noi-dung-on-tap-bai-kiem-tra-tho-va-truyen-hien-dai-lop-9-hoc-ki-1

Nội dung ôn tập Bài kiểm tra thơ và truyện hiện đại lớp 9 học kì 1

Nội dung ôn tập Bài kiểm tra thơ và truyện hiện đại lớp 9 học kì 1

Nội dung ôn tập Bài kiểm tra truyện và thơ hiện đại:

I. Học thuộc lòng:

– Bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy) (chú ý khổ thơ đầu)

Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) (chú ý khổ thơ cuối)

II. Nghị luận:

Câu 1: Ý nghĩa tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.

Truyện ngắn Chiếc lược ngà là một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, được sáng tác ngay sau khi ông trở lại miền Nam công tác. Truyện đã thể hiện một cách chân thành và cảm động tình cha con sâu nặng của cha con ông Sáu trong hai tình huống đặc sắc:

Tình huống thứ nhất: Ông Sáu trở về nhà thăm con sau tám năm xa cách. Nhưng thật trớ trêu là bé Thu không nhận ông Sáu là çha khiến ông vô cùng hụt hẫng và đau khổ. Đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì cũng là lúc ông Sáu phải trở lại chiến khu. Đây là tình huống cơ bản của truyện. Tình huống thứ nhất khẳng định tình cảm cha con thắm thiết

Tình huống thứ hai: Nếu tình huống thứ nhất bộc lộ tình cảm mãnh liệt của bé Thu với cha thì tình huống thứ hai lại biểu lộ tình cảm sâu sắc của người cha với đứa con. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà để tăng con. Nhưng thật không may, ông Sáu đã hy sinh trong một trận càn ác liệt địch khi chưa kịp trao món quà ý nghĩa ấy cho con gái. Bác Ba, người đồng đội thân thiết của ông Sáu hứa sẽ tận tay trao lại cho bé Thu.

Tình huống thứ hai khẳng định tình cảm cha con thiên liêng, bất diệt trong chiến tranh. Chiến tranh có thể ngăn cách họ nhưng không thể nào giết chết được tình yêu thương trong họ.

Câu 2 : Xem tại đây: Ý nghĩa cái “giật mình” trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy

Câu 3: Xem tại đây : Hình tượng người lính trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

Câu 4: Phân tích tâm trạng nhan vật ông Hai sau khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc:

Cái tin làng chợ Dầu theo giặc đến một cách bất ngờ đột ngột quá khiến ông không khỏi bàng hoàng, sửng sốt, không nói được một lời nào, có cái gì đó đau đớn, tức tưởi, nhục nhã, xấu hổ. Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông xót xa khi nghĩ đến một ngày con mình sẽ bị người ta coi thường, rẻ rúng, hắt hủi vì là trẻ con làng Việt gian bán nước. Ông lo lắng không biết cuộc sống của cả gia đình mình rồi đây sẽ ra sao. Rồi suốt mấy ngày sau đó, ông cứ quanh quẩn ru rú trong nhà chẳng dám nhìn mặt ai.

Bị đẩy đến bước đường cùng, không còn cách nào khác ông đã từng nghĩ đến việc trở về làng. Nhưng khi ý nghĩ đó vừa loé lên thì ông lão đã vội gạt đi: “Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến bỏ cụ Hồ”. Thì ra cái lý do khiến ông lão băn khoăn lưỡng lự không muốn trở về làng chính là chỗ ấy “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”, là quay lưng lại với đồng bào, đồng chí nhân dân, cam tâm làm tay sai cho kẻ thù, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Ta nghe đâu đây tiếng nói của ông Hai đầy đau đớn, tức tưởi nhưng cũng rõ ràng, dứt khoát: “Không làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.

Khi nghe tin làng theo giặc, ông Hai rơi vào tình trạng bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ tới tương lai. Để vợi bớt nỗi đau đớn, dằn vặt trong lòng và yên tâm về quyết định của mình, ông Hai tâm sự với đứa con trai út (thằng Húc). Qua lời tâm sự với con, ông Hai bày tỏ tình yêu sâu nặng với làng Chợ Dầu, bày tỏ tấm lòng thủy chung son, sắt với kháng chiến, với Cụ Hồ (chết thì chết có bao giờ dám đơn sai), một lòng sống vì đất nước : “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”.

Ở nhân vật ông Hai, tình yêu làng thống nhất, hòa quyện trong tình yêu nước. Từ tình yêu làng, yêu nước tự nhiên, thiết tha (tự phát), chuyển biến lên thành tình yêu làng, yêu nước sâu đậm nhờ sự soi rọi của lý tưởng cách mạng (tự giác). Ông Hai đã đặt tình yêu nước, lợi ích của đất nước được đặt cao hơn tình làng và lợi ích của cá nhân ông. Bởi thế, khi nhà ông bị giặc đốt cháy hết, ông vẫn rất vui. Nhà bị cháy, làng bị đốt, bị hủy diệt nhưng cái tinh thần của làng vẫn còn thì đối với ông đó là niềm tự hào lớn. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại cách mạng. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp sớm giác ngộ và đứng về phía cách mạng.

Câu 5: Cảm nhận lòng yêu nghề của nhân vật anh thành niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

Như bao thanh niên khác, anh từ bỏ chốn phồn hoa đô hội, từ bỏ gia đình để một mình lên triền núi cao xa xôi ngày đêm làm công tác khí tượng, gắn cuộc đời mình với gió mây đèo núi, không gian bao la bát ngát, lặng lẽ và heo hút nơi núi đồi Sapa. Vì nhiệt tình yêu nước, nhiệt tình cống hiến nên anh sẵn sàng chấp nhận làm việc trong một môi trường đầy khó khăn và gian khổ.

Nếu công việc của anh chỉ là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày” thì thiết nghĩ nó cũng không mấy gì khó khăn. Nhưng công việc ấy được đặt trong một môi trường làm việc rất nghiêm khắc trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m “bốn bề chỉ cây cỏ, mây mù lạnh lẽo”, mà tuyệt nhiên không một bóng người. Trong hoàn cảnh sống và làm việc đó, con người không chỉ đối mặt với cái lạnh, cái rét, gió bão mù mịt mà bên cạnh đó còn đối mặt với sự cô đơn, buồn chán, cái này mới thật là đáng sợ.

Cho nên trong những ngày đầu lên nhận công tác, vì chưa quen nên chàng trai dũng cảm đầy nhiệt huyết ấy cũng thấy buồn vì “thiếu hơi người”. Anh thấy mình như vì sao kia lẻ loi đơn độc giữa bầu trời cao rộng. Từ đó, anh đã có một suy nghĩ, hành động rất ngộ nghĩnh và đáng yên để giải toả nỗi buồn, nỗi cô đơn của mình bằng cách lấy khúc cây chắn ngang giữa đường, để cho chiếc xe khách nào đó đi qua phải dừng lại, anh có dịp cùng bác tài xế khuân khúc cây ấy đi. Trong những giây phút ngắn ngủi ấy anh được nhìn, được thấy, được trò chuyện dù trong giây lát cùng với những hành khách trên xe.

Công việc gian khổ vất vả nhưng ngày cũng như đêm, dù mưa gió gầm thét dữ dội, anh thanh niên vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Sở dĩ như vậy là vì anh ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa trong công việc của mình. Nếu làm việc bê trễ hoặc báo cáo kết quả không chính xác có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc không chỉ cho đồng đội anh mà còn ảnh hưởng tới nhiều người, ảnh hưởng đến cả một vùng. Ngược lại nếu anh luôn luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao độ, tin tức của anh được báo về chính xác, kịp thời, nó sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn lao, phục vụ cho chiến đấu, cho sản xuất.

Nói sao hết những niềm vui mừng, hạnh phúc, sung sướng, tự hào về công việc của anh . Chính từ niềm vui trong công việc, anh càng cảm thấy yêu đời, yêu công việc của mình hơn bao giờ hết. Có thể nói cái chiến thắng của quân đội ta mà có một phần không nhỏ là công lao của anh đã trỏ thành nguồn động lực thôi thúc anh thanh niên chịu đựng gian khổ, sống đơn độc một mình bốn năm trời nơi núi rừng Sa pa lạnh lẽo mà không có người thăm viếng.

Cũng từ đây ta nhận thấy hiện lên ở anh thanh niên một con người mang trong mình nhiều phẩm chất cao đẹp, có tinh thần trách nhiệm với công việc, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, khao khát cống hiến tài năng sức lực của mình cho công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước.

1 bình luận trong “Nội dung ôn tập Bài kiểm tra thơ và truyện hiện đại lớp 9 học kì 1”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang