Suy nghĩ về lòng ích kỉ qua câu chuyện Chim én và Dế mèn.
CÂU CHUYỆN VỀ CHIM ÉN VÀ DẾ MÈN Mùa xuân đất trời đẹp, Dế Mèn thơ thẩn ở cửa hang, hai con Chim Én thấy tội nghiệp bèn rủ dế mèn dạo chơi trên trời. Mèn hốt hoảng. Nhưng sáng kiến của Chim Én đưa ra rất giản dị: hai Chim Én ngậm hại đầu của một cọng cỏ khô, Mèn ngậm vào giữa. Thế là cả ba cùng bay lên. Mây nồng nàn, trời đất gợi cảm, cỏ hoa vui tươi. Dế Mèn say sưa. Sau một hồi lâu miên man. Mèn ta chợt nghĩ bụng, ơ hay việc gì phải ta phải gánh hai con Én này trên vai cho mệt nhỉ. Sao ta không quẳng gánh nợ này đi để dạo chơi một mình có sướng hơn không? Nghĩ là làm, Mèn há mồm ra. Và nó rơi vèo xuống đất như một chiếc lá lìa cành. |
* Gợi ý làm bài 1:
1. Ý nghĩa của câu chuyện:
– Chim én tốt bụng tặng cho Dế mèn một món quà nhưng Dế Mèn không biết trân trọng điều đó. Bản thân là gánh nặng của người khác nhưng lại tưởng người khác là gánh nặng của mình. Lòng ích kỉ, toan tính khiến Dế Mèn ngộ nhận và phải trả giá.
– Câu chuyện Chim Én cà Dế Mèn gợi ra nhiều vấn đề, hiện tượng đáng để suy nghĩ trong cuộc sống:
+ Tác hại của lối sống ích kỉ, lối sống thực dụng, hướng mọi người đến sự dung hòa giữa cho và nhận.
+ Trong cuộc sống rất cần đến sự hợp tác và sẻ chia đến từ hai phía để đôi bên cùng có lợi.
+ Con người cần phải nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống, biết trân trọng những gì đang có, sẽ có. Chỉ có như vậy cuộc sống mới không gặp những điều bất hạnh giống như chú Dế nhỏ.
+ Đó cũng là câu chuyện về niềm tin của con người trong cuộc sống. Lòng tốt là rất đáng quý nhưng niềm tin tưởng lẫn nhau còn đáng quý hơn gấp bội.
2. Bàn luận.
– Trong thực tế, nhiều người có lối sống ích kỉ, thực dụng. Họ chỉ biết nhận mà không biết cho đi, luôn toan tính cho bản thân mà bất chấp tất cả.
– Trong cuộc sống, con người không nên có lối sống thực dụng, toan tính, ích kỉ. Lối sống ấy khiến con người trở nên vô cảm, sống cô đơn, thậm chí chuốc họa vào thân.
– Cuộc sống luôn cần sự quan tâm, hợp tác và sẻ chia để mỗi người luôn cảm nhận được niềm hạnh phúc.
– Sự quan tâm, hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau sẽ khiến cho các mối quan hệ xã hội luôn tốt đẹp, cuộc sống gần gũi, tràn ngập yêu thương.
– Giá trị cuộc sống nằm ở những điều mình đang có tuy vậy thực tế vẫn còn rất nhiều người không biết trân trọng những điều đó luôn tìm kiếm những giá trị xa xôi, viễn vông.
– Biết trân trọng mọi điều thuộc về hiện tại con người sẽ luôn cảm thấy tự tin, yêu cuộc sống, thấy cuộc sống này thật đáng sống, không ngừng nỗ lực phấn đấu.
– Chỉ có lòng tin tưởng lẫn nhau mới giúp duy trì các mối quan hệ dài lâu, nhưng vẫn có những người trao đi lòng tốt với thái độ ngờ vực, thiếu tin tưởng.
– Niềm tin giúp cho chúng ta vượt qua những thử thách khó khăn, thấy cuộc sống luôn có ý nghĩa và tràn đầy yêu thương.
3. Bài học.
– Giá trị đích thực của cuộc sống là cho đi và nhận lại. Khi bạn cho đi bạn sẽ nhận lại nhiều hơn.
– Trong cuộc sống người không biết trân trọng những gì mình đang có sẽ không bao giờ nhận được hạnh phúc,
– Một mối quan hệ tốt đẹp không thể được xây dựng bằng sự ích kỉ, lòng toan tính hay sự thiếu tin tưởng lẫn nhau. Chỉ có quan tâm sẻ chia, tin tưởng mới là cầu nối cho những mối quan hệ dài lâu.
