Nhận xét về Thơ Mới, Hoài Thanh viết: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy cận. Cả trời thực, trời mộng vẫn neo neo theo hồn ta.” (trích “Một thời đại trong thi ca”)
Phân tích và bình luận ý kiến trên. Minh hoạ bằng những bài thơ đã học và đã đọc thêm.
- Mở bài:
Cho đến nay, sự phát triển và những thành tựu rực rỡ của phong trào Thơ mới vẫn còn làm say mê biết bao ngòi bút chưa thôi mong muốn được hiểu hết và tìm thấy nguồn sức mạnh đích thực làm nên “cuộc cách tân vĩ đại” trong thơ này. Và mỗi khi nhắc đến nền thơ rực rỡ ấy, ta không thể không nhắc đến Hoài Thanh và tuyển tập Thi nhân Việt Nam. Với khí thế của người đương đại, Hoài Thanh đã chuyển hết những tinh hoa vào một tập phê bình đầy giá trị, được xem là một “công trình của thế kỉ”. Nhận xét về sức sống của gia đoạn này, trong “Một thời đại trong thi ca” ( trích Thi nhân Việt Nam), Hoài Thanh có viết: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy cận. Cả trời thực, trời mộng vẫn neo neo theo hồn ta.”
- Thân bài:
Trong các nhà phê bình, có lẽ Hoài Thanh là người bám sâu sát nhất phong trào Thơ mới từ lúc nó mới manh nha những dấu hiệu đầu tiên cho đến khi nó kết thúc. Bởi thế, ông nhìn rõ từng khía cạnh của nó, soi chiếu nó từng tí một để phát hiện những tinh anh mà người ta chưa hẳn đã nhìn thấy. Với tập phê bình Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã dũng cảm đứng ra, đại diện cho nền thơ và công chúng lên tiến nhận xét, đánh giá, bình phẩm. Ông không dám nhận là mình đã thấy hết, đã nghĩ hết và đã nói hết. Nhưng quả thật quyển sách đã phô bày trước mắt người đọc một bữa tiệc thi ca thịnh soạn chưa từng có.
Trước hết, Hoài thanh khẳng định: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi”. Bây giờ ta nghĩ về điều đó không có gì xa lạ gì. Nhưng ở thời đại ấy là quá lạ. Bởi đầu thế kỉ 20, nền Nho học Khổng giáo vẫn còn thống trị trong tư tưởng. Dù các trào lưu phương Tây đã ồ ạt tràn đến, xu hướng cách tân trên mặt trận tư tưởng không ngừng tấn công vào thành trì ấy đã làm cho nó lung lay nhưng vẫn chưa thể làm cho nó lụi tàn ngay được. Con người vẫn ôm một chữ “ta” vĩ đại. Và để phá vỡ được nó là cả một kì công của rất nhiều người, trong đó hầu hết là những nhà thơ mới.
Trước hết, Thơ mới thể hiện “cái tôi” cá nhân một cách rõ rệt. “Cái tôi” trong Thơ mới là cái tôi của “bản thể” có cái tinh tươm, tinh tường của nó và cái lớn muốn hòa vào đại dương, muốn đẩy xa không ngừng cả lớp sóng của cả trường giang. Cái “tôi” ấy muốn bức phá khỏi mọi ràng buộc và tự lập nên một thế giới riêng. Có khi đó là thế giới của mơ mộng, đắm say trong thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu. Có khi lại là thế giới của sự điêu tàn, rệu rã trong thơ Chế Lan Viên. Có khi là thế giới của bóng trăng ma quái trong thơ Hàn Mặc Tử. Có khi nó là thế giới huyền hoặc như thực như mơ Lưu trọng Lư, Bích Khuê,… Dù là thế giới nào đi nữa thì lúc nào nó cũng riêng biệt và không bao giờ lập lại. Thuở ban đầu nó sôi nổi đến thế, mạnh mẽ đến thế nên không thể tránh khỏi sự ngây thơ bồng bột.
Có lẽ, chỉ có Hoài Thanh mới nhìn thấy điều đó. Bởi thế ông nói: “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh”. Phải mất đến gần mười năm, đọc hàng vạn bài thơ của hàng trăm tập thơ, và kể cả những bài thơ chép tay của các thi hữu, Hoài Thanh mới cho ra được một tuyển tập ưng ý. Ông đã gạn lọc một cách kĩ lưỡng thi liệu bằng tầm nhìn của một nhà phê bình nghiêm khắc và bằng cả trái tim đầy rung động để có được nhưng tinh hoa hoa đích thực.
Cũng bởi mới hình thành và phát triển chưa được bao lâu nên chưa thể có một nguồn thi liệu lớn, những tác phẩm lớn, những tư tưởng lớn như các nền văn học khác. Bởi thế, so với lịch sử phát triển của các phong trào thi ca trên thế giới thì phong trào Thơ mới của ta được coi là thần kì, chưa từng có bao giờ. “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu“, là đi vào cái sâu thẳm trong từng bài thơ, trong từng phong cách thơ đã được khẳng định.
Thế nhưng, “càng đi sâu ông càng thấy lạnh” bởi ông bị chìm ngập trong thế giới của hình vạn trạng, của mọi cung bậc ngâm nga mà các nhà thơ mới đã dũng cảm phô bày. Rồi bất ngờ ông sung sướng hòa mình trong đó: “Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu”.
