Sức mạnh phản kháng của nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ

suc-manh-phan-khang-cua-nhan-vat-my-trong-vo-chong-a-phu

Cảm nhận sức mạnh phản kháng của nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài).

  • Mở bài:

Trong truyện ngắn “Mùa lạc”, nhà văn Nguyễn Khải đã viết: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Không chỉ nhân vật Đào trong tác phẩm mà còn có nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là những điển hình tiêu biểu khẳng định mạnh mẽ chân lí ấy. Sức mạnh phản kháng của nhân vật Mị làm nên sức sống mãnh liệt trong nhân vật.

  • Thân bài:

Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện ngắn xuất sắc của đời văn Tô Hoài và của nền văn học kháng chiến. Tác phẩm khắc họa thành công số phận bất hạnh, khổ đau và đề cao sức mạnh phản kháng của người dân vùng cao trước sự áp bức, bóc lột của tầng lớp thống trị. Tác phẩm đã lên tiếng tố cáo những thế lực xấu xa, đồng thời thể hiện tiếng nói thông cảm, trân trọng và đồng tình dành cho khát vọng tự do, sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị và A Phủ.

Cũng như nhân vật Đào trong Mùa lạc, nhân vật Mị đã được Tô Hoài liên tục đặt vào thử thách trong việc bước hay không bước qua những “lằn ranh giới” trong những lần phản kháng. Các lần thử thử thách được sắp đặt khéo léo hết sức tự nhiên, lần sau cao hơn lần trước.

Ở lần phản kháng đầu tiên, Mị định ăn lá ngón quyên sinh để thoát khỏi nỗi nhục vì bị bắt làm vợ A Sử, một kẻ tàn ác. Quyết định này một mặt để bảo vệ bản thân, mặt khác quyết liệt thể hiện thái độ không đồng tình. Tuy nhiên, người ngăn Mị lại chính là cha Mị. Không ai hiểu con bằng đấng sinh thành. Người cha cùng khổ ấy đã nói trong nước mắt, van xin Mị dừng ngay hành động dại dột ấy. Ý định của Mị đã bị ngăn chặn, cô không vượt qua được áp lực từ người thân yêu duy nhất của mình. Mị không muốn vì sự ích kỉ của bản thân mà phải làm người cha đau lòng, tiếp tục một mình gánh lấy nỗi đau khổ. Đó là một quyết định đúng đắn.

Tinh thần phản kháng sau lần thất bại đầu tiên tiếp tục sống trong lòng Mị. Cô chính thức bước vào cuộc đời nô lệ đầy nước mắt. Cô âm thầm phản kháng bằng cách sống im lặng, sống mờ nhặt như một chiếc bống; sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Tưởng chừng như công việc vất vả ngày đêm và sự hành hạ khốc liệt của nhà thống lý Pá Tra đã làm cho tâm hồn Mị chìm chết. Nhưng không, tâm hồn ấy vẫn âm thầm sống, không hẳn để mong một ngày được giải thoát, mà sống vì trách nhiệm với người cha, sống vì món nợ cần phải trả hết.

Lần thứ hai, tâm hồn ấy cựa mình trỗi dậy. Đêm mùa xuân, nghe tiếng khèn trên núi cao, sau khi uông mấy chén rượu, người ngà ngà say, lòng Mị rạo rực muốn đi chơi. Mị muốn quên lãng hiện thực, muốn vượt qua cái ranh giới, muốn tìm lại chính mình ngày xưa. Nhưng lần này Mị cũng tiếp tục thất bại. A Sử xuất hiện như một hung thần và kèm theo đó là trận đòn roi và lời đe dọa khủng khiếp trút xuống đầu Mị, hắn trói Mị vào cột, chấm dứt ý định đi chơi của Mị. Và nếu A Sử không bị thương nặng, không cần người chăm sóc thì Mị có thể đã bị bỏ đói cho đến lúc trở thành con ma bị quên lãng trong nhà thống lý Pá Tra. Đây là một chi tiết đắc địa, được nhà văn khéo léo đặt vào tác phẩm. Sự sống và cái chết của người phụ nữ miền cao hoàn toàn phụ thuộc vào chồng và càng có lí hơn nữa khi vợ sống như một nô lệ chứ không phải tư cách một người vợ.

