phan-tich-bai-tho-tay-tien-quang-dung

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên vừa thơ mộng, trữ tình vừa dữ dội, kì vĩ qua nỗi nhớ của người lính Tây Tiến

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên vừa thơ mộng, trữ tình vừa dữ dội, kì vĩ qua nỗi nhớ của người lính Tây Tiến

  • Mở bài:

Bài thơ “Tây Tiến” biểu hiện một nỗi nhớ da diết mênh mang về người, về cảnh, về những kỉ niệm mà đoàn quân Tây Tiến đã đi qua. Quang Dũng đã sống những tháng ngày không thể nào quên trong cuộc đời cầm súng và cầm bút của mình. Hình tượng nhân vật trữ tình trung tâm bài thơ là người lính hào hoa, lãng mạn. Họ tự dấn thân vào cuộc chiến đấu với ý chí quyết tâm lớn với những ước mong cao đẹp và một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm. Bức tranh Tây Tiến vừa thơ mộng, trữ tình, dịu êm, vừa dữ dội, kì vĩ được khắc họa đậm nét qua nỗi nhớ thiết tha của người lính.

  • Thân bài:

Bài thơ “Tây Tiến” được mở đầu bằng tiếng gọi thiết tha như vọng từ sâu thẳm tâm hồn nhà thơ:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Nhớ về Tây Tiến là Quang Dũng nhớ về dòng sông Mã. Ông nhớ về cảnh sắc thiên nhiên chốn núi rừng miền Tây xa xôi, kì bí. Nổi nhớ man mác, mênh mang như gửi về muôn nẻo“nhớ chơi vơi”. Trong thơ ca Việt Nam xưa nay đã có khá nhiều những bài thơ, câu thơ hay nói về nỗi nhớ: “Nhớ ai bổi hổi bồi hồi” (Ca dao); “Nhớ gì như nhớ người yêu” (“Việt Bắc” – Tố Hữu); “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét” (“Tiếng hát con tàu” – Chế Lan Viên). Nhưng “nhớ chơi vơi” thì dường như Quang Dũng là người đầu tiên nói tới. Nỗi nhớ ấy như có dáng hình cụ thể. Nó cứ bồng bềnh trong không gian và thời gian. Nó thường trực trong ý thức và lấn chìm cả trong những giấc ngủ. Nỗi nhớ ấy cứ lan tỏa thấm đượm trong từng câu thơ, khổ thơ.

Có thể nói, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng được xây dựng trên nền cảm hứng thương nhớ với bao kỉ niệm không thể nào quên. Cùng với nỗi nhớ cả một miền đất xa xôi lần lượt hiện về sống dậy trong lòng hồi tưởng của nhà thơ:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.

Những địa danh nơi miền Tây xa xôi như Sài Khao, Mường Lát được tác giả nhắc đến trong bài thơ gợi nên cái âm u mịt mù của miền đất lạ. Nơi có “đoàn quân mỏi” đi trong sương. Nơi ấy lại có một vẻ đẹp lãng mạn huyền ảo: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.

Câu thơ thật mới mẻ, độc đáo lan tỏa trong ta cảm giác lâng lâng. Tác giả nói “hoa về” mà không phải là “hoa nở”; “đêm hơi” chứ không phải “đêm sương”. Bông hoa hiện ra mờ mờ trong gương. Trong màn sương dày dặc, người lính Tây Tiến vẫn thấy hoa. Bông hoa mờ ảo như núi rừng, như đất trời hội tụ tinh hoa. Lại thêm “đêm hơi” càng làm cho nó mờ khuất trong tâm trí. Câu thơ gây được sự ám ảnh lớn bởi hình ảnh thơ độc đáo ấy.

Đọc đến đây ta có cái cảm giác như cái mệt mỏi của đoàn quân dường như tan biến hết. Quang Dũng đã viết câu thơ rất tài tình với hầu hết là thanh bằng. Câu thơ êm đềm tạo cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng, chơi vơi. Nó lan tỏa muôn nơi giống như sương, như hương hoa, như hồn người vậy.

Bài thơ đã khắc họa, tô đậm chân dung người lính Tây Tiến. Cả bài thơ là sự hồi tưởng, hoài niệm của Quang Dũng về những người đồng chí, về những miền đất đã đi qua. Tất cả chỉ là sự nhớ, là sự hồi tưởng. Tất cả là những kỉ niệm không thể nào quên. Vì thế, nó có một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của thiên nhiên miền Tây của Tổ Quốc.

Quang Dũng vừa làm nổi bật được vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình vừa diễn tả được khắc nghiệt dữ dội, hiểm trở của nó. Thiên nhiên miền Tây qua con mắt nhìn của Quang Dũng có vẻ đẹp khác thường. Nó có một vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình và mềm mại như một bức tranh lụa. Những bông hoa đong đưa làm duyên bên suối. Những bản làng thấp thoáng ẩn hiện trong sương. Những dáng người chèo thuyền độc mộc trên sông,… Tất cả hoang sơ, kì bí và huyền ảo đến mê li.

Thiên nhiên miền Tây cũng hiện lên với tất cả sự hiểm trở, dữ dội, khắc nghiệt của nó. Hàng loạt hình ảnh dữ dội được nhà thơ nhắc đến. Núi rừng với đèo cao, vực sâu, mưa nguồn, thác lũ. Cái nào cũng hung hiểm, dữ dội. Núi rừng còn có thú dữ, cơn sốt rét rừng khủng khiếp,… Cái nà cũng đáng sợ.

Đó là mặt trận, là địa bàn hoạt động của người lính Tây Tiến. Qua vẻ đẹp thơ mộng trữ tình, Quang Dũng đã thể hiện được tâm hồn lãng mạn của người lính. Nó khẳng định sự tinh tế, tài hoa của người lính Tây Tiến. Miêu tả một thiên nhiên dữ dội, khắc nghiệt, Quang Dũng không chỉ muốn nói lên sự gian khổ, vất vả mà còn làm nổi bật ý chí quan tâm của họ. Khung cảnh thiên nhiên hiện lên dữ dội bao nhiêu thì hình ảnh người lính Tây Tiến càng lớn lao, hùng vĩ bấy nhiêu.

Sau khi nhìn toàn cảnh nhà thơ Quang Dũng tái hiện con đường hành quân. Hình ảnh rừng núi sông Mã hiện lên thật dữ dội, đáng sợ. Đó là con đường gập ghềnh, khúc khuỷu đầy hiểm nguy. Đó là đèo cao dốc đứng, với vực sâu thăm thẳm thật đáng sợ. Người lính luôn phải hành quân trong mưa lũ, thét gào. Khung cảnh thiên nhiên dữ dội khắc nghiệt ấy được Quang Dũng khắc họa bằng những câu thơ gân guốc giàu tính tạo hình:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”.

Sự dữ dội, hiểm trở, khắc nghiệt của thiên nhiên, của con đường đã được nhà thơ Quang Dũng thể hiện bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật. Đó là bút pháp xây dựng hình ảnh tương phản, đối lập. Nhà thơ còn sử dụng nhiều thanh trắc tạo nên sự đứt gãy của câu thơ thật ấn tượng. Những câu thơ này không những tạo hình bằng hình ảnh mà còn được tạo hình bằng thanh điệu… Trong tác phẩm Truyện Kiều nổi tiếng của Nguyễn Du có những câu thơ giàu chất tạo hình như thế: “Vó câu khập khểnh, bánh xe gập ghềnh”.

Bản thân thanh điệu của câu thơ đã đủ diễn tả con đường gập ghềnh ấy.  Nhưng Nguyễn Du đâu có trực tiếp miêu tả đường. Nhà thơ chỉ miêu tả vó câu (bước chân ngựa) và bánh xe lăn đi như thế nào. Vậy mà người đọc vẫn có thể hình dung ra con đường ấy thật rõ ràng.

