao giờ tàn phai dẫu “Năm tháng vẫn đi qua”. Niềm tin đã giúp người phụ nữ này nghĩ về những điều tích cực nhất trong cuộc đời – Tình yêu là cứu cánh. Ra đời trong những năm tháng chống Mĩ cứu nước, “Hương thầm” và “Sóng” trở thành hai thi phẩm xuất sắc của mảng thơ tình yêu trong văn học Việt Nam. Ở mỗi bài thơ là một tình yêu khác nhau. “Hương thầm” kín đáo, tế nhị như nhan đề của nó. “Sóng” mạnh mẽ, sôi nổi như những con sóng ngoài trùng khơi. Đó chính là nét riêng biệt, độc đáo của hai nữ thi sĩ khi đưa độc giả vào thế giới của tình yêu, thế giới của tâm hồn dào dạt, riêng tư.
Đều viết về thân phận con người trong cảnh đói quay đói quắt ở làng quê Bắc Bộ Việt Nam những năm tháng trước Cách mạng tháng Tám, nhưng truyện ngắn “Một đám cưới” của Nam Cao và truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân lại thể hiện những cách phát hiện hoàn toàn khác nhau. Nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu đã cướp đi sinh mạng của hai triệu đồng bào ta, biến làng quê Việt Nam chìm trong xơ xác, tối tăm, tiêu điều. Cuộc sống con người ngày càng cơ khổ, vất vả, sinh mạng và nhân phẩm con người như ngàn cân treo sợi tóc.
Nam Cao – bậc thầy về truyện ngắn, nhà văn của người nông dân nghèo tuy đôi khi ngòi bút sắc lạnh nhưng tấm lòng nhân đạo luôn là điểm sáng ngời trong con người của ông. Viết về nạn đói, Nam Cao đã chạm bút đến những thân phận đáng thương trong xã hội: những đứa trẻ, bà lão đói rách tả tơi. Cuộc đời họ chẳng khác gì cuộc đời của một con vật, bị hắt hủi, đói quá mà nhân phẩm, danh dự của con người bị thui chột hẳn đi. “Một đám cưới” kể về gia đình Dần, một gia đình “vườn ít, ruộng không, cửi vải cũng không”. Gia cảnh nghèo nàn buộc Dần phải đi ở đợ cho người ta từ khi Dần còn rất nhỏ. Người mẹ vì để bớt đi một miệng ăn trong cảnh gạo châu củi quế nên đành cho con đi ở đợ nhà người. Tại đây, Dần bị bắt lao động cực nhọc, cơm thì chẳng đủ để ăn, còn lời mắng nhiếc thì dư thừa. Nam Cao hạ bút viết: “Cơm nhà giàu khó nuốt. Ăn của họ mà không làm lợi cho họ được thì họ làm cho đến phải mửa ra mà giả họ. Dần chân yếu tay mềm lắm”. Không chịu nổi cảnh khổ cực đó, Dần về nhà mẹ. Nhưng đau đớn thay, người mẹ không chứa chấp Dần: “mày muốn sống, thì về nhà bà chánh mà ở, không về thì đi đâu mặc kệ! Tao không chứa, tao không lấy gì nuôi được mày”.
Một người mẹ từng rất thương con bấy giờ lạnh lùng, vô cảm, từ bỏ đứa con của mình. Rõ ràng cái đói đã làm đổi thay bản chất của một con người. Dần đành cắn răng chịu đựng kiếp cảnh nô đày: “Lâu lâu dần rồi nó cũng quen đi. Cái sự khổ thì bao giờ cũng thế thôi”, Dần đã “quen khổ”, chấp nhận làm thân trâu ngựa cho người nhà giàu. Hoàn cảnh túng cùng buộc người bố dằn lòng bấm bụng gả con đi. Gả Dần là để bớt miệng ăn trong nhà chứ cứ bám vào nhau thì lấy gì mà sống. Mặc cho Dần van xin: “hai em thì còn dại, chỉ có con hơi lớn một tí phải ở nhà để thổi cơm, nấu nước”, bố Dần nhất quyết gả con đi. Không phải ông không thương con nhưng cảnh nghèo túng, lam lũ khiến ông khổ quá rồi, lòng lạnh quá rồi, thời buổi này người ta chỉ còn biết sống, còn sống như thế nào, nhân hậu hay vô cảm thì người ta không màng đến nữa.
