phan-tich-8-cau-tho-dau-doan-trich-viet-bac-to-huu

Phân tích 8 câu thơ đầu đoạn trích Việt Bắc (Tố Hữu)

Phân tích 8 câu thơ đầu đoạn trích “Việt Bắc” (Tố Hữu)

“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

(Trích Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12, Tập một, sđd, tr.109)

Anh/chị hãy phân tích đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét ngắn gọn về tính dân tộc đậm đà của thơ Tố Hữu.


* Gợi ý làm bài:

I. Mở bài:

Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của thơ ca Cách mạng Việt Nam. “Việt Bắc” là một trong những bài thơ được xếp vào hạng những bài thơ “tống biệt” của Tố Hữu.Mặc dù là đề tài cũ, nhưng bài thơ vẫn mới mẻ bởi “Việt Bắc” ra đời trong cuộc chia tay đặc biệt giữa nhân dân Việt Bắc và cán bộ kháng chiến vào tháng 10/1954. Ra đời trong hoàn cảnh ấy, bài thơ không mang cảnh trạng của một cuộc chia ly với nỗi buồn đầy nước mắt, mà là nỗi niềm chia ly trong tình cảm giữa cán bộ và nhân dân sâu đậm ân tình. 8 câu thơ mở đầu đoạn trích Việt Bắc là sự thể hiện tinh tế và sâu sắc những rung động trong trái tim của người đi và người ở trong giờ phút phân ly.

II. Thân bài:

Đoạn thơ là lời tâm tình, nhắn nhủ tha thiết giữa người ở lại và người ra đi. Người ở lại là đồng bào chiến khu Việt Bắc, người ra đi là những cán bộ kháng chiến từng gắn bó với quê hương cách mạng suốt mười mấy năm trời. Bốn câu thơ đầu là lời ướm hỏi dạt dào tình cảm của người ở lại:

“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

Câu hỏi rất ngọt ngào khéo léo “Mười lăm năm” cách mạng gian khổ, hào hùng, cảnh và người Việt Bắc biết bao gắn bó nghĩa tình với những người kháng chiến; đồng thời cũng để khẳng định tấm lòng thuỷ chung của mình. Giọng thơ như chảy ra từ trong nguồn mạch của ca dao. Cách xưng hô “mình – ta” cứ như lời bày tỏ tình yêu đôi lứa trong dân gian. Đại từ “mình” trong dân gian chỉ thể hiện ở cao trào của tình yêu khi hai con người hoá thân thành một. Ở đây, tác giả lấy phép màu nhiệm của tình yêu để cắt nghĩa, lý giải cho mối quan hệ gắn bó giữa các bộ với nhân dân. Điệp ngữ và kết cấu câu hỏi tu từ “mình về mình có nhớ” được láy lại 2 lần như khơi vào trong kỷ niệm của người đi và người ở.

Người ở lại với núi rừng nhạy cảm hơn về sự chia xa, cách biệt nên đã cất lên câu hỏi da diết, khắc khoải: “Mình về mình có nhớ ta… Mình về mình có nhớ không…”. Mỗi câu hỏi là một lời nhắc nhớ về ân tình sâu nặng của mấy ngàn ngày kháng chiến: “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”.

Trên suốt hành trình đầy gian nan thử thách đó, quân với dân, miền ngược với miền xuôi… đã kề vai sát cánh, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi:

“Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

Trong lời hỏi của người ở lại còn chứa đựng lời nhắn nhủ thiết tha: Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn… mong mỏi người ra đi về với miền xuôi vẫn không quên núi rừng Việt Bắc… Người ra đi thấu hiểu nỗi niềm của người ở lại nên đã bày tỏ và khẳng định tình cảm sâu nặng dành cho đồng bào Việt Bắc. Bốn câu thơ sau là tiếng lòng của người cán bộ cách mạng về xuôi “ bâng khuâng”  , “ bồn chồn”  cùng cử chỉ “cầm tay nhau”  xúc động bồi hồi đã nói lên tình cảm thắm thiết của người cán bộ với cảnh vật và con người Việt Bắc:

Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Giây phút chia li trong tưởng tượng diễn ra cực kỳ sâu sắc với những cảm xúc ghìm nén trong tâm trạng của người đi. Đại từ “ai” phiếm chỉ vừa tạo nên một cõi mơ hồ, mông lung trong nỗi nhớ vừa rất cụ thể gợi sự gần gũi, thân thương.

Hình ảnh “áo chàm”  – nghệ thuật hoán dụ có giá trị khắc hoạ bản sắc trang phục của đồng bào Việt Bắc, nhưng cũng chính là để nói rằng ngày tiễn đưa cán bộ kháng chiến về xuôi cả nhân dân Việt Bắc đưa tiễn. Như vậy, người cán bộ kháng chiến ra đi nhớ cảnh Việt Bắc, nhớ  “áo chàm”, nhớ tiếng, nhớ người, nhớ tình cảm của người Việt Bắc dành cho kháng chiến. Nỗi nhớ đó nói lên tấm lòng thuỷ chung son sắt đối với quê hương cách mạng. Hình ảnh “Áo chàm” đã thể hiện tình cảm gắn bó của nhà thơ với những người dân Việt Bắc giản dị, nghèo khổ mà sâu đậm ân tình.

Những từ láy “tha thiết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn” diễ tả chính xác con sóng lòng đang dấy lên trong tâm hồn nhà thơ lúc phân ly.  Cách ngắt nhịp 3/3; 3/3/2 ở hai câu thơ cuối đoạn diễn tả mộc cách thân tình cái ngập ngừng , bịn rịn trong tâm trạng, trong cử chỉ của người đi kẻ ở. Kỷ vật trao rồi mà mà lòng vẫn quyến luyến không thể rời xa.

Hình ảnh  “ cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” thật cảm động. Câu thơ bỏ lửng ngập ngừng nhưng đã diễn tả rất đạt thái độ xúc động, nghẹn ngào không thể nói lên lời của người cán bộ giã từ Việt Bắc về xuôi … Tâm trạng của những người kháng chiến trong phút giây từ biệt chiến khu cách mạng có sự đan xen, hòa quyện của niềm vui chiến thắng, hòa bình và nỗi buồn chia ly, xa cách. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là tình cảm bùi ngùi, lưu luyến, nhớ thương dành cho người ở lại.Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” vừa gợi cảm giác gần gũi, thân thương vừa tăng tính khái quát cho câu thơ. Phút “lặng im” chất chứa bao điều không thể diễn tả bằng lời. Đó cũng là khoảnh khắc kẻ ở, người đi thấu hiểu nỗi lòng nhau mà không cần phải giãi bày, thổ lộ…

Có thể nói, đây là đoạn thơ hay nhất của bản tình ca Việt Bắc, bởi lẽ nhà thơ đã miêu tả rất đúng quy luật nỗi nhớ trong tình cảm của con người ở vào giờ phút chia li : nỗi nhớ nào cũng làm cho thời gian đằng đẵng và không gian mênh mông. Nhớ nhau, người ta tính từng khoảng cách. Có điều ở đây, chưa chia li mà đã nhớ. Người còn đấy, cảnh còn đây, mặt đối mặt mà lòng đã bâng khuâng , lưu luyến.

Dù miêu tả tình cảm mang tính chất chính trị, nhưng đoạn thơ không khô khan, trừu tượng bởi tác giả nắm vững quy luật của tình đời, tình người. Chính vì thế, đoạn thơ (nói riêng); “Việt Bắc” (nói chung) đã vượt qua ranh giới của thời đại, thấm sâu vào hồn của người đọc qua nhiều thế hệ.

Thơ Tố Hữu nói chung và Việt Bắc nói riêng đậm đà tính dân tộc cả trong nội dung và hình thức nghệ thuật. Về nội dung, bài thơ ngợi ca nghĩa tình cách mạng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến giữ nước, Tố Hữu đã tiếp nối, phát huy những truyền thống đạo đức cao quí của dân tộc. Về nghệ thuật, tác giả sử dụng thể thơ lục bát truyền thống; kết cấu đối đáp mình – ta của ca dao, dân ca; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị; vận dụng những phép tu từ quen thuộc của ca thơ ca dân gian; giai điệu thơ ngọt ngào, sâu lắng; sử dụng các từ láy, dùng vần và phối hợp các thanh điệu… kết hợp với nhịp thơ tạo thành nhạc điệu phong phú, diễn tả nhạc điệu bên trong của tâm hồn mà ở bề sâu của nó là điệu cảm xúc và tâm hồn dân tộc.

III. Kết bài:

8 câu thơ đầu đoạn trích “Việt Bắc” thể hiện đậm nét phong cách thơ Tố Hữu, giọng điệu thơ ngọt ngào truyền cảm, mang đậm phong vị ca dao dân gian, đề cập đến con người và cuộc sống kháng chiến. Thông qua hình tượng Việt Bắc, tác giả ca ngợi phẩm chất cách mạng cao đẹp của quân dân ta, khẳng định nghĩa tình thuỷ chung son sắt của người cán bộ, chiến sĩ đối với “Việt Bắc”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang