Quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là một quá trình kép: vừa sáng tạo ra thế giới, vừa kiến tạo nên bản thân mình. Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh chị hãy bình luận ý kiến trên.

qua-trinh-sang-tao-nghe-thuat-chan-chinh-bao-gio-cung-la-mot-qua-trinh-kep-vua-sang-tao-ra-the-gioi-vua-kien-tao-nen-ban-than-minh-bang-trai-nghiem-van-hoc-cua-minh-anh-chi-hay-b

“Quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là một quá trình kép: vừa sáng tạo ra thế giới, vừa kiến tạo nên bản thân mình”.

Bằng trải nghiệm văn học của mình, anh chị hãy bình luận ý kiến trên.


  • Mở bài:

Có lần Tô Hoài – nhà văn danh tiếng trong văn học Việt Nam hiện đại tâm sự rằng ông viết “Vợ chồng A Phủ” từ những trải nghiệm thực tế từ hiện thực Tây Bắc. Tây Bắc ư, không chỉ riêng mây mù giăng lối mà còn là những điệu khèn, tiếng sáo du dương, những ly rượu nồng và những chiếc váy hoa sặc sỡ làm say lòng người đã gieo vào tâm hồn Tô Hoài những giọt thương nhớ. “Chéo lù! Chéo lù!” tiếng mời gọi quay trở lại tha thiết ấy đã như một liều thuốc kích thích mạnh mẽ niềm xúc cảm mãnh liệt khiến người nghệ sĩ không khỏi thổn thức, xuyến xao. Chính những vang động của cuộc đời, chất mặn mòi của hiện thực cuộc sống đã tiếp sức ngòi bút nhà văn, nhà thơ viết nên những tác phẩm hay rung động trái tim triệu triệu con người. Nhưng những tác phẩm ấy đâu chỉ là tiếng vọng từ hiện thực mà còn luôn là sự sáng tạo và là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh tâm hồn của người nghệ sĩ. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng “Quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là một quá trình kép: vừa sáng tạo ra thế giới, vừa kiến tạo nên bản thân mình.”

  • Thân bài:

Không giống như các môn khoa học khác, văn học là một môn nghệ thuật có chức năng nhận thức và khám phá đời sống, con người. Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo do đó yêu cầu văn chương phải luôn vận động thay đổi mình trở nên mới mẻ từ thời đại này sang thời đại khác. “Thế giới” chính là những sáng tạo của tác giả dựa trên nền tảng hiện thực và thể hiện tư tưởng thẫm mĩ cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn. Nhưng từ hiện thực ấy, nhà văn sáng tạo ra trong tác phẩm một thế giới riêng vừa mang dấu ấn hiện thực nhưng lại chưa có bao giờ. Nói cách khác là một thế giới được tái tạo bằng cách nhìn riêng, cảm nhận riêng của người nghệ sĩ. Nói như Nguyễn Tuân: “Nhà văn chân chính nào cũng có một thế giới riêng. Cái thế giới ấy là những hình tượng sáng tạo ra do nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhà văn và phản anh nên cái thực tế của thời đại”. Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.

Một nhà văn đích thực mà chỉ đem một tiếng nói chung chung vô vùng nhạt nhẽo? Ấy đâu phải nghệ thuật. Nghề văn không hề dễ dàng, để sáng tạo nên tác phẩm tác phẩm hay đó là cả một quá trình lao động đầy gian khó và cực nhọc. Trải mình với đời, ta lắng lòng và chiêm nghiệm với những ngang trái trong bốn bể, ta chắt lọc được những điều quý giá và đẹp đẽ của cuộc đời và con người, đó cũng là lúc ta “kiến tạo bản thân mình”. Tự chính sự trải nghiệm, nhà văn sẽ dần hoàn thiện nhân cách bản thân, nhân văn hơn, tốt đẹp hơn. Nhận định trên đã nêu lên khái quát chung cho quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính. Không chỉ vẽ ra thế giới thu nhỏ của hiện thực cuộc đời mà chính nhà văn còn xây dựng và hoàn thiện bản thân cho cao đẹp. Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bái ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại.

