Các kiểu nhân vật trữ tình trong tác phẩm văn học dân gian
Nhân vật trữ tình trong ca dao có một số kiểu nhất định như sau:
– Cô gái và chàng trai trong quan hệ bè bạn, lứa đôi.
– Người vợ, người chồng, người mẹ, người con … trong đời sống gia đình:
- Người con gái, con dâu, người vợ trong gia đình gia trưởng.
- Người lính và người vợ lính trong cảnh ngộ li biệt và xa cách.
- Người lao động nói chung (người làm ruộng, người làm thợ, người dân chài…) trong lao động, sinh hoạt và quan hệ với xóm làng, quê hương, đất nước…
Thông qua những nhân vật trữ tình trong ca dao, xu hướng nhân dân muốn diễn tả những nét bản chất gắn với con người trong thời đại ấy. Những nét bản chất này thể hiện một cách tập trung ở cảm hứng trữ tình chủ đạo trong ca dao, dù là nam hay nữ, dù là vợ hay chồng, người làm ruộng hay người làm nghề sông nước… nhưng đều cảm nhận thân phận mình là thấy buồn, thấy khổ thì sẽ cất lên thành bài ca than thở về những khổ đau và bất hạnh của kiếp người; nêu cảm nghĩ về những người mình thương mến, những nơi thân thuộc mà thấy yêu thương thì ắt sẽ cất lên thành bài ca ân tình ân nghĩa – tình gia đình, tình bạn bè, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước… Chính vì vậy, nói đến ca dao, dân ca người ta nhắc đến những câu hát than thân và những câu hát tình nghĩa của quần chúng nhân dân, những người lao động và bị áp bức trong xã hội cũ.
Nhân vật trữ tình thường gắn với những đại từ nhân xưng trong ca dao như: “anh”, “em”, “qua”, “bậu”, “ta”, “chàng”, “thiếp”, “tôi”…
Lên non thiếp cũng lên theo,
Tay vịn chân trèo, hái trái nuôi nhau.
Hay:
Bậu nói với qua bậu không hái mận bẻ đào
Chớ mận đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay.
Và kể cả những hình ảnh xưng hô ẩn dụ như: “mận”, “đào”, “trúc”, “mai”, “trăng”, “gió”…Tất cả không hề có dấu ấn cá nhân nên dễ dàng gợi sự đồng cảm sâu xa ở người đọc.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Hoặc:
Vì mây cho núi nên xa,
Mây cao mịt mù, núi nhòa xanh xanh.