Phân tích mối tương quan đối lập giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt trong đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.
I. Mở bài:
– “Hồn Trương ba, da hàng thịt” là vở kịch được Lưu Quang Vũ hiện đại dựa hóa trên một cốt truyện dân gian.
– Trong cảnh VII, tác giả đã làm nổi bật mối tương quan đối lập giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt và điểm khác nhau cơ bản của hai nhân vật này.
II. Thân bài
1. Mối tương quan đối lập giữa hai nhân vật hồn Trương Ba và xác hàng thịt.
a. Cuộc gặp gỡ giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt:
– Sự sai lầm của thượng giới dẫn đến cuộc đối thoại rất căng thẳng.
– Phải sống mượn, sống nhờ thân xác người khác, Trương Ba vô cùng đau đớn, dằn vặt.
b. Những mâu thuẫn không thể giải quyết giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt.
– Không thể sống chung trong một cái xác của kẻ khác, hồn Trương Ba đã tách ra khỏi xác để tranh luận.
– Cuộc xung đột giữa một bên là hồn, một bên là xác diễn ra rất dữ dội và không có sự thỏa hiệp.
2. Những điểm khác nhau cơ bản giữa hai nhân vật:
– Hồn biểu tượng cho sự thanh cao, cho đạo đức cho phần chân chính của mỗi con người.
– Xác biểu tượng cho bản năng, cho những ham muốn trần tục, là phần “con” ẩn nấp trong mỗi con người.
III. Kết luận
– Hồn và xác đối lập nhưng tồn tại trong một cơ thể thống nhất.
Bài tham khảo:
- Mở bài:
Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch, nhà thơ nổi bậc của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là vở kịch tiêu biểu nhất của Lưu Quang Vũ.
- Thân bài:
Với Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã để lại cho chúng ta một bi hài kịch đặc sắc được công chung trong và ngoài nước tán thưởng. Vở kịch được tác giả thể hiện đại hóa dựa trên một cốt truyện dân gian. Về cơ bản, nhà viết kịch vẫn sử dụng mô tiếp của truyện cổ dân gian, giữa lại tên nhân vật, giữa nguyên tính cách, tình huống. Ngòi bút đậm chất triết lí đã giúp Lưu Quang Vũ thổi vào tích xưa một luồng gió mới.
Đặt vấn đề về lẽ sống con người qua nỗi khổ “bên trong một đằng, bến ngoài một nẻo”, qua mâu thuẫn cực độ giữa hồn (thanh cao), và xác (phàm tục), vở kịch chứa đựng những vấn đề triết lí nhân sinh: Sống nhờ, sống giả, sống không phải là mình, đó là bi kịch đau đớn nhất của con người. Để chuyển tải triết lí nhân sinh cao cả ấy, Lưu Quang Vũ đã làm nổi bật mối tương quan đối lập giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt và tập trung vào những điểm khác nhau cơ bản của hai nhân vật này.
Trương Ba là một người làm vườn, khoảng năm mươi tuổi, trung thực, ngay thẳng và giỏi đánh cờ. Tính tình ông Trương Ba nhân hậu, sống chan hòa với mọi người. Vì chuyện cẩu thả, tác trách của Nam Tào, Bắc Đẩu trên thiên đình, khiến Trương Ba phải chết oan. Tiên cờ Đế Thích bực bội và vì tiếc một người tài và yêu quý Trương Ba nên đã hóa phép cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết một ngày. Hồn Trương Ba sống trong xác anh hàng thịt. Ai cũng ngờ đó là cách giải quyết thuận lợi cho Trương Ba, để cho con người hiền lành này tiếp tục sống êm ấm trong gia đình mình.
Nhưng sự “tái sinh” trong xác người khác lại là điều bất hạnh của Trương Ba. Trong chính gia đình mình, hồn Trương Ba (trong thân xác anh hàng thịt) bị xa lánh, coi thường. Hồn Trương Ba bị dồn vào sự đau khổ cũng cực nhất: tự mình ý thức được sự tha hóa của mình, bị thân xác anh hàng thịt sỉ nhục, bị bọn cường hào nhũng nhiễu, nhìn thấy con trai hư hỏng mà không dãy dỗ được, bị những người thân chê trách, xa lánh vì như lời của cô con dâu mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả như lệch lạc, nhòa mờ dần đi.
