»» Nội dung bài viết:
Một trong những đóng góp của các nhà văn hiện thực là khắc họa khá thành công nhân vật điển hình.
Anh/chị hiểu về điều này như thế nào? Qua nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, hãy làm sáng tỏ điều đó.
Hướng dẫn làm bài:
1 Giải thích:
– Điển hình là một sự khái quát cao của sáng tạo nghệ thuật. Nhân vật điển hình là nhân vật vừa có tính chung (phổ biến, khái quát, thống nhất) nhưng vẫn mang vẻ độc đáo, riêng biệt chỉ nhân vật đó có. Nó biểu hiện qua hình dáng, lời nói, tính cách, số phận, qua mối quan hệ với nhân vật khác.
– Nhân vật điển hình thường gắn với hoàn cảnh điển hình, đó là hoàn cảnh bộc lộ bản chất xã hội, những vấn đề chủ yếu của xã hội, là căn nguyên để nhân vật điển hình xuất hiện. Hoàn cảnh điển hình của chủ nghĩa hiện thực phê phán chủ yếu là hoàn cảnh tiêu cực, nó cướp đi hạnh phúc của con người, làm biến dạng con người.
– Các nhà văn hiện thực giai đoạn 1930 -1945 ở Việt Nam (Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao,…) đã khái quát lên những bức tranh hiện thực thể hiện cái nhìn về số phận con người, tìm những nét đẹp ẩn sâu trong tâm hồn con người (nhất là những con người bị tha hóa) đây là một quan niệm rất tiến bộ của các nhà văn hiện thực phê phán.
– Một số nhân vật điển hình được giới thiệu như Xuân tóc đỏ trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, Chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố,… đã khẳng định được những đóng góp và thành công của các tác phẩm hiện thực.
2. Bàn luận:
a. Tính chất điển hình của nhân vật Chí Phèo.
* Chí Phèo là một hiện tượng xã hội (mang những đặc điểm chung của kiểu nhân vật bị tha hóa).
– Dưới ngòi bút của nhà văn Nam cao, hiện tượng Chí Phèo là phổ biến và có tính quy luật đã và đang diễn ra ở xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám đầy bất công và tội ác. Từ một người nông dân lương thiện. Chí trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí phải giành lấy sự tồn tại bằng việc đánh đổi cả nhân hình, nhân tính của mình.
– Những nhân vật kiểu Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo… là sản phẩm của tình trạng áp bức, bóc lột tàn bạo diễn ra ở nông thôn Việt Nam lúc đó. Những người nông dân lao động hiền lành bị đè nén, bị đẩy vào đường cùng không lối thoát đã chống trả bằng con đường lưu manh.
* Chí Phèo hiện ra là một con người cụ thể, với những nét độc đáo, rất riêng không thể trộn lẫn.
– Khi sinh ra, Chí Phèo đã phải chịu những bất hạnh, khác hẳn nhiều đứa trẻ. Chí bị bỏ rơi ở một nơi hoang vắng, đứa trẻ vô thừa nhận ấy được một anh đi thả ống lươn mang về cho bác phó cối không con, khi bác phó cối chết Chí được những người dân nghèo khổ trong làng cưu mang, đùm bọc. Tuổi thơ Chí đầy những vất vả, nhọc nhằn thiếu thốn…
– Sự tha hoá nhân cách của Chí Phèo cũng không giống những nhân vật khác (Binh Chức, Năm Thọ) bởi nó bị đẩy đến mức cùng cực, đỉnh điểm:
+ Từ người lương thiện Chí Phèo bị tù oan, ra tù bị tước mất cả hình dáng lẫn nhân cách. Hắn trở thành kẻ lưu manh, con quỷ dữ của làng Vũ Đại …
+ Hắn phải sống trong sự cô độc, bị dân làng xa lánh.
– Sự thức tỉnh của Chí Phèo cũng có những nét rất riêng:
+ Chí tỉnh rượu để cảm nhận được âm thanh cuộc sống, nhớ lại những mơ ước đẹp ngày xa xưa…
+ Chí tỉnh ngộ về tâm hồn: nhận ra thực tại thê thảm của đời mình “đói, rét, ốm đau, cô độc” với những khát khao hướng thiện: thèm lương thiện, mong ước được sống hạnh phúc với Thị Nở.
– Bi kịch bị cự tuyệt tình yêu, cự tuyệt quyền sống lương thiện của Chí Phèo cũng là một bi kịch hết sức đặc biệt:
+ Chí Phèo bị người đã từng yêu mình là Thị Nở (một người đàn bà vừa xấu, vừa dở hơi, đang ế chồng) từ chối tình yêu.
+ Chí uống rượu, ôm mặt khóc với tâm trạng đau đớn uất ức… Chí nhận ra kẻ thù đích thực nên đã giết chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình.
– Cái chết của Chí Phèo có sức tố cáo đặc biệt đối với xã hội phong kiến.
* Những đặc sắc về nghệ thuật xây dựng nhân vật.
– Xây dựng nhân vật sống động, chân thực như bước ra từ trang sách đi vào cuộc sống đời thường (ngoại hình, hành động, lời nói).
– Thành công lớn nhất là khắc họa diễn biến nội tâm của nhân vật.
Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.