Phân tích bộ mặt bất nhân, tàn ác của giai cấp thống trị miền núi và sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ của Tô hoài

bo-mat-tan-ac-cua-giai-cap-thong-tri-mien-nui-va-suc-song-manh-liet-cua-nhan-vat-mi-trong-vo-chong-a-phu

Phân tích bộ mặt bất nhân, tàn ác của giai cấp thống trị miền núi và sức sống mãnh liệt của nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ của Tô hoài

  • Mở bài:

Con người vốn là đáng quý. Nhưng đáng quý hơn và khâm phục hơn là trong những nghịch cảnh của cuộc sống, nan giải của cuộc đời, họ đã khôn ngoan, dũng cảm xuyên qua nó, nhằm đến chiến thắng và khẳng định mình. Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, cuộc đời nhân vật Mị khiến chúng ta đặc biệt lưu tâm. Đấy là một người  kinh qua cuộc sống lao động khổ sai, cũng trải qua thực trạng trói đứng tàn nhẫn, nhưng cô đã biết thắng vượt, tự giải phóng đời mình khi chưa kịp đủ thời gian làm cho dị dạng trong hình hài, tật nguyền về thể xác. Và đặc biệt cô không phải chết người đàn bà làm dâu bị chồng trói đứng ngày trước. Bộ mặt bất nhân, tàn ác của giai cấp thống trị miền núi đã đày đọa con người đến mức khủng khiếp.

  • Thân bài:

Đại thi hào Nguyễn Du khi chứng kiến kiếp đời bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đã phải đau đớn thốt lên:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Đây không phải là tiếng thét bất chợt có tính ngẫu hứng của người nghệ sĩ, mà là thông điệp được sinh thành từ khoảnh khắc lóe sáng của sự khả ngộ, từ sự trải nghiệm: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” của một trái tim cao cả, yêu thương con người, đặc biệt là giới nữ. Quả vậy, trong xã hội phong kiến, thân phận người phụ nữ có nhiều bi kịch: tinh thần lẫn thể xác. Họ là đối tượng bị khinh rẻ, đối xử bất công, thậm chí bị ruồng bỏ, chà đạp. Một Tiểu Thanh của đất nước Trung Hoa xa xôi, một nàng Kiều của Việt Nam gần gũi, và bao nhiêu thân phận nữ giới khác nữa, được lưu giữ trong sử sách và trong những trang văn.

Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã cho chúng ta nhận diện rõ nét bộ mặt thật và tội ác tày trời của thế lực cường quyền phong kiến miền núi, đồng thời những bi kịch mà người phụ nữ ở đây phải gánh chịu. Gia đình thống lí Pá Tra, điển hình sống động cho một thế lực bạo tàn khét tiếng gian ác. Y với thế lực và bản chất muôn đời của chế độ phong kiến (“làm thống lí”, “ăn của dân nhiều”, “giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng”), được sự hà hơi tiếp sức của thế lực thực dân “đồn Tây lại cho muối về bán”, nên càng lộng quyền, ra sức tác oai, tác quái một vùng, gây bao nhiêu khổ đau khốn khó cho dân lành.

Mỗi trang văn trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là một bản cáo trạng đanh thép, kết án, buộc tội thế lực của giai cấp thống trị miền núi và thực dân Pháp. Mỗi phương thức thống trị nhà thống lí Pá Tra làm, mỗi thể cách cha con họ thực hiện đều bộ lộ một sự ác độc tày trời, mà hậu quả để lại thật nặng nề và thê thảm, cả thể xác lẫn tinh thần của nạn nhân.

Đầu tiên, là hình thức tàn ác cho vay nặng lãi để dễ bề bọc lột tận xương tủy người dân giai cấp thống trị miền núi, khiến người vay phải chấp nhận một đời làm con nợ cho chủ nợ là cha con thống lí Pá Tra. Một A Phủ với tính cách mạnh mẽ, ngang bướng, một thời không chịu khuất phục bởi thế lực cường quyền nào. Vậy mà, qua hành động “thay trời hành đạo” đánh nhau quyết liệt với A Sử (một kẻ xấc xược, bạo hành), anh bị xét xử oan nghiệt tại “công đường” là nhà thống lí, mà Pá Tra là chánh án xét xử. Cuối cùng, A Phủ bị thua kiện, bị phạt vạ. Một trăm đồng bạc trắng (A Phủ phận cô, tay trắng buộc lòng phải vay thống lí Pá Tra) đã đủ mãnh lực, làm nên sức mạnh xiềng xích buộc chặt cuộc đời A Phủ, khiến anh trở thành đối tượng suốt đời lao lực trừ nợ, làm giàu cho kẻ cường quyền, bạo chúa.

Xót xa nhất, có lẽ, câu chuyện bố Mị, vì không đủ tiền cưới vợ, phải đến van xin “cửa quan” là nhà thống lí Pá Tra để được vay. Kết cục thật nghiệt ngã, mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Để rồi, thực tế thật phũ phàng, đến tận hai vợ chồng già rồi mà cũng chưa được trả nợ. “Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ”. Câu văn của Tô Hoài trở nên chua chát và cảm động!

Đến năm Mị lớn, độ tuổi cập kê, tràn đầy sức sống, kiều diễm và xinh đẹp, thống lí Pá Tra đến gợi ý nhận Mị về làm dâu để trừ nợ. Vậy là, từ một thiếu nữ hồn nhiên, yêu đời, khát khao tự do, Mị lại vướn vào vòng nô lệ, làm tôi cho nhà giàu.

Hình thức tàn ác thứ hai của cha con thống lí Pá Tra là cưỡng bức sức lao động của con người đến mức tàn khốc được thể hiện rõ hơn đối với số phận của nhân vật Mị và A Phủ. A Phủ quanh năm suốt tháng phải “đốt rừng, cày nương, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình”, còn Mị “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Quen lao khổ nên trơ lì cảm xúc, quên mất phận người. “Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”.

Cuộc sống khổ sai mặc định cho Mị chuyện làm của một ngày. Công việc nối tiếp của một năm và đấy cũng là thời khóa biểu của một đời, rất nhàm chán và đơn điệu. “Lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những công việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì đi giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế”. Để rồi, có một sự đối sánh tội nghiệp: “con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào công việc làm cả đêm cả ngày”.

Hệ quả của thể cách cưỡng bức lao động tàn ác ấy thể hiện thật thê thảm. Không biết có bao nhiêu thân phận như hình ảnh tội nghiệp của người chị dâu khốn khổ này: “người chị dâu ấy chưa già, nhưng cái lưng quanh năm phải đeo thồ nặng quá, đã còng rạp xuống”. Thật đáng thương cho một kiếp người!

Hình thức tàn ác thứ ba của cha con thống lí Pá Tra là trói đứng và đánh đạp người tàn tệ. Có khi nạn nhân đành lòng chịu chết. Đấy là hình phạt trở thành tiền lệ từ trước đến nay nhằm trừng phạt những ai sai phạm, có ý đồ làm trái hoặc chống đối “luật sắc” của gia đình họ. A Phủ từng bị trói đứng cho đến chết nếu không được Mị ra tay cứu chỉ vì sơ ý để hổ vồ mất một con bò trong khi chăn dắt ở ngoài rừng. Mị cũng từng bị A Sử trói đứng vì khát khao đi chơi tết trong ngày xuân đắm say và quyến rũ, khi thể xác và tâm hồn Mị phục sinh sau một “đông dài băng giá”.

Mị chưa từng nghĩ rằng cô có thể tự mình giải thoát cho chính mình khỏi cái địa ngục nơi nhà thống lí. Bởi ngoài sức mạnh của cường quyền đang từng ngày vắt kiệt sinh lực của cô thì còn có thần quyền buột chặt tinh thần cô với cái nơi khủng khiếp ấy. Qua lời độc thoại của Mị khi chứng kiến dòng nước mắt của A phủ chảy xuống má: “ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế”. Sức mạnh của cường quyền không cho phép Mị có thể nghĩ nhiều hơn, nó bóp nghẹt cuộc đời Mị trong cùng cực, không còn một chút sức mạnh phản kháng nào nữa.

Thế nhưng, thật bất ngờ, có một sự diễn tiến mãnh liệt và mới mẻ ngay bên trong người đàn bà héo hắt ấy. Chính hình ảnh A phủ bị trói đứng ngoài sân là phép thử, là sự tương tác làm nảy sinh sức mạnh sinh tồn trong Mị. Đầu tiên là cô hoàn toàn hững hờ không có cảm xúc gì. “Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa: Điều ấy là tự nhiên vì cái cảnh trói người bắt vạ ở nhà thống lí ngày nào mà chẳng diễn ra. Cho đến khi lé mắt nhìn ra ngoài, “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” trên má A Phủ, khiến cho “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được”.

Thấu tận nỗi đau của chính mình và cảm thương cho con người tội nghiệp ngoài kia đang phải gánh lấy khổ hình ấy, Mị xót xa nghĩa về những con người đã từng bị như thế: “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này”.  Cuối cùng, Mị đi đến một nhận thức mà bấy lâu cô chưa từng dám khẳng định: “Chúng nó thật độc ác”.

Đó cũng là nhận thức dũng cảm nhất của Mị về nhà thống lí kể từ khi cô bước chân về làm dâu cái nhà này. Sức mạnh của cường quyền và thần quyền đã biến những việc làm phi lí của cha con nhà thống lí thành chân lí. Lần đầu tiên, Mị nhận ra điều phi lí ấy. Đồng thời với nhận thức đó, có một sự chuyển đổi mới mẽ và mãnh liệt đang âm thầm diễn ra trong Mị. Cô nhận ra sự cam chịu của mình bấy lâu là hoàn toàn vô nghĩa. Giờ đây, Mị không còn thấy sợ nữa. người ta chỉ sợ cái có lí, cái chính nghĩa và không ai sợ cái sai, cái phi lí cả. Mị cũng thế. Dẫu có chết Mị cũng không thấy sợ. Chính sức mạnh ấy đã thúc đẩy cô đi đến hành động cắt dây trói giải thoát cho A Phủ sau đó.

Xét ở một góc độ nào đó, hành động cắt dây trói giải thoát cho A Phủ của Mị chưa hẳn là mộ hành  động liều lĩnh hay bột phát. Mị hoàn toàn tỉnh táo khi hành động. Điều cô muốn là phản kháng lại nhà thống lí, phản kháng lại sức mạnh thần quyền và cường quyền của giai cấp thống trị miền núi, trả thù những tội ác mà chúng đã gây ra đối với cô và gia đình cô, đồng thời tìm kiếm một lối thoát cho chính mình, dù lối thoát ấy chưa thực sự rõ ràng. Bởi thế, khi nhìn A Phủ gắng gượng chạy vào bóng tối, cô cũng chạy vụt theo tìm về với sự sống một cách mạnh mẽ, quyết liệt.

Qua cuộc đời và số phận của nhân vật Mị, Tô Hoài đã cho ta bài học triết lí nhân sinh tích cực. Tuổi trẻ phải tự tin và giàu lòng tự trọng, tâm hồn yêu đời, tinh thần lạc quan, niềm vui sống, khát khao tự do, hạnh phúc. Biết yêu cái thiện và căm ghét, chối bỏ cái ác… phải có sở thích, lòng đam mê cái đẹp; phải biết phát huy cao độ những khả năng tích cực của mình. Biết chấp nhận và có bản lĩnh đối diện với những nghịch cảnh. Đặc biệt, phải có kĩ năng sống để xử lí khóe léo mọi tình huống nan giải mà mình gặp phải. Hạnh phúc sẽ đền bù xứng đáng cho những ai giành chiến thắng.

Thực tế đáng quang ngại trong hành trang vào đời của giới trẻ, nhất là sinh viên, học sinh hôm nay: họ giàu về tri thức chuyên ngành nhưng lại nghèo nàn triết lí nhân sinh thiếu vắng kĩ năng sống. Phải chăng, “vạn sự khởi đầu nan” của giới trẻ bắt nguồn từ thực tế đáng buồn này, khi họ chập chững những bước đầu tiên hòa nhập cuộc sống, thực thi vai trò trách nhiệm công dân.

  • Kết bài:

“Vợ chồng A Phủ” là bức tranh chân thực về sự hà khắc, tàn ác của giải cấp thống trị miền núi đã đày đọa, bóp chết sự sống của con người. Thế nhưng, dù trong cùng cực, họ vẫn mạnh mẽ vươn lên tìm lấy con đường sống. Nói như nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm mùa lạc: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”. Quả thực, cuộc đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới. Mị của Tô Hoài đã từng thắng vượt, tự khẳng định và làm chủ đời mình. Vòng nguyệt quế chiến thắng sẽ dành cho bất cứ ai biết xây dựng cho mình triết lí nhân sinh tích cực, nhưng trên hết là kĩ năng sống khôn ngoan, biết khéo léo xử lí mọi tình huống nan giải của cuộc sống, phức tạp của cuộc đời.

4 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài - Thế Kỉ
  2. Phân tích số phận bất hạnh, khổ đau và sức mạnh phản kháng của nhân vật Mị trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" - Thế Kỉ
  3. Phân tích nhân vật Mị và A Phủ trong truyện "Vợ Chồng A Phủ" - Theki.vn
  4. Sức mạnh phản kháng của nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.