Phân tích bài thơ Đảo Sơn ca của Lê Cảnh Nhạc
- Mở bài:
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc thuộc thế hệ nhà thơ trẻ, có nhiều đóng góp đối với nền thơ Việt Nam đương đại. Ông là người đa tài, vừa làm thơ, vừa kết hợp với các nhạc sĩ viết ca từ cho hơn 100 ca khúc, hợp xướng; tác giả kịch bản nhiều chương trình nghệ thuật.
Bài thơ Đảo Sơn Ca ra đời ngày năm 2016, kết quả của chuyến thăm biển đảo Sơn ca của tác giả. Bài thơ thể hiện cảm xúc chân thành và sự cảm phục của nhà thơ trước sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người trên đảo. Đặc biệt là hình ảnh người lính hải quân ngày đêm canh gác, giữ yên biển trời Tổ quốc.
- Thân bài:
Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu vẻ đẹp cảnh sắc của thiên nhiên trên đảo.
Quả bàng vuông xanh non màu lá
Mơn mởn thơm mùi nắng Sơn Ca
Hoa giấy đỏ dưới trời nắng cháy
Chim líu lo rót mật trước hiên nhà
Chỉ vài nét phác họa, tác giả đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên Đảo Sơn Ca xanh tươi, tràn đầy sức sống. Cây bàng biển ngày đêm chắn gió, vẫn ra hoa kết quả. Màu hoa giấy đỏ kết hợp với cái nắng rực rỡ của đảo trở thành điểm nhấn đầy ấn tượng giữa biển trời bao la. Có ai ngờ nơi đảo xa, thiên nhiên vẫn khoe sắc thắm. Dù biển đảo với điều kiện khắc nghiệt “Khát từng giọt mưa mùa khô trên đảo” nhưng “Cây vẫn mướt xanh vẫy gọi chim trời”. Những tiếng chim lảnh lót kêu suốt bốn mùa ở đảo làm cho không khí nơi đây luôn rộn ràng mà không bị đơn điệu, trầm lặng. Tiếng chim líu lo hót trước hiên nhà hòa trong tiếng sóng vỗ tạo thành một khúc nhạc du dương. Sắc màu ấy, âm thanh ấy khiến cho cuộc sống trên đảo không còn xa lạ mà rất thân quen, gọi nhớ quê nhà. Từ những điều mộc mạc, giản dị đó mà tác giả đã giúp chúng ta liên tưởng đến khung cảnh tuyệt đẹp của đảo Sơn Ca.
Sau bức tranh thiên nhiên là cuộc sống con người bình dị, gần gũi, thanh bình:
Mái chùa cong veo chiều cổ tích
Tiếng cầu kinh bịn rịn níu hồn tôi.
Hình ảnh mái chùa cong vút như trong những câu truyện cổ tích mà ta thường được các bà, các mẹ kể. Tiếng kinh vang vọng làm bịn rịn bước chân người. Mái chùa cổ kính với tiếng chuông ngân ngày đêm hòa theo sóng vỗ núi giữ hồn người, kết nối đảo xa và đất liền. Đó là hình ảnh thân thuộc, thiêng liêng đối với biết bao con người Việt Nam, nơi kết nối giữa người và thiên nhiên, giữa cuộc sống và tâm linh, tạo ra cảm giác bình yên, thanh tịnh vô cùng, gần gũi như đã gắn bó từ lâu, giúp con người giữ vững niềm tin, dũng cảm đối mặt với sóng gió, làm cho đảo Sơn Ca thêm đặc biệt và đáng trân trọng.
Khép lại bài thơ, hình ảnh anh lính trẻ hiện lên trong tư thế đang làm nhiệm vụ:
Anh lính trẻ đứng canh chim làm tổ
Tiếng chim rơi nòng súng ngỡ sáo diều
Đảo Sơn Ca vẫn bốn mùa lảnh lót
Chim và người xây cột mốc tiền tiêu.
Người lính trẻ đứng canh chim làm tổ. Hình ảnh ấy khiến chúng ta liên tưởng đến việc anh lính trẻ đứng canh giữ hải đảo, bảo vệ đất nước ta khỏi ánh mắt của kẻ thù và đồng thời canh giữ, bảo vệ cuộc sống trên đảo. Những tiếng chim vẫn lảnh lót kêu suốt bốn mùa ở đảo làm cho không khí nơi đây luôn rộn ràng, vui tươi. Cả hình ảnh chim và người đều mang đến một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ: đó là hình ảnh chim và người xây dựng cột mốc tiền tiêu.
Bằng việc đan xen các câu thơ tả cảnh và tả người, lời thơ trong sáng, giọng điệu nhẹ nhàng, êm ái, tác giả đã thể hiện tình cảm, cảm xúc yêu mến cảnh sắc thiên nhiên nơi đây với những ngôn từ bình dị, dân dã nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp tuyệt sắc của biển trời quê hương. Đồng thời, gửi gắm tình cảm yêu quý con người nơi đây.
Có thể nói, nhà thơ đã khéo lựa chọn những hình ảnh, từ ngữ giàu sức gợi tả. Hình ảnh cây bàng, hoa giấy vẽ nên nét màu rực rỡ. Hình ảnh mái chùa cong veo, cổ kính tạo cảm giác thật gần gũi. Tiếng chim líu lo hót vang hòa trong tiếng sóng vỗ như bản hòa ca của trời đất và biển cả. Sự kết hợp hài hòa giữ thị giác, khứu giác, thính giá và tâm linh tạo nên cảm giác gần gũi, thân thuộc, khiến con người càng thêm bình tâm và tin tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.
- Kết bài:
Từ vẻ đẹp thiên nhiên, đến vẻ đẹp của những con người nơi đây, cụ thể là vẻ đẹp của người lính canh giữ hải đảo, bài thơ khiến người đọc thêm yêu quý và cảm phục cảm phục sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, con người trên đảo đang ngày đêm vất vả, hi sinh vì sự bình yên Tổ quốc.