Phân tích Âm mưu và tình yêu (trích Âm mưu và tình yêu của Si-le)

am-muu-va-tinh-yeu-si-le

Phân tích “Âm mưu và tình yêu” (trích “Âm mưu và tình yêu” của Si-le).

I. Mở bài:

Si-le (Schiller) là một nhà thơ, nhà viết bi kịch và triết gia người Đức. Ông được xem như là nhà viết bi kịch có tầm quan trọng nhất và cùng với Goethe, Wieland và Herder là người đại diện quan trọng nhất của phong trào Văn học cổ điển Weimar. Schiller là người đã đem kịch trường để nâng cao trình độ dân trí, óc thẩm mỹ và nhân sinh quan của dân chúng, cho người Đức có một tinh thần quốc gia mạnh mẽ.

“Âm mưu và tình yêu” là tác phẩm xuất sắc của Si-le. Tác phẩm tố cáo chế dộ phong kiến mãnh liệt nhất của Sile. Xung đột của vở kịch được xây dựng trên cơ sở mâu thuẫn giữa tình yêu trong trắng, thắm thiết của một đôi trai tài, gái sắc và những âm mưu xấu xa, đen tối của triều đình phong kiến cùng bọn quan lại.

II. Thân bài:

1. Sự khác nhau giữa chủ đề “Âm mưu và tình yêu” được thể hiện trong Hồi I – Cảnh 1 và Hồi II- Cảnh 2:

– Hồi I – Cảnh 1: chủ đề nổi bật là tình yêu mãnh liệt của Luy-đơ dành cho người mình yêu, nàng sẵn sàng vượt qua mọi định kiến, mọi lời ngăn cấm của cha mẹ. Trước những lời ngăn cản kịch liệt của cha mẹ, nàng chọn cách từ bỏ nhưng vẫn giữ cho mình tình yêu.

– Hồi II – Cảnh 2: Phéc-đi-năng đứng lên đấu tranh vì tình yêu của mình, sẵn sàng chết cùng nhau chứ không chịu thỏa hiệp với cha.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình huống căng thẳng và xung đột giữa hai cha con Van-te – Phéc-đi-năng trong Hồi II – Cảnh 2 là: sự ngăn cấm của người cha đối với tình yêu của người con, người cha cho rằng tình yêu này là không cân xứng, không có sự môn đăng hộ đối nên đã phản đối kịch liệt.

2. Mâu thuẫn – xung đột kịch.

– Xung đột cha – con: bắt nguồn từ bắt nguồn từ một mâu thuẫn sâu xa, lớn lao, toàn diện hơn được khái quát bằng hai từ âm mưu và tình yêu:

– Xung đột giữa người cha – viên tể tướng, điển hình của tầng lớp quý tộc phong kiến già cỗi, xấu xa và tàn bạo, luôn có ý thức cao về, địa vị và quyền lực > < người con – Fecđinăng, điển hình cho tầng lớp thanh niên quý tộc và tư sản tiến bộ, giàu lí tưởng, nhiệt tình, trung thực.

Đây là là xung đột giữa cái ác và cái thiện, và cao hơn là xung đột giữa ý thức hệ phong kiến lỗi thời, trì trệ với ý thức hệ của các lực lượng tiên tiến trong thế kỉ ánh sáng.

– Diễn biến của xung đột:

+ Cao trào: Fecđinăng đòi giết Luizơ, nhưng tể tướng không sợ mà vẫn thách thức: “Đâm đi, nếu mũi kiếm của mày còn đủ nhọn”

+ Đột biến: Fecđinăng tuyên bố phơi bày bí mật của tể tướng.

+ Mở nút: Tể tướng thôi không hạ lệnh bắt Luizơ: “Buông con bé ấy ra”. Năm bước phát triển của một vở kịch dường như được tập trung trong một đoạn trích ngắn ngủi! Nghệ thuật tạo dựng kịch tính (một trong những đặc điểm thể hiện tài năng xuất sắc của Sile), được phát huy cao độ qua các bước xây dựng tình huống. Đầu tiên là cách bố trí thế và lực của hai bên. Tình huống căng thẳng thể hiện trong số lượng nhân vật cùng một lúc xuất hiện rất đông, dàn thành hai lực lượng đối địch không cân xứng. Nếu bên Âm mưu là cha, là quận công, là các nhân viên pháp đình, là số đông, nhiều tay kiếm, thì bên tình yêu là con, là dân thường và một tay kiếm của Fecđinăng. Sự chênh lệch về thế lực hai phe càng làm tăng sự đối lập gay gắt.

+ Đỉnh điểm của xung đột: Sự căng thẳng của xung đột còn được tạo nên bởi những pha (kết hợp các hành động) khác nhau, tăng dần mức độ quyết chiến. Lúc đầu, Fecđinăng (chắc vì còn do dự trong việc đối đầu với cha) đã chỉ dùng đốc kiếm ngăn cản, tiếp đến, vì mức độ dữ dội của xung đột tăng, chàng quay mũi kiếm đâm bị thương mấy nhân viên pháp đình. Không thể ngăn cản được mức độc tàn bạo và quyết liệt của tể tướng chìa mũi kiếm vào Luizơ, hòng mong cái chết của nàng khiến tể tướng run sợ.

3. Ngôn ngữ và thái độ của nhân vật trong xung đột kịch.

– Ngôn ngữ nhân vật cũng được đẩy tăng dần mức độ căng thẳng.

+ Đầu tiên, tể tướng không nói trực tiếp với Fecđinăng mà chỉ ra lệnh ngày càng sôi sục, giận dữ đối với bọn nhân viên pháp đình: “Chúng bây giúp tao một tay. Bắt lấy nó… tao phải nhắc lại lệnh của tao hay sao?… Quân tôi đòi hèn mạt”.

+ Còn Fecđinăng, đối với bọn quan quân rất kiên quyết: “Chớ có đứa nào tìm cách động vào nàng… Thề độc có tử thần cùng tất cả mọi loài ma quỷ, lùi lại!”, nhưng đối với cha lúc đầu còn nhún nhường, van xin… “Xin cha hãy nghĩ đến bạn thân cha, cha ơi, đừng dồn ép con thêm nữa”. Trọng lượng lời van xin tăng dần: “Đừng dồn ép con đến chỗ cùng đường cha ơi!”.

+ Đến lúc tể tướng đối thoại trực tiếp với Fecđinăng: “Tao muốn xem liệu chính tao có phải nếm lưỡi kiếm này không?” thì Fecđinăng cay đắng thốt lên: “Thượng đế đã lầm, đã lẫn, chọn tên đao phủ đê hèn lên làm tể tướng mạt hạng”. Lời nói đối chọi nhau gay gắt: “Lôi nói đi/ Cha vẫn cương quyết ư? Lôi nó đi/ cha vẫn cương quyết ư? Lôi nó đi/ Thà tôi đâm lưỡi kiếm này qua xác vợ tôi còn hơn”.

 Ngôn ngữ nhân vật được đẩy tăng dần mức độ căng thẳng, dẫn đến mâu thuẫn dâng đến đỉnh cao với những lời lặp đi lặp lại, với mức độ gay gắt, quyết chiến càng tăng dần.

– Thái độ của hai nhân vật chính cũng tăng dần mức độ gay gắt:

+ Tể tướng từ đe dọa tới sôi sục giận dữ, cường độ, khiêu khích rồi như bị sét đánh.

+ Fecđinăng từ giận dữ đến van xin, cương quyết rồi ghê gớm.

Các pha hành động, ngôn ngữ và thái độ nhân vật được dẫn dắt khéo léo, hợp lôgic, dồn dập, làm xung đột kịch càng ngày càng gay gắt, thúc đẩy hành động và sự kiện, làm cho nhân vật bắt buộc lộ rõ nét tính cách. 

– Cách miêu tả, thể hiện diễn biến tâm lí, ngôn ngữ đối thoại, cử chỉ hành động của Luy-đơ chính là điểm sáng để phát triển tình huống toàn bộ vở kịch.

+ Tác giả miêu tả Luy-đơ là người con gái yếu đuối, nhỏ bé, xuất thân từ gia đình của một nhạc công nhưng lại đem lòng yêu chàng thiếu tá Phéc-đi-năng, con trai của Tể tướng Phôn Van-te. Tình yêu của cả hai xuất hiện sự không cân xứng về gia thế, cho nên bị cha mẹ hai bên đều ngăn cấm kịch liệt. Trước sự phản đối ấy, Luy-đơ chỉ còn biết lặng lẽ từ bỏ, nhưng sâu bên trong nàng vẫn luôn giữ tình cảm mình dành cho Phéc-đi năng. Ngược lại, Thiếu tá đã đứng lên, sẵn sàng đối đầu với cha; thậm chí chọn cái chết để bảo vệ tình yêu của họ.

→ Cách miêu tả diễn biến tâm lí, ngôn ngữ đối thoại, cử chỉ hành động của nhân vật Luy-đơ hết sức thành công, tác giả đã khắc họa rõ nét hình tượng nhân vật Luy-đơ yếu đuối, nhỏ bé trong tâm trí mỗi người xem, người đọc.

III. Kết bài:

– Thông qua tình huống truyện, có thể thấy Phéc-đi-năng là nhân vật với xuất thân quyền quý đã dũng cảm và ngoan cuồng chống lại bạo quyền vì khát vọng tự do và hạnh phúc. Nhân vật này sẵn sàng hi sinh cả bản thân mình, thà chết cùng người mình yêu chứ không chịu khuất phục trước sự ngăn cấm của người cha. Qua đây, có thể thấy tình yêu đích thực đã làm nên sức mạnh phi thường của những con người yếu thế.

Dàn bài tham khảo:

  • Mở bài:

– Sile (1759-1805) là kịch tác gia vĩ đại, “viên công tố của toàn nhân loại đã kêu gọi loài người cùng hướng về trời sao”. Cùng với Gớt, Sile là một trong hai ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Đức thế kỷ 18. Sile đã xây dựng thành công những vở kịch có xung đột dữ dội, những nhân vật, tính cách điển hình thể hiện mãnh liệt khát vọng tự do và tinh thần bất khuất chống cường quyền bạo lực. “Âm mưu và tình yêu” là vở kịch xuất sắc của Si-le.

  • Thân bài:

– Vở kịch có 5 hồi bằng văn xuôi. Luizơ là con gái nhạc công Mile yêu thiếu tá Fecđinăng là con trai Tể tướng Fôn Vante. Phu nhân Minfo là tình nhân của Công tước nay đã bị Công tước chán bỏ. Tể tướng bắt ép thiếu tá phải kết duyên cùng phu nhân Minfo để lấy lòng Công tước. Fecđinăng gặp Minfo nói cho phu nhân biết là chàng đã có người yêu là nang Luizơ, cô vô cùng xấu hổ. Tể tướng làm nhục Luizơ, gọi nàng là con đĩ, mạt sát ông bà Minle. Tể tướng và thiếu tá đấu khẩu dữ dội. Thiếu tá kiếm tuốt trần, đâm bị thương một số nhân viên pháp đình.

– Đổng lí Vuôm hiến kế bắt giam ông bà Mile. Muốn cứu bố mẹ, Luizơ phải viết một bức thư tình gửi cho Thị vệ trưởng Fôn Canbơ do chúng đọc. Chúng đưa bức thư tình ấy cho Fecđinăng. Fecđinăng thách Thị vệ trưởng đấu súng làm cho hắn vô cùng sợ hãi. Đau khổ… Fecđinăng pha thuốc độc bắt người yêu cùng mình uống. Uống xong thuốc độc, Luizơ mới nói ra sự thật đau lòng! Cùng lúc ấy, Tể tướng phải nộp mình cho nhân viên pháp đình.

Hồi hai: Ngang trái

Xung đột diễn ra dữ dội tại nhà nhạc công Mile

– Luizơ bị Tể tướng sỉ nhục đã ngất đi. Fecđinăng đỡ lấy người yêu rồi kêu lên hoảng hốt: “Cứu nàng với, nàng sợ hãi ngất đi rồi!”. Trong lúc đó, nhạc công Mile nắm lấy gậy, căm giận nhìn Tể tướng, bà Mile vô cùng sợ hãi, quỳ sụp xuống chân Tể tướng. Tể tướng ra lệnh bắt giam Luizơ: “Bắt lấy nó, dù nó ngất hay tỉnh. Khi nào vòng sắt gông vào cổ nó rồi, người ta sẽ dùng đá ném cho nó tỉnh lại”. Bà Mile cất tiếng kêu van, trái lại, ông nhạc công Mile thì giận dữ khinh bỉ gọi Tể tướng và các nhân viên pháp đình là “lũ vô lại”.

Cuộc đấu khẩu dữ dội giữa hai cha con – Thiếu tá và Tể tướng.

– Tể tướng ra lệnh cho các nhân viên pháp đình bắt Luizơ. Thiếu tá bảo vệ người yêu, tuốt kiếm. Nhân viên pháp đình sợ hãi lùi ra, lại xông vào. Thiếu tá đâm bị thương vài tên.

Thiếu tá cầu xin Tể tướng “đừng dồn ép con thêm nữa”. Lại cầu xin: “… đừng dồn ép con đến chỗ cùng đường cha ơi!”. Tể tướng mắng nhiếc bọn nhân viêc pháp đình là “quân tôi đòi hèn mạt”, tự tay túm lấy Luizơ, giao cho một tên nhân viên pháp đình, đồng thời thách thức Thiếu tá: “Tao muốn xem liệu chính ta có phải nếm lưỡi kiếm này không?”.

– Vấn đề đạo lý được đặt ra: liệu con có dám đâm cha để bảo vệ người yêu hay không? Xung đột kịch diễn biến đến cao trào.

– Thiếu tá mạt sát Tể tướng:… “Thượng đế đã lầm, đã lẫn chọn tên đao phủ đê hèn lên làm Tể tướng mạt hạng”. Không chỉ là con lên án cha mà đó là tiếng nói nhân danh công lý và nhân dân lên án bạo quyền, lên án một xã hội – phong kiến cát cứ – đã lỗi thời.

– Fecđinăng dọa: “Nếu nàng lên giá nhục hình, nhưng là cùng với Thiếu tá con trai Tể tướng…”

– Một sự ngập ngừng đầy tính kịch. Và Tể tướng châm biếm: “Tức thì cuộc trừng bày sẽ càng thú vị!”. Kiên quyết ra lệnh bắt Luizơ: “Lôi nó đi!”.

– Lại van xin! Tất cả vì tình yêu mà Fecđinăng vẫn chưa tìm được, chưa lựa chọn được cách ứng xử. Một mặt chàng quyết dùng thanh kiếm sĩ quan (danh dự và quyền lực) mà “che phủ cho người thiếu nữ này”; mặt khác lại van xin một chút tình cha con nào đó còn sót lại trong lòng Tể tướng: – “Cha vẫn cương quyết ư?” – Xung đột càng trở nên dữ dội, khi Tể tướng vừa châm biếm vừa ra lện: “Lên giá nhục hình mà mang kiếm bên mình thì chẳng hợp chút nào… Lôi nó lôi nó đi, đi, chúng mày rõ ý tao rồi đấy!”.

Có thể xem đây là “bước đột biến” của Hồi hai này!

Lưỡi kiếm lại xuất hiện, tiếng  của Fecđinăng càng quyết liệt hơn. Giằng lấy Luizơ từ tay nhân viên pháp đình, ôm lấy Luizơ, chĩa lưỡi kiếm vào nàng và nói: “Thà tôi đâm lưỡi kiếm này qua xác vợ tôi còn hơn nhìn nàng bị cha sỉ nhục!” – Từ người yêu, Luizơ đã trở thành vợ, Thiếu tá khẳng định quyết tâm bảo vệ người yêu của mình. Tể tướng vẫn thách thức. Xung đột kịch càng trở nên quyết liệt: “Đâm đi, nếu mũi kiếm của mày còn đủ nhọn!”. Đó là sự thách thức của cường quyền! Tể tướng muốn ép con trai mình kết duyên cùng phu nhân Minfo. Trở lực lớn nhất là tình yêu của Luizơ. Phải bắt nàng để triệt phá, để thực hiện “âm mưu” và để tấn công bề trên, đó là Công tước! Cái ác đi kèm cái hèn hạ, sự đê tiện và sỉ nhục, đó là nhân cách của Tể tướng, và buồn thay, đó còn là một người cha – một người cha đã bán mình cho quỷ dữ.

“Bước mở nút” – xung đột được đẩy lên đến đỉnh điểm rồi chùng lại, mâu thuẫn được giải quyết. Cử chỉ Fecđinăng buông Luizơ, ngước mắt nhìn trời ghê gớm. Thiếu tá độc thoại. Chàng cầu đến Chúa. Sức chịu đựng của một con người đã vượt quá giới hạn và chỉ một cách “dùng đến thủ đoạn của loài ma quỷ!”. Sẵn sàng trả giá, và thách thức: “Được các người cứ đưa nàng lên giá nhục hình đi!”. Như một cú đánh trời giáng khi Fecđinăng thét vào tai Tể tướng: “Ta sẽ đi kể cho tất cả cung điện này nghe một câu chuyện nhan đề là: Người ta đã leo lên ghế Tể tướng bằng cách nào!”. Như bị sét đánh, Tể tướng sụp đỏ. Như loài ma quỷ sợ ánh sáng. Hắn đã kinh hoàng kêu lên: “Thế là thế nào, Fecđinăng! Hắn ra lệnh: buông con bé ra!” rồi chạy theo Thiếu tá.

Nhận xét:

– Nhạc công Mile xuất thân bình dân và Fecđinăng xuất thân quyền quý đã dũng cảm và ngoan cường chống bạo quyền vì khát vọng tự do và hạnh phúc. Hồi hai đầy kịch tính. Có lúc ta xúc động về lưỡi kiếm của Fecđinăng sẽ vang lên, hoặc là đâm chết người yêu và tự sát, hoặc là đâm vào Tể tướng. Và thật thú vị, bạo quyền đã bị đánh gục chỉ bằnh một câu nói mạnh như sấm sét. Tình yêu làm nên sức mạnh phi thường.

– Chỉ một hồi kịch ngắn, ta vần tìm ra năm bước như một vở kịch: giao đãi, phát triển, cao trào, đột biến và mở nút. Và đó là nét đặc sắc của kịch Sile và kịch cổ điển Đức trong thế kỷ 18

  • Kết bài:

– Tác giả sử dụng ngôn ngữ với mức độ gay gắt, quyết chiến càng tăng dần tạo sự căng thẳng và mâu thuẫn dâng đến đỉnh cao. Nghệ thuật tạo dựng kịch tính được phát huy cao độ qua các bước xây dựng tình huống kịch. Xung đột của vở kịch được xây dựng trên cơ sở mâu thuẫn giữa tình yêu trong trắng, thắm thiết của một đôi trai tài, gái sắc và những âm mưu xấu xa, đen tối của triều đình phong kiến cùng bọn quan lại. Âm mưu và tình yêu là tác phẩm tố cáo chế dộ phong kiến mãnh liệt nhất của Sile.

Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Như một người hấp hối yêu cuộc đời mình sắp mất; khi đã bị tước đoạt tự do và dân chủ, người ta mới cuống cuồng đấu tranh cho những gì mình đã từng có… cuộc đời cứ lặng lẽ trôi theo những dòng chảy nghịch lý như thế. Bảy năm trong một chế độ nhà trường khắc nghiệt và tàn ác không những không làm dịu đi ngọn lửa trong một con người mà trái lại càng làm cho nó bùng lên dữ dội. Bảy năm là một khoảng thời gian tuy ngắn ngủi trong suốt một thế kỉ ốm yếu “chết tiệt” nhưng cũng đủ hâm nóng một con tim tràn đầy nhiệt huyết và làm nảy nở một thiên tài. Ngòi bút của Sile, thiên tài của Sile đã ra đời trong hoàn cảnh của một nước Đức đang chìm đắm trong bóng đêm của chế độ phong kiến mà nhất thiết phải có người khơi gợi những gì tất yếu thuộc về nền tảng của đạo đức và chân lý.

  • Thân bài:

Là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho trái tim hừng hực khát vọng tự do và ý chí quật cường, Âm mưu và tình yêu của Sile dường như sẽ tồn tại vĩnh hằng. Trong bối cảnh nhỏ của sàn diễn, tất cả những điều tốt đẹp nhất và xấu xa nhất của xã hội cùng hiện hữu bên nhau. Hình ảnh một nước Đức rối ren và đầy phức tạp được thu nhỏ trước mắt người xem. Ở đây người ta có thể cùng sống hết mình với tình yêu cao cả của đôi trai tài gái sắc. Feedinăng và Luydơ hay nguyền rủa với những lời thậm tệ nhất về âm mưu thâm độc của tên tể tướng gian ác Fôn Vante mà có lẽ, ngoài hiện thực muốn được ngày sống hết mình như thế, người ta phải coi lại tấm gương tù đày của Sile trước khi mở miệng.

Với hàng loạt xung đột kịch diễn ra giữa hai lực lượng đối địch, phải nói, tài năng của Sile đã được chứng tỏ một cách rõ nét nhất. Mọi hành động, cử chỉ, lời thoại của nhân vật như đều được sắp xếp hoàn hảo. Mọi chi tiết đời thường lẫn sàn diễn đều ánh lên tư tưởng triết lý của một nhà xã hội học bậc thầy. Kịch bản của Sile dường như trọn vẹn đến từng đoạn trích. Mỗi mảng là một màn kịch nhỏ kết cấu chặt chẽ với năm bước của trình độ nghệ thuật kịch mẫu mực. Đoạn trích Cha vẫn cương quyết không chuyển chăng? Thật là ngang trái. Nó có sự góp mặt của số đông nhân vật trong một bối cảnh nhỏ hẹp tại nhà nhạc công Mile là bước giới thiệu đầu tiên giao đãi. Trong không gian ấy, tất cả nhân vật chủ chốt của vở kịch đều xuất hiện với sự xung đột sẵn có. Luydơ, nhân vật chính của màn diễn ngà ngất trong tay người yêu. Sự yếu đuối và nhỏ bé của người yêu là nguyên nhân tất yếu để thúc đẩy xung đột phát triển. Đó sự can thiệp của Fecdinăng, sự tương quan lực lượng quá chênh lệch. Một tể tướng Vante hùng hổ, dữ dội với đội quân pháp đình đông đảo trước một tiểu gia đình nhạc công Mile quá nhỏ bé. Bà mẹ Luydơ già nua chỉ biết quỳ sụp bên chân tể tướng và người chồng bất lực nhìn vợ con mình bị sỉ nhục. Phecdinăng hiểu mình phải làm gì trong hoàn cảnh ấy. Sự ra mặt của chàng không khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Cao trào của cuộc đối đầu được mở ra với tình huống xung đột đã tới hồi căng thẳng cần giải quyết. Fecdinăng giận dữ đứng ngăn giữa Luydơ và nhân viên pháp đình. Vũ khí đầu tiên bảo vệ tình yêu chỉ là chuôi kiếm Fecdinăng hướng sự tấn công, vào lực lượng đối địch nhất thời là nhân viên pháp đình, đồng thời mở lời van “xin cha hãy nghĩ đến bản thân cha. Cha ơi đừng dồn ép con thêm nữa”. Rõ ràng chàng còn hi vọng vào tình phụ tử. Feedinăng chưa hề van xin cha. Biết đâu… Phải công nhận Sile có tài xây dựng hành động kịch hết sức chặt chẽ, các tình huống đan kết vào nhau một cách khéo léo và được dẫn dắt hợp logic. Tể tướng Fôn đáp trả lại sự chờ đợi của con trai chỉ bằng sự đe dọa với các nhân viên pháp đình. Sức mạnh uy quyền trong tay ông được vận dụng một cách triệt để. Điều đó chỉ đem lại cho Fecđinăng sự căm hận tột cùng. Chàng như không còn tự kiềm chế được mình: “Hãy thương tiếc lấy cha, dừng dồn ép con đến chỗ đường cùng, cha ơi” Có lẽ là lời cảnh cáo đầu tiên của đứa con hiếu thảo bị dồn ép vào bước đường cùng. Tể tướng sinh ra con nhưng lại không thể hiểu được con, nhất là trong hoàn cảnh này, uy quyền chỉ có thể làm ông mất đi tất cả. Ngọn lửa trong lòng Fecdinăng đang sùng sục cháy mà vẫn không thiêu rụi được cây đại thụ Fôn Vante. Bỏ ngoài tai lời thỉnh cầu và sự hùng hổ của con trai, ông vẫn giục lũ người ào ạt tiến lên. Khả năng tạo những nhân vật khơi gợi sự bùng nổ của Sile đã thành công trong trường hợp này. Thái độ khiêu khích và cố chấp của tể tướng đẩy xung đột lên tận cùng, diễn tiến sự kiện dồn dập hơn. Người xem căng thẳng hồi hộp theo từng hành động của nhân vật. “Việc giăng lấy Luydơ giao cho một nhân viên pháp đình” của tể tướng đã làm ngọn lửa hận thù bốc cao hơn. Pecđinăng cay đắng buông lời mạt sát cha. Hình như chàng đã cố gắng lắm mới buông lời nói đó. Hoàn cảnh thúc ép, nghịch cảnh đã biến một đứa con hết mực thương cha thành kẻ bất hiếu. Fecdinăng định nói tất cả những gì mình đã biết để cứu vãn tình thế nhưng còn danh giá gia đình, danh dự của cha. Lý trí Pecdinăng vẫn còn vẫn còn khối óc của một đứa con có trách nhiệm với gia đình chàng sẽ im lặng, biết đâu sự hi sinh của chàng sẽ làm cha đổi ý. Ý niệm cùng hủy hoại bản thân với người yêu đã tững làm biết bao người cha khác chùn bước. Người ta có thể làm tất cả mọi hành động tàn ác nhất, nhưng hổ nào lại nỡ ăn thịt con. Song, tể tướng Fôn Vaille dường như được tạo tư chất thép lạnh ông không hề rung cảm trước nguy cơ vĩnh viễn mất đi đứa con yêu dấu.

Bão táp đã dâng lên, nhưng thành quách vẫn kiên trì chống đối. Hai con hổ trong trận gườm nhau từng giây một. Tể tướng vẫn không thay đổi ý định trước mũi kiếm chực đâm vào hình hài mà mình từng ấp ủ. Pecđinăng ba lần đe dọa hủy mình cũng là ba lần tể tướng buông lời khích bác. Tính cách nhân vật cọ xát trên sàn diễn tạo nên những tình huống kịch ghê gớm. Bầu không khí khẩn trương đến tột độ. Bão biến đã trở thành con sóng thần, chực chờ vồ vập nuốt chửng tất cả. Rõ ràng Phecđinăng đã dùng hết mọi phương diện của một con người và bây giờ chàng đã thật sự “dùng đến thủ đoạn của loài ma quỷ. Hành vi của chàng không đúng với phong cách của người quân tử nhưng trong tình cảnh này không còn con đường nào để chọn. Đó là đòn sấm sét cuối cùng, hoặc sẽ quật ngã đối phương, hoặc chính chàng sẽ bị dòng điện đó phản tác dụng. Sự đột biến trong hành động của Fecđinăng được Sile xây dựng như một hiện tượng toàn mỹ, đòn quyết định của chàng đã được dùng đúng lúc và dừng lại dùng nơi cần thiết. Chính sự dừng lại hợp lý đó đã làm cho tể tướng “như bị sét đánh”. Nó đủ sức giải tỏa mọi xung đột và cởi nút cho vở kịch đang hồi gay cấn.

Trong một thời gian dài, kịch của Sile tồn tại ở vị trí số một và được xem là khuôn mẫu tiêu biểu cho tính kịch. Sự đánh giá ấy xét ở chừng mực nhất định, đã phản ánh được thiên tài của Sile. Tác phẩm của ông ra đời không đơn thuần chỉ để thỏa mãn thị hiếu nghệ thuật, mỗi tác phẩm, mỗi nhân vật đều là bản tuyên ngôn nóng bỏng phục vụ cho lý tưởng của tác giả và thời đại. Tuy nhiên xét cho cùng, dường như tất cả các nhân vật của ông đều từa tựa như nhau. Dù đó là một thiếu tá Fecdinang đang phục vụ cho triều đình hay một Cac Moorơ là hiện thân của tên cướp thì cả hai đều là những con người ngoan cường chống bạo quvền. Họ vì tình yêu cao cả mà chống lại âm mưu quỷ quyệt, vì trật tự xã hội xấu xa mà đi làm ăn cướp. Cả hai mang đậm tính khái quát xã hội, là loa phá ngôn cho tư tưởng Sile.

Khuynh hướng đấu tranh xã hội của họ rất mạnh mẽ, quyết liệt nhưng xét về tính cá thể hóa lại có phần nào trở nên mờ nhạt, công thức. Phecđinăng là hiện thân của con người lý tưởng, rất đẹp đẽ và cao cả. Chàng đấu tranh không phải vì lợi ích cá nhân thấp hèn mà vì tự do, vì hạnh phúc, vì công lý. Đó cũng là bản chất thời đại của thanh niên trong phong trào “Bão táp và xung kích”. Trong họ dạt dào sức sống mãnh liệt, ý chí quật cưỡng và tính cách sùng sục như núi lửa sẵn sàng thiêu đốt tất cả bạo lực cường quyền. Họ là sức mạnh của thời đại mang tính chiến đấu cao, là những luồng bão táp xô ngã chế độ phong kiến già cỗi lỗi thời và tàn bạo. Họ dọn đường cho những tư tưởng mới thức thời hơn, tân tiến hơn và dân chủ hơn. Đó là những nhân vật chung của xã hội, cái tôi bản ngã của họ bị che lấp hoàn toàn bởi cái tôi tốt đẹp của Sile. Ở họ chúng ta khó tìm thấy một chút suy tư, dằn vặt của đời sống cá nhân vặt vãnh. Họ trừu tượng và đơn giản như nhau. Cho nên các nhân vật của Sile hầu hết đều không để lại ấn tượng cụ thể mặc dù đã không ít người trong số họ đã từng gây xúc động trong lòng người xem và được xem như là hình tượng đẹp trong nền văn học thế giới. Đó là những nhân vật của riêng Sile, được xây dựng theo kiểu Sile và mang dấu ấn riêng của thiên tài Sile.

  • Kết bài:

Tác phẩm của Sile là bản hùng ca về những con người không khuất phục bạo quyền. Họ can đảm đứng lên bao võ quyền lợi cho dân tộc mình, giai cấp mình không bằng bạo lực mà bằng đầu óc Fecdinăng vẫn có thể chống cha mình bằng mũi kiếm, bằng sự giết chóc. Nhưng Sile đã không cho phép nhân vật của mình làm như thế. Fecdinăng phải đánh gục cha mình bằng chính những tội lỗi do ông tạo nên. Đó chính là cách trả thù thông minh và sâu sắc nhất. Và hành động ấy cũng là biểu tượng hùng hồn nhất cho tư tưởng không muốn dùng bạo lực của Sile, cho sự mờ nhạt của triết lý bất hủ: “Cái gì thuốc thang không chữa lành thì đã có sắt, sắt không chữa được thì đã có lửa” mà một thời Sile tôn sùng để chữa chứng bệnh nan y cho xã hội.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.