nhac-tinh-trong-bai-tho-voi-vang-xuan-dieu

Nhạc tính trong bài thơ Vội vàng Xuân Diệu

Nhạc tính trong bài thơ Vội vàng Xuân Diệu

Thơ là một dạng văn bản nghệ thuật có cấu trúc đặc biệt. Ngoài những chỗ “lặng”, những “khoảng trắng bị bỏ trống” trên không gian của từng trang thơ, văn bản thơ còn là một “kiến trúc đầy âm vang”. Xưa nay, thơ dù có vần hay không vần, thơ cổ hay thơ hiện đại, thơ phương Đông hay phương Tây, hễ cứ đọc lên là người nghe nhận ra sự trầm bổng nhịp nhàng của kết cấu âm thanh và hệ thống ngữ điệu. Đây là điểm khác biệt rõ rệt giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi mà Timôfêép đã từng gọi “thơ là một dạng lời nói có hệ thống ngữ điệu đặc biệt”. Nói cách khác, ngôn ngữ thơ là hình thái ngôn từ được tổ chức trên cơ sở của nhịp điệu, của tiết tấu vang vọng mà ở đó nhạc điệu đóng vai trò là “linh hồn” cho thơ.

Cái làm nên thần sắc âm nhạc cho thơ chính là nhạc cảm tinh tế của nhà thơ. Mọi hình thức liên kết âm thanh trong thơ bao giờ cũng chịu sự chi phối của cảm xúc và mối liên hệ giữa nhịp điệu cuộc sống và âm điệu tâm hồn. Tìm hiểu thơ Xuân Diệu ta có thể nhận ra sự trầm bổng nhịp nhàng và tính chất hài hòa cân đối của ngôn ngữ thơ qua những giai điệu tân kì đến mê ly, một thứ âm điệu “cực kì du dương” như “một sự tuyệt tác của nhạc cảm”.( Lý Hoài Thu, Thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám)

Để đạt tới thứ âm điệu tuyệt vời ấy, Xuân Diệu ngoài khả năng thẩm âm tinh tế còn có biệt tài sử dụng một nghệ thuật hòa âm cực kì điêu luyện. Điều đó được bộc lộ rõ qua cách gieo vần, sử dụng thanh điệu, phép trùng điệp, phép láy, phép đối…Đặc biệt là qua cách ngắt nhịp. Với việc khảo sát Nhịp thơ trong bài thơ Vội vàng ta sẽ thấy rõ những điều kì diệu trong việc tạo ra âm điệu “tân kì đên mê ly” ấy.

Trong Vội vàng, Xuân Diệu sử dụng linh hoạt các cách ngắt nhịp trên cơ sở nền chung của nhịp thơ 5 chữ, 8 chữ. Đặc biệt, ông đã tìm mọi cách cải biên, thay đổi những gì là gò bó không phù hợp của thơ cũ, tạo nên những tiết điệu mới cho thơ mình. Dưới ảnh hưởng của thơ ca tượng trưng Pháp, một trường phái luôn đề cao nhạc tính trong thơ, Xuân Diệu đặc biệt chú ý đến việc hiện đại hóa nhịp điệu câu thơ Việt Nam. Tiếng Việt vốn đã du dương lại được kết hợp với những phương pháp tạo nhạc mới từ thơ pháp đã chinh phục độc giả bằng một nhạc chất phong phú, đặc sắc và mới mẻ.

Tùy theo mạch đập tình cảm mà tác giả tạo ra nhịp điệu thích hợp bên ngoài câu chữ. Khi cảm xúc đang lên cao độ nhà thơ dường như không muốn ngắt câu thơ thành nhịp mà cứ để các đơn vị ngôn từ liên kết với nhau thành một dòng chảy liên tục:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Để diễn tả niềm sôi nổi rạo rực, cái sôi nổi của một hồn thơ trẻ trung yêu đời trước một thiên nhiên ngập tràn xuân sắc, non tơ mơn mởn và căng tràn tình tứ thì nhịp thơ cũng dồn dập, gấp gáp, nhịp này gối lên nhịp kia:

Của ong bướm /này đây/ tuần tháng mật;
Này đây hoa/ của đồng nội xanh rì
Này đây lá/ của cành tơ phơ phất
Của yến anh/ này đây/ khúc tình si
Và này đây/ ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm/ thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon /như một cặp môi gần;

Ở rất nhiều đoạn trong bài thơ, Xuân Diệu coi cách ngắt nhịp và chuyển nhịp như một công cụ hữu hiệu trong việc truyền tải nội dung, cảm xúc

Xuân đương tới,/ nghĩa là/ xuân đương qua
Xuân còn non,/ nghĩa là/ xuân sẽ già
Mà xuân hết,/ nghĩa là/ tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng,/ nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài/ thời trẻ /của nhân gian,
… Còn trời đất,/ nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng/ tôi tiếc cả đất trời;

Nhịp 3/2/3, 3/5 xen kẽ linh hoạt vừa diễn tả cái dùng dằng, thảng thốt của tâm trạng con người khi nhận ra quy luật tuyến tính của thời gian, quy luật phũ phàng của tạo hóa: Mỗi phút giây qua đi sẽ không bao giờ trở lại, tuổi trẻ cũng chỉ đến một lần; lại vừa dùng để diễn tả sự hờn dỗi, tiếc nuối cho cái đẹp – cái hữu hạn của đời người khi thấy trong cái đẹp đã chớm vị tàn phai, thấy xuân đến mà cũng thấy xuân đi, thấy cái đẹp rồi sẽ không còn nữa…

Đặc biệt nhất là cách ngắt nhịp 3/1/4 như trùng xuống buồn não nuột, biểu hiện nỗi bất lực trước sự ra đi của cái đẹp, mùa xuân và thấy đời người hữu hạn:

Chẳng bao giờ,/ ôi!/ Chẳng bao giờ nữa.

Câu thơ đầy cảm giác buồn bã. Nhà thơ phát hiện ra một điều bi thảm cho mình: mùa xuân trôi qua, tuổi trẻ sẽ trôi qua. Mà khi tuổi trẻ đã trôi qua thì cuộc đời nào còn ý nghĩa gì nữa. Bởi điều quý giá nhất của cuộc đời, đất trời là mùa xuân, quý giá nhất của con người là tuổi trẻ.

Trước khi kết thúc bài thơ lại là một câu thơ 3 chữ liền mạch như một nốt dừng, một khoảng lặng để sau đó vút lên cao trào với nhịp thơ dồn dập

Ta muốn ôm
Cả sự sống/ mới bắt đầu mơn mởn,
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say/cánh bướm với tình yê
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước/, và cây/, và cỏ rạng.
Cho chuếnh choáng mùi thơm/, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng/, ta muốn cắn vào ngươi.

Cứ một câu thơ ngắt nhịp 3/5 lại một câu thơ kéo dài; lúc lại là nhịp 3/2/3 xen kẽ nhịp 5/5 rồi 3/5 mạnh bạo, gấp gáp, giục giã như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau, chen lấn nhau để cho kịp mạch cảm xúc đang bừng lên sôi nổi của nhà thơ từ đó góp phần thể hiện tâm trạng si mê đến cuồng nhiệt của Xuân Diệu.

Có thể thấy trong Vội vàng, nhịp thơ lúc nhặt, lúc khoan, lúc nhanh, lúc chậm tùy thuộc vào nhịp điệu cảm xúc của tâm hồn. Điều đáng ghi nhận là Xuân Diệu đã góp phần hiện đại hóa câu thơ Việt Nam qua việc cất công tìm kiếm và sáng tạo thêm một số quy tắc ngắt nhịp mới trên cơ sở của nhịp thơ truyền thống tạo nên một bản hòa âm tuyệt vời thể hiện tâm trạng đắm say bồng bột của một tấm lòng ham sống mãnh liệt, một quan niệm sống sống gấp gáp tận hưởng những hạnh phúc trần thế, một quan niệm sống lành mạnh và tích cực so với đương thời và có ý nghĩa cho đến mãi mai sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang