Bài thơ “Ngắm trăng”, “Đi đường” (Hồ Chí Minh), SGK Ngữ văn 8, Tập 2

ngam-trang-di-duong-sgk-ngu-van-8-tap-2

Ngắm trăng (Vọng nguyệt)

Vọng nguyệt (Ngắm trăng)

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

Dịch nghĩa:

Trong tù không rượu cũng không hoa,
Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?
Người hướng ra trước song ngắm trăng sáng,
Từ ngoài khe cửa, trăng ngắm nhà thơ.

Dịch thơ:

Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

(Nam Trân)

Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập (tập 3), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000


Tham khảo:

Phân tích bài thơ Vọng nguyệt (Ngắm trăng) trích Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh.

  • Mở bài:

Năm 1942, trong thời gian bị bắt giam ở Trung Quốc, Bác Hồ đã viết Nhật ký trong tù. Ngắm trăng (Vọng nguyệt) là một trong những bài thơ hay của Bác trong tập nhật ký và cũng là một bài thơ hay Bác viết về trăng.

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.

(Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ!
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ).

(Nam Trân dịch)

  • Thân bài:

Trăng vốn là một đề tài lớn trong thi ca từ xưa đến nay. Đối với người xưa, trăng là biểu tượng của vẻ đẹp tinh khiết, ngắm trăng là một thú tiêu dao, mang nhiều ý nghĩa thi vị và triết lí. Người xưa ngắm trăng đều có hoa, rượu và bạn hiền để đối ẩm, ngâm vịnh thi ca hoặc suy nghiệm về lẽ đời. Có rượu ngon, hoa đẹp và bạn hiền thì sự thưởng trăng khi thảnh thơi, tâm hồn thư thái. Có lẽ, lối sống ấy có tác động sâu sắc đến tâm hồn của Hồ Chí Minh, cho nên, ngay câu thơ đầu, Người đã nêu bật lên điều đó:

“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa”

(Trong tù không rượu cũng không hoa).

Câu thơ nói rõ hoàn cảnh ngắm trăng của Bác đêm nay: không có rượu cũng không có hoa. Hoàn cảnh ngục tù khiến cho việc ngắm trăng đêm nay thiếu thốn tất cả. Thế nhưng, vẫn còn có mọt tâm hồn tha thiết với trăng cao. Lấy cái không để nói cái có khiến cho ý thơ vút lên cao, không còn vướng bận:

“Đối thử lương tiêu nại nhược hà?”

(Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ!)

Trước cảnh đêm trăng quá đẹp, Hồ Chí Minh bỗng khao khát được thưởng trăng một cách trọng vẹn và lấy làm tiếc không có rượu và hoa. Nếu ngắm trăng suông thì cái ý vị của việc ngắm trăng sẽ không có. Nếu hững hờ trước ánh trăng tuyệt đẹp thì có lẽ đã phụ bạc tấm lòng của tạo hóa đã dày công ban tặng. Việc nhớ đến rượu và hoa trong cảnh tù ngục khắc nghiệt ấy đã cho thấy người tù này không hề vương bận bởi những ách nặng về vật chất, tâm hồn vẫn tự do, vẫn ung dung, vẫn thèm được tận hưởng cảnh trăng đẹp.

Trong nguyên tác, Bác viết: Đối thử lương tiêu nại nhược hà? (Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?). Câu thơ dịch dịch thành: “Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ” đã làm mất đi cái xốn xang, bối rối của nhân vật trữ tình và cũng là mất đi sự lãng mạn và nhạy cảm trước thiên nhiên trong tâm hồn của Bác.

Câu thơ có cái xốn xang, bối rối rất nghệ sĩ trước cảnh đêm trăng quá đẹp của Bác Hồ, cho thấy rõ tâm hồn nghệ sĩ đích thực của Người. Mà trong tù thì biết làm thế nào để có cuộc ngắm trăng thực sự, và vì vậy mà càng bứt rứt, bối rối. Người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, lão luyện ấy vẫn là một con người yêu thiên nhiên một cách say mê và hồn nhiên, đã rung động mãnh liệt trước cảnh trăng đẹp, dù đang là thân tù.

Vượt qua phút bối rối, Người hướng về vầng trăng, thả hồn theo ánh sáng kì diệu:

“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia”.

(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.)

