nghi-luan-nguyen-nhan-cua-can-benh-noi-doi-lam-gia-trong-xa-hoi-ngay-nay

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói dối của nhiều người trong xã hội ngày nay

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nói dối của nhiều người trong xã hội ngày nay.

  • Mở bài:

Đôi khi, con người nói dối là do một phản xạ vô thức bất chợt. Thế nhưng, dù thế nào, nói dối vẫn là một hành động có chủ đích, được ý thức rõ ràng của con người. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động nói dối ở con người. Một phần bởi tác động của đời sống xã hội, phần lớn là ở bản thân mỗi người.

  • Thân bài:

Nguyên nhân khiến con người nói dối trước hết là do lối văn hóa ứng xử mềm dẻo, xem trọng sự khéo léo trong ứng xử hơn là sự thật của dân tộc làm nảy sinh hiện tượng nói dối và làm giả, thiếu trung thực. Người Việt Nam có thói quen giao tiếp một vừa hai phải, cả nể lẫn nhau. Từ đó làm nảy sinh sự lợi dụng của người khác.

Mặt khác, sự nhận thức non yếu và thiếu hiểu biết của người nghe cũng là nguyên nhân khiến cho kẻ khác tìm cách lợi dụng. Sự lầm lẫn giữa sự mềm dẻo và non yếu, thiếu hiểu biết đã khiến cho con người cố tình nói điều không đúng, ích kỉ và giả dối. Trước hết là để thực hiện một cuộc giao tiếp, sau đó là giành lấy phần lợi ích về mình dựa trên sự cả tin của người khác. Khi nào xã hội còn sự cả tin thì khi đó vẫn còn hiện tượng nói dối.

Người phương Đông với lối sống cộng đồng, tư duy tổng hợp, không cần thiết phân biệt quá rõ ràng, mạch lạc các mối quan hệ xã hội. Thế nên mặc nhiên chấp nhận sự dối trá ở mức độ có thể chấp nhận được nhằm duy trì sự ổn định của cộng đồng. Đối với người Việt Nam, chuẩn mực ứng xử là phải khéo léo, linh hoạt, hài hòa, tránh xung đột. Bởi thế, những lời nói thẳng, nói thật  đôi khi không được chấp nhận. Điều đó khiến người ta thường phải dối lòng trong các quan hệ phức tạp, cần phải tế nhị. Ta vẫn thường nghe các kiểu nói: “chỗ anh em mới nói…”, “nói thật lòng là…”, “nói thẳng ra là…,

Sự dối trá luôn ẩn chứa những mục đích xấu và mang lại những điều tai hại. Không ai lại nói dối thật lòng cả. Thế nhưng, trong đời thường ta vẫn thường gặp những trường hợp nói dối, nói tránh, nói giảm vì phép lịch sự. Một nhà tu hành trong một tình huống cấp bách nói dối để cứu người, cứu vật. Một bác sĩ nói dối về mức độ bệnh tình để trấn an bệnh nhân. Một luật sư phải giữ bí mật nghề nghiệp để giữ nghiêm luật pháp; một chính khách vì cương vị của mình phải nói khác sự thật nhằm an dân tạm thời. Một nhà hoạt động yêu nước không thể nói thật nhân thân và công việc của mình khi hoạt động trong vòng bí mật. Những trường hợp đó gọi là nói dối vô hại. Nhưng cũng phải thấy, dù sao nó cũng đã tác động vào tâm lí con người, mặc nhiên cho rằng nói dối là một điều hiển nhiên, không có gì tai hại.

Tất cả những điều đó chỉ là hiện tượng, là bề nổi tác động khiến con người hay nói dối. Nguyên nhân sâu xa chính là bản chất của nền văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập thế giới, nền văn hóa nông nghiệp nông thôn đang có những xung đột với yêu cầu của nền công nghiệp thời đại mới. Chính những xung đột này làm biến đổi các giá trị truyền thống theo hướng bị phủ nhận. Trong khi đó, con người chưa kịp thích ứng với nền văn hóa mới. Họ tỏ ra hoang mang, lúng túng và buộc phải ứng phó theo kiểu thức thời. Bởi thế, sự lừa dối nảy sinh mạnh mẽ.

Sự quản lí yếu kém của hệ thống pháp quyền của nhà nước ta đã tạo nên một mảnh đất màu mỡ, làm lực đẩy cho những phi giá trị xâm nhập. Những thói hư tật xấu có dịp sinh xôi nảy nở. Lối sống tôn sùng vật chất lên ngôi khiến con người bất chấp đạo lí. Con người nhận thức lệch lạc về sự tồn tại của chính mình trong cuộc sống này.

Trong ngôn ngữ, với thói quên sử dụng nhiều các biện pháp tu từ nói tránh, nói giảm, cường điệu, phóng đại khiến cho hoạt động giao tiếp thiếu trung thực. Tính hư cấu trong văn học cũng được sử dụng rộng rãi trong văn học và đời sống. Điều đó đã gây ra nhiều nhầm lẫn cho người đọc có năng lực nhận thức kém. Cách nói sai sự thật được chấp nhận như một sự thật hiển nhiên. Chính điều đó khiến cho việc nói dối trở thành một lối ứng xử không có gì là sai trái.

Sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cũng gây ra hiện tượng nói dối. Các nhà tiếp thị sản phẩm trên các phương tiện truyền thông cũng thức đẩy hiện tượng này. Họ đã lợi dụng tính “ảo” của nền công nghệ, quảng cáo sai sự thật vốn có. Họ khiến cho tâm lí người tiêu dùng “sống với sự giả dối quanh mình” ngày càng trở nên phổ biến. Từ việc thiếu niềm tin vào các quảng cáo đến việc hoài nghi, giả dối lẫn nhau là một hiện tượng đang diễn ra từng ngày ở nước ta.

Các nhà sư phạm cũng có tác động đến hành vi nói dối của con người. Bản chất của giáo dục là tôn trọng thế giới khách quan. Trong giáo dục, đôi khi để tránh một điều tế nhị, các nhà sư phạm đã nói khác đi. Hoặc là né tránh sự thật vì nhiều lí do khác. Chính điều này đã gây ra sự nhầm lẫn cho người học trong nhận thức về hoạt động giáo dục của người thầy.

Xã hội còn thiếu những tấm gương trung thực, đấu tranh vì một cuộc sống trong sạch, vững mạnh. Cái xấu nhất định phải bị lên án, đấu tranh xóa bỏ. Cái tốt nhất định phải được tuyên dương, đề cao, khen thưởng, làm gương sáng cho người khác học tập. Sự khen thưởng hay trừng phạt phải hết sức công bằng và nghiêm minh để tạo niềm tin tưởng trong nhân dân.

  • Kết bài:

Nói dối và làm giả thể hiện bản chất đạo đức yếu kém của con người. Để xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng và văn minh nhất định phải loại bỏ hiện tượng nói dối và làm giả ra khỏi đời sống con người.

Suy nghĩ về câu nói: Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang