Tư tưởng của tác phẩm văn học

tu-tuong-cua-tac-pham-van-hoc

Tư tưởng của tác phẩm văn học.

I. Khái niệm tư tưởng của tác phẩm văn học.

Cùng với chủ đề, tư tưởng là một yếu tố cơ bản trong nội dung của tác phẩm văn học. Khái niệm tư tưởng tác phẩm có ý nghĩa rộng bao gồm nhiệt tình, thái độ, cũng như toàn bộ quan điểm nhận thức và đánh giá của nhà văn về hiện thực được miêu tả trong tác phẩm.

Tư tưởng của tác phẩm văn học có thể được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau tùy theo ý thức giác ngộ của nhà văn về lý tưởng, cuộc đấu tranh xã hội, cũng tùy thuộc vào khuôn khổ, những giới hạn của thời đại tạo điều kiện cho nhà văn nhận thức và giải quyết vấn đề đến mức độ nào. Có những nhà văn sống và hoạt động ở những thời kì cao trào của cuộc đấu tranh cách mạng, họ xem sáng tác văn học như một vũ khí đấu tranh, nên tác phẩm giàu tính tư tưởng và tính chiến đấu.

Tư tưởng là linh hồn, là hạt nhân của tác phẩm, là kết tinh của những cảm nhận, suy nghĩ về cuộc đời…Do yêu cầu của tư duy khái quát, người ta thường đúc kết tư tưởng của tác phẩm bằng một số mệnh đề ngắn gọn, trừu tượng. Thực ra, tư tưởng náu mình trong những hình tượng sinh động, những cảm hứng sâu lắng của tác giả. Biêlinxki cho rằng: “Tư tưởng thơ, đó không phải là phép tam đoạn luận, không phải là  giáo điều mà là một ham mê sống động, đó là cảm hứng”.

Nếu có thể coi đề tài và chủ đề thuộc về phương diện khách quan thì tư tưởng tác phẩm thuộc về phương diện chủ quan của nội dung tư tưởng tác phẩm.

Tư tưởng tác phẩm văn học là sự khái quát của cả hai phương diện: lí giải, nhận thức và khát vọng của nhà văn thể hiện trong tác phẩm thông qua hình tượng nghệ thuật. Nó gắn bó chặt chẽ với đề tài và chủ đề và được biểu hiện tập trung ở ba phương diện: Sự lí giải chủ đề, cảm hứng tư tưởng và tình điệu thẩm mĩ.

Tư tưởng tác phẩm chủ yếu được biểu hiện bằng hình tượng, hay có thể nói, đặc điểm của tư tưởng trong tác phẩm văn học là tư tưởng – hình tượng. Trong tất cả các yếu tố tạo thành tác phẩm, tư tưởng có vai trò quan trọng nhất, vì nó có tác dụng chỉ đạo đối với toàn bộ tác phẩm. Tư tưởng quy định phạm vi của đề tài, tạo ra ý nghĩa của đề tài, chi phối sự hoạt động và mối liên hệ giữa các nhân vật, dẫn dắt quá trình phát triển của cốt truyện và tứ thơ, lựa chọn hình thức kết cấu, ngôn ngữ, loại thể và các biện pháp thể hiện sao cho thật sự phù hợp với nó. Bêlinxki đã viết: “Trong những tác phẩm nghệ thuật chân chính, tư tưởng đâu phải là một khái niệm trừu tượng được thể hiện một cách giáo điều, mà nó là linh hồn của chúng, nó chan hòa trong chúng như ánh sáng chan hòa trong pha lê”. Đúng như lời của nhà văn Kôrôlêncô nói: “Tư tưởng là linh hồn của tác phẩm văn học”.

Trong tất cả các yếu tố tạo thành tác phẩm, tư tưởng có vai trò quan trọng nhất vì nó có tác dụng chỉ đạo đối với toàn bộ tác phẩm. Tư tưởng quy định phạm vi của đề tài, tạo ra ý nghĩa của chủ đề, chi phối sự hoạt động và mối liên hệ giữa các nhân vật, dẫn dắt quá trình phát triển của cốt truyện và tứ thơ, lựa chọn hình thức kết cấu, ngôn ngữ, loại thể và các biện pháp thể hiện sao cho thật phù hợp với nó, … Tất cả được thực hiện thông qua ý thức năng động, tích cực của tác giả trong quá trình sáng tác. Nhà văn Gôntsarốp đã nói: “Nếu chỉ bằng trí tuệ không thôi thì dù bạn có viết tới mười tập sách cũng chẳng nói nổi những điều do một chục nhân vật trong vở Quan thanh tra nào đấy nói lên”.

Trong các tác phẩm thơ ca, tư tưởng thường được biểu hiện thông qua sự vận động của cảm xúc và suy nghĩ, thông qua hệ thống hình tượng thơ và hệ thống các hình ảnh khác, còn trong các tác phẩm văn xuôi và tác phẩm kịch, tư tưởng tác phẩm được biểu hiện một cách tập trung qua hệ thống nhân vật. Từ những khái quát hóa riêng biệt của từng nhân vật chính, tác phẩm sẽ dẫn người đọc đến một khái quát chung rộng lớn cho toàn tác phẩm, đó chính là tư tưởng của nó. Ví dụ, tư tưởng trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố là tố cáo quyết liệt cái chế độ thống trị đen tối, thối nát, phi nhân tính đã chà đạp tàn bạo cuộc sống của con người, nhất là nông dân nghèo. Lê Bá Hán quan niệm: “Tư tưởng tác phẩm là sự nhận thức, lí giải và thái độ đối với toàn bộ nội dung cụ thể sống động của tác phẩm văn học, cũng như những vấn đề nhân sinh đặt ra ở trong đó”.

Như vậy, tư tưởng là linh hồn, là hạt nhân của tác phẩm, là kết tinh của những cảm nhận, suy nghĩ về cuộc đời. Do yêu cầu của tư duy khái quát, người ta thường đúc kết tư tưởng của tác phẩm bằng một số mệnh đề ngắn gọn, trừu tượng. Thực ra, tư tưởng náu mình trong những hình tưởng sinh động, những cảm hứng sâu lắng của tác giả.

II. Sự lí giải chủ đề.

Chủ đề và sự lí giải chủ đề có liên quan với nhau nhưng không phải là một. Nếu chủ đề chú ý đến vấn đề đặt ra trong tác phẩm xuất phát từ hiện thực thì sự lí giải chủ đề lại quan tâm đến sự giải thích, cắt nghĩa, nhận thức của nhà văn về những vấn đề đặt ra trong tác phẩm dựa trên một quan điểm nhất định nào đó. Ðây là phương diện rất cơ bản trong nội dung tư tưởng của tác phẩm.

Chủ đề của Tắt đèn là cuộc sống bị bần cùng hóa của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng tác giả không chỉ nêu ra cuộc sống đó mà còn lí giải nó. Trên lập trường nhân đạo chủ nghĩa, Ngô Tất Tố cắt nghĩa, giải thích cuộc sống khổ đau, bế tắc đó đồng thời bộc lộ rõ thái độ, quan điểm, cảm xúc của mình trước những hiện tượng khác nhau của cuộc sống. Qua sự lí giải chủ đề, người đọc sẽ thấy được sức khái quát và sự hiểu biết sâu sắc của nhà văn về cuộc đời.

Tư tưởng của tác phẩm văn học thường thể hiện qua sự lí giải chủ đề. Điều đó có nghĩa là chủ đề mà tác giả đặt ra trong tác phẩm bao giờ cũng được đánh giá theo một quan điểm nhất định. Lí giải chủ đề là sự thuyết minh, trả lời, giải đáp những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm dựa trên thế giới quan, hệ tư tưởng, ý thức giai cấp, … Lê Lưu Oanh cho rằng: “Điều đáng chú ý là tư tưởng tác phẩm chủ yếu “toát ra” từ tình huống, tính cách, từ sự miêu tả các hiện tượng đời sống”. Ăngghen từng nói: “Bất cứ sự miêu tả nào đồng thời cũng tất yếu là một sự giải thích”. Sự lí giải bằng hình tượng nằm ngay trong tương quan các nhân vật, trong bước ngoặt của đời sống, trong các hiện tượng được miêu tả lặp lại một cách có quy luật”. Một trong những tư tưởng của Tam quốc diễn nghĩa (La Quán Trung) là tư tưởng “thiên mệnh”: “Con người dù có trí tuệ tuyệt vời hay gian trá xảo quyệt, vũ dũng siêu phàm hay nhân từ đạo đức đến đâu, dù có khi đã chiếm được thế lớn trong thiên hạ, nhưng cuối cùng đều không có cách nào thay đổi được mệnh trời. Những lời trăng trối, những giọt nước mắt, những lần ngửa mặt kêu trời của những anh hùng hào kiệt Tam quốc đều thể hiện sự bất lực trước thiên mệnh”.

Sự lí giải chủ đề trong tác phẩm văn học thường được thể hiện ở hai mặt: những lời thuyết minh trực tiếp của tác giả, của nhân vật và lôgíc của miêu tả. Hai mặt này thống nhất với nhau nhưng lôgíc miêu tả đáng chú ý hơn, vì đó là tư tưởng của hình tượng đã chuyển thành chân lí đời sống trong hình tượng. Trong tác phẩm văn học, thường thấy có sự mâu thuẫn giữa hai phương diện lí giải đó. Sự lí giải chủ đề trong tác phẩm thường mang lại một quan niệm nhiều mặt về con người và thế giới, chứ không bó hẹp trong việc cắt nghĩa sự kiện, số phận, phẩm chất nhân vật. Nói đến tư tưởng của tác phẩm văn học là nói tới một phán đoán về hiện thực, là cách nhìn, cách đánh giá hiện thực theo một quan điểm, một tình cảm nhất định của tác giả.

Tư tưởng tác phẩm chủ yếu phải “toát ra” từ tình huống, tính cách, từ sự miêu tả các hiện tượng đời sống. Bởi vì, bất cứ sự miêu tả nào đồng thời cũng tất yếu là một sự lí giải. Sự lí giải bằng hình tượng nằm ngay trong tương quan các nhân vật, trong các bước ngoặt của đời sống, trong các hiện tượng được miêu tả lặp lại một cách có quy luật. Sự lí giải chủ đề trong tác phẩm thường mang lại một quan niệm nhiều mặt về con người và thế giới, chứ không bó hẹp trong việc cắt nghĩa sự kiện, số phận, phẩm chất nhân vật. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, quan niệm đó bao gồm cách hiểu về quyền sống và quyền hưởng hạnh phúc của con người, quan niệm về công lí. Trong đó còn bao hàm các quan niệm về các nguyên lí Nho giáo, chẳng hạn như cách hiểu về “hiếu”, “trinh”, quan niệm về “tu tâm” khác với tinh thần “giáo lí”, đi tu là một sự tự hủy hoại đời mình (“Đã đem mình bỏ am mây”).

Ở đây, chúng ta nên nhớ chủ đề và sự lí giải không tách rời nhau nhưng không phải là một. Nói đến lí giải là nói đến cơ sở tư tưởng, sự phân tích các tính cách, xung đột, quan hệ, sự miêu tả, tái hiện tính cách và các hiện tượng đời sống. Các học thuyết và quan điểm đóng vai trò rất quan trọng trong tác phẩm. Đồng nhất quan điểm tư tưởng và học thuyết vào nội dung tư tưởng tác phẩm là sai. Vì như vậy là biến tác phẩm thành minh họa giản đơn cho tư tưởng có sẵn. Phân tích sự lí giải về mặt quan điểm cho thấy chiều sâu tư tưởng mà tác phẩm đạt được. Ví dụ, chủ đề của Tắt đèn là cuộc sống bị bần cùng hóa của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

Nhưng tác giả không chỉ nêu ra cuộc sống đó mà còn lí giải nó. Trên lập trường nhân đạo chủ nghĩa, Ngô Tất Tố cắt nghĩa, giải thích cuộc sống khổ đau, bế tắc đó, đồng thời, bộc lộ rõ thái độ, quan điểm, cảm xúc của mình trước những hiện tượng khác nhau của cuộc sống. Qua sự lí giải chủ đề, người đọc sẽ thấy được sức khái quát và sự hiểu biết sâu sắc của nhà văn về cuộc đời.

III. Cảm hứng tư tưởng của tác phẩm.

Ngay từ thời cổ Hy Lạp và sau này Hégel và Biêlinxki đều đã dùng từ cảm hứng (tiếng Hy Lạp cổ: Pathos) để chỉ trạng thái xuất thần, hưng phấn, một tình cảm nồng nàn, sâu sắc khi nhà văn sáng tạo tác phẩm. Phùng Quý Nhâm gọi là thái độ tư tưởng-tình cảm đối với những điều được miêu tả.