Mỗi nhà thơ đã đem đến cho cuộc đời một thanh sắc riêng, không thể hòa lẫn. Hoài Thanh vui mừng không phải vì thơ hay, thơ dở mà vì lướt trên nền thơ mà ông đã đi qua bao nhiêu thế giới đa hình đa sắc, tuyệt vời như một phép màu nào đó đã dựng lên trước mắt ông dấu ấn thời gian chuyển luân không ngừng nghỉ.
Có lúc, ông lạc vào thế giới thần tiên cùng Thế Lữ, tìm đến “Động thiên thai” và lắng nghe “Tiếng trúc tuyệt vời”, “Tiếng sáo thiên thai”, được gãy trên “”Cây đàn muôn điệu”, rồi trở về với “Giây phút chạnh lòng” bàn bạc nỗi nhớ thương, quyến luyến. Ông từng nói về thế giới thơ của Thế Lữ: “Ở xứ ta từ khi có người nói chuyện tiên, nghĩa là từ khi có thi sĩ, chưa bao giờ ta thấy thế giới tiên có nhiều vẻ đẹp đến thế”. Hãy lắng nghe Thế Lữ tâm tình:
“Tiếng địch thổi đâu đây,
Cớ sao mà réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt,
Mây bay… gió quyến mây bay…
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may”
(Tiếng trúc tuyệt vời)
Ngỡ như gần, ngỡ như xa; có mà lại không có, ngỡ như đã nắm bắt được bất ngờ vụt biến đi, thần tình như một cảnh tiên trên mê cung ảo ảnh. Thế Lữ là thế, dường như ông không thích đời thực, chỉ thích mơ mộng, đôi khi tự thét gào một mình trong đó. Ông không lánh đời nhưng cũng không vồ vập lấy nó. Ông dửng dưng trước mọi cám dỗ và tìm lấy phần thanh cao trong thế giới của riêng mình.
Khác với Thế Lữ, Lưu Trọng Lưu lại chọn cách phiêu lưu trong trường tình. “Nếu… thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết” (Hoài Thanh).
Tuy là một nhà diễn thuyết xuất sắc trong thời kì đầu nhưng không vì thế mà thơ Lưu Trọng Lư mất đi vẻ mơ mộng. Thơ ông tự nhiên gióng như một hơi thở, là cái gì đó toát lên từ tạo vật chứ không phải là cố công tạo tác, gọt giũa. Thơ Lưu Trọng Lưu mang đậm chất chấm phá theo kiểu thiền, truyền đạt được nguồn sinh cảm để vật tự tỏa sáng. Bài “Tiếng thu” đã gợi được một cách thần tình cái “thiêng” ấy:
“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?”
Em có nghe hay là không có nghe, ai biết? Ý thơ mơ hồ đẩy nhẹ người đọc vào thế giới huyền diệu, và bắt đầu đi tìm lời giải đáp. Lưu Trọng Lư lúc này giống như một vị đạo sĩ có tài thôi miên, điều khiển người đọc bước đi trong khu rừng huyền bí. Một khu rừng nhỏ nhưng không thể nào thoát ra được. Để đến khi nghe “Tiếng lá khô xào xạc”, nhìn thấy “Con nai vàng ngơ ngác. Đạp lên lá vàng khô” mới hay chưa từng bước đi mà cảnh vật đang cuôn xoay trước mắt giống như một cuốn phim ngắn mê hoặc đến sững sờ.
Quả thật, thơ Lưu Trọng Lư tài tình hơn ta nghĩ. Ông như vừa hóa phép lạ ngay giữa ban ngày. Chính cái đối tượng mờ ảo, lãng đãng, cái trạng thái nửa thức nửa ngủ, nửa thực nửa mơ ấy cũng là một đối tượng thú vị mà thi ca cổ kim từng say sưa săn đuổi để nắm bắt, miêu tả.
Chưa hết, Hoài Thanh còn muốn “điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên” trong thế giới ma mị, kinh hồn. Ông tìm thấy trong thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên một sức “điên cuồng” tuyệt đỉnh, lập tức muốn hào nhập cùng khóc than, kêu gào. Người đọc không bao giờ quên cái thế giới ma hời trong Điêu tàn của Chế Lan Viên. Hoài Thanh từng nhận xét Chế Lan Viên “đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị” nhưng vô cùng mới mẻ và cuốn hút. Thế giới thơ Hàn Mặc Tử lại là một niềm kinh dị khác. Đó là “một nguồn thơ rạt rào và lạ lùng”, “càng đi xa càng thấy lạnh”.
Cuối cùng, ông dừng lại để “đắm say cùng Xuân Diệu” trong suối nguồn tươi mát, bay bổng của tình yêu bất tận. Có thể nói Xuân Diệu tôn thờ tình yêu như một thứ tôn giáo và nàng thơ chính là vị giáo chủ. Thơ Xuân Diệu thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Ở đó, Hoài Thanh đã tinh tế nhận thấy “cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt Nam, đã quyến rũ ta”.
- Kết bài:
“Đời chúng ta nằm trong một chữ tôi. Mất bề rộng,ta đi tìm bề sâu…”. Hoài Thanh đã khái quát khá toàn diện đặc điểm thơ ca và xu hướng sáng tác của các nhà thơ giai đoạn chuyển thời đầu thế kỉ 20. Chưa bao giờ, trong nền thi ca Việt Nam lại ồ ạt xuất hiện những tác giả lớn, những tác phẩm hay như thời địa này. Bởi thế mà, mỗi bài thơ như một đóa hoa giữ vườn xuân, nó cứ bung sắc tỏa hương không ngừng làm say mê lòng người. Cho đến ngày nay, chất men say ấy vẫn còn tha thiết lắm.