Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên điệu luyện của Nguyễn Du qua đoạn trích “Cảnh ngày xuân” và “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
1. Bút pháp miêu tả thiên nhiên trực tiếp:
Đến với “Truyện Kiều”, kiệt tác của thiên tài Nguyễn Du, chúng ta không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của con người toát lên từ cuộc sống tối tăm, đau khổ, từ những bi kịch oan trái của cuộc đời mà còn được chiêm ngưỡng những bức tranh tươi đẹp, sống động của thiên nhiên, của tạo vật.
Với bút pháp miêu tả tài tình, thiên nhiên hiện lên trong thơ ông đơn sơ mà diễm lệ, mỗi cảnh chỉ vài nét phác hoạ, một vài hình sắc thôi mà cảnh nào cảnh ấy cân đối nhịp nhàng, đẹp đẽ, tiêu biểu, sinh động, đặc biệt ăn khớp với tâm hồn. Bao trùm lên tất cả là bút pháp ước lệ tượng trưng. Viết về người thì “ngư, tiều, canh, mục”, cảnh thì có “phong, hoa, tuyết, nguyệt”. Cỏ cây hoa lá thì “sen, cúc, trúc, mai …” Tuy nhiên thi hào với ngòi bút thiên tài và tâm hồn nghệ sỹ đã để lại ở câu thơ, vần thơ những dấu ấn đậm đà.
Đọc “Truyện Kiều” ta nhớ mãi bức tranh tứ bình về trăng, hoa, gió, tuyết:
“Đòi phen gió tựa, hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu”.
Ta quên sao được sự chuyển vần của bốn mùa trong nỗi buồn đau nặng trĩu lòng người:
“Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”
Và đây là mùa hè rạo rực, sôi nổi, vỗ về với tiếng chim quyên và hoa lựu đỏ:
“Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông”
Rồi cảnh mùa thu bao la của đất trời, cỏ cây sông núi:
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”
Mùa thu hiện lên với ánh vàng rực rỡ, sáng trong rung thành nhạc điệu. Nó tinh xảo, lung linh đến mức chỉ cần một bàn tay thô bạo khẽ chạm vào nó là sẽ bị vỡ tan. Trước cảnh này, nhà hội hoạ tài ba có thể dựng lên được một bức tranh tuyệt đẹp, đó là màu trong suốt của nước, màu xanh vút mắt của nền trời, màu vàng của nắng và màu khói lam chiều đang quyện lấy thành quách lâu đài. Cả không gian bao la chứa đựng cái đẹp tuyệt mĩ như những nét vẽ tài hoa của một hoạ sĩ thiên tài.
Song có lẽ những câu thơ đẹp nhất của Nguyễn Du chính là những câu thơ viết về mùa xuân. Ở phần đầu đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, nhà thơ đã thể hiện sâu sắc bút pháp miêu tả thiên nhiên trực tiếp:
“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Hai câu thơ đầu vừa nói thời gian, vừa gợi không gian mùa xuân. Giữa bầu trời bao la mênh mông là những cánh én bay qua bay lại như “đưa thoi”. Cánh én mùa xuân thân mật biết bao! Hai chữ “đưa thoi” rất gợi hình, gợi cảm. Cánh én như đưa thoi vút qua, vút lại, chao liệng như muốn nói thời gian đang trôi nhanh, mùa xuân đang trôi nhanh, ngày vui qua rất nhanh.
Rõ ràng câu ca dao: “Thời gian thấm thoắt thoi đưa” đã nhập vào hồn thơ của Tố Như tự bao giờ để từ đó có những vần thơ về mùa xuân trác tuyệt? Sau cánh én “đưa thoi” là ánh xuân, là “thiều quang” của mùa xuân khi “chín chục đã ngoài sáu mươi”:
“Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
Hai chữ “ thiều quang” gợi lên cái màu hồng của ánh xuân, cái ấm áp của khí xuân và cái mênh mông, bao la của đất trời. Nếu hai câu thơ trên là thời gian, không gian xuân khoáng đạt thì hai câu dưới là bức tranh hoạ tuyệt đẹp về mùa xuân:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Vần cổ thi Trung hoa được Tố Như vận dụmg một cách sáng tạo “Phương thảo liên thiên bích – lê chi sổ điểm hoa”. Hai chữ “trắng điểm” là nhãn tự, cách chấm phá điểm xuyết của thi pháp cổ gợi lên vẻ đẹp thanh xuân, trinh trắng của thiên nhiên cỏ hoa. Bút pháp nghệ thuật phối sắc tài tình: Thảm cỏ xanh non trải rộng tới chân trời là gam màu cho bức tranh xuân. Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa trắng. Màu sắc có sự hài hoà tuyệt diệu. Tất cả đều gợi nên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: Mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống, khoáng đạt, trong trẻo, nhẹ nhàng thanh khiết. Chữ “ điểm” làm cho cảnh vật sống động, có hồn chứ không tĩnh tại.
Như vậy chỉ bằng vài nét chấm phá, bốn câu thơ đầu trong đoạn trích “cảnh ngày xuân” đã trở thành bức tranh xuân hoa lệ, là vần thơ tuyệt bút mà Nguyễn Du đã trao tặng cho đời, điểm tô cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Nếu không có óc quan sát tinh tế, không có trái tim nhạy cảm trước tạo vật và tài năng bậc thầy thì Nguyễn Du không thể khắc họa thành công những bức tranh tuyệt đẹp làm say đắm lòng người đến như vậy.
2. Bút pháp tả cảnh ngụ tình.
Thi nhân xưa thường hay mượn cảnh để tả tình, gửi gắm tâm trạng. Cảnh không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng. Cảnh ở đây là phương tiện miêu tả, còn tâm trạng mới là mục đích hướng tới của nhà thơ. Đọc và tìm hiểu toàn bộ “Truyện Kiều”, ta thấy đằng sau mỗi bức họa thiên nhiên là một bức tranh tâm trạng của con người:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Trong đoạn trích “cảnh ngày xuân” cũng vậy, nếu như ở bốn câu thơ đầu, nhà thơ dùng cách miêu tả thiên nhiên trực tiếp thì ở đoạn sau, nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” đã được ông thể hiện một cách xuất sắc:
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”
Bức tranh ở đây không còn tươi rói, tinh khôi nữa mà dường như đã nhuốm màu tâm trạng. Nguyễn Du thật tài tình khi miêu tả thiên nhiên. Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu của mùa xuân: nắng nhạt, khe nước nhỏ, một nhịp cầu nhỏ bắc ngang. Mọi chuyển động đều nhẹ nhàng: Mặt trời từ từ ngả bóng về tây, bước chân người thơ thẩn, dòng nước uốn quanh. Tuy nhiên cái không khí nhộn nhịp, rộn ràng của lễ hội không còn nữa tất cả đang nhạt dần, lặng dần. Cảnh mùa xuân ở 4 câu cuối và 4 câu đầu đã có sự khác nhau là bởi thời gian và không gian đã thay đổi. Hội đã tan, ngày đã tàn sao chẳng buồn và lưu luyến? Nhịp thơ chậm rãi. Nhịp sống như ngừng trôi. Bước chân người “thơ thẩn”. Một cái nhìn man mác, bâng khuâng “lần xem” đối với mọi cảnh vật.
Cả một không gian êm đềm, vắng lặng. Tâm tình của chị em như dịu lại trong bóng tà dương. Các từ láy “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ” gợi lên sự nhạt nhoà của cảnh vật và sự rung động của tâm hồn giai nhân khi hội tan ngày tàn. Đặc biệt chữ “nao nao” chứa đầy tâm trạng. Dường như trong cái nao nao của dòng nước có cả cái “nao nao” của lòng Kiều vì một sự linh cảm. Dòng nước ấy báo trước, ngay sau lúc này thôi Kiều sẽ gặp nấm mồ của Đạm Tiên và sẽ gặp chàng thư sinh Kim Trọng.
Nhưng có thể nói, trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, đoạn nói về tâm trạng của Kiều ở lầu Ngưng Bích vẫn được người đọc xưa nay coi là đoạn thơ tuyệt vời nhất về nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.Trải qua bao nhiêu biến cố khủng khiếp, Kiều được mụ Tú Bà đưa ra “cái lầu đọng lại sắc biếc” này với lời hứa là “con hãy thong dong” nhưng thực chất là giam lỏng Thuý Kiều. Vì thế, lầu Ngưng Bích là điểm dừng chân của Thuý Kiều trên con đường lưu lạc đầy máu và nước mắt, cay đắng và tủi nhục suốt 15 năm trời:
“Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”
Bức tranh lầu Ngưng Bích có những cồn cát nhấp nhô, lượn sóng, những bụi cây đã nhuốm màu sắc đỏ và xa xa là những dãy núi trùng điệp với ánh trăng mờ tỏ. Cảnh thiên nhiên đẹp nhưng mênh mông, vắng lặng, không một bóng người gợi sự buồn thương man mác.
Lầu Ngưng Bích chơi vơi giữa mênh mang trời nước. Cái lầu chơi vơi ấy đang giam giữ một thân phận con người. Không gian thì hoang vắng, thời gian lại tuần hoàn khép kín giữa “mây sớm đèn khuya”. Tất cả làm nổi bật một tâm trạng cô đơn, buồn tủi, sự bẽ bàng đau khổ và cõi lòng tan nát của Thuý Kiều. Từ láy “bẽ bàng” diễn tả một cách sâu sắc tâm trạng của Kiều, một cô gái sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che” mà giờ đây lại phải rơi vào bước đường lưu lạc đầy cay đắng, tủi nhục.
Thế nhưng cái hay của cả đoạn thơ như ngưng đọng lại trong 8 câu thơ cuối. Ở đoạn này, để diễn tả tâm trạng Kiều, Nguyễn Du đã chọn cách “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”. Ông đã lấy thiên nhiên làm nền cho sự vận động nội tâm của nhân vật trữ tình. Còn đâu nữa cảnh vật thân quen nơi vườn Thúy? Tất cả đều trở nên xa lạ và hoang sơ. Từ cửa bể chiều hôm, con thuyền thấp thoáng, cánh hoa trôi man mác đến “nội cỏ rầu rầu”, tiếng sóng ầm ầm đều thể hiện tâm trạng và cảnh ngộ của Kiều. Mỗi một hình ảnh, một ngôn từ xuất hiện lại gợi ra trong tâm hồn người đọc những liên tưởng chua xót về nỗi đau và số kiếp “bạc mệnh” của người con gái họ Vương:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?”
Cánh buồm thấp thoáng xa xa trong buổi chiều tà gợi lên ở nàng nỗi buồn da diết về quê nhà xa cách hay là sự trông ngóng một cái gì mơ hồ sẽ đến nhưng vô vọng? Hình ảnh con thuyền lúc ẩn, lúc hiện còn gợi ra một hành trình lưu lạc mờ mịt của nàng Kiều…
“Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?”
Phải chăng một cánh hoa trôi giữa dòng nước mênh mông cũng là tâm trạng lo âu về số phận “hoa trôi bèo dạt” trên dòng đời vô định của nàng? Cảnh tượng cánh đồng cỏ úa tàn hiện lên giữa màu xanh “chân mây mặt đất” nơi mờ mịt xa xăm hay chỉ là cuộc đời tàn úa và nỗi buồn thương vô vọng của Kiều.
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”.
Và biển trời dữ dội “ầm ầm tiếng sóng” đang vỗ, đang “kêu”, đang bủa vây như nói lên sự lo âu, nỗi khiếp sợ của Kiều.
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.
Phải chăng âm thanh dữ dội ấy của gió và sóng là biểu tượng cho những tai họa khủng khiếp sắp giáng xuống số phận người con gái nhỏ bé, đáng thương ?
Như vậy, bằng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tài hoa độc đáo, Nguyễn Du đã khắc họa một bức tranh sinh động về ngoại cảnh và tâm cảnh, trong đó gợi lên tâm trạng nàng Kiều với bề bộn bao nỗi buồn đau, chua xót, lo sợ, vô vọng… Người đọc cảm thấy xót thương cho một Thuý Kiều sắc tài mà mệnh bạc đồng thời nghiêng mình cảm phục trước tấm lòng và tài năng của Nguyễn Du.
Phân tích đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)