* Gợi ý làm bài 2:
Nhận thức về ý nghĩa câu chuyện:
– Chim Én tốt bụng đã tặng Dế Mèn món quà thật tuyệt: một chuyến thưởng ngoạn khung cảnh mùa xuân tươi đẹp, ấm áp. Tiếc thay Dế Mèn không biết trân trọng món quà ấy. Từ người chịu ơn, Dế ảo tưởng mình là người ban ơn. Từ việc mình là gánh nặng của người khác, Dế đã tưởng người khác chính là gánh nặng của mình. òng ích kỷ, tính toán và sự ngộ nhận, ảo tưởng đã khiến Dế phải trả giá đắt: Dế ‚rơi vèo xuống đất như một chiếc lá lìa cành”
– Câu chuyện có hình thức như một truyện ngụ ngôn phản ánh một thực tế của con người hiện nay: đời sống hiện đại giúp con người có thể làm được nhiều việc hơn nhưng cũng khiến họ quá ảo tưởng về mình và cách suy nghĩ, lối sống cũng thực dụng hơn. Câu chuyện cảnh tỉnh các bạn trẻ hiện nay: đừng quá ảo tưởng về bản thân mình và không nên sống quá ích k , toan tính. Xác định chính xác mình là ai và giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi, bạn sẽ nhận được nhiều hơn những thứ bạn đã cho đi.
Suy nghĩ của bản thân từ câu chuyện:
– Câu chuyện “Chim Én và Dế Mèn” ngắn gọn, dồn nén trong vài dòng ngắn ngủi nhưng lại chứa đựng rất nhiều bài học nhân sinh lớn. Mỗi người đều học được những bài học nhân sinh từ câu chuyện:
+ Đó có thể là câu chuyện về sự hợp tác và chia sẻ: nếu biết hợp tác, chia sẻ tất cả mọi người sẽ cùng có lợi.
+ Đó có thể là câu chuyện về giá trị cuộc sống: biết trân trọng những gì mình đang có thì sẽ cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống. Những người không biết quý trọng những gì mình đang có sẽ không bao giờ hạnh phúc, thậm chí bất hạnh. Bởi vậy hạnh phúc là tuỳ thuộc vào chính ta.
+ Đó có thể là câu chuyện về niềm tin: Lòng tốt là đáng quý nhưng lòng tin còn đáng quý hơn, chúng ta cần phải tin tưởng nhau để cuộc sống thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
+ Đó cũng có thể là bài học về cách nhìn, cách cảm nhận: với cái nhìn thiển cận, hời hợt ta sẽ không phát hiện đúng bản chất cuộc sống dẫn đến những quyết định sai lầm.
+ Đó cũng có thể là bài học về cho và nhận mà cả cho và nhận luôn luôn chuyển hóa: tưởng rằng cho đi nhưng lại được nhận lại và ngược lại.
+ Điều quan trọng không phải là những thứ ta mang theo bên mình, mà là những gì ta đã đóng góp cho cuộc sống. Hãy quan tâm đến mọi người và tận hưởng cuộc sống, ta sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Bài học nhận thức và hành động
– Ngợi ca: …
– Phê phán: …
Bài văn tham khảo:
Cuộc đời của mỗi con người là một hành trình dài, mà trong đó chính bản thân chúng ta là người du hành trên con đường ấy, nếu chúng ta đơn độc thì khó có thể vượt qua được hết những gian khó, thách thức xuất hiện trên con đường đó. Để có đủ sức mạnh và bản lĩnh để đi đến đích cuối cùng của con đường ta rất cần có những người bạn đồng hành, những người ta tin tưởng, thương yêu, có thể chia sẻ, tương trợ mỗi khi gặp gian khó. Mối quan hệ này là tương trợ, hai chiều, bạn bè giúp đỡ ta thì ta cũng phải sống chân thành, báo đáp lại những tình cảm đó thì mối quan hệ mới có thể được duy trì, bảo tồn. Nếu ta chỉ biết sống vụ lợi, ích kỉ, đặt lợi ích của bản thân trên tình bạn thì xung quanh ta sẽ chẳng còn ai, ta sẽ trở thành những con người đơn độc nhất. Viết về tình bạn, bàn về vấn đề cho và nhận, câu chuyện Dế mèn và chim én mang lại cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa và quý giá.