Tác phẩm văn học là sản phẩm tinh thần được hình thành từ sự rung cảm, xúc động trước cuộc sống của nhà văn. Bất cứ mô tả con người với những số phận hay cảnh vật của thiên nhiên, của xã hội, nội dung tư tưởng của tác phẩm không bao giờ chỉ là sự lí giải dửng dưng, lạnh lùng mà luôn gắn liền với cảm xúc mãnh liệt. Cảm hứng của tác giả dẫn đến sự đánh giá theo quy luật của tình cảm. “Nghệ thuật vận dụng quy luật riêng của tình cảm”. Niềm tin yêu, say mê và khẳng định tư tưởng, chân lí làm cho cảm hứng trong tác phẩm thường mang tính chất “thiên vị” đối với nhân vật và chân lí của mình. Trong Truyện kiều của Nguyễn Du, người đọc thấy nhà văn đứng hẳn về phía những người khao khát tự do, dân chủ, chẳng hạn như suy nghĩ một cách phóng khoáng của Từ Hải:

“Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!”

Trước ngày miền Nam giải phóng, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài thơ Miền Nam về nửa đất nước đau thương nhưng rất đỗi anh hùng:

“Nếu tâm sự cùng ta bạn hỏi
Tiếng nào trong muôn ngàn tiếng nói
Như nỗi niềm nhức nhói tim gan?
Trong lòng ta hai tiếng: Miền Nam!
Khi âu yếm cùng anh, em hỏi
Tên nào trong muôn ngàn tên gọi
Như mối tình chung thủy không tan
Trong lòng anh hai tiếng: Miền Nam!
Nếu em hỏi quê nào đẹp nhất
Bóng dừa xanh quanh sóng biển lam
Óng xanh lúa chan hòa mặt đất
Xanh ngắt trời quê ấy: Miền Nam!”

Cảm hứng trong tác phẩm trước hết là niềm say mê khẳng định chân lí, lí tưởng, phủ định sự giả dối và mọi hiện tượng xấu xa, là thái độ ngợi ca, đồng tình với những nhân vật chính diện, là sự phê phán, tố cáo các thế lực đen tối, các hiện tượng tầm thường. Cảm hứng trong tác phẩm không phải là cái tình cảm được xướng lên, mà phải là tình cảm “toát ra” từ tình huống, từ tính cách và sự miêu tả. Trong tác phẩm Sống lại của L. Tônxtôi, nhà văn đã dũng cảm lên án chế độ nông nô gia trưởng, xé toạc mọi mặt nạ giả dối của tòa án, pháp luật, nhà thờ, bày tỏ niềm đồng tình sâu sắc với nhân dân lao động.

Cảm hứng của nhà văn và cảm hứng tư tưởng của tác phẩm quan hệ mật thiết với nhau nhưng không phải là một. Cảm hứng tư tưởng là tình cảm mãnh liệt, một ham muốn tích cực, là tư tưởng của nhà văn được thể hiện cụ thể, sinh động trong hình tượng nghệ thuật của tác phẩm. Bến không chồng của Dương Hướng thể hiện tâm trạng khắc khoải, một ước mơ về hạnh phúc đích thực của cuộc đời thường, là sự cảm thông sâu sắc với những con người đã chịu nhiều mất mát. Tràng giang của Huy Cận là một nỗi buồn mênh mông, vô tận trước cảnh trời rộng, sông dài, là sự nhỏ bé, cô đơn của con người trước cái vô cùng của thiên nhiên, vũ trụ…

Về bản chất, cảm hứng nghệ thuật là tình cảm xã hội đã được ý thức. Tính xã hội của cảm hứng càng rộng lớn, sâu sắc bao nhiêu thì tác động đến tư tưởng tình cảm người đọc càng sâu rộng bấy nhiêu. Ví dụ, cảm hứng sôi sục tinh thần yêu nước thương dân trong bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã thổi bùng nhiệt tình yêu nước bao thế hệ người Việt Nam ta. Cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật gồm nhiều loại. Tùy theo cấu tạo tâm sinh lí, sở trường cá nhân, trình độ văn hóa, môi trường giáo dục, hoàn cảnh xã hội mà mỗi người cầm bút sáng tác có những thiên hướng cảm hứng khác nhau, làm thành những khuynh hướng cảm hứng phong phú của văn học. Vì vậy, cảm hứng là trạng thái tâm lí phấn chấn của trí tuệ, là niềm say mê, là sự khát vọng của người nghệ sĩ với những vấn đề mà họ quan tâm, là nhiệt tình khẳng định và phủ định một điều gì đó trong cuộc sống, một trạng thái tình cảm mãnh liệt.

Cảm hứng của nhà văn và cảm hứng tư tưởng của tác phẩm quan hệ mật thiết với nhau nhưng không phải là một. Cảm hứng tư tưởng là tình cảm mãnh liệt, một ham muốn tích cực, là tư tưởng của nhà văn được thể hiện cụ thể, sinh động trong hình tượng nghệ thuật của tác phẩm. Bài thơ Tràng giang của Huy Cận là một nỗi buồn mênh mông, vô tận trước cảnh trời rộng, sông dài, là sự nhỏ bé, cô đơn của con người trước cái vô cùng của thiên nhiên, vũ trụ, … Tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng thể hiện tâm trạng khắc khoải, một ước mơ về hạnh phúc đích thực của cuộc đời thường, là sự cảm thông sâu sắc với những con người đã chịu nhiều mất mát.

Cảm hứng tư tưởng trong tác phẩm bao giờ cũng là một tình cảm xã hội đã được ý thức. Những tình cảm khẳng định như ngợi ca, vui sướng, biết ơn, tin tưởng, yêu thương, đau xót, thương tiếc, … Đó có thể là những tình cảm phủ định các hiện tượng tiêu cực, xấu xa như tố cáo, căm thù, phẫn nộ, châm biếm, chế giễu, mỉa mai, … Các tình cảm đó gợi lên bởi các hiện tượng xã hội được phản ánh trong tác phẩm tạo thành nội dung cảm hứng của tác phẩm. Secnưsepxki nói: “Một tư tưởng vô đạo đức tự nó sẽ bóc trần sự giả tạo nếu nó được biểu hiện trong hình thức (mà nếu không biểu hiện sáng rõ thì các tư tưởng của tác phẩm không thể là một hiện tượng đẹp), và khi đó tác phẩm sẽ có hình thức giả tạo”.

Có hai khả năng thể hiện rõ nét cảm hứng tư tưởng của nhà văn trong tác phẩm qua thái độ – tư tưởng – tình cảm của nhà văn đối với các hiện tượng, tính cách được miêu tả: khẳng định hoặc phủ định. Khẳng định lí tưởng tốt đẹp và phủ định đối với những cái xấu, là sự đồng tình, cảm thông, ngợi ca những nhân vật chính diện và phê phán, tố cáo các thế lực đen tối. Điều này làm cho tác phẩm thể hiện rõ tính huynh hướng, “thiên vị” đối với những nhân vật lí tưởng mà tác giả yêu mến và cho phép họ thể hiện mãnh liệt cảm xúc của mình.

Cảm hứng bắt nguồn từ tình cảm nhưng đó là tình cảm nhiều chiều, phức hợp chứ không phải đơn điệu. Những hài kịch của Molière, phía sau nụ cười là những giọt nước mắt. Nhiều bài thơ của Hồ Xuân Hương, bên cạnh giọng điệu tưởng chừng như bỡn cợt là nỗi xót xa sâu sắc về thân phận của người phụ nữ, là sự khẳng định giá trị của người phụ nữ…

Cảm hứng của tác phẩm chủ yếu được thể hiện thông qua hình tượng nghệ thuật, tính cách và sự miêu tả chứ không phải là cái “loa” phát ngôn cho tư tưởng của tác giả. Bài thơ Không chồng mà chữa của Hồ Xuân Hương là sự khẳng định tình yêu, là sự cảm thông sâu sắc về sự cả nể của cô gái. Ðó không phải là điều tội lỗi, không phải là một điều vô đạo đức. Tác giả không trực tiếp lên án xã hội phong kiến nhưng những câu thơ tự nó đã nói lên điều đó.

IV. Tình điệu thẩm mĩ.

Cùng với các khái niệm đề tài, chủ đề, sự lí giải chủ đề, cảm hứng hứng tư tưởng, … nội dung của tác phẩm còn được khái quát và biểu hiện qua tình điệu thẩm mĩ. Mỗi tác phẩm văn học, trong khi phản ánh hiện thực khái quát, đánh giá về mặt tư tưởng và cảm xúc, đều tái hiện những lớp hiện tượng đời sống có giá trị thẩm mĩ nhất định, độc đáo, không lặp lại: “Tình điệu này có thể là cái bát ngát của bình minh trên biển, cái dịu êm của đêm trăng, cái đìu hiu nơi thôn vắng, cái dữ dội của dông tố, cái mênh mang của đất trời … Đó có thể là cái mỉm cười của sự sống, cái đắng cay của thế sự, niềm bâng khuâng trước đổi thay. Đó là toàn bộ cái không khí, mùi vị, cảm giác đầy ý nghĩa mà con người hít thở và cảm thấy mình tồn tại ở trong đó. Đó chính là chất thơ, chất văn xuôi của cuộc đời. Thiếu một tình điệu thẩm mĩ, nội dung tác phẩm chưa trở thành nội dung nghệ thuật”.

Tình điệu thẩm mĩ là hệ thống những giá trị thẩm mĩ được khái quát và thể hiện trong tác phẩm. Mọi tác phẩm văn học trong khi phản ánh hiện thực đều tái hiện những lớp hiện tượng đời sống có giá trị thẩm mĩ nhất định, độc đáo và không lặp lại. Chính điều này làm cho tư tưởng của tác phẩm khác với tư tưởng trong các lĩnh vực khác. Tình điệu thẩm mĩ là toàn bộ không khí, mùi vị, cảm giác, hơi thở, nhịp điệu riêng bao trùm lên tác phẩm. Nhiều bài thơ của Huy Cận để lại một ấn tượng bát ngát, mênh mộng, vô tận của không gian, vũ trụ. Qua tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, người đọc cảm nhận cái không khí dữ dội và rợn ngợp, là nỗi đau thương và khắc khoải trước những mất mát của chiến tranh và hậu quả của nó.

Tình điệu thẩm mĩ và cảm hứng tư tưởng có mối quan hệ với nhau. Tình điệu thẩm mĩ của tác phẩm có thể được khái quát vào các phạm trù mĩ học cơ bản như: cái đẹp, cái hùng, cái cao cả, cái bi, cái hài với các biến thể của chúng. Sự thể hiện của chúng trong tác phẩm là hết sức đa dạng. Hai khái niệm tình điệu thẩm mĩ và cảm hứng tư tưởng gắn bó chặt chẽ, khó thể tách rời nhưng cũng có thể phân biệt ở những mức độ nhất định.

Cảm hứng tư tưởng là niềm say mê, nhiệt tình khẳng định hay phủ định, thể hiện tinh thần chiến đấu nhằm bảo vệ công lí, lẽ phải. Tình điệu thẩm mĩ là phẩm chất, giá trị thẩm mĩ của nội dung tác phẩm. Chẳng hạn, chất trào phúng, châm biếm trong thơ Hồ Xuân Hương là tình điệu thẩm mĩ thì cảm hứng tư tưởng trong tác phẩm của bà lại là nhiệt tình khẳng định những tình cảm tự nhiên đáng quý ở con người, đồng thời là sự phê phán, căm giận đối với lễ giáo khắt khe của xã hội. Tình điệu thẩm mĩ chính là phạm vi giá trị thẩm mĩ được tập trung biểu hiện, là ý vị của hình tượng nghệ thuật.

Các tình điệu thẩm mĩ gắn chặt với cảm hứng là nói đến một nhiệt tình, một ham mê, nghiêng về phía tính khuynh hướng chủ quan trong khẳng định, phủ định, bảo vệ, chiến đấu. Còn nói đến tình điệu thẩm mĩ là nói đến phẩm chất, giá trị thẩm mĩ nội dung, bộc lộ trong mối quan hệ giữa chủ quan và khách quan: “Chẳng hạn cái bát ngát là sự hòa nhập của con người vào cõi vô tận, cái buồn là sự bất lực trước một ước mơ tan vỡ, còn cái hận là sự nuối tiếc đau đớn cho một khả năng bị phí hoài … chất lãng mạn cũng là một tình điệu. Đó là sự rung động bay bổng với khát vọng đổi thay thực tại. Nhưng chất lãng mạn cũng đa dạng về mặt thẩm mĩ”.

Tình điệu thẩm mĩ trong bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? của Chế Lan Viên là cái đẹp, cái hùng của thời đại và con người, còn cảm hứng tư tưởng là sự khẳng định, tôn vinh con người và cuộc sống đó. Là các dạng khác nhau của cái bi; chất humour, châm biếm, trào lộng, … là các dạng của cái hài; sự hài hòa, cân đối, hoàn thiện, cái xinh xắn là sự biểu hiện của cái đẹp; cái lớn lao, phi thường mênh mông, bát ngát, … là sự biểu hiện của cái cao cả.

V. Ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm văn học.

Khi nghiên cứu một tác phẩm văn học từ việc xem xét đề tài, việc xác định chủ đề cho đến việc tìm hiểu tư tưởng, cảm hứng và tình điệu thẩm mĩ để thấy được ý nghĩa của tác phẩm. Tác phẩm nào càng đem lại nhiều giá trị tinh thần trong cảm nhận thì càng nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa của tác phẩm văn học là nội dung của nó trong sự tiếp nhận của người đọc thuộc các thế hệ, thời đại. Sự cắt nghĩa đúng đắn là nội dung đang mở ra nhưng ý nghĩa tác phẩm không phải chỉ phụ thuộc vào bản thân văn học nghệ thuật. Nó là hệ quả của một quá trình tiếp nhận mau chóng hoặc lâu dài vừa mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan: “Khách quan bởi nó vốn có hoặc rõ ràng hoặc chìm lấp trong tác phẩm. Chủ quan bởi nó chỉ được phát hiện bằng chủ thể và tầm đón nhận của thời đại. Như vậy, ý nghĩa của tác phẩm là nội dung, là bài học của nó trong tiếp nhận của bạn đọc thuộc các thế hệ, thời đại khác nhau. Thí dụ, truyện Cây khế, có người nhìn nhận đó như là lời răn đe không được sống tham lam độc ác, hoặc như là bài học về ở hiền gặp lành. Có người cho đó là câu chuyện về ước mơ con người có thể thoát khỏi cuộc sống cơ cực của mình bằng sự giúp đỡ của những điều kì diệu”.

Giá trị và ý nghĩa nội dung tư tưởng tác phẩm văn học được đánh giá theo mức độ phản ánh chân thật và sâu sắc hiện thực đời sống. Tiêu chuẩn để xác định ý nghĩa tác phẩm là tầm quan trọng và tính chân thật của hiện thực được miêu tả, chiều sâu của sự miêu tả thế giới bên trong con người, độ sâu sắc, cao đẹp của tư tưởng và những giá trị thẩm mĩ. Tất cả đem lại ý nghĩa với đời sống các thế hệ người đọc.Tính đa nghĩa của tác phẩm văn học không phải bắt nguồn từ sự tùy tiện của độc giả mà bắt nguồn từ tiềm năng dồi dào của nội dung tác phẩm cho phép có thể lí giải đánh giá theo các khía cạnh khác nhau, bắt nguồn từ tính nhiều đề tài, chủ đề, cảm hứng, tình điệu thẩm mĩ, tính đa chiều của sự lí giải trong tác phẩm.

Tính đa nghĩa của tác phẩm bắt nguồn từ đặc trưng của nội dung hình tượng. Nhà văn phản ánh hiện thực một cách toàn vẹn, cấu tạo lại nó, đề xuất một hệ đề tài, chủ đề, cảm hứng nhất định. Có những tác phẩm ở thời đại này bị lãng quên hoặc việc đánh giá chưa thỏa đáng thì đến thời đại sau với cách nhìn mới mẻ lại được đánh giá đúng về những giá trị mà các tác phẩm ấy chứa đựng. Ví dụ, văn học lãng mạn gồm các sáng tác của nhóm Tự lực văn đoànphong trào Thơ mới, có thời kì bị lãng quên hoặc bị phủ định, thì đến thời kì đổi mới đã được đánh giá đúng những giá trị đáng ca ngợi và những hạn chế của dòng văn học này.

Như vậy, ý nghĩa tác phẩm là điều mà nó mang lại cho người đọc như một giá trị tinh thần có tính khai sáng phù hợp với lôgic và cảm quan thời đại. Ý nghĩa tác phẩm là nội dung của nó trong tiếp nhận của bạn đọc thuộc các thế hệ, thời đại khác nhau.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Làm sáng tỏ nhận định: "Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó" - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.