Như một định luật muôn thuở, văn học phản ánh hiện thực và đã là định luật thì không có một ngoại lệ nào cả. Cuộc đời ẩn chứa biết bao điều bí ẩn mà ta chưa khám phá, những tiếng nói thỏ thẻ mà ta chưa thể lắng nghe và những tiếng khóc than hậm hực cho số phận chưa được đồng cảm. Cuộc đời này chính là chất liệu vô tận, là biển xanh trùng khơi cho người nghệ sĩ khai khác những “hạt bụi vàng” mà góp nên trang. “ cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tô Hoài). Thoát thai từ hiện thực, văn học sẽ mãi luôn bén rễ vào cuộc đời, hút nguồn nhựa dạt dào chảy trong lòng cuộc sống và trở thành cây xanh tỏa bóng mát lại cho đời. Là nhà văn, anh phải để ngòi bút thấm đẫm chất mặn mòi của nghiên mực để văn anh cất lên những âm thanh mang hơi thở của hiện thực, vẽ nên bức tranh về đời một cách chân thực và sâu sắc. Thần Ăng-tê chỉ bất khả chiến bại khi chân chạm vào đất. Không một ai địch nổi người trừ khi người bị nhấc ra khỏi mặt đất. Lúc ấy chàng sẽ chết vì không còn nhận được sức mạnh từ Đất Mẹ. Văn học cũng vậy, những tác phẩm sẽ sống nếu được tắm mát và nuôi dưỡng trong mạch sữa tươi mát của cuộc đời. Chế Lan Viên – người đã từng trải nghiệm thấm thía điều này nên trong bài “Sổ tay thơ” thi sĩ đã viết:

“Bài thơ anh, anh làm một nửa thôi
Còn một nửa, để mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá
Nó không là anh, nhưng nó là mùa.”

Cuộc sống bao la và kì diệu làm sao! Nó đưa văn học gần gũi với cuộc đời thế nhưng văn học không phải phản ánh hiện thực như những gì nó có. Nhà phê bình người Nga Bêlinxki từng nói: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”. 

Văn học sẽ như thế nào nếu nó chỉ là những con chữ hiện thực nằm thẳng đơ trên trang giấy? Tác phẩm sẽ tồn tại nếu đó chỉ là sự photocopy không hơn không kém? Không, văn học là sự thật ở đời (ý Vũ trọng Phụng) nhưng chỉ được phơi bày qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Ngụp lặn giữa biển đời mênh mông, người nghệ sĩ đồng cảm, đau xót bằng tình cảm đã được rung lên bần bật với những số phận những bi kịch. Và khi vào trang giấy, những con người ấy sẽ hiển hiện qua đôi mắt tư tưởng của nhà văn, thế giới được tái hiện trên tấm thảm tình cảm người nghệ sĩ. Bằng năng lực sáng tạo và độ nhạy bén tinh tế, nhà văn sẽ tạo lập cho mình một thế giới riêng và thế giới ấy là hiện thực được phản chiếu qua ánh sáng tư tưởng của nhà văn.

Nói như Hoài Thanh : “Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra ngoài thế giới này, nhưng thế giới này trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng”. Cùng một đề tài về người nông dân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan đã nói về số phận cơ cực của những người nông dân trong cảnh bần cùng hóa, Nam Cao thì đề cập sự tha hóa của con người trước những tác động nghiệt ngã của hoàn cảnh sống còn Thạch Lam âu lo cho tình trạng sống mòn, vô nghĩa, buồn tẻ của những số phận trong xã hội. Sự khai thác khác nhau này sẽ khắc họa chân dung từng nhà văn với đường nét mà ta có thể ghi nhớ bằng những tác phẩm tuyệt bút của họ. Không chỉ vậy, những cái nhìn khác biệt sẽ càng làm cho thi đàn văn học trở nên phong phú và đa dạng hơn và không ngừng làm mới trong chiều kích của thời gian.
Nếu như văn học Nga có Puskin với “Con gái của viên đại úy”, Đôttoiepxki với “Tội ác và trừng phạt”, Mỹ thì có O.Henri với truyện ngắn xuất sắc “Chiếc lá cuối cùng” thì ở Pháp ta có tiểu thuyết vĩ đại “Những người khốn khổ” của Vichto Hugo. Đọc tác phẩm ta không chỉ thấy bối cảnh xã hội Pháp trong khoảng 20 năm đầu của thế kỉ 19 mà đó còn là một cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp nửa đầu thế kỷ 19. Chính nhà văn Victor Hugo cũng đã viết cho người biên tập rằng: “Tôi có niềm tin rằng đây sẽ là một trong những tác phẩm đỉnh cao, nếu không nói là tác phẩm lớn nhất, trong sự nghiệp cầm bút của mình”.

Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật. Tác phẩm như tấm gương phản chiếu hiện thực lúc bấy giờ mà trong sự phản chiếu ấy bật lên những giá trị nhân văn cao đẹp. Cái đẹp trong tác phẩm được thể hiện đa dạng trên nhiều bình diện khác nhau nhưng chủ yếu nằm ở phẩm chất của con người. Họ là những người lao động khốn khổ, những người có thân phận thấp kém, bị xã hội tư sản phủ nhận, coi rẻ nhưng lại tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp, cao cả. Đó là GiăngVanGiăng – vị thánh vốn là một người tù khổ sai, người sống trọn một đời bao dung và cứu vớt người nghèo; là Phăngtin –“ cô gái điếm” có tình mẫu tử sánh tựa Đức Mẹ, người đã bán cả răng, tóc và cả thân xác, bán đi danh dự và nhân phẩm của mình để con mình được hạnh phúc; Côdét – cô bé lọ lem trong xã hội tư sản. Bị kịch của họ là đói nghèo, khốn khổ bởi sự vùi dập của xã hội nhưng mỗi người vẫn toát lên vẻ đẹp từ phẩm chất của họ. Tác phẩm như bản tráng ca ca ngợi vẻ đẹp của người lao động, họ vượt qua số phận nghịch cảnh, họ bước ra từ bóng tối và vươn tới ánh sáng. Đại thi hào Vichto Hugo đã trao trọn niềm tin và tình yêu thương của mình dành cho người lao động, ông đã chỉ ra những phẩm chất sáng ngời của họ và ông xứng đáng là nhà nhân đạo chủ nghĩ vĩ đại nhất thế kỉ XIX.

Quá trình sáng tạo là một hành trình song song, cuộc đời đã được thể hiện qua cái nhìn của nhà văn chất chưa bao duy tư, trăn trở của một tấm lòng yêu thương con người và chính những ưu tư day dứt về cuộc đời con người ấy nhà văn mới dần trở nên hoàn thiện mình, lấp đầy những thiếu xót và bồi dưỡng cho tâm hồn thêm trong sáng và thuần khiết. Ibsen từng khẳng định “Sáng tác, có nghĩ là tiến hành một cuộc xét xử không giả dối về chính mình”. Một cuộc xét xử sẽ khiến nhà văn càng thêm đầy đủ trong nhận thức về thế giới và đôi mắt sẽ luôn hướng về con người với bao niềm yêu thương và tin tưởng. Vui biết bao sau tác phẩm không riêng độc giả vươn đến giá trị chân – thiện – mỹ mà nhà văn, người sáng tạo cũng dần hoàn thiện bản thân hơn bởi “văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”

Trong nền văn học Việt Nam, không thể không nhắc đến Nam Cao – nhà văn nhân đạo lớn. Những trang viết của Nam Cao về người trí thức nghèo trước cách mạng tháng Tám cũng chính là những suy tư, trăn trở của chính con người Nam Cao. Trong đó bi kịch của nhân vật Hộ trong “Đời thừa” thể hiện rõ nhất những tăn trở, suy tư của ông với tư cách con người và nghệ sĩ. Hộ vấp phải bi kịch đầu tiên đó là bi kịch về những giấc mộng văn chương. Đối với anh, văn chương là trên hết, là khát vọng lớn nhất của anh. Anh muốn viết tác phẩm “lớn lao, mạnh mẽ vừa đau đớn vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương tình bác ái, sự công bình. Nó làm cho người gần người hơn”. Một giấc mơ cao cả và chính đáng, anh có quyền mơ như thế với tư tưởng lớn như vậy.

Thế nhưng đớn đau thay “cơm áo không đùa với khách thơ”. Anh không thể sống ích kỷ cho riêng mình, anh còn có mẹ già và vợ con, anh phải sống có trách nhiệm. Chính những nỗi âu lo về tiền bạc đã níu kéo giấc mộng văn chương của đời trai trẻ. Làm thế nào đây khi mai lại đến hạn nộp tiền? Sống sao khi đàn con thơ chưa ăn được bữa no? Anh phải viết, bắt buộc phải viết thật nhanh và vội để không chết đói. Cái nghèo đói và trách nhiệm gia đình đã đẩy anh vào bi kịch văn chương. Anh không khóc nhưng có lẽ ta có thể thấu những những giọt nước mắt chua xót bất lực của anh. Có người cho rằng anh chính là hình ảnh của Nam Cao thời kỳ trước cách mạng. Không, Nam Cao đã có có thể bị áo cơm ghì chặt nhưng ông vẫn hơn Hộ, ông đã viết nên những áng văn hay nhất về cuộc đời và những kiếp lầm than như Chí Phèo, Làng, Đời thừa… Nam Cao đã thể hiện tư tưởng nhân đạo mới mẻ, độc đáo trong Đời thừa. Đó là ca ngợi khát vọng đẹp đẽ của Hộ và sự cảm thông sâu sắc với người trí thức nghèo. Phải có những hiểu biết sâu sắc về tâm tư tình cảm con người thì Nam Cao mới viết nên những câu văn lay động lòng người như thế. Nhà văn không “phản ánh để phản ánh” mà sau những câu chữ dường như lãnh đạm ấy lại chính là một tấm lòng sôi nổi, nhiệt thành, một trái tim của tình nghĩa.

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:

“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một giọt mật thành, đời vạn chuyến ong bay
Nay rừng nhãn non Đoài, mai vườn cam xứ Bắc
Ngọt mật ở đồng bằng mà hút nhụy tận miền tây.”

Người nghệ sĩ phải hút lấy chất mật ngọt tinh túy nhất của “quặng” cuộc đời, chưng cất những chất liệu hiên thực để tạo nên tác phẩn thật sự có giá trị ở đời. Sáng tạo nghệ thuật là một hành trình lao động miệt mài và thấm đẫm những giọt nước mắt. Để trở thành nhà văn không khó nhưng một nhà văn chân chính lại không hề dễ dàng. Người nghệ sĩ phải sống thật với đời, “cảm” sâu những tiếng nói tình cảm vẫn ngày đêm thổn thức giữa chốn bộn bề, không ngừng sáng tạo và bồi dưỡng tâm hồn mình để tư tưởng tình cảm tốt đẹp có thể lan tỏa muôn nơi. Văn học dẫu cho cùng vẫn là câu chuyện của những trái tim đồng điệu, của những tiếng nói đồng tình, đồng chí, đồng ý vì thế bạn đọc phải nâng cao nhận thức cũng như không ngừng bồi đắp trái tim cho đẹp, cho tốt. Khi ấy văn học đã hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của mình: hướng con người đến giá trị đích thực Chân – Thiện – Mỹ.

  • Kết bài:

Văn chương muôn đời là mảnh đất bí ẩn cần được khai thác. Chắt chiu từng những hạt bụt vàng giữa cuộc đời để đúc nên “bông hồng vàng”, nhà văn thực sự đem lại hạnh phúc cho cuộc sống và chính mình. Tác phẩm văn học dù cho viết về cái xấu hay cái tốt, lương thiện hay tàn ác nhưng một khi đã bắt rễ vào hiện thực và chất chứa những giá trị nhân văn to lớn thì mãi mãi văn học sẽ sống và bầu bạn với con người dẫu “mọi lý thuyết là màu xám, chỉ cầy đời mãi mãi xanh tươi” (Gớt).

2 Trackbacks / Pingbacks

  1. Làm sáng tỏ nhận định: “Quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là một quá trình kép: vừa sáng tạo ra thế giới, vừa kiến tạo nên bản thân mình” - Theki.vn
  2. Tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.