Câu chuyện Chim én và dế mèn là một câu chuyện ngắn xoay quanh ba nhân vật, hai chú chim én tốt bụng và một chú dế mèn vô ơn, hoang tưởng. Truyện kể rằng trong một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, chú dế mèn ra ngoài cửa hang ngồi ngắm cảnh. Đúng lúc đó thì hai chú chim sẻ bay qua, thấy dế mèn cô đơn một mình nên hai chú chim sẻ đã mở lời mời dế mèn cùng mình dạo chơi trên bầu trời. Nghe thấy ý tưởng ấy của hai chú chim sẻ, dế mèn hoảng hốt lắm, bởi chú ta đâu có biết bay, càng không nói đến cùng dế mèn dạo chơi. Nhưng chưa để cho dế mèn phải thất vọng, hai chú chim én đã nói về ý tưởng của mình, hai chú chim én tìm một cọng cỏ khô, sau đó mỗi con ngậm lấy một đầu ngọn cỏ, rồi dế mèn sẽ bám trên ngọn cỏ đó.
Sau khi cả ba người đã thống nhất ý kiến thì họ cùng bay lên bầu trời, bầu trời ngày xuân vô cùng tươi đẹp, trời xanh, mây hồng gió mơn man thổi, dế mèn lấy làm thích thú lắm. Nhưng dường như quá đắc ý mà dế mèn quên đi mình là ai, ảo tưởng về sức mạnh của bản thân. Dế mèn nhìn ngọn cỏ khô và nghĩ rằng tại sao mình phải gánh hai con chim én ngu ngốc kia, chi bằng nhả chúng ra để mình có thể tự do tự tại ngắm nhìn bầu trời. Nghĩ là làm, dế mèn liền nhả ngọn cỏ ra, và kết quả là chú ta rơi từ trên trời xuống mặt đất.
Câu chuyện Chim sẻ và dế mèn tuy có dung lượng ngắn nhưng lại vô cùng ý nghĩa, bởi nó vượt qua giới hạn của một câu chuyện, mang đến cho người đọc, người nghe những bài học nhân sinh, bài học về đối nhân xử thế vô cùng sâu sắc. Đó là câu chuyện về hợp tác, về tình bạn, bàn về việc cho và nhận, bởi sự gắn kết trong tình bạn phải xuất phát từ tấm lòng chân thành từ cả hai phía, nếu chỉ biết nhận mà không biết cho đi thì tình bạn khó bền vững. Mặt khác nếu chỉ biết ích kỉ, vụ lợi cho bản thân mà quên đi tình nghĩa thì kết quả mà người đó nhận được sẽ là mất đi những người bạn, trở thành những con người đơn độc, đáng thương.
Ở trong câu chuyện này đề cập đến quan hệ giữa ba nhân vật, hai chú chim sẻ và một chú dế mèn. Ngay trong phần đầu của câu chuyện, ta cảm nhận được sự cô đơn của chú dế mèn trong tiết trời vào xuân đẹp đẽ, bởi thời tiết có đẹp đến đâu thì chú ta cũng chỉ có một mình, không có ai để sẻ chia, chỉ có thể ngồi trước cửa nhà mà ngắm nghía mọi thứ một cách vô vị. Khác với dế mèn, hai chú chim én cùng nhau chao liệng trên bầu trời, chúng cùng nhau chia sẻ niềm vui, cùng nhau đùa rỡn đầy vui vẻ. Hai chú chim én còn vô cùng tốt bụng, thấy thương dế mèn chỉ có một mình đơn độc nên đã hạ cánh xuống mặt đất để bắt chuyện và gợi ý để dế mèn có thể cùng mình đi chơi.
Dế mèn vốn về thế giới mặt đất, không thể bay liệng tự do trên bầu trời như chim én được, nhưng hai chú chim én đã nghĩ ra cách cùng nhau hợp sức để đưa dế mèn cùng mình bay lên bầu trời bằng cách ngậm cỏ khô. Nếu sức lực của một chú chim én thì không thể nào đưa được dế mèn lên trời, nhưng ngoài sự tốt bụng, chân thành thì ở những chú chim én còn có một phẩm chất rất đáng quý, đó là sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau, chúng cùng nhau hợp sức để đưa người bạn mới của mình cùng nhau lên bầu trời thỏa sức vui chơi. Ta có thể nhận thấy ở đây, hai chú chim én có tình cảm chân thành, vị tha bởi biết đưa theo dế mèn cùng đi thì hành trình của họ cũng khó khăn, tiêu tốn sức lực hơn, mà cũng không được lợi ích gì. Nhưng hai chú chim én không nghĩ vậy, họ không quan tâm đến những khó khăn, điều họ quan tâm ở đây chính là việc tìm ra một người bạn mới.