Tô Hoài đã đặt Mị vào ranh giới mong manh giữa ước mơ và hiện thực. Ước mơ tươi đẹp gọi mời còn hiện thực quá tàn nhẫn, phũ phàn. Mị đã sai lầm khi thành thật nói ý định đi chơi với A Sử. Mị cũng không lường trước được A Sử sẽ hành động như vậy bởi được đi chơi xuân là quyền lợi mà ai cũng có, kể cả Mị. Thêm một lần nữa, Mị nhận ra sự tàn độc của cha con nhà thống lý Pá Tra, làm sống lại trong nàng sự căm ghét, thù hận bọn cường quyền không có tính người, giúp nàng có thêm sức mạnh sống tiếp trên cuộc đời.

Lần thứ ba, khi bất ngờ nhìn thấy ánh mắt của A Phủ, một chàng trai bị trói ngoài sân, Mị đã động lòng. Có lẽ Mị cũng không ngờ tới điều này, bởi nguồn sống trong nàng đã ngụi tắt từ lâu và cả sự sống và cái chết của người khác cũng không làm nàng bận lòng.

Thế nhưng đêm nay, cái lạnh căm căm cắt da cắt thịt, những vì sao le lói trên bầu trời mờ mịt làm long lanh nước mắt trên mặt A Phủ khiến nàng trở nên mạnh mẽ vô cùng. Mị nhớ lại cái đêm mình bị trói, lòng yêu thương con người trỗi dậy thôi thúc nàng cần phải làm gì đó cho người xấu số đang đứng ở ngoài kia. Mị nghĩ về cái chết. Có thể anh ta sẽ chết. Đến lúc này, Mị mới nhận ra bộ mặt tàn ác, bất nhân, vô nhân tính của nhà thống lý Pá Tra, nhận ra thực tại phũ phàng số kiếp của mình và những người khác. Và Mị quyết định cầm con dao cắt từng sợi dây trói để giải thoát cho A Phủ. Cô đã mường tượng rất rõ ràng rằng khi giải thoát cho A Phủ cũng đồng nghĩa nàng sẽ phải đứng vào chỗ đó. Thoáng chút run sợ nhưng nàng đã trấn tĩnh mình mạnh mẽ hành động. Và khi sợi dây cuối cùng bị cắt đứt, A Phủ vụt chạy vào trong bóng tối, cô cũng đã quyết định tự giải thoát chính mình.

Từng bước, nhà văn đã cho nhân vật vượt lên cái ranh giới tưởng chừng như không thể vượt qua ấy. Cái lằn ranh giữa sự vô cảm và tình yêu thương con người, giữa sự cam chịu vĩnh hằng và sức mạnh giải thoát. Sức mạnh cường quyền và thần quyền đáng sợ đã trói buộc và giết chết biết bao con người đã bị phá bỏ hoàn toàn.

Vợ chống A Phủ miêu tả chân thực số phận nô lệ cực khổ của người dân lao động nghèo Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến miền núi. Truyện phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp phong kiến thống trị ở miền núi bằng sức mạnh cửa cường quyền và thần quyền; phê phán kịch liệt các thế lực bất nhân chà đạp lên số phận con người.  Thông qua số phận và vẻ đẹp của nhân vật Mị, tác giả bày tỏ lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận đau khổ của người lao động nghèo miền núi, khẳng định niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của con người. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến mức nào, con người cũng không mất đi khát vọng sống tự do và hạnh phúc, cố gắng vượt thoát lên trên số phận tìm kiếm con đường con đường làm chủ vận mệnh của mình.

  • Kết bài:

Thành công lớn nhất của Tô Hoài trong Vợ chồng A Phủ là đã phát hiện nỗi khổ đau và ca ngợi vẻ đẹp của những con người vốn bị che khuất bởi núi rừng, bị bao vây bởi những tập tục cổ hủ, bị kìm kẹp bởi sức mạnh của cường quyền và thần quyền. Không những nhân vật được giải thoát mà còn tìm đến với lý tưởng cách mạng, hăng say lao đông và chiến đấu vì một cuộc sống công bằng, tự do.

Phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài


Tham khảo:

Phân tích sức mạnh phản kháng mãnh liệt của nhân vật Mị trong truyện Vợ Chồng A Phủ.

  • Mở bài

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (1952) là một thành công xuất sắc của Tô Hoài viết về đề tài miền núi được rút từ tập Truyện Tây Bắc (giải thưởng của hội văn nghệ Việt Nam 1954- 1955). Đoạn trích kể về cuộc đời nhân vật Mị từ lúc mới về làm dâu nhà thống lí Pá Tra cho đến khi cắt dây trói giải thoát cho A phủ và cùng A phủ chạy khỏi Hồng Ngài, qua đó làm rõ sức mạnh phản kháng mãnh liệt của nhân vật Mị.

  • Thân bài

Xây dựng hình tượng nhân vật Mị là một thành công của Tô Hoài khi viết về cuộc đời của những người phụ nữ miền núi dưới ách áp bức của giai cấp thống trị tàn bạo. Từ một cô gái mang thân phận nô lệ tối tăm, Mị đã vươn lên ánh sáng tự do với sức sống tiềm tàng vô cùng mạnh mẽ. Mị chính là một điểm sáng đặc biệt trong truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ. Cuộc đời, số phận và sức mạnh phản kháng mãnh liệt của nhân vật Mị là hình tượng điển hình cho một thế hệ phụ nữ miền núi Tây Bắc từ thân phận của một nô lệ từ quá trình đấu tranh tự phát đến từ giác vươn tới ánh sáng của tự do của cuộc đời mới với một sức mạnh mạnh mẽ.

Hoàn cảnh của nhân vật Mị.

Mị vốn xuất thân con nhà nghèo, đẹp người, đẹp nết lại có tài thổi sáo rất hay. Có bao người để ngày đêm thổi sáo đi theo Mị ngày đêm. Với nhan sắc và tài năng ấy, cuộc đời Mị hứa hẹn một tương lai tươư sáng. Nhưng chỉ vì món nợ truyền kiếp từ đời trước mà cuộc đời Mị đã chuyển hướng. Cha Mẹ Mị lấy nhau không đủ tiền phải vay nợ nhà thống lý, bố của Thống Lý Pá Tra bây giờ. Đến khi mẹ Mị chết, bố Mị đã già mà vẫn chưa trả hết nợ. Bởi thế, Mị đã bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí.

Từ một cô gái trẻ trung, yêu đời, Mị đã biến thành một con người hoàn toàn khác. Lúc nào mặt Mị cũng buồn rười rượi. Mị sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Cô chính là nạn nhân của giai cấp thống trị. Bọn chúng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân dựa vào cường quyền và thần quyền để đàn áp bóc lột.

Cuộc sống bế tắc của Mị khi về làm dâu nhà Thống lí và sức mạnh phản kháng đầu tiên.

Ngay từ khi Mị bị bắt về làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị đã có sự đấu tranh dù chỉ là tự phát. Mị phản kháng một cách yếu ớt và bất lực. Mị khóc tới hàng tháng trời vì khổ đau và buồn bã. Mị đã có lần tìm vào rừng hái lá ngón tự tử để chấm dứt sự sống ấy. Nhưng vì thương cha mà Mị không thể chết và đành chấp nhận quay trở lại nhà thống lí, tiếp tục cuộc đời của một nô lệ.

Mị Sống buông xuôi, nhẫn nhục chịu đựng như thế qua bao tháng ngày. Tinh thần phản kháng cũng dần mất đi trong Mị. Cô biết rằng, càng phản kháng thì càng thêm đau khổ hơn. Sức mạnh của cường quyền và thần quyền quá lớn đã giam hãm Mị trong bóng tối đau thương.

Đến khi cha chết, Mị cũng không buồn nghĩ đến cái chết nữa. Ở lâu trong cái khổ Mị đã quen rồi. Bây giờ Mị tưởng mình là con trâu, con ngựa của nhà thống lí. Cuộc sống của Mị lúc này con khổ nhục hơn kiếp sống trâu, con ngựa. Bởi con ngựa làm việc còn có lúc đứng gãi chân, nhai cỏ. Còn với Mị (và cả những người đàn bà trong nhà thống lí) thì không có lúc nào được nghỉ ngơi. Đàn bà con gái nhà này thì vùi vào làm việc cả đêm, cả ngày, cả cuộc đời.

Mị làm dâu nhà thống lý nhưng chẳng khác nào đang ở trong địa ngục giữa trần gian. Nơi ở của Mị là một căn buồng nhỏ tăm tối. Nơi Mị thường nằm kín mít, chỉ có một chiếc cửa sổ nhỏ như một lỗ vuông bằng bàn tay để nhìn ra ngoài và lấy ánh sáng. Lúc nào trong ra cũng chỉ thấy trăng trắng, mờ mờ không biết là sương hay là nắng.

Với Mị, giờ đây không còn khái niệm về không gian và thời gian, không còn biết là mùa mưa hay mùa nắng, là sáng hay chiều. Mị tồn tại vô tri, vô cảm như một cái xác sống. Không còn một ai để ý đến việc Mị sống chết thế nào nữa. Kể cả những người ở cùng Mị, họ cũng không cần biết Mị vui hay buồn bởi họ cũng khổ đau không kém gì Mị.

Sức mạnh phản kháng của nhân vật Mị trỗi dậy trong đêm tình mùa xuân.

Nhưng trong con người tưởng chừng như đã chết của Mị vẫn âm ỉ một sức sống tiềm tàng, chỉ chờ có cơ hội là nó bùng cháy lên. Cơ hội ấy đã đến vào một đêm mùa xuân, ngọn gió xuân đã thổi bùng ngọn lửa đã âm ỉ cháy từ lâu trong Mị.

Ngày tết về trên chôn Hồng Ngài, núi đồi khoe sắc thắm. Khắp các bản làng ai ai cũng vui đón tết. Ngày Tết Mị cũng uống rượu. “Mị lén lấy hũ rượu, uống ừng ực từng bát”. Hành động đó của Mị phải chăng là dấu hiệu cho “một sự nổi loạn” sau một thời gian dài bị đè nén khủng khiếp tưởng chừng như không còn tồn tại. Hay đó chính là sự thức tỉnh của ý thức về quyền làm người, quyền được sống đã trỗi dậy mạnh mẽ của một con người bị áp bức đến cùng cực. Trong cảm giác ngất ngây của men rượu cùng với âm thanh của tiếng sáo gọi bạn tình lửng lơ bên ngoài đường đánh thức trái tim tưởng như đã nguội lạnh của Mị. Trái tim Mị thổn thức những giai điệu cuộc sống. Cảm giác ấy giúp Mị nhận ra chính mình vẫn còn tươi trẻ mà bấy lâu cô đã quên lãng hoặc không còn nhớ đến. Lần đầu tiên sau bao năm, Mị nhận thấy mình vẫn còn trẻ. Lần đầu tiên, Mị muốn đi chơi., muốn bước ra bên ngoài.

Từ suy nghĩ đến hành động, Mị bỏ thêm mỡ vào đĩa dầu thắp sáng ngọn đèn, quấn lại tóc, với tay lấy chiếc váy hoa và chuẩn bị đi chơi. Mị quên hết những khổ đau và sự sợ hãi để bước tới. Có thể Mị cũng nghĩ tới hình phạt mà mình sẽ nhận lấy bởi hành động liều lĩnh này nhưng cô đã bất chấp. Tiếng gọi của cuộc đời say mê khiến cô phút chốc quên đi nghịch cảnh tối tăm của mình.