Tất cả những cái đó khiến hồn Trương Ba vốn cao khiết không thể chịu đựng được nữa, không thể khuất phục trước thể xác, trước những cái xấu xa và tự đánh mất mình. Hồn Trương Ba không thể sống chung trong cái xác vay mượn, tách ra khỏi thân xác để tranh luận. Cuộc tranh luận, xung đột giữa một bên là hồn, một bên là xác diễn ra rất dữ dội và không có sự thỏa hiệp. Lời của hồn Trương Ba khinh bỉ cái thân xác tầm thường: “Mày không thể có tiếng nói mà chỉ là xác thịt âm u đui mù”, “Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc”, “… Chỉ là những thứ thấp kém mà con thú nào cũng có được”.
Xác anh hàng thịt đối đáp bằng lời thoại dài, lập luận lí lẽ sắc sảo, đặt câu hỏi để tranh biện giành phần thắng về mình: “Cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi”; “Chẳng có cách nào chối bỏ được tôi đâu”; “Chẳng còn cách nào khác đâu”, “Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này!”. Xác hàng thịt biết rõ những cố gắng đó là vô ích, đã cười nhạo hồn Trương Ba. Hắn tuyên bố về sức mạnh âm u, đui mù, ghê gớm của mình, ranh mãnh dồn hồn Trương Ba vào thế đuối lí hơn nữa. Hắn liên tục ve vãn hồn Trương Ba thỏa hiệp vì theo lí lẽ của xác thịt là “chẳng còn cách nào khác đâu”, vì cả hai “đã hòa với nhau làm một rồi”. Trước những “lí lẽ ti tiện” của xác anh hàng thịt, Trương Ba đã nổi giận, đã khinh bỉ, đã mắng mỏ xác hèn hạ nhưng đồng thời cũng ngầm ngùi thấm thía nghịch cảnh mà mình đã lâm vào, đành nhập trở lại xác thịt trong tuyệt vọng.
Xây dựng hai nhân vật đặc biệt này, hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt, Lưu Quang Vũ đã sử dụng biện pháp đối lập để tô đậm những điểm khác nhau cơ bản giữa hồn người này và xác người kia.
Ông Trương Ba vốn là một người làm vườn chất phác, hiền lành, nho nhã. Hồn của Trương Ba biểu tượng cho sự thanh nhã, cao khiết, trong sạch, đạo đức. Khi tranh luận gay gắt với xác, hồn vẫn khẳng định “Không! Ta vẫn có một đời sống riêng: nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”. Hồn là phần người chân chính của mỗi người.
Ngược lại anh hàng thịt thân xác vạm vỡ, kềnh càng thô lỗ. Xác biểu tượng cho bản năng, cho những ham muốn trần tục, là phần “con” ẩn nấp trong mỗi con người. Dẫn ra sự đối lập sâu sắc này, Lưu Quang Vũ muốn khẳng định: con người là cơ thể toàn vẹn có cả phần hồn lẫn phẫn xác, không ai có thể tồn tại được bằng thân xác mà không có cái kia. Độ vênh lệch giữa hồn và xác sẽ là bị kịch. Trong đoạn trích tác giả đã đưa ra những lời thoại giàu chất triết lí: “không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Đó là triết lí về sự thống nhất hài hòa giữa hồn và xác trong một con người.
Đoạn trích có những xung đột kịch gây gắt. Lưu Quang Vũ linh hoạt và sáng tạo trong cách tạo ra xung đột bên trong. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác chính là xung đột diễn ra trong bản thân nhân vật, hai phần trong một con người tranh luận với nhau rất căng thẳng: giữa xác anh hàng thịt và hồn Trương Ba có sự va chạm giữa nhiều yếu tố: tốt và xấu, thanh cao và phàm tục, bản năng và lí trí, đạo đức và tội lỗi.
- Kết bài:
Lưu Quang Vũ xây dựng hai nhân vật chính trong vở kịch Hồn trương ba, da hàng thịt, với sự khác biệt rõ rệt giữa hồn và xác và cuối cùng để gìn giữ phẩm giá của mình, hồn Trương Ba tự nguyện rút vào cõi hư vô. Qua đó, ông muốn khẳng định: không gì hạnh phúc bằng được sống đúng là mình, sống với những gì mình đã có. Như thế cuộc đời sẽ thanh thản, nhẹ nhàng và ý nghĩa biết bao. Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được. Không thể sống với bất cứ giá nào. Có những giá đắt quá, không thể trả được. Cuộc sống chỉ thực sự có giá khi con người được trở về đúng bản chất của mình, được sống trong một cơ thể thống nhất.