Nhưng nếu chim én coi dế mèn là bạn thì ngay từ đầu, dế mèn chỉ hoàn toàn lợi dụng lòng tốt của chim én, từ sự hoài nghi về đề nghị cùng vui chơi trên bầu trời, rồi khi đã được bay lên một không gian hoàn toàn khác lạ thì dế mèn lại quên đi hết thảy mọi công lao của chim én, thậm chí nó còn hoang tưởng về khả năng của mình, cho rằng chim én là gánh nặng và muốn hất hai chú chim xuống để mình có thể vui chơi một mình. Chính sự ích kỉ, hoang tưởng của dế mèn đã khiến cho chú ta gánh chịu một hậu quả, đó chính là rơi từ trên trời xuống dưới đất.
Câu chuyện về Dế mèn và hai chú chim sẻ không chỉ bao hàm nội dung của một câu chuyện thông thường mà còn gợi cho người đọc, người nghe nhiều bài học triết lí vô cùng sâu sắc. Trước hết, đó chính là sức mạnh từ sự đoàn kết, hợp tác. Hai chú chim sẻ nhỏ bé đã cùng nhau hợp sức để đưa dế mèn lên bầu trời. Một việc ngỡ như hoàn toàn phi lí, không thể thực hiện được nhưng bằng tất cả niềm tin, sự đoàn kết đã tạo thành một sức mạnh khiến cho hai chú chim sẻ thực hiện được điều ngỡ như không thể ấy. Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, sự hợp tác, đoàn kết giữa con người và con người là vô cùng quan trọng, bởi con người dù có tài giỏi đến đâu thì sức lực và khả năng đều có hạn, mà cuộc sống vốn chứa đựng vô vàn những khó khăn, nhưng khi con người biết hợp tác, đoàn kết lại với nhau thì có thể vượt qua được tất cả.
Chẳng hạn như trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, dù mang trong mình tình yêu nước nồng nàn, tinh thần chống giặc mạnh mẽ nhưng nếu đấu tranh đơn lẻ thì ta không thể chống lại được sức mạnh của quân thù, thậm chí còn bị coi là “lấy trứng chọi đá”, nhưng dân tộc, cộng đồng Việt Nam đã đoàn kết lại với nhau, tạo nên một sức mạnh không gì có thể địch nổi, quân giặc vì vậy mà bị đánh đuổi khỏi bờ cõi. Trở lại với câu chuyện này, ngoài tình đoàn kết, hợp tác thì còn một bài học được nêu ra trong câu chuyện này, đó chính là tình cảm gắn kết, tình thương giữa đồng loại.
Chim én trước đó không hề quen biết dế mèn nhưng chính tình thương yêu, đồng cảm đã làm cho những chú chim én kết bạn làm quen và giúp đỡ tận tình cho dế mèn, đặc biệt là sự giúp đỡ ấy hoàn toàn tự nhiên, xuất phát từ tấm lòng chân thành, không vụ lợi, càng không cần báo đáp. Đức tính đẹp ấy trong cuộc sống của con người sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều bạn bè mới, nhận được sự kính trọng, thương yêu từ những người xung quanh mình. Còn nhân vật đáng trách ở đây chính là chú dế mèn. Được chim én giúp đỡ, không những không cảm kích mà còn vô ơn, ảo tưởng, luôn nuôi trong mình tư tưởng lợi dụng, phản bội, vì vậy mà dế mèn đã phải nhận bài học thích đáng.
Trong cuộc sống cũng vậy, nếu như ta đối xử với người khác bằng sự ích kỉ, vụ lợi thì tình cảm sẽ dạn nứt, dù đối phương có tốt bụng đến đâu thì cũng dần rời bỏ, xa lánh ta. Cuộc sống sẽ trở nên đơn độc bởi không còn ai tin tưởng mình. Vì vậy mà hãy sống chân thành, biết cho đi thì sẽ được nhận lại, và khi ta học cách cho mà không toan tính những gì mình nhận lại thì khi ấy, ta sẽ trở thành những người hạnh phúc, có ý nghĩa, nhận được sự kính yêu của những người xung quanh mình. Như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Sống là để cho/ Đâu chỉ nhận riêng mình”.
Hay lắm nhee!
Hay. hay quá