Đúng lúc sự sống trong Mị trỗi dậy mạnh mẽ nhất thì bị A Sử chặn đứng một cách phũ phàng. A Sử như một con thú tàn nhẫn trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xóa xuống, A Sử quấn luôn tóc Mị lên cột. Thế nhưng, ngay cả trong hoàn cảnh đau đớn như vậy sức sống tiềm tàng, sức mạnh phản kháng mãnh liệt trong Mị vẫn không bị dập tắt. Cô không hề để ý đến hành động tàn bạo và nỗi đau trên thân xác. Cô vẫn cứ hướng theo tiếng sao réo rắt trên núi trên đôi. Cả đêm ấy Mị sống trong ảo giác. Tâm hồn cô vẫn đi theo những cuộc chơi, những tiếng sáo gọi bạn tình. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe  tiếng sáo đưa Mị  đi theo những cuộc chơi, những đám chơi.

Sức mạnh phản kháng của Mị trong đêm cắt dây trói giải thoát cho A Phủ.

Như một quy luật tự nhiên, sức sống tiềm tàng ấy đã một lần bùng lên thì không một sức mạnh nào có thể dập tắt. Nó vẫn âm thầm cháy để rồi lại bùng lên dữ dội vào một đêm mùa đông năm sau.

Ban đầu khi nhìn thấy A Phủ bị trói Mị không có cảm giác thương xót bởi tâm hồn cô đã nguội lạnh. Dù  A Phủ có là cái chết đứng đấy cũng thế thôi, nhưng khi Mị nhìn thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ thì Mị mới bắt đầu nghĩ. Mị nhớ lại cuộc đời mình. Mị nhớ lại lúc Mị bị A Sử trói đứng vào cột. Mị so sánh hai cái chết và Mị nghĩ đến việc chết thay cho A Phủ. Nhưng Mị cũng không khỏi cảm thấy lo sợ. Khi tình thương yêu người đồng cảnh chiến thắng nỗi sợ hãi, Mị đã hành động một cách táo bạo. Mị cắt dây trói giải thoát cho A Phủ và chạy trốn cùng A Phủ. Như vậy việc Mị cắt dây trói giải thoát cho  A Phủ cũng chính là việc Mị tự cắt sợi dây trói của cường quyền và thần quyền để giải thoát cho mình.

Tô Hoài đã rất thành công khi nhìn thấy sức sống tiềm tàng và sức mạnh phản kháng mãnh liệt trong nhân vật Mị. Qua đó, ông thể hiện lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận đau khổ của người lao động nghèo miền núi, tố cáo quyết liệt những thế lực chà đạp con người, đồng thời khẳng định niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của con người. Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt đến mức nào, con người cũng không mất đi khát vọng sống tự do và hạnh phúc.

Thông qua câu chuyện, nhà văn đã chỉ ra cho người dân miền núi Tây Bắc nói riêng, những số phận khổ đau nói chung con đường tự giải thoát khỏi những bất công, con đường làm chủ vận mệnh của mình.

  • Kết luận

Với truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã thành công trong việc xây dựng hình tượng người phụ nữ miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức tàn bạo của giai cấp thống trị. Ở họ, dù bị đày đọa đến tê liệt tinh thần những vẫn tiềm ẩn một sức sống tiềm tàng, một sức mạnh phản kháng vô cùng mạnh mẽ. Đồng thời, tác phẩm cũng chứng tỏ tài năng bậc thầy của Tô Hoài trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật cùng sự am hiểu về niềm đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối với người dân nghèo miền núi đặc biệt là phụ nữ.

Chứng minh: Nhân vật Mị là một người phụ nữ lao động miền núi Tây Bắc vừa rất đáng thương vừa rất đáng khâm phục

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài - Thế Kỉ
  2. Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài - Theki.vn
  3. Phân tích truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.