Các từ chỉ người (nhân, thi gia) và các từ chỉ trăng (nguyệt) đặt ở hai đầu, ở giữa là cửa nhà tù (song). Thế nhưng, giữa người và trăng vẫn tìm được sự giao hoà với nhau. Qua song sắt nhà tù, Bác vẫn cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên, của ánh trăng. Xiềng xích nhà tù chỉ có thể trói được thân thể Bác chứ không thể ngăn được tâm hồn thi nhân bay đến với thiên nhiên rộng lớn. Cấu trúc đối này đã làm nổi bật tình cảm mãnh liệt giữa người và trăng, nổi bật sự gắn bó thân thiết của một mối quan hệ từ lâu đã trở thành tri kỉ (Bác với trăng).

Vượt lên trên mọi gian khổ, giam cầm, tra tấn của nơi lao tù, Bác không hề bi quan, ngược lại vẫn thanh thản, ung dung, tự tại, hướng tới vẻ đẹp vầng trăng. Song sắt nhà tù không giam hãm được khát khao tự do mãnh liệt của Bác, Bác đã vượt ngục tinh thần bằng thơ.

Bài thơ vừa thể hiện tình cảm thiên nhiên đặc biệt sâu sắc, mạnh mẽ, một biểu hiện nổi bật của tâm hồn nghệ sĩ ở Bác Hồ, vừa cho thấy sức mạnh tinh thần to lớn của người chiến sĩ vĩ đại đó. Vì vậy, có thể nói, đằng sau những câu thơ rất thơ đó lại là một tinh thần thép, mà biểu hiện ở đây là sự tự do nội tại, phong thái ung dung vượt hẳn lên sự đè nặng của ngục tù. Qua bài thơ, người đọc cảm thấy người tù cách mạng ấy dường như không chút bận tâm về những cùm xích, đói rét, mỗi rệp, ghẻ lở… của chế độ nhà tù khủng khiếp, cũng bất chấp song sắt thô bạo của nhà tù, đã để tâm hồn bay bổng tìm đến ‘đối diện đàm tâm’ với vầng trăng tri âm.

Bài thơ là một minh chứng sinh động cho hai câu thơ Hồ Chí Minh viết ngoài bìa tập Nhật kí trong tù:

“Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao”.

Điều đáng lưu ý là thơ Bác dành một vị trí trang trọng cho trăng. Ngoài bài thơ Vọng nguyệt, Bác còn có nhìu bài thơ khác viết về trăng: Trung thu (được viết khi Bác bị bắt giam ở nhà tù Tưởng Giới Thạch); Cảnh khuya (1947); Rằm tháng giêng (Nguyên tiêu) (1948); Đối trăng (Đối nguyệt) (được viết trong kháng chiến chống thực dân Pháp). Có thể thấy, giữa trăng và thi nhân có một khối giao hoà đồng điệu như tri âm tri kỉ. Vì thế, viết về trăng, các bài thơ của Hồ Chí Minh bộc lộ một tâm hồn nhảy cảm với cái đẹp, tinh tế trước cảnh sắc thiên nhiên. Bên cạnh phẩm chất nghệ sĩ ấy là cốt cách người chiến sĩ với phong thái ung dung, lạc quan, luôn hướng về ánh sáng. Mặc khác, các bài thơ viết về trăng cho thấy một phong cách đặc sắc trong thơ trữ tình của Người, đó là sự hoà quyện giữa chất cổ điện và tinh thần hiện đại.

  • Kết bài:

Ngắm trăng (Vọng nguyệt) vốn là một thi đề lớn trong thơ xưa. Thi nhân gặp trăng đẹp thì làm thơ, có rượu có hoa thì càng hoàn mĩ. Người xưa chỉ ngắm trăng khi có điều kiện thuận lợi, tâm hồn thư thái thảnh thơi. Nhưng ở đây, dù ở trong hoàn cảnh vô cùng bất lợi, Bác vẫn hướng tâm hồn về ánh trăng sáng. Qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan và phong thái ung dung tự tại của Bác trong cảnh ngục tù tối tăm.


Tẩu lộ (Đi đường)

Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Vạn lý dư đồ cố miện gian.

Dịch nghĩa

Có đi đường mới biết đường đi khó,
Hết lớp núi này lại tiếp đến lớp núi khác;
Khi đã vượt các lớp núi lên đến đỉnh cao chót,
Thì muôn dặm nước non thu cả vào tầm mắt.

Dịch thơ:

Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.

(Nam Trân)

Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập (tập 3), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000 .


Tham khảo:

Phân tích bài thơ Tẩu lộ (Đi đường) trích Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh

  • Mở bài:

Bài thơ “Đi đường” (trích trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí minh) khắc họa chân thực những gian khổ mà người tù gặp phải, đồng thời thể hiện thể hiện chân dung tinh thần người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh, nói lên ý nghĩa triết lí cao cả.

  • Mở bài:

Mở đầu bài thơ: “Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan” (Có đi đường mới biết đường khó đi) nói đến cái khó của việc đi đường. Cách nói trực tiếp: đi đường – gian lao: tự bản thân phải được thực hành, được trải nghiệm thì mới hiểu được tính chất sự việc. Đây không phải sự miêu tả con đường đơn thuần mà nhằm gợi lên những suy ngẫm sâu sắc. Điệp từ “tẩu lộ” nhấn mạnh việc đi đường rất gian khổ, chỉ có người từng trải mới cảm nhận được hết sự vất vả đó. 

Cau thơ thứ hai khắc họa rõ nét những khó khăn gian khổ, những chông gai mà người tù phải trải qua: “Trùng san chi ngoại hựu trùng san”. Câu thơ mang nghĩa có rất nhiều núi cao, hết núi cao này lại đến núi cao khác, khó khăn không giảm, không ngớt. “Hựu trùng san” là khẳng định khó khăn không những không giảm đi mà còn có sự tăng cấp. Điệp từ “trùng san” cộng thêm từ “hựu” càng làm tăng thêm sự gian truân, khó nhọc, hiện lên trước mắt người đọc những ngọn núi cao trọc trời. Đây là sự suy ngẫm về sự khổ ải, khúc khuỷu, đầy trắc trở của cuộc đời; nâng cao ý chí, nghị lực sẵn sàng vượt qua tất cả. Đó cũng chính là ẩn dụ chỉ con đường Cách mạng, con đường đầy gian nan thử thách.

Đến câu thơ thứ ba, mạch thơ có sự chuyển đổi lớn: “Trùng san đăng đáo cao phong hậu”. Câu thơ diễn tả hoàn cảnh vượt mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ để “lên đến tận cùng”: Mọi gian khổ rồi sẽ kết thúc, mọi khó khăn sẽ lùi về sau. Tứ thơ cổ điển “đăng cao” làm nổi bậc phong hái ung dung chiếm lĩnh cảnh vật, hòa mình vào vũ trụ bao la, rộng lớn. Con người như sánh ngang với thiên nhiên vũ trụ, ung dung giữa trời đất, ta không thấy ở đó bóng dáng của một người tù đang bị giam cầm trong thực tại mà chỉ thấy một tâm hồn tự do chiếm lĩnh. Có trải qua gian khổ thì mới tới đích, càng gian khổ thì càng gần tới đích hơn

Câu cuối bài thơ là lời khẳng định chắc chắn về thành quả thu được sau khi đã vượt qua muôn trùng gian nan: “Vạn lý dư đồ cố miện gian”. Thật bất ngờ, thành quả ấy không phải là giá trị vật chất mà là niềm sướng vui của tinh thần. Lúc này người đi đường như một du khách ung dung say sưa ngắm nhìn lại khung cảnh thiên nhiên bao la, ngắm lại những gì mình đã trải qua. Tâm thế, vị thế của con người khi chinh phục được thiên nhiên, vượt qua được giới hạn của bản thân: “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Con người thực sự làm chủ thiên nhiên, đất trời. Câu thơ là niềm vui sướng vô biên khi được tự do đứng ngắm nhìn cảnh vật bên dưới. Sự chiêm nghiệm về cuộc đời: vượt qua gian lao sẽ đến được đỉnh cao của chiến thắng. Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản trên đỉnh cao của chiến thắng, qua đó thể hiện nghị lực, phong thái lạc quan, yêu đời của Bác dù đó là con đường đầy ải, chân tay bị trói buộc bởi xiềng, xích.

  • Kết bài:

Từ việc đi đường, bài thơ mang đến một chân lí đường đời đó là vượt qua được gian lao sẽ đi được tới thành công. Bài thơ cho ta bài học về đường đời nhiều khó khăn nguy hiểm, bài học về quyết tâm, vượt khó, vươn lên giành thắng lợi trên con đường đời. Mỗi cuộc đời là một trăm năm, ai cũng phải một trăm năm đi đường. Có con đường lao động mưu sinh, có con đường công danh lập nghiệp. Tuổi trẻ còn có con đường học tập. Bài thơ “Đi đường” trở thành hành trang cho mỗi chúng ta sức mạnh để vươn lên thực hiện ước mơ của mình.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.