Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương

cam-nhan-bai-tho-trong-loi-me-hat-cua-truong-nam-huong

Phân tích bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương

I. Mở bài:

– Khái quát về tác giả Trương Nam Hương, tác phẩm Trong lời mẹ hát.

– Dẫn vào bài thơ Trong lời mẹ hát.

II. Thân bài:

– Khát quát đôi nét về bài thơ: đề tài, bố cục,…

– Cảm nhận bài thơ Trong lời mẹ hát:

+ Ý thức về dòng chảy trôi của thời gian.

+ Thời gian trôi đi, người mẹ cũng già dần, tóc mẹ bạc trắng.

+ Tình yêu thương của mẹ dành cho các con.

+ Những suy tư của người con.

+ Tình cảm của người con dành cho mẹ của mình.

III. Kết bài:

– Khái quát lại nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ.

– Cảm nhận, suy nghĩ về tình cảm của người mẹ trong bài thơ và ý nghĩa của tình mẹ trong cuộc sống.

Bài văn tham khảo 1:

  • Mở bài:

Nguyễn Duy trong bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” từng viết: “Ta đi trọn kiếp con người / Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”. Nhà thơ Trương Nam Hương đã từng tâm sự: “Tôi nhớ về mẹ, về quê hương, về những miền đất, về những năm tháng gian nan nghèo khó, đã cưu mang nuôi dưỡng mình”. Và ông đã gửi gắm nỗi niềm, tâm tư ấy trong bài thơ Trong lời mẹ hát – một trong những thi phẩm hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà thơ.

  • Thân bài:

Ngay từ những dòng thơ đầu tiên, tác giả đã gợi nhớ sâu trong ký ức về thời thơ ấu đầy ấm áp khi nhận được tình cảm yêu thương vô bờ bến của người mẹ:

“Tuổi thơ chở đầy cổ tích
Dòng sông lời mẹ ngọt ngào
Đưa con đi cùng đất nước
Chòng chành nhịp võng ca dao”.

Hình ảnh người mẹ hiện lên thật quen thuộc qua những lời ru ngọt ngào mà êm ái, những câu truyện cổ tích đầy ý nghĩa và sắc màu. Tất cả đã nuôi dưỡng tâm hồn con thật trong trẻo và ấm áp!. Tình cảm và sự hi sinh của mẹ là không thể đong đếm, tựa như trời biển.

Tình cảm của mẹ là vô giá mà không gì có thể thay thế được. Mong rằng, những đứa con sau khi đọc được những dòng thơ này thì sẽ hiểu, trân trọng và yêu thương mẹ nhiều hơn.

Những câu thơ tiếp theo đã gợi lên vẻ đẹp trong từng lời ru ngọt ngào và những câu ca dao êm ái của mẹ. Qua đó, người con đã thấy, đã cảm nhận được những hình ảnh quen thuộc, giản dị và gần gũi của làng quê, những rung động trong lòng về cánh đồng xanh mướt trải dài bát ngát cùng đàn cò trắng bay lả bay la trên những cánh đồng lúa chín, những màu vàng bắt mắt và xinh đẹp của hoa mướp, hình ảnh thú vị mà thân thương “con gà cục tác lá chanh”…

Trong lời mẹ hát – một bài thơ chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc – khiến con người phải nhìn nhận lại bản thân mình về lòng hiếu thảo và biết ơn đấng sinh thành:

“Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến xôn xao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao”

Tình cảm yêu thương của mẹ là vô hạn, yêu thương con bằng cả trái tim, bằng cả sinh mệnh. Trương Nam Hương đã khéo léo sử dụng các biện pháp tu từ nhân hoá đặc sắc “thời gian chạy…” để nhấn mạnh thời gian trôi qua nhanh – sự già nua của mẹ đến cũng nhanh. Phép đối được tác giả sử dụng một cách tinh tế trong hai câu thơ “Lưng mẹ cứ còng dần xuống / Cho con ngày một thêm cao” đã phần nào bộc lộ được sự biết ơn của tác giả đối với người mẹ kính yêu.

Không chỉ vậy, nhà thơ cũng đã bộc bạch những tình cảm chân thành và lòng biết ơn sâu sắc của mình dành cho mẹ. Qua những hình ảnh giản dị từ lời ru của mẹ và sự chăm sóc, dưỡng dục của mẹ chính là sức mạnh để chắp cho con “đôi cánh” bước vào đời, bay cao bay xa đến những chân trời mới.

  • Kết bài:

Bài thơ Trong lời mẹ hát của Trương Nam Hương đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Lời ru của mẹ chính là sức mạnh, chắp cánh cho con bay xa hơn. Dù có bay xa đến đâu, mẹ vẫn dõi theo con, động viên và chờ đợi con trở về trong vòng tay âu yến. Bài thơ Trong lời mẹ hát thật giàu cảm xúc, gợi ra một tình mẫu tử đẹp đẽ và chân thành.

Bài văn tham khảo 2:

  • Mở bài:

“Trong lời mẹ hát” là bài thơ rất hay của nhà thơ Trương Nam Hương viết về mẹ. Bài thơ được tác giả cho đăng lần đầu tiên trên báo “Khăn quàng đỏ”, năm 1987; sau được tuyển in trong rất nhiều tập thơ thiếu nhi. Bài thơ là sự trải lòng của người con trong nỗi nhớ cồn cào, da diết về mẹ; về vùng quê Kinh Bắc của mẹ; về những kỷ niệm thời thơ ấu của chính mình bên mẹ.

  • Thân bài:

Tác phẩm có tám khổ thơ, mỗi khổ có bốn câu, mỗi câu có sáu chữ (thể thơ sáu chữ) và được tổ chức thành ba phần để triển khai mạch cảm xúc theo hướng: hai khổ thơ đầu – lời hát ru của mẹ là cây cầu đưa con đến với những hình ảnh tươi đẹp của quê hương khi còn ấu thơ; năm khổ thơ tiếp theo – hình ảnh người mẹ hiền yêu quý ngày càng già đi theo thời gian, trong nỗi xót xa và yêu thương đong đầy của con; khổ thơ cuối cùng – ý nghĩa, vai trò to lớn của những lời hát ru của mẹ – chắp cánh cho con bay xa, trưởng thành.

Song hành với các quá trình vận động này luôn có lời hát ru của mẹ. Có thể nói, cấu tứ của bài thơ như thế thì không chỉ thể hiện được sự thấu hiểu và biết ơn của người con với mẹ mà còn vang lên như một khúc ca bất diệt đầy ấm áp, ngọt ngào, say đắm về tình mẫu tử.

“Tuổi thơ chở đầy cổ tích
Dòng sông lời mẹ ngọt ngào
Đưa con đi cùng đất nước
Chòng chành nhịp võng ca dao”.

Ở đây Trương Nam Hương không khắc họa hình ảnh người mẹ một cách trực tiếp bằng những nét vẽ thông thường. Nhà thơ đã để người mẹ hiện dần lên trong trí tưởng tượng của người đọc qua những lời hát ngọt ngào ru con. Có thể nói, với nghệ thuật khắc họa độc đáo này tác giả không chỉ cho ta thấy tấm lòng nhân ái bao la của người mẹ mà còn làm hiện lên hình ảnh của một người mẹ vô cùng tài giỏi. Cứ như thế, “sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn” (Nguyễn Duy), những khúc hát ru của mẹ song hành cùng đời con, “đưa con đi cùng đất nước”.

Và, thế là cả một thế giới của cổ tích, của ca dao theo câu hát của mẹ cứ lặng lẽ, âm thầm mà ùa vào, neo đậu, ngấm sâu vào trí nhớ để làm tươi mát cái tâm hồn bé bỏng, ngây thơ của người con. Lắng nghe trong cái thế giới ấy chúng ta như thể trông thấy “con cò bay lả bay la/ bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”; như thể nghe thấy “Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng” … Một thế giới thật thanh bình, ngộ nghĩnh nhưng cũng rất sống động: rực rỡ sắc màu: “cánh cò trắng”, “dải đồng xanh”, “vàng hoa mướp” và rộn rã âm thanh “con gà cục tác”…

Xem ra cái thế giới này trong sáng, tươi vui chứ không tủi cực, buồn thương như thể: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non”, “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao ”… Phải chăng ngay từ tấm bé người mẹ đã không muốn gieo vào cái tâm hồn còn non nớt, ngây thơ của người con những điều u ám, khổ đau để mong cho cuộc đời con sẽ gặp được những điều tươi sáng; muốn cho thế giới quan của con ngay từ khi mới mở mắt đã nhìn và nghe thấy những điều tốt đẹp, vui vẻ…

Cách nói ẩn dụ kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ (đưa tính từ “chòng chành” lên đầu câu) chẳng những nhấn mạnh cái nỗi cực nhọc của mẹ mà còn làm ám ảnh người đọc, khiến người đọc không chỉ ngon giấc trong những câu hát du dương mà còn thổn thức, rưng rưng mỗi khi nhớ về mẹ. Có lẽ cũng bởi sự thấu hiểu ấy mà những lời hát ru của mẹ đã được nhà thơ khắc họa thành “Dòng sông lời mẹ ngọt ngào”. Cách nói cường điệu hay là nghệ thuật ẩn dụ ở đây thì cũng thực hay. Trương Nam Hương bằng sự thương nhớ và kính yêu mẹ mà đã ca ngợi những lời ru của mẹ hết lời.

Phần thứ hai, nhà thơ khắc họa hình ảnh mẹ hiền thương của mình ngày càng già đi theo thời gian; trong nỗi xót xa và yêu thương đong đầy của người con:

Khóm trúc, lùm tre huyền thoại
Lời ru vấn vít dây trầu
Vầng trăng mẹ thời con gái
Vẫn còn thơm ngát hương cau.

Con nghe thập thình tiếng cối
Mẹ ngồi giã gạo ru con
Lạy trời đừng giông đừng bão
Cho nồi cơm mẹ đầy hơn…

Con nghe dập dờn sóng lúa
Lời ru hóa hạt gạo rồi
Thương mẹ một đời khốn khó
Vẫn giàu những tiếng ru nôi.

Nét độc đáo trong cách tái hiện hình ảnh người mẹ ở đoạn thơ này là sự đồng hiện mẹ cùng với lời hát ru hoặc song hành trong sự thấu cảm và yêu thương của người con. Bắt đầu là hình ảnh người mẹ hiện về trong trí tưởng tượng của người con với khuôn mặt “vầng trăng” rạng ngời sáng trong và “thơm ngát hương cau” của thời con gái. Tiếp theo là hình ảnh mẹ hiện lên với những công việc lao động của cuộc sống lao động thường nhật như “giã gạo”, cấy trồng “dập dờn sóng lúa” trong những nỗi chịu thương, chịu khó, vất vả, lam lũ.

Và cuối cùng là hình ảnh mẹ hiện lên với chiếc lưng còng và mái đầu bạc trắng. Với cách thể hiện ấy, thực chất Trương Nam Hương đã tái hiện hành trình cuộc đời của mẹ. Đó là hành trình của “một đời khốn khó”. Trong suốt hành trình ấy người ta thấy bà mẹ hiện lên thật vĩ đại, dù có khó khăn, vất vả đến đâu thì mẹ vẫn “giàu những tiếng ru nôi”, “lời mẹ vẫn thảo thơm”, hy sinh cho con, dành cho con mọi điều tốt đẹp nhất trên đời. Hành trình cuộc đời mẹ là một hành trình đánh đổi:

Áo mẹ bạc phơ bạc phếch
Vải nâu bục mối chỉ sờn
Thương mẹ một đời cay đắng
Sao lời mẹ vẫn thảo thơm.

Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ còng dần xuống
Cho con ngày một thêm cao.

