Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

gia-tri-nhan-dao-vo-chong-a-phu-to-hoai

Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

  • Mở bài:

Tác phẩm Vợ chồng A Phủ không những thành công nhờ sự phản ánh hiện thực cuộc sống một cách chân thực mà còn do truyện chứa đựng những giá trị nhân đạo sâu sắc sâu sắc. Có cảm thông với số phận đau khổ của con người, Tô Hoài mới viết lên những trang sách tố cáo mãnh liệt giai cấp thống trị, gây xúc động mạnh mẽ như thế. Nhà văn thực sự đau xót trước nỗi khổ của người dân nghèo, đặc biệt là phụ nữ vùng cao của trước Cách mạng. Người đàn bà đã làm “lễ trình ma” nhà chồng thì không bao giờ thoát khỏi nhà ấy được nữa mặc dù phải chịu đau đến mức nào. Vợ chồng A Phủ là khát vọng đấu tranh giải phóng bản thân của con người bị áp bức

  • Thân bài:

Nhà văn đồng cảm, xót thương cho số phận đầy bất hạnh và khổ đau của người phụ nữ miền núi, phải chịu sự thống khổ dưới ách áp bức, bóc lột tàn bạo của bọn địa chủ phong kiến tham lam và tàn ác.

Đối với Mị, cô tưởng chừng như đã hóa đá, dường như mọi cảm xúc khát khao đã bị dập tắt từ lâu, nhưng nhà văn không để cho nhân vật của mình bị dồn đến bước đường cùng. Nhà văn Tô Hoài tâm sự: “điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến như thế nào, mọi thế lực của tội ác cũng không giết chết được sức sống con người”. Ông luôn trăn trở khát vọng sống, khát vọng tự do của con người.

Có lẽ ở con người Mị, sự buồn tủi cam chịu chỉ là vẻ bề ngoài còn ở đáy sau tâm hồn Mị, cô không chấp nhận cuộc sống khổ nhục hiện tại cho nên hành động ăn lá ngón tự tử vừa biểu hiện sự chán nản, tuyệt vọng, vừa cho thấy sự căm tức cao độ, sự phản kháng tất yếu của cô gái với cuộc sống ấy.

Ngay hành động uống rượu trong ngày Tết của Mị cũng có vẻ không bình thường: “Mị lén lấy hũ rượu, cứ ừng ực từng bát”. Cô uống rượu mà như nuốt hận vào trong lòng mình. Cách uống rượu như thể để quên đi thực tại một cách nhanh nhất. Cô không muốn nghĩ đến thực tại bởi nó là một cái vòng luẩn quẩn nhàm chán, vô vị và vô tri. Với Mị, giờ đây, cô sống không quá, không tương lai. Cuộc sống chỉ có làm và làm từ sáng sớm cho tới đêm khuya. Cô sống đó mà tâm hồn đã chết từ lâu rồi.

Ngoài Mị, nơi ấy còn có biết bao người phụ nữ khác cũng đã chết mòn chết mỏi trong cực nhọc và khổ đau. Người chị dâu đã chết từ mấy năm trước, Mị vẫn còn nhớ. Và còn có bao nhiêu người đàn bà khác nữa đã chết, Mị không biết, không nhớ. Đến lượt Mị, một cái bóng âm thầm rồi cũng sẽ ra đi hoặc trên nương, hoặc dưới suối hoặc là trong căn phòng tối này. Từ lâu, Mị không buồn nghĩ đến điều đó nữa vì thực tế  sống và chết đối với Mị đã không còn nghĩa lí gì nữa rồi.

Tô Hoài không chỉ thể hiện niềm đồng cảm, thương xót trước cuộc đời của những người dân lao động nghèo khổ miền núi mà còn nhận ra vẻ đẹp nhân cách, nhân phẩm và sức sống, sức phản kháng mạnh mẽ của họ.

Nếu như tác phẩm của nhà văn hiện thực trước Cách mạng kết thúc một cách bi quan, ảm đạm thì ở tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã miêu tả quá trình thức tỉnh và giác ngộ đấu tranh của những người dân miền núi và tương lai tươi sáng của họ.

Mị vốn là một cô gái trẻ xinh đẹp và tài năng. Cô là niềm mơ ước của biết bao chàng trai. Những đêm tình mùa xuân, trai bản đứng đầy vách. Cô có tài thổi sáo, thổi kèn lá rất hay. Trai bản đi theo tiếng sáo, tiếng kèn lá cô thổi hết núi này đến núi khác.

Mị là một đứa con hiếu thảo với cha mẹ. Cô rất yêu thương cha mẹ, vì cha, cô sẵn sàng hi sinh hạnh phúc, chấp nhận làm con dâu gạt nợ nhà thống lí  đểc cho cha có cuộc sống an lành.

Cô còn là một cô gái mạnh mẽ, tin tưởng vào bản thân. Lúc nghe cha nói ý định bán cô để trừ nợ cho nhà thống lí, cô khóc và van xin cha đừng làm thế. Cô hứa sẽ chăm chỉ làm lụng để trừ nợ. Thế nhưng, số nợ quá lớn, nhà thống lí lại muốn bắt người nên cô đành nghe cha. Từ đây, cuộc đời Mị chìm vào trong bóng tối. Mọi hứa hẹn của cuộc đời phút chốc tan tành như khói mây.

Tuy cam phận nhưng thẳm sâu bên trong tâm hồn Mị là một nguồn sống dạt dào. Trước nghịch cảnh quá lớn, sức sống ấy chìm sâu, ngủ yên. Đến khi có cơ hội, nó lại vùng lên mạnh mẽ.

Sức sống mạnh mẽ ấy biểu hiện khá rõ trong lần nghe cha nói về món nợ với nhà thống lí và ý định bắt Mị làm dâu gạt nợ. Cô đã khó rất nhiều, vào rừng định dùng nắm lá ngón để kết liễu cuộc đời. Cô thà chọn lấy cái chết chứ không cam tâm làm thân trâu ngựa nhà thống lí.

Sức sống mạnh mẽ ấy lại tình cờ trở dậy trong tâm trạng yêu đời của Mị trong đêm hội mùa xuân. Sự hồi tưởng ấy mạnh mẽ đến mức Mị đã quên đi cái thực tài đầy đau khổ, cô quấn lại tóc với cái váy hoa, chuẩn bị đi chơi.

Thế nhưng ước muốn bình dị chính đáng ấy của Mị đã bị dập tắt bởi bàn tay tàn bạo của A Sử. Tuy vậy, ngay cả khi bị trói, “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa mình đi theo những cuộc chơi”. Sự tưởng tượng ấy là biểu tượng của một sức sống mạnh mẽ, dữ dội.

Nhà văn đã chỉ ra con đường tự giải thoát mình, dẫn dắt nhân vật đi đến với cuộc sống tự do và hạnh phúc.

Biểu hiện rõ nhất, cao nhất cho sức sống của Mị là hoạt động Mị cắt dây trói cho A Phủ rồi cả hai người cùng bỏ trốn khỏi Hồng Ngài. Mới đầu thấy A Phủ bị trói, cô thờ ơ vì trong nhà Pá Tra đã có quá nhiều cảnh ngang trái. Nhưng một đêm kia, qua ánh lửa bếp, Mị nhìn sang thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ thì Mị nhận ra bản chất độc ác của cha con nhà thống lí “chúng nó thật độc ác” và sự bất công phi lí: “người kia việc gì phải chết thế…!”

Sức mạnh của sự đồng cảm và tình yêu thương khiến Mị vượt qua nỗi sợ hãi cắt dây trói cho A Phủ xuất phát từ sự tự thương mình, nhận ra những điểm giống nhau giữa mình và A Phủ, cô đồng cảm chia sẻ với người cùng cảnh ngộ. Mị đồng cảm rồi xót thương cho cảnh ngộ của A Phủ. Đến lúc ấy, có lẽ ở Mị đã xuất hiện cái cảm giác hạnh phúc được hi sinh vì người khác và Mị đã cắt dây trói để cứu A Phủ. Với hành động này, Mị đã vượt qua được nỗi sợ hãi đã ám ảnh cô suốt bao nhiêu năm (nỗi sợ “con ma nhà thống lý”). Cô cắt dây trói cho A Phủ, đồng thời cũng cắt bỏ sợi dây vô hình đã ràng buộc cuộc đời Mị bấy lâu nay.

Cũng với hành động này, cuộc đời Mị như bước sang một trang mới với nhiều hi vọng, tin tưởng. Hành động dũng cảm ấy của Mị biểu hiện vẻ đẹp rực rỡ của một tâm hồn cao cả và vị tha, đồng thời có ý nghĩa quyết định nhất đối với cuộc đời của hai người. Khi thấy A Phủ bỏ trốn đến với cuộc sống tự do thì Mị bừng tỉnh, Mị không muốn chết nữa, một niềm hi vọng và khao khát sống trổi dậy “rồi cô vụt chạy ra theo A Phủ”.

Điều đó cũng có nghĩa là cô tự giải thoát cho cuộc đời mình. Hai con con người cùng cảnh ngộ đã lẳng lặng dìu nhau xuống dốc núi, bỏ lại đằng sau một cuộc sống tù đầy tủi nhục. Từ trong cái chết, họ vùng dậy để tìm lẽ sống và làm lại cuộc đời.

Chạy trốn khỏi Hồng Ngài, Mị và A Phủ đến Phiềng Sa rồi được cán bộ A Châu giác ngộ Cách mạng. Ở đây, hai người mới thực sự được sống cuộc sống tự do, họ đã trở thành những người du kích dũng cảm, tự tin được đứng lên đánh lại kẻ áp bức mình trong tư cách mình là con người, ý thức ấy mới thực sự có ý nghĩa nhân đạo.

Nhìn nhận một cách tổng quát, giá trị hiện thực của tác phẩm Vợ chồng A Phủ là đã cho thấy cuộc đời tủi nhục của những người dân nghèo miền núi trong xã hội thực dân nửa phong kiến.

Có thể nói, qui luật bần cùng hóa con người, chà đạp lên tự do, tình yêu, hạnh phúc và nhân phẩm của con người, là qui luật phổ biến ở cả miền núi lẫn miền xuôi. Cũng chính qui luật ấy đã dẫn tới một qui luật khác: có áp bức tất có đấu tranh, có những hành động dũng cảm chống lại hoàn cảnh khắc nghiệt để tồn tại và vươn lên.

Còn giá trị nhân đạo của tác phẩm là ở chỗ Tô Hoài đã nhân danh con người và vì quyền sống của con người mà tố cáo những thế lực đen tối đầy đọa họ. Hơn thế nữa, ông đã bày tỏ niềm xót thương và đồng cảm chân thành trước những cuộc đời đau khổ bất hạnh, đề cao phẩm chất tốt đẹp và khát vọng chân chính của những con người bị đầy đọa, vùi dập nhưng vẫn vương lên không để số phận chôn vùi. Có lẽ vì những giá trị đáng quí như thế nên truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã đứng vững được trước những thử thách của thời gian và vẫn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích.

Tô Hoài có một vốn sống khá phong phú về cuộc sống và con người miền núi. Nhà văn am hiểu khá tường tận những phong tục, tập quán cà cả tâm lí của những người dân thuộc những dân tộc ít người ở miền núi. Chính vì thế, đã tạ nên những trang viết chân thực và hấp dẫn. Sự hấp dẫn của truyện còn được thể hiện ở nghệ thuật trần thuật của tác giả.

Đó là lối kể chuyện hết sức giản dị, không chạy theo những chi tiết li kì giật gân mà vẫn có sức hút mạnh mẽ. Thành công của truyện được thể hiện rõ nét nhất chính là nghệ thuật giới thiệu nhân vật, đặc biệt lá những trang viết diễn tả diễn biến tâm trạng và hành động của Mị (trong đêm tình mùa xuân hay đêm cô cắt dây trói cho A Phủ).

Những chi tiết trong truyện ngắn hết sức chọn lọc, tiêu biểu, đặc biệt là những chi tiết có tính biểu tượng cao. Chẳng hạn, căn buồng của Mị lúc nào cũng tối tăm; từ trong nhà nhìn ra không hề biết là sương hay là nắng; chi tiết về tiếng sáo được nhà văn nhắc đi nhắc lại năm lần, ,mỗi lần nhắc lại gắn liền với sự phát triển và biến đổi trong tâm trí tính cách nhan vật Mị.

  • Kết bài:

Nhà văn Tô Hoài có một tình cảm gắn bó, đồng cảm thực sự với những người dân miền núi nghèo khổ trước Cách mạng. Bởi vậy, tác phẩm Vợ chồng A Phủ không chỉ có giá trị hiện thực cao mà còn thấm được giá trị nhân đạo sâu sắc.

Phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài, Ngữ văn 12) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.