Muôn kiếp nhân sinh – tác giả Nguyên Phong (John Vu)
Một trong số những tiền kiếp trước của Thomas, nhân vật chính trong Muôn kiếp nhân sinh kể rằng mình đã từng sống ở lục địa Atlantis, nơi con người là á thần và cả những con người được lai tạo với các loài dã thú. Đó là một mở đầu hấp dẫn, và câu chuyện tiếp tục kể về một trong ba quốc gia coi trọng tôn trọng tâm linh, giới luật và sở hữu một sự tiên tiến mà trong thời đại này coi đó là phép lạ.
Nhưng con người ở Atlantis lại không có tình thương và sự đồng cảm với nhau. Họ còn thèm khát và bị dâm dục điều khiển trong mọi hành động. Cuối cùng các quốc gia trong Atlantis gây chiến với nhau và tất cả bị xoá sổ bởi một trận động đất chôn vùi nền văn minh Atlantis. Tuy nhiên một số người đã được chọn để đưa tới một số vùng đất khác để tái thiết lại từ đầu dựa trên tôn giáo, sự tiến bộ về tâm linh và văn minh của mình. Ai Cập “may mắn” được những người Atlantis sống sót chọn lựa.
Nhưng Ai Cập lại mắc phải những sai lầm của Atlantis như việc theo đuổi chiến tranh, xây dựng các đền thờ, lăng mộ, lợi dụng tôn giáo và phổ biến sự mê tín để điều khiển các Pharaoh và cưỡng đoạt của cải lẫn sức lực của dân chúng. Tuy nhiên, trong những lỗi lầm đó một số cá nhân Ai Cập đã học hỏi và tiến bộ hơn con người Atlantis đó là sự can đảm, đồng cảm và yêu thương. Đây không phải là cái kết có hậu trong câu chuyện vượt thời gian và trải dài vô số kiếp này. Con người trong thời hiện đại đã lại mắc lại sai lầm từ hàng nghìn năm trước.
Tác phẩm thể hiện các quan điểm nhân sinh và khơi gợi định nghĩa về thực thể – vật chất. Theo lý giải của tác giả Nguyên Phong, thực thể là phần linh hồn phiêu du từ kiếp này sang kiếp khác để học hỏi, còn hình hài là phần vật chất chứa ý thức. Khi học đủ, con người trở nên thông minh, còn nếu làm sai, làm chuyện trái đạo đức thì trả quả báo ở kiếp sau – phải làm súc vật, sâu bọ và học lại từng kiếp để trở thành người. Cá nhân phải chịu biến nghiệp – quả báo phải trả nếu làm điều ác. Những người cùng sống chung trong một quốc gia – trải qua cộng nghiêp. Mọi người hưởng lợi ích giống nhau, vì thế phải chung sức làm điều tốt, tránh gây “nghiệp”.
Sách khuyên độc giả tin tưởng vào bản thân: “Con người có thói quen lệ thuộc, đi tìm sự trợ giúp bên ngoài nhưng bản thân họ đã đủ sức mạnh giải quyết vấn đề rồi”. Để sở hữu sức mạnh nội tâm, Thomas tu tập thiền định qua nhiều kiếp. Thiền không phải là thả lỏng, mà đòi hỏi sức tập trung cao độ. Nhân vật Kris so sánh với con chim hải âu bay trên bầu trời, nhìn tưởng nhẹ nhàng, nhưng phải nhìn xa, đón trước hướng gió. Như vậy, trong cuộc sống để vượt qua số phận, cá nhân cần cố gắng, tập trung và có chiến lược để đạt được mục tiêu.
Ngoài ra, con người cũng đang vô cùng mạo hiểm khi tiến sâu vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và máy học, mà theo Nguyên Phong – John Vũ với tư cách là chuyên gia về máy tính cho biết “máy học và trí tuệ nhân tạo đã biết cách tự lừa lẫn nhau để dành chiến thắng trong một ván cờ. Điều này các nhà lập trình chưa bao giờ cài đặt cho chúng và không thể ngờ đến”. Đây là sự cảnh báo nhưng hiện tại hậu quả vẫn chưa đến mức độ để đại đa số lo sợ, nhưng thông qua bối cảnh chính trị, chiến tranh và sụp đổ của Atlantis đã cho người đọc thấy sự đáng sợ thế nào khi con người đặt mình vào tình tế tự diệt vong bằng chính sự văn minh và tiến bộ của mình.
Trong dòng thời gian của lịch sử, bất cứ một nền văn minh, đế quốc hay vùng đất nào đều trải qua quá trình sáng tạo, phát triển, suy vong và sụp đổ được gọi là Thành – Trụ – Hoại – Diệt. Nghe có vẻ đáng lo sợ và hứa hẹn về một sự u ám, nhưng quá trình này lại chính là vô thường, luân hồi, nhân quả của các tôn giáo và mình gọi đó là “Hợp tự nhiên”. Trên hết, qua quá trình Thành – Trụ – Hoại – Diệt đó con người sẽ học hỏi được gì và tiến bộ như thế nào hay sẽ lập lại một chu kỳ luẩn quẩn của luân hồi và nhân quả. Nói như cái nhìn của Phật giáo gọi đó là nghiệp quả và nếu đã gieo nhân nào thì cuối cùng qua bao nhiêu kiếp sẽ phải lãnh kết quả và hậu quả do nghiệp nhân tạo ra vì “Bất cứ động lực nào phát ra cũng có một lực phản ngược lại và một hành động xảy ra sẽ đem lại kết quả.”
Muôn kiếp nhân sinh chính là cái nhìn của một nhà khoa học máy tính với chuyên môn cao mà Nguyên Phong – John Vũ muốn truyền đạt cái nhìn của mình về việc tôn giáo có vai trò đồng hành với khoa học thế nào trong việc tìm hiểu và khám phá những kiến thức mới trong vũ trụ và tâm linh. Với cái nhìn của riêng ông, một người được công nhận là xuất chúng trong chuyên môn khoa học và máy tính, nhưng lại ngầm đồng ý rằng giá trị của tôn giáo trong việc khám phá vũ trụ là không thể không suy xét kỹ.
Nếu đây là một cuốn sách dựa trên sự phóng tác hay là sự thật thì nó cũng đã đem tới những giá trị không phủ nhận được thông qua câu chuyện về Atlantis, Ai Cập cùng triết lý nền tảng của các tôn giáo dù khó hiểu với đa số. Chuyện lấp lửng giữa sự thật, phóng tác hay những vấn đề chưa có lời giải trong Muôn kiếp nhân sinh lại càng làm người đọc tò mò hơn. Mấu chốt ở đây là Nguyên Phong – John Vũ đã đưa ra hai lời khuyên phải có lòng yêu thương và sự quán chiếu tìm kiếm Thần Thái Dương, Chúa, Phật qua nội tâm của chính mình.
Trong giáo lý của Thiên Chúa giáo “Kính Chúa và thương người” là hai điều răn quan trọng nhất vượt trên mọi điều răn. Còn trong Phật giáo, sự yêu thương chính là Tứ vô lượng tâm đến với tất cả chúng sinh không phân biệt. Vậy tại sao lại là sự yêu thương chứ không phải điều gì khác? Vì nếu lấy yêu thương làm nhân, thì gặt hái những quả, những hoa đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn dù trong bất cứ tình cảnh nào. Việc phát sinh lòng yêu thương ở những giai đoạn quan trọng nhất trong câu chuyện luân hồi của Muôn kiến nhân sinh đã trả lời cho giá trị của hành động này. Sự yêu thương vượt trên quyền lực, văn minh, cấp bậc và trí thông minh. Trên hết, họ đã biết giá trị của sự yêu thương có ý nghĩa thế nào. Nó là bước đầu để phát triển trí thông minh, khi có thông minh sẽ có trí tuệ và trí tuệ sẽ tới sự thiêng liêng kết nối con người với Thần Thái Dương, Chúa, Phật, Đại ngã tuỳ theo cái nhìn của mỗi tôn giáo.
Và việc để phát khởi lòng từ bi thì Muôn kiếp nhân sinh có chỉ ra một cách là thông qua con đường hành động thiền định. Qua thiền định sẽ tạo ra suy nghĩ đúng đắn, qua suy nghĩ đúng sẽ có hành động đúng và sự yêu thương chính là hành động đúng. Trên thực tế, thiền định là hành động đơn giản nhất mà một con người có thể phát triển trí tuệ và xoá bỏ bản ngã.
Thiền định sâu xa sẽ giúp bạn hiểu được và thấy rõ mọi sự, mọi vật như nó là và vượt qua cái tướng bên ngoài để thấy rõ cái bên trong. Trong sự thiền định, con người sẽ hướng động lực của mình lên trên để kiểm soát nội tâm thay vì hướng xuống để dục vọng làm chủ bản thân.
Sau cùng, nội dung trong Muôn kiếp nhân sinh khá rời rạc, phân mảnh và thiếu một câu trả lời rốt ráo vì chính câu chuyện tiền kiếp của nhân vật chính cũng… kết thúc giữa chừng vì người viết không đề cập nữa. Bù lại, giá trị mình thích nhất trong Muôn kiếp nhân sinh là sự ý thức được chính mình. Đó là điều căn bản của mọi truyền thống tâm linh.
Sách đúc kết: Sứ mệnh của Phật giáo là được giải thoát khỏi sự chi phối của vòng Luân hồi. Tôi đã luôn luôn lạc quan về tương lai của con người. Nếu một người có ý thức và làm những điều thiện lành, dẫu chỉ là việc nhỏ thì họ cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực, giúp thay đổi những người chung quanh. Nếu nhiều người cùng chung sức làm những việc lành thì cả thế giới sẽ thay đổi. Chúng ta là người tạo ra số phận của mình. Không ai có thể thực sự làm gì cho ta được. Tất cả chúng ta mỗi giây phút đều có cơ hội để gieo trồng hay gây nhân cho chính mình do đó nhân tốt hay xấu đều do ta tạo nên. Quan niệm “thành, trụ, hoại, diệt” vì mọi sự vật, mọi hiện tưởng luôn luôn thay đổi, không khởi đầu hay chấm dứt. Con người luôn thường có thói quen thích lệ thuộc, muốn đi tìm sự trợ giúp từ bên ngoài nhưng đôi lúc chính bản thân họ đã đủ sức mạnh cùng lý lẽ trực giác giải quyết được vấn đề rồi. Tình thương là bước đầu cho việc phát triển trí thông minh. Trí thông minh đúng cách là bước đầu cho việc phát triển trí tuệ, và trí tuệ là yếu tố quan trọng nhất để thanh lọc những yếu tố ô trược để quay về cội nguồn thiêng liêng.
Sách chỉ ra: Có 2 động lực điều khiển đời sống con người: Lòng Tham & Tình Thương. Lòng tham dẫn đến việc sử dụng tất cả mọi thứ, kể cả bạo lực để chiếm lấy cái mình muốn. Tình thương thì khác, nó chỉ biết cho đi chứ không đòi hỏi gì hết. Không một bài học nào có thể dạy được con người hiệu quả hơn là sự đau khổ. Khi sung sướng thì không mấy ai biết nghĩ, nhưng khi gặp hoàn cảnh đau khổ, họ mới nghĩ đến nguyên nhân tại sao. Điều quan trọng nhất trong thời đại này là đừng quên tất cả chúng ta đều là người chứ không phải loài vật. Chúng ta phải sống có ý nghĩa, có mục đích. Khi con người biết hành động với lương tâm và đạo đức thì bất cứ việc làm gì của họ cũng đều tốt đẹp.
Có một câu chuyện của Plato được nhắc đến trong sách là con người trước đây có cánh và sống với thần linh trên thiên giới. Nhưng không biết vì lý do gì họ đã từ bỏ đôi cánh đó và quên đi bản chất thực sự của mình. Tuy nhiên con người vẫn là thần linh, và việc quan trọng của cuộc đời họ là tìm lại đôi cánh để quay về thiên giới. Vậy có cách nào để biết đôi cánh đó ở đâu không?
Trước tiên hãy quay vào bên trong chứ không phải hướng ra bên ngoài để tìm kiếm câu trả lời. Vì biết mình là biết được nguồn gốc thiêng liêng của mình. Một khi ý thức về nguồn gốc thiêng liêng của mình thì tất cả sẽ được giải đáp. “Con người nên sống có ý nghĩa, tự nhận thức hành vi của bản thân để điều chỉnh hợp lý. Nhân quả đừng chỉ thấy mới tin. Nhân quả là bảng chỉ đường, dẫn con người về với thiện lương”. Muôn kiếp nhân sinh đánh thức con người – hãy sống sao cho xứng đáng, cố gắng học hỏi vì kiếp sau và tránh những tai ương. Ở trình độ vĩ mô, các quốc gia nên thay đổi trước khi quá muộn vì nhân loại đang sống trong giai đoạn khủng hoảng chính trị, y tế. Trong vòng xoay bốn chu kỳ, khi điều xấu tột cùng qua đi, những điều tốt đẹp sẽ đến, vì vậy, tương lai ra sao còn tùy vào thái độ ứng xử của mỗi người.