Có thể nói, qua ba câu thơ, Quang Dũng đã vẻ lên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ hiểm trở và dữ dội. Những thủ pháp nghệ thuật đối lập được nhà thơ Quang Dũng khai thác triệt để. Con đường hành quân của người chiến sĩ hết lên cao lại xuống sâu, gập ghềnh, khúc khuỷu. Đọc câu thơ lên ta có cảm giác như nghe thấy được cả hơi thở nặng nhọc của người lính trên đường hành quân. Con đường hành quân đầy vất vả, gian lao của người chiến sĩ Tây Tiến. Đây đèo cao, vực sâu thăm thẳm, kia thác lũ mưa nguồn.  Tất cả như án ngữ, ngăn chặn bước đường của người chiến sĩ Tây Tiến.

Cách sử dụng từ ngữ của nhà thơ rất mới mẻ đầy táo bạo. Trên đỉnh trời nhưng nhà thơ không viết súng chạm trời mà lại viết “súng ngửi trời”. Cách dùng từ táo bạo ấy vừa diễn tả được độ cao của đỉnh núi lại vừa thể hiện được sự dó dỏm, thông minh, lạc quan của người chiến sĩ . Đó cũng là cách nói vui đùa, tếu táo, mang đậm chất lính.

Nét vẽ của nhà thơ Quang Dũng ở khổ thơ này thật dữ dội, phóng khoáng mà cũng thật nên thơ. Có câu thơ hun hút đi lên cao mãi như sánh với chiều cao chốn rừng núi “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”. Có câu thơ lại gấp khúc, giữa giữa chiều cao và chiều sâu: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Câu thơ ngắt nhịp ở giữa, gợi hình ảnh con đường đi lên rất cao, rất dốc; con đường đi xuống thì sâu thăm thẳm.

Qua những câu thơ này, Quang Dũng không những nói lên được sự khác biệt dữ dội của thiên nhiên mà còn thể hiện được sự vất vả gian lao và chí quyết tâm to lớn của người lính Tây Tiến. Nếu như ở ba câu thơ đầu Quang Dũng sử dụng nhiều thanh trắc với những nét vẽ gân guốc mạnh mẽ thì ở câu thơ thứ tư lại toàn thanh bằng giống như một nét bút mềm mạc và tinh tế:

“Nhà ai Pha Luông mưa xa”.

Có thể hiểu câu này theo hai mức độ và sắc thái khác nhau. Từ trên đỉnh núi cao nhìn ra xa, người lính Tây Tiến thấy những ngôi nhà ở Pha Luông thấp thoáng ẩn hiện trong cơn mưa. Nhưng cũng có thể hiểu khi cơn mưa trút xuống cả một vùng rộng lớn mịt mờ, trắng nước ngỡ như biển khơi. Những ngôi nhà ở Pha Luông như dập dềnh trên biển lớn.

Hình ảnh những ngôi nhà ở Pha Luông đã gợi lên trong tâm hồn người chiến sĩ trẻ Tây Tiến một cảm giác nhẹ nhõm thanh thản, bình yên sau một chặng đường dài hành quân vất vả. Ở khổ thơ này, từng mảnh hình khối, đường nét chuyển đổi rất nhanh. Tất cả dường như đột ngột xuất hiện trong một khung cảnh núi rừng bao la, hùng vĩ giống như một bức tranh hoành tráng.

  • Kết bài:

Thành công của “Tây Tiến” là khắc họa đậm nét chất lãng mạng và hào hùng củ người lính Tây Tiến. Bức tranh Tây Tiến vừa thơ mộng, trữ tình, dịu êm, vừa dữ dội, kì vĩ được khắc họa đậm nét qua nỗi nhớ thiết tha của người lính. Quang Dũng đã vân dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình trong hội họa. Bút pháp nghệ thuật của nhà thơ thật uyển chuyển, phóng khoáng, đưa lại cho người đọc những cảm xúc mới mẻ phong phú.

Cảm nhận bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang