Phân tích bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan.
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Dàn bài 1:
- Mở bài:
– Bà Huyện Thanh Quan là một trong hai nữ sĩ nổi bậc nhất của nền thơ trung địa Việt Nam.
– Bà viết nhiều nhưng hiện nay chỉ còn lại 6 bài thơ được lưu giữ. Bài thơ Thăng Long thành hoài cổ là một trong số đó.
- Thân bài:
1. Hoàn cảnh sáng tác:
Bài thơ này được Bà Huyện Thanh Quan sáng tác sau năm 1802, khi mà Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị trung tâm của đất nước về chính trị và văn hóa. Vốn xuất thân trong một gia đình quý tộc đời Lê, nên Thăng Long mãi mãi để lại trong lòng nữ thi sĩ những tình cảm và kỉ niệm sâu sắc.
Khi Phú Xuân trở thành kinh đô của triều Nguyễn, Thăng Long được đổi thành Hà Nội, Bà Huyện Thanh Quan đã phải vào Phú Xuân làm nữ quan “Cung trung giáo tập” dạy cho các cung phi, công chúa. Trong một lần trở về kinh thành Thăng Long, kinh đô xưa, trước cảm xúc đau thương, tiếc nuối những kí ức đẹp về mảnh đất này, Bà Huyện Thanh Quan đã sáng tác bài thơ này.
2. Phân tích giá trị nội dung:
Từ nhan đề đến thi liệu, từ phép đối đến cách lựa chọn từ Hán Việt, từ ngôn ngữ trang nhã đến nhạc điệu du dương, tất cả tạo nên màu sắc cổ điển, thi vị.
Bài thơ đậm màu sắc hoàng hôn, bóng tịch dương đã tô đậm chất hoài cổ buồn man mác. Nỗi buồn hoài cổ mang tính nhân văn. Nhớ tiếc một thời vàng son của Thăng Long cũng là trở về cội nguồn của dân tộc, tự hào về sức sống và nền văn hiến Đại Việt.
3. Phân tíc giá trị nghệ thuật:
– Phép đối chặt chẽ, cách sử dụng, từ Hán Việt (tuế nguyệt, tang thương) tinh tế, đã làm tăng chất súc cảm của vần thơ.
– Âm hưởng cổ kính mà thanh thoát, nhẹ nhàng, hình ảnh ước lệ nhưng có hồn có cảm. Sự phối hợp giữa ý tưởng với âm thanh đã tọa nên một thi điệu tự nhiên, uyển chuyển và hấp dẫn. Bài thơ khác xa so với những dòng chữ chắp nối công phu nhưng vẫn lủng củng, không hồn của đa số các bài thơ tiền Nguyễn.
– Tác phẩm được coi là một trong những bài thơ kiệt tác của nền thi ca trung đại dân tộc. Bài thơ “Thăng long thành hoài cổ” xứng đáng là một viên ngọc quý trong nền thi ca cổ điển Việt Nam.
- Kết bài:
– Khẳng định: “Thăng Long thành hoài cổ” là một bài thơ hay, có giá trị cao cả về nghệ thuật và nội dung, tư tưởng. Bài thơ mang đậm phong cách cổ điển, chính xác đến từng câu chữ, từng phép đối, thanh điệu theo thi pháp thơ Đường. Với nghệ thuật ẩn dụ, từ ngữ biểu cảm, tác giả đã tạo nên nhiều ngầm ý nghệ thuật và tạo nên nhiều cảm xúc sâu sắc cho người đọc.
– Liên hệ bản thân: Qua bài thơ, ta không chỉ ngưỡng mộ tài năng thi ca uyên bác mà càng ngưỡng mộ hơn vẻ đẹp phong cách, tâm hồn, trí tuệ của nữ sĩ.
Dàn bài 2:
I. Mở bài:
– Tác giả: Bà Huyện Thanh Quan sống vào nửa đầu thế kỉ XIX ở nước ta. Bà xuất thân trong một gia đình quý tộc thời Lê tại làng Nghi Tàm ven hồ Tây. Bà Huyện Thanh Quan là một nữ nhà thơ nổi tiếng trong thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam.
– Tác phẩm: bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” là một trong số ít sáng tác còn sót lại của Bà Huyện Thanh Quan. Bài thơ tả cảnh ngụ tình. Cảnh thì tang thương, tình thì hoài cổ. Mượn cảnh để nói lên nỗi đoạn trường của tác giả trước cảnh hoang tàn của cố đô đất Bắc.
II. Thân bài:
– Hai câu đề: mở đầu bài thơ vừa như một tiếng than, một lời trách móc với những đổi thay trong cuộc đời:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
+ Từ “hí trường” có nghĩa là sân khấu, là nơi diễn trò mua vui.
+ “thấm thoắt mấy tinh sương”: thời gian trôi nhanh.
→ Liệu có phải nhà thơ đang than thở, trách móc ông trời đã tạo nên cuộc đời giống như một sân khấu để diễn hết trò này đến trò khác. Lịch sử thay đổi, các triều đại cũng đổi thay, Thăng Long cũng cứ thế mà thay đổi theo thời gian. Điều này làm cho nhà thơ cảm thấy rất buồn.
– Hai câu thực: sử dụng phép đối đã cho thấy sự thay đổi đến đau lòng của kinh thành Thăng Long:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
+ Long thành xưa kia ngày ngày nhộn nhịp xe ngựa đi lại nhưng ngày nay chỉ còn lại “hồn thu thảo”.
+ Mùa thu càng thêm buồn hơn với màu cỏ thu úa vàng, cảnh vật trở nên tàn tạ, những con đường đã vắng người qua.
+ Những cung điện nguy nga ngày xưa nay cũng đã thay đổi, giờ chỉ còn lại nền cũ.
→ Hai câu thơ đã vận dụng phép đối một cách linh hoạt, thanh điệu bằng trắc hô ứng nhau mang đến giai điệu du dương, trầm bổng, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
– Hai câu luận: nhà thơ đã sử dụng biện pháp nhân hóa: đá và nước giống như con người:
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
+ Nền đá cũ vẫn còn đó, vẫn thách thức cùng năm tháng, vẫn buồn thương đau đớn. Nơi bến cũ, hồ xưa, nước còn cau mặt với những đau thương, mất mát.
→ Qua những hình ảnh ấy, tác giả đã gửi gắm nỗi niềm tiếc nuối, buồn thương cho một thời vàng son chói lọi của kinh thành Thăng Long – nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên.
– Hai câu kết:
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
+ Gương cũ ở đây ý muốn nói đến chuyện đời, giữa quá khứ và hiện tại hay cụ thể hơn chính là Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay.
+ “Cảnh đấy” chính là những cảnh mà nhà thơ đã nêu ở trên: lối xưa, nền cũ, hồn thu thảo, bóng tịch dương, đá và nước…
→ Trước những cảnh vật như thế, nữ sĩ không khỏi đau xót trước cảnh hoang tàn của kinh thành Thăng Long.
III. Kết bài:
– Bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” xứng đáng là viên ngọc quý trong nền thi ca cổ điển Việt Nam.
– Ngôn từ, thi liệu, cảnh vật… tất cả đã được nhà thơ chọn lựa và sử dụng một cách tinh tế tạo nên bức tranh mang màu sắc cổ điển, thi vị.
– Bài thơ là nỗi buồn của nhà thơ nhưng qua đó cũng thể hiện tình yêu Thăng Long vô bờ bến của thi sĩ.
Xem thêm:
Bài văn tham khảo 1:
- Mở bài:
Bà Huyện Thanh Quan sống vào nửa đầu thế kỉ XIX ở nước ta. Bà xuất thân trong một gia đình quý tộc thời Lê tại làng Nghi Tàm ven hồ Tây. Bà Huyện Thanh Quan là một nữ nhà thơ nổi tiếng trong thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam. Bà tuy sáng tác không nhiều nhưng cái điệu thơ, hồn thơ trong các sáng tác của bà làm ta bâng khuâng nhớ mãi. Trong số các sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan thì bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” là một tác phẩm tiêu biểu nói lên nỗi niềm tâm sự nhớ quê hương, nhớ kinh thành của nhà thơ.
- Thân bài:
Hai câu đề mở đầu bài thơ vừa như một tiếng than, một lời trách móc với những đổi thay trong cuộc đời:
“Tạo hoá gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”.
Từ “hí trường” có nghĩa là sân khấu, là nơi diễn trò mua vui. Liệu có phải nhà thơ đang than thở, trách móc ông trời đã tạo nên cuộc đời giống như một sân khấu để diễn hết trò này đến trò khác. Lịch sử thay đổi, các triều đại cũng đổi thay, Thăng Long cũng cứ thế mà thay đổi theo thời gian: Thăng Long… Đông Đô… Thăng Long… Hà Nội… Sự thay đổi ấy làm cho nhà thơ cảm thấy buồn và có chút gì đó như mất mát kèm theo những tiếng thở dài ngao ngán.
Thời gian thấm thoát cũng gần một thiên nhiên kỉ đã trôi qua, kinh thành xưa một thời hoàng son là thế mà nay chỉ còn lại phế tích, hoang tàn. Hai câu thực sử dụng phép đối đã cho thấy sự thay đổi đến đau lòng của kinh thành Thăng Long:
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
Long thành xưa kia ngày ngày nhộn nhịp xe ngựa đi lại, nào là xe ngựa của các vương công quý tử, của hoàng thân quốc thích… nhưng ngày nay chỉ còn lại “hồn thu thảo”. Mùa thu càng thêm buồn hơn với màu cỏ thu úa vàng, cảnh vật trở nên tàn tạ, những con đường đã vắng người qua. Những cung điện nguy nga ngày xưa nay cũng đã thay đổi, giờ chỉ còn lại nền cũ. Khung cảnh hoang tàn, đổ nát ấy kết hợp với “bóng tịch dương” – bóng mặt trời lúc sắp lặn làm cho khung cảnh ngày càng ảm đạm hơn, con người cũng chất chứa nỗi buồn. Hai câu thơ đã vận dụng phép đối một cách linh hoạt, thanh điệu bằng trắc hô ứng nhau mang đến giai điệu du dương, trầm bổng, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đặc biệt là những người con kinh thành sẽ cảm thấy rất buồn và có chút mất mát trước sự đổi thay của quê hương giống như tác giả.
Dù vật đổi sao dời nhưng tàn “nước” và “đá” vẫn còn đó như những chứng nhân của lịch sử, của phế tích hoang tàn:
“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương”
Trong hai câu luận, nhà thơ đã sử dụng biện pháp nhân hóa, trong đó “đá” và “nước” cũng giống như con người, mang tình người và hồn người. Nền đá cũ vẫn còn đó, vẫn thách thức cùng năm tháng, vẫn buồn thương đau đớn. Nơi bến cũ, hồ xưa, nước còn cau mặt với những đau thương, mất mát. Qua những hình ảnh ấy, tác giả đã gửi gắm nỗi niềm tiếc nuối, buồn thương cho một thời vàng son chói lọi của kinh thành Thăng Long – nơi nhà thơ sinh ra và lớn lên. Với cách sử dụng phép đối và từ hán việt (tuế nguyệt, tang thương) một cách tinh tế đã làm tăng chất xúc cảm cho vần thơ.
Cảm xúc hoài cổ dồn nén dâng lên ở hai câu trong phần kết:
“Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”
Gương cũ ở đây ý muốn nói đến chuyện đời, giữa quá khứ và hiện tại hay cụ thể hơn chính là Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. “Cảnh đấy” chính là những cảnh mà nhà thơ đã nêu ở trên: lối xưa, nền cũ, hồn thu thảo, bóng tịch dương, đá và nước… Trước những cảnh vật như thế, nữ sĩ không khỏi đau xót trước cảnh hoang tàn của kinh thành Thăng Long.
- Kết bài:
Bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” xứng đáng là viên ngọc quý trong nền thi ca cổ điển Việt Nam. Ngôn từ, thi liệu, cảnh vật… tất cả đã được nhà thơ chọn lựa và sử dụng một cách tinh tế tạo nên bức tranh mang màu sắc cổ điển, thi vị. Bài thơ là nỗi buồn của nhà thơ nhưng qua đó cũng thể hiện tình yêu Thăng Long vô bờ bến của thi sĩ.
Bài văn tham khảo 2:
- Mở bài:
Bài “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan, chỉ đọc qua một lần, nhưng cái điệu thơ, hồn thơ làm ta bâng khuâng mãi:
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm tương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”
- Thân bài:
Bà Huyện Thanh Quan sống vào nửa đầu thế kỉ XIX ở nước ta. Bà chỉ để lại khoảng 6 bài thơ Nôm, thể thất ngôn bát cú Đường luật. “Qua Đèo Ngang”, “Chiều hôm nhớ nhà”, “Thăng Long thành hoài cổ”, “Chùa Trấn Bắc”... là những bài thơ kiệt tác trong nền thi ca trung đại của dân tộc. Ngôn ngữ trang nhã, giọng thơ du dương, điệu thơ chậm và buồn, màu sắc cổ kính, tài hoa… là phong cách thơ của nữ sĩ.
Làng Nghi Tàm ven Hồ Tây là quê cha đất tổ của Bà Huyện Thanh Quan. Xuất thân trong một gia đình quý tộc đời Lê, nên Thăng Long mãi mãi để lại trong tâm hồn nữ sĩ những tình cảm vô cùng sâu sắc. Đầu thế kỉ XIX, Phú Xuân trở thành Kinh đô của triều Nguyễn, Thăng Long được đổi thành Hà Nội. Nỗi niềm tâm sự nhớ xưa kinh thành Thăng Long là nỗi niềm của người đi xa. Có thể Bà Huyện Thanh Quan viết bài thơ này trong thời gian làm nữ quan “Cung trung giáo tập” tại Phú Xuân, những tháng ngày xa cố hương, xa nơi nghìn năm văn vật.
Hai câu trong phần “đề” như một tiếng than cất lên, suy ngẫm về lẽ phế, hưng, đổi thay trong cuộc đời:
“Tạo hoá gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”.
“Hí trường” là sân khấu, là nơi diễn trò mua vui. Ông Trời gây ra làm chi cái cảnh đời như sân khấu, diễn hết trò này đến trò khác. Hai tiếng “gây chi” vừa là lời trách, vừa là lời than. “Cuộc hí trường” ấy cứ diễn ra bao nhiêu trò: khóc, cười, buồn, vui, đã nhanh chóng trải qua nhiều năm tháng. Thăng Long… Đông Đô… Thăng Long… Hà Nội… Sau vần thơ là đôi mