Phân tích bài thơ Ngắm trăng (Đầy đủ, chi tiết nhất)

phan-tich-bai-tho-ngam-trang

Phân tích bài thơ Ngắm trăng (Hồ Chí Minh)

  • Mở bài:

Hồ Chí Minh không những là một lãnh tụ vĩ đại, nhà cách mạng lỗi lạc, nhà ngoại giao kiệt xuất, mà còn là một nhà văn, nhà thơ xuất sắc, danh nhân văn hoá thé giới.

– Bài thơ Ngắm trăng được trích từ tập thơ Nhật kí trong tù, một kiệt tác văn học của Hồ Chí minh. Tác phẩm thể hiện một tình yêu thiên nhiên đến say mê cùng phong thái ung dung, tự tại của Bác ngay trong cảnh ngục tù tăm tối.

  • Thân bài:

Bài thơ Ngắm trăng là một trong những sáng tác tiêu biểu nhất của tập Nhật kí trong tù. Dù trong hoàn cảnh ngục tù tối tăm và bức bách nhưng trước vẻ đẹp của ánh trăng đêm, tâm hôn Bác không khỏi rung động. Bài thơ là minh chứng cho ý chí kiên định, sắt đá của Bác trước nghịch cảnh: “Thân thể ở trong lao / Tinh thần ở ngoài lao”.

Câu thơ mở đầu miêu tả cảnh chốn ngục tù tăm tối và nỗi niềm băn khoăn của thi nhân trước cảnh đêm trăng đẹp:

“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”.

Đối với các bậc thi nhân, ngắm trăng là một thú vui tao nhã khi nhàn hạ. Khi ngắm trăng, thường người ta sẽ uống rượu, cùng bạn hiền thưởng trăng, thưởng hoa, hoà mình trong cái đẹp của thiên nhiên vạn vật. Thế nhưng ở đây, tất cả những thứ bình thường ấy đều không có.

Trong câu mở đầu, Bác dùng điệp từ “vô” (không có) hai lần, nhằm nhấn mạnh tới những cái không có, những thứ cần thiết cho một buổi ngắm trăng đơn thuần: “không rượu, không hoa”.

Đối lập với những cái thiếu thốn bên trên là sự hiện diện của cảnh vật đẹp đến “khó hững hờ“. Câu thơ thể hiện nỗi băn khoăn và tâm trạng bối rối của thi nhân khi đứng trước cảnh đêm trăng đẹp mà lại không có rượu, không có hoa thì lấy gì để thưởng thức cảnh đẹp đêm nay?

Sự tiếc nuối, nỗi băn khoăn ấy chính là sự biểu hiện của một tấm lòng thành thực, của một tâm hồn yêu thiên nhiên đến say đắm, ngất ngây với  khát khao được hoà mình với ánh trăng sáng lung linh, với thiên nhiên huyền diệu ngoài kia. Câu thơ vừa thể hiện một tâm hồn nghệ sĩ của Hồ Chí Minh vừa khẳng định một bản lĩnh sắt thép của người chiến sĩ cộng sản. Cho dù có đối diện với khó khăn, với gông cùm, xiềng xích nơi ngục tù tăm tối, thi nhân vẫn mở lòng đón nhận tất cả những vẻ đẹp của thiên nhiên.

Lúng túng trước cảnh đẹp mà không biết phải làm sao, Bác đã tìm tới cách giải quyết hoàn cảnh đó thật khéo léo, chân tình đó là lấy tấm lòng để báo đáp người bạn tri kỉ của mình:

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Vượt qua khỏi khung sắt nhà giam, vượt qua sự tăm tối chốn ngục tù, người và trăng cùng hướng về nhau bằng một tấm lòng đối đãi người tri kỷ. Người thì hướng ra ngoài song để ngắm nhìn vẻ đẹp của trăng, còn trăng vượt qua song sắt để đến bên người. Trong không gian tĩnh mịch, tăm tối, người và trăng đã giao hoà thành một. Nghệ thuật nhân hoá đã khiến vầng trăng trở nên có tâm hồn, có ánh mắt, có dáng hình cụ thể và cũng có sự đồng cảm, sẻ chia để trở thành người bạn tri kỷ. Một khoảnh khắc lãng mạn, đậm chất thơ, chất hoạ. Chính ánh trăng đã xoá tan đi cái tăm tối, khổ đau chốn ngục tù làm cho tâm hồn con người trở nên trong sáng, thanh bạch.

Câu thơ dựng lên một bức tranh đêm với hình ảnh người tù ngắm trăng thật đẹp. Đồng thời cũng là mình chứng cho thấy, nhà tù có thể giam cầm thân xác thi nhân, nhưng không thể giam cầm tâm hồn thi nhân. Lời thơ cho thấy một tâm hồn thanh cao, yêu cái đẹp, một ý chí  vượt trên hoàn cảnh nghiệt ngã của người tù Hồ Chí Minh.

Tác phẩm được viết theo thể thơ tứ tuyệt ngắn gọn, đặc sắc, khắc hoạ thành công bức chân dung tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản: yêu thiên nhiên với tinh thần lạc quan, mạnh mẽ, vượt lên trên hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt. Đó chính là chất thép trong thơ ca Hồ Chí Minh. Với vẻ đẹp giản dị mà khác lạ, bài thơ ngắn gọn nhưng cũng toát lên được tâm hồn cao cả của thi nhân trong mọi hoàn cảnh.

Ngắm trăng mang đậm màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại. Màu sắc cổ điển thể hiện qua các hình ảnh có trong các tác phẩm thơ xưa như trăng, rượu, hoa, thể thơ tứ tuyệt. Vẻ đẹp hiện đại thể hiện ở chỗ tâm hồn lạc quan luôn tràn ngập niềm tin và lẽ sống cùng bản lĩnh phi thường, luôn hướng về phía ánh sáng của người chiến sĩ cộng sản.

  • Kết bài:

Bài thơ giúp ta đã cảm nhận được tinh thần yêu thiên nhiên của Bác Hồ thật là cao đẹp. Qua đó, ta càng thêm ngưỡng mộ tinh thần lạc quan của người lãnh tụ vĩ đại, dù gian nan vất vả đến đâu, Bác vẫn giữ vững niềm tin và hy vọng về những gì tốt đẹp, tươi sáng nhất cho tương lai phía trước.

Xem thêm:

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.