Cùng với hành trình cuộc đời, lời ru của mẹ đã bồi dưỡng tâm hồn con không chỉ là những sắc màu tươi đẹp của cuộc sống mà còn cả những huyền thoại mở ra những trang sử hào hùng của dân tộc với hình ảnh cây tre của làng Phù Đổng; các giá trị nhân văn “vấn vít dây trầu” để nhắc nhở tình yêu thương trong “Sự tích trầu cau”. Đặc biệt, hiện lên trong đoạn thơ này là bao nỗi niềm thương xót cho cuộc đời vất vả vì con của mẹ trong mắt người con. Những âm thanh “thập thình” của tiếng giã gạo trong nỗi lo giông bão; những nỗi phấp phỏng đợi chờ xen lẫn ước mong “sóng lúa” hóa thành “hạt gạo”; những nỗi xót thương “Áo mẹ bạc phơ bạc phếch”, “Vải nâu bục mối chỉ sờn”; những cái giật mình lo lắng bởi trên đầu mẹ “Một màu trắng đến nôn nao” và tấm lưng mẹ “cứ còng dần xuống” là những cơn sóng lòng xót xa của nhà thơ tưởng như đang thắt lại.

Dòng chảy thời gian qua cuộc đời gợi lại cuộc đời của mẹ với bao nỗi vất vả, đắng cay nhưng giàu tình thương; để thấy được sự thay đổi về dáng hình, diện mạo của mẹ theo thời gian; đồng thời cũng là để gửi gắm những nỗi niềm nhớ thương da diết của người con dành cho mẹ trong sự thấu hiểu, cảm thông. Cái nỗi niềm ấy đã có lần được nhà thơ bộc bạch:

“Mẹ một đời thầm lặng sống bao dung
Dắt lúa lội qua mùa Đông thoi thóp
Mẹ từng giấu vào đêm nghìn giọt khóc
Quả bàng khô chờ rụng lúc không người”

(Với sông Hồng).

Phần cuối cùng của bài thơ là một bản tình ca về tình mẫu tử:

“Mẹ ơi, trong lời mẹ hát
Có cả cuộc đời hiện ra
Lời ru chắp con đôi cánh
Lớn rồi con sẽ bay xa”.

Từ sự yêu thương và thấu hiểu về mẹ, nhà thơ đã nhận ra đời mẹ, tình mẹ, mong ước của mẹ “trong lời mẹ hát”. Chẳng những thế người con còn nhân ra ý nghĩa của những lời ru của mẹ “Lời ru chắp con đôi cánh/ Lớn rồi con sẽ bay xa”.

Ở đây ta thấy nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa rất tinh tế để tạo nên một hình ảnh rất cụ thể: “Lời ru chắp con đôi cánh” nhằm thể hiện vai trò của lời hát ru đối với người con, mỗi đứa trẻ. Lời hát ru ấy sẽ ngấm sâu vào trong tâm hồn người con và được người con mang theo suốt cuộc đời. Nó là động lực, sức mạnh để người con vững tin bước vào cuộc sống, để trên đường đời mỗi bước con đi được “chân cứng đá mềm’. Câu hát ru ấy phải chăng chính là mẹ. Mẹ luôn ở bên con, che chở giúp cho con vượt qua những khó khăn, gian lao.

Rất kiệm lời, hình ảnh giản dị nhưng lại rất sang trọng, câu thơ của Trương Nam Hương giống một dòng suối nguồn trong trẻo, ngọt ngào về tình mẫu tử cao đẹp và thiêng liêng. Suối nguồn tươi mát ấy, tin chắc rằng sẽ không bao giờ vơi cạn và chảy mãi trong lòng người đọc hôm nay và mai sau.

  • Kết bài:

Đọc bài thơ Trong lời mẹ hát chúng ta thấy đây đúng là một khúc ca về mẹ. Bằng tất cả tình thương nhớ của mình với người mẹ hiền yêu quý Trương Nam Hương đã nói lên được những nỗi niềm xót xa và lòng biết ơn vô hạn của người con trước những hi sinh âm thầm, lặng lẽ của mẹ dành cho con.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.