Cảnh đám cưới Dần trong thật thê thảm chẳng khác nào cái đám ma: “Vẻn vẹn có sáu người, cả nhà gái nhà trai”, văng vẳng tiếng khóc của Dần, của mấy đứa em. Cô dâu mặc cái quần “cồng cộc xẫng và đụp những miếng vá thật to”, cái áo “bạc phếch và cũng vá nhiều chỗ lắm, một bên tay rách quá, đã xé cụt gần đến nách”. Đúng là thảm cảnh! Dường như những con người này ít nhiều đã mất đi nhân tính, người mẹ khổ quá nên lạnh lùng chối bỏ đứa con gái, người bố vì để bớt đi một miệng ăn trong nhà nên vội vã gả con đi. Đám cưới diễn ra trong không gian tiêu điều, ảm đạm, Dần lê từng bước trên con đường quê về nhà chồng nhưng chính Dần cũng không biết tương lai như thế nào, hạnh phúc có mỉm cười với chị hay không, hay Dần lại tiếp tục sống trong cảnh đọa đày, khổ hơn là chết. Ẩn đằng sau câu chữ là tiếng kêu đau khắc khoải của “kiếp lầm than”.
Kim Lân – một nhà văn đã được ánh sáng của Cách mạng giác ngộ – lại nhìn về nạn đói năm Ất Dậu bằng một góc nhìn khác. Nhà văn Trần Đồng Minh có nói: Kim Lân “đã dùng “Vợ nhặt” làm đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện “Vợ nhặt” đầy bóng tối nhưng từ đó đã ánh lên những tia sáng ấm lòng”. Đúng là như vậy, cùng viết về số phận con người trong nạn đói nhưng Kim Lân không đẩy những con người khốn khổ kia đến bước cùng đường. Với nhà văn, những người tưởng chừng như đang đứng bên bờ vực của cái chết vẫn toát lên được phẩm chất tốt đẹp. Cái phần “người” trong họ không vĩnh viễn mất đi, không bị thui chột đi. Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và mơ ước về tổ ấm gia đình vẫn tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn những con người tội nghiệp. Nó chính là nguyên nhân để họ nỗ lực hướng về phía ánh sáng, phía niềm tin, không dễ gì buông xuôi, phó mặc. Trong đói khát họ vẫn muốn sống, nhưng sống thôi thì chưa đủ, phải “sống cho ra người”, phải đúng nghĩa là “sống” chứ không đơn giản tồn tại về mặt sinh học.
Chuyện cưới hỏi vốn là chuyện hệ trọng của đời người. Người con trai muốn lấy vợ phải mang sính lễ, cau trầu, phải có dăm ba mâm cỗ đãi khách để họ hàng quan khách chúc tụng cho đôi lứa hạnh phúc đến khi đầu bạc răng long. Nhưng cái “đám cưới” của anh cu Tràng trong truyện lại thật đặc biệt, nói đúng hơn là tội nghiệp, khiến người đọc chạnh lòng. Tràng “nhặt vợ” chứ không phải cưới vợ, người đàn bà bị sự xô đẩy dữ dội của cái đói khiến chị trở nên chỏng lỏng, đanh đá, chanh chua gật đầu đồng ý làm vợ Tràng chỉ vì chị được ăn bốn bát bánh đúc hàng chợ. Đọc những trang văn đầu, người đọc chứng kiến cảnh Tràng đón thị về nhà trông thật thảm đạm chẳng khác nào cảnh Dần về nhà chồng trong “Một đám cưới” của Nam Cao. Tràng với thị đi trong sự dòm ngó, lo ngại của xóm ngụ cư: “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”. Không khí hạnh phúc trong gia đình có đôi vợ chồng “phải duyên phải kiếp” bị đe dọa bởi cái đói, cái chết, đêm tân hôn văng vẳng “tiếng ai hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ”.
Nhưng câu chuyện của Kim Lân không “dày đặc” bóng tối như câu chuyện mà Nam Cao kể. Nhà văn nhận ra “Khi đói, người ta không nghĩ đến cái chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống”. Muốn sống, người đàn bà đã gạt bỏ lòng tự trọng để theo không Tràng. Muốn hạnh phúc, muốn có một gia đình như bao người, anh cu Tràng khốn khổ kia đã thay đổi thành chàng thanh niên hoàn toàn khác khi đã có vợ: “Bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy”, “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Nhà văn Kim Lân đã hướng những con người này từ trong tối tăm, đau khổ ra ánh sáng, niềm vui. Ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong nạn đói năm Ất Dậu. Ở Tràng, đó là khát khao tổ ấm gia đình, là sự trưởng thành, chững chạc, biết lo nghĩ cho gia đình. Ở người đàn bà mang thân vợ nhặt, đó là sự ý tứ rất mực khi về nhà chồng, thị nhanh chóng hòa nhập vào nếp sống của gia đình, ý thức bổn phận của người vợ, người con dâu trong cái nhà này. Ta nhận ra “những tia sáng ấm lòng” bật lên từ đó.
Đặt trong sự so sánh với “Một đám cưới” của Nam Cao không phải để phê bình, chê trách bất kì điều gì bởi nếu nó chứa đầy “những hạt sạn” thì nó đã không tồn tại đến giờ phút này, không vượt qua sự băng hoại của thời gian. Điều quan trọng ở đây là rọi sáng vào tư tưởng của nhà văn gửi gắm qua hai tác phẩm. Cách mạng tháng Tám là cái bản lề khép mở hai cách giải quyết tình huống truyện của hai giai đoạn văn học. Trước Cách mạng, phần lớn các kết thúc truyện của những tác phẩm lớn đẩy nhân vật vào ngõ cụt, sau Cách mạng, nhân vật về cơ bản có lí tưởng, có niềm tin, đó là tiền đề làm nên sự bứt phá, thay đổi số phận, chạm vào ánh sáng của hạnh phúc, của niềm vui.
Như thế, rõ ràng mỗi tác gia lớn đều có một phong cách riêng, nhất quán, xuyên suốt trên hành trình theo đuổi chữ nghĩa, xây dựng tác phẩm văn chương. Văn học mang dấu ấn của người sáng tạo, nếu nó chẳng có gì riêng biệt thì sẽ chẳng là gì cả, sớm muộn cũng bị “đào thải” khỏi đời sống văn học.
Nếu Macel Proust đề cập đến phong cách cá nhân của nhà văn trong tác phẩm văn chương thì nhà văn Tô Hoài lại đề cập đến dấu ấn của thời đại trong tác phẩm văn chương: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Cái “thời đại” mà Tô Hoài đặt ra vừa là vấn đề lịch sử, nghĩa là tác phẩm văn học là người thư kí trung thành của thời đại, song hành và ghi lại từng chặng đường của lịch sử dân tộc; vừa là diện mạo chung thuộc về kiểu tư duy nghệ thuật và kĩ thuật biểu hiện của từng giai đoạn văn học. Văn chương bắt nguồn từ hiện thực đời sống, bởi thế mà hiện thực xã hội được các nhà văn phản ánh vào tác phẩm văn học. Văn học chân chính là văn học viết về cuộc đời, con người, về lịch sử hào hùng mà nhân dân trải qua. Làm sao quên hai tác phẩm đồ sộ của văn học nhân loại: “Sông Đông êm đềm” (Solokhov) và “Chiến tranh và hòa bình” (L.Tonstoi) phản ánh trung thực thời đại mà nó ra đời? Xưa kia văn sử triết bất phân, giờ đây vẫn vậy, muôn đời vẫn thế. Quá trình văn học mang tính lịch sử, vì vậy phong cách cũng in đậm dấu ấn của dân tộc và thời đại.
Nhà phê bình vĩ đại Nga Beelinxki cho rằng: “Tác phẩm càng cao đẹp bao nhiêu về mặt nghệ thuật, thì nó lại càng phong phú bấy nhiêu về tính dân tộc”. Qủa thực là như thế. Văn học chính là gương mặt của văn hóa dân tộc, còn tính chất dân tộc, thời đại chính là đôi mắt của gương mặt ấy. Ở một khía cạnh khác, mỗi nền văn học đều trải qua những giai đoạn khác nhau, mà ở mỗi giai đoạn, mỗi phong trào lại có những quy định chung về nội dung đề tài, việc sử dụng ngôn ngữ, tổ chức kết cấu, định vị thể loại, cách kể chuyện, miêu tả ngoại hình, bộc lộ nội tâm khác nhau. Đó cũng chính là tính thời đại của văn chương mà một khi thời gian đã đi qua thì “thời đại văn học” đó sẽ vĩnh viễn nằm lại ở chặng mà nó được khởi sinh và khai tử, song tác phẩm văn chương của thời đại đó vẫn giữ trọn giá trị nếu nó được viết nên bằng trái tim nhân ái, bằng xúc cảm mãnh liệt, phản ánh những điều tốt đẹp trong cuộc sống và trong tâm hồn con người.
Nói đến thời đại lịch sử được biểu hiện trong văn chương, ta nghĩ ngay đến bài thơ “Bên kia sông Đuống” của thi sĩ Hoàng Cầm – người con của thế giới Kinh Bắc, từ thuở ấu thơ đã gắn chặt tâm hồn mình với dòng sông Đuống quê hương. Khẳng định “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm mang “bóng dáng của thời đại”, của lịch sử dân tộc bởi bài thơ đã tái hiện hình ảnh Kinh Bắc đau thương trong những năm tháng giặc Pháp chiếm đóng, đặt gót giày xâm lược, giày xéo quê hương. Sông Đuống – “Một dòng lấp lánh – Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì” – giờ đây quặn mình trong xót đua khi chứng kiến phía nam Bắc Ninh xơ xác, điêu tàn. Bằng tấm lòng yêu quê hương và nỗi hờn căm bọn giặc hung tàn man rợ, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh Kinh Bắc điêu tàn. Kinh Bắc là hình ảnh thu nhỏ của Tổ quốc chìm trong khói lửa chiến chinh trong thời chống Pháp:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụn lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy…
Cảnh vật đã vậy, hình ảnh con người trong bị áp bức, bóc lột qua lời thơ Hoàng Cầm càng khiến người đọc xót xa hơn. Đó là người mẹ già Kinh Bắc bị “lũ quỷ mắt xanh trừng trợn – Khua giày đinh đạp gãy quán gày teo – Xì xồ cướp bóc – Tan phiên chợ nghèo”. Đó là những đứa trẻ thơ dại, vô tội vạ ám ảnh tiếng súng giặc ngay cả trong giấc mơ: “Trong giấc thơ ngây, tiếng súng dồn tựa sấm – Ú ớ cơn mê – Thon thót giật mình – Bóng giặc giày vò những nét môi xinh”. Giọng thơ lúc nhẹ nhàng, lúc đanh thép tựa một lời kết tội, Hoàng Cầm đã tái hiện hình ảnh quê hương xứ sở tang tóc đau thương khi Pháp xâm lăng. Từ đó dấy lên lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong tâm hồn những người con đất Việt. Vậy chẳng phải “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm mang bóng dáng của thời đại lịch sử của dân tộc lúc bài thơ ra đời hay sao?
Nói đến bóng dáng của thời đại thuộc về khuynh hướng sáng tác văn học, ta lại hồi tưởng về những cái tên: Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên,… mỗi người một “gương mặt”, một phong cách sáng tạo, nhưng chung quy lại những sáng tác của họ mang bóng dáng của phong trào Thơ mới, chịu sự ảnh hưởng của những quy định chung mà phong trào Thơ mới 1932 – 1945 định hình. Khuynh hướng thoát li hiện thực là một đặc trưng nội dung của phong trào Thơ mới. Các nhà thơ có thái độ bi quan, bế tắc trước cuộc đời, họ đau đời, bất hòa nhưng bất lực trước thực tại nên chán nản, vô vọng:
Trời hỡi trời! Hôm nay tôi chán hết
Những sắc màu, hình ảnh của trần gian
(Chế Lan Viên)
Lại có người đau vì bi kịch cá nhân, tâm hồn đớn đau, quằn quại trong những nỗi niềm mong manh, dễ vỡ:
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ nhật nguyệt tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tựa si?
(Hàn Mặc Tử)
Thơ mới là thơ của những nỗi buồn. Có nỗi buồn vô cớ, có nỗi buồn vì cảnh vật thiên nhiên, buồn vì không gian bao la rộng lớn, buồn vì quá khứ tươi đẹp đã trôi qua. Đọc Thơ mới, người đọc nhận ra cái mạch buồn cứ róc rách chảy từ tâm hồn thi sĩ này đến tâm hồn thi sĩ khác. Ta nhớ đến cái buồn vì vẻ đẹp của một thuở vàng son đã trôi qua mất rồi trong thơ Vũ Đình Liên:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Làm sao quên nỗi buồn ảo não bàng bạc khắp mọi không gian, thời gian, lòng người trải ra cùng sóng nước tràng giang mênh mông. Đất trời vô biên. Cuộc đời ngắn ngủi:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng…
(Huy Cận)
Nhưng Thơ mới cũng là tiếng thơ của những con người giàu tinh thần dân tộc. Mặc dù cái tinh thần ấy cứ mờ dần, mờ dần, không rõ ràng, không mạnh mẽ. Tinh thần dân tộc trong Thơ mới được các thi sĩ thể hiện kín đáo, mơ hồ, chỉ như “một tiếng thở dài chống chế độ thuộc địa” (Trường Chinh) mà thôi:
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong…
(Thâm Tâm)
Hầu hết, các nhà thơ trong phong trào Thơ mới trau chuốt về mặt ngôn từ để thể hiện cảm xúc, ý tưởng sao cho tròn trịa, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, sau đó mới phảng phất chất đời. Những “gương mặt” riêng đã tạo nên diện mạo chung của phong trào này. Mặc dù phong trào Thơ mới chỉ tồn tại khoảng mười ba năm rồi tan rã, các nhà thơ có người từ bỏ nghiệp cầm bút của mình, có người hòa vào không khí cách mạng, trở thành chiến sĩ làm thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên… nhưng những tác phẩm trong phong trào Thơ mới vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Mỗi lần đọc lại, người ta nhận ra cái “bóng dáng thời đại” được thể hiện rất rõ bằng ngôn từ mượt mà, bóng bẩy.
Phong cách cá nhân của nhà văn và dấu ấn thời đại trong tác phẩm văn học đã góp phần tạo nên những thi phẩm xuất sắc, có giá trị vượt thời gian. Nó chính là chuẩn mực để đánh giá một tác phẩm hay, có vị trí vững vàng trong đời sống văn học. Ngày nay, chuyện người đi sau viết lại đề tài mà người đi trước đã từng viết và thành công rực rỡ là chuyện hiển nhiên. Nhưng cùng một đề tài thì anh phải viết như thế nào, nhìn nhận, khám phá ra sao mới là vấn đề đáng nói. Bởi “Một cuộc thám hiểm không cần đến những vùng đất mới mà cần đến một đôi mắt mới” (Macel Proust). Đời sống văn học sẽ sáng suốt dung nạp những tác phẩm có sự sáng tạo của cá nhân, có “chất riêng” và cũng mạnh dạn loại bỏ những tác phẩm sao chép nguyên sơ hay bóp méo bản chính đầy nhố nhăng, bịp bợm.
- Kết bài:
Có người rằng: Khi một nhà văn xuất hiện, điều mà chúng ta nên hỏi anh ấy là anh sẽ đem đến điều gì mới cho cuộc sống. Sự sáng tạo luôn là điều cần thiết trong văn chương bởi chính nó quy định số phận của đứa con tinh thần mà nhà văn sinh sản. Bạn không ngại xem một bộ phim cũ nhiều lần, nhưng bạn sẽ chán ngấy khi xem một bộ phim dựng lại kịch bản của bộ phim trước đó bạn đã từng xem, nhưng dựng chưa tới, vai diễn chưa có hồn, thông điệp chưa rõ ràng, sâu sắc. Văn chương cũng vậy, đâu ai thích đọc một tác phẩm đi theo khuôn mòn có sẵn, hoặc sao chép, hoặc “chế biến” lại từ tay người đi sau. Lao động nghệ thuật là công việc cơ cực gấp trăm ngàn lần việc cày một thửa ruộng, trồng một nương ngô. Ai đủ bản lĩnh sáng tạo, đến với văn chương bằng thái độ nghiêm túc và tình yêu mãnh liệt chắc chắn rằng sẽ đi được với văn chương một con đường rất dài, sẽ cống hiến cho đời những tuyệt tác đầy tâm huyết.