ngu-lieu-luon-suy-nghi-theo-huong-tich-cuc

Ngữ liệu đọc hiểu: Luôn suy nghĩ theo hướng tích cực

Luôn suy nghĩ theo hướng tích cực.

Ngữ liệu 1:

Mỗi buổi sáng thức dậy, lòng tôi tràn ngập sự biết ơn cuộc sống tuyệt vời mà tôi đang có được. Và tôi quyết định sẽ chọn cách suy nghĩ theo hướng tích cực, những suy nghĩ vui vẻ mà không màng đến người khác đang nghĩ gì. Có thể tôi chưa hoàn toàn làm được theo dự định như thế nhưng đến bây giờ cũng đạt được 7, 8 phần và điều đó mang lại một sự khác biệt lớn lao trong cách tôi cảm nhận cuộc sống và dường như những điều tốt đẹp cũng đến với tôi nhiều hơn.

Chỉ có khoảng khắc bạn đang sống là khoảng khắc của hiện tại. Đó là thời điểm duy nhất mà bạn có quyền và có thể kiểm soát mọi thứ. “Ngày hôm qua đã là lịch sử, ngày mai vẫn còn là một điều bí ẩn, chí có hôm nay mới là một món quà, đó là lý do tại sao chúng ta gọi hiện tại là quà tặng của cuộc sống”. Nếu bạn không bắt đầu bằng việc chọn cách cảm nhận những điều tốt đẹp vào lúc này đây thì làm sao bạn có thể có được những giây phút tươi sáng và tràn đầy niềm vui trong tương lai.

(Theo “Tin vào chính mình”, Louise L. Hay)

Ngữ liệu 2:

Vào lúc này bạn cảm thấy như thế nào? Bạn đang hạnh phúc, vui tươi hay buồn chán? Cảm xúc của bạn ra sao? Trong lòng bạn cảm thấy nào? Bạn có muốn cảm thấy tốt và vui hơn không? Hãy thử nghĩ với những điều tốt đẹp. Nếu bạn vẫn còn không thoải mái với những suy nghĩ tiêu cực như: chán nản, cáu gắt, cay đắng, phẫn nộ, giận dữ, sợ hãi, mặc cảm tội lỗi, thất vọng, ghen tỵ, phê phán, v.v.. tức là bạn đang tạm thời mất sự liên hệ với những dòng suy nghĩ tốt đẹp mà cuộc sống mong chờ ở bạn. Đừng mất thời gian với những lời trách cứ. Con người, ngoại cảnh, hay vạn vật không thể điều khiển cảm xúc của bạn. Vì những điều đó không thể vào tâm trí bạn được trừ khi bạn muốn thế.

Đó cũng là lý do vì sao bạn thực sự không thể điều khiển người khác, cũng như những suy nghĩ của họ. Không ai có thể cạn thiệp vào cuộc sống của người khác nếu người đó chưa cho phép. Vì thế, bạn cần nhận thức rằng bạn có một ý thức rất mạnh mẽ. Bạn có thể điều khiển mọi suy nghĩ của mình. Và đó chính là điều duy nhất bạn có thể quyết định tối cao. Bạn lựa chọn cách nghĩ về cuộc sống như thế nào thì bạn sẽ nhận được những điều đúng như thế ấy. Tôi đã chọn cho mình cách suy nghĩ về những niềm vui, về sự trân trọng và bạn cũng có thể làm như vậy.

Những suy nghĩ nào sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ? Phải chăng đó là những suy nghĩ về tình yêu, sự trân trọng, lòng biết ơn, hay về những kỷ niệm đẹp của thời thơ ấu? Về sự vui mừng, vì mình còn được sống và cảm nhận được sức sống trong cơ thể của mình? Bạn có thật sự vui vẻ với thời khắc hiện tại và hân hoan chờn đón ngày mai? Nghĩ về điều này là một cách bạn thể hiện sự yêu thương bản thân mình. Và cảm giác yêu thương bản thân sẽ tạo ra những điều kỳ diệu cho cuộc sống.

(Theo “Tin vào chính mình”, Louise L. Hay)

Ngữ liệu 3:

Suy nghĩ tích cực là một trạng thái tâm lý và cảm xúc tập trung vào những mặt tốt và kỳ vọng vào những kết quả tích cực. Xây dựng và duy trì một thái độ tích cực không chỉ liên quan đến những suy nghĩ vui vẻ. Nó là sự mong đợi những điều tốt (hạnh phúc, sức khỏe và sự thành đạt) và là niềm tin rằng mọi thứ – hoàn cảnh, chướng ngại và khó khăn – cuối cùng cũng sẽ đâu vào đấy.

Lạc quan không phải là lờ đi những điều tiêu cực mà là thừa nhận có tiêu cực nhưng chọn hướng tập trung vào những điều tích cực. Nói cho cùng, nó chỉ đơn giản là niềm tin cho rằng dù hoàn cảnh hiện tại như thế nào thì mọi chuyện rồi sẽ được giải quyết ổn thoả. Tâm tích cực xuất phát từ một trái tim đầy niềm tin.

Sống tích cực có thể không dễ dàng. Lạc quan sẽ nhìn thẳng vào chướng ngại, chủ động bỏ qua chướng ngại và giữ vững niềm tin. Rắc rối xuất hiện khi chướng ngại bắt đầu che khuất tầm nhìn của lạc quan. Tính tích cực có thể bắt đầu suy yếu khi bạn bị tấn công bởi một chuỗi những tiêu cực, thất bại, thất vọng và đau lòng. Mọi thử thách mà ta phải đối mặt sẽ lấy đi của ta năng lượng, khả năng chống chọi và một chút lòng tin. Một khi nguồn lực tích cực (năng lượng, sức chống chọi, lòng tin) cạn kiệt, bi quan sẽ từ từ len lỏi vào và nắm quyền kiểm soát.

(Theo lifehack.org, 24/12/2017)

Ngữ liệu 4:

Bạn không nên để thất bại ngăn mình tiến về phía trước. Hãy suy nghĩ tích cực về thất bại và rút ra kinh nghiệm. Thực tế những người thành công luôn dùng thất bại như là một công cụ để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Họ có thể nghi ngờ phương pháp làm việc đã dẫn họ đến thất bại nhưng không bao giờ nghi ngờ khả năng của chính mình.

Tôi xin chia sẻ với các bạn về câu chuyện về những người đã tìm cách rút kinh nghiệm từ thất bại của mình để đạt được những thành quả to lớn trong cuộc đời.

Thomas Edison đã thất bại gần 10.000 lần trước khi phát minh thành công bóng đèn điện. J.K.Rowling, tác giả của “Harry Potter”, đã bị hơn 10 nhà xuất bản từ chối bản thảo tập 1 của bộ sách. Giờ đây, bộ tiểu thuyết này của bà trở nên vô cùng nổi tiếng và đã được chuyển thể thành loạt phim rất ăn khách. Ngôi sao điện ảnh Thành Long đã không thành công trong lần đóng phim đầu tiên ở Hollywood. Thực tế bộ phim Hollywood đầu tay của anh, thất vọng lắm chứ, nhưng điều đó cũng đâu ngăn được anh vùng lên với những phim cực kì ăn khách sau đó như “Giờ cao điểm” hay “Hiệp sĩ Thượng Hải”.

Thất bại không phải là cái cớ để ta chần chừ. Ngược lại nó phải là động lực tiếp thêm sức mạnh để ta vươn tới thành công.

(Trích Tại sao lại chần chừ?, Teo Aik Cher)

Ngữ liệu 5:

Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia lìa, mất mát.

Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity). Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập.

(Trích Tư duy tích cực, Theo Tony Buổi sáng, trên đường băng)

Ngữ liệu 6:

Bất cứ ai trong chúng ta cũng khao khát có được một cuộc sống đầy cảm hứng, hạnh phúc và thành công. Tuy nhiên, để đạt được những gì bạn thật sự mong ước, tất cả đều phải xuất phát từ việc nhận ra sự quan trọng và tìm được cho mình một thái độ sống thông minh và tích cực nhất.

 Một thái độ sống tích cực sẽ giúp bạn luôn lạc quan, yêu đời, tự tin để nhẹ nhàng lướt qua mọi gian nan, thử thách trong cuộc sống. Ngược lại, một thái độ sống tiêu cực sẽ đóng chặt bạn vào những suy nghĩ, cách nhìn phiến diện, vị kỷ, tự ti, đau khổ và dễ dàng dẫn đến thất bại, bất hạnh.

Thái độ của bạn ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống và quyết định kết quả của mọi việc bạn làm.

Chúng ta ai cũng ít nhất một đôi lần mắc phải sai lầm, gặp thất bại, hay ở một trạng thái tinh thần chán nản tồi tệ – nhưng không vì thế mà chúng ta mãi bị ám ảnh, day dứt mà không bao giờ dám tin mình sẽ khác đi hay không dám làm một điều gì cả. Chính thái độ sống của chúng ta sau những va vấp ấy sẽ quyết định: Liệu chúng ta có cho phép mình trượt dài trên những thất bại triền miên hay sự va vấp ấy sẽ chính là một cơ hội, một bài học, một trải nghiệm quí báu để chúng ta vươn lên, vững vàng và hoàn thiện mình hơn?

(Thay Thái Độ – Đổi Cuộc Đời 2 – Keith D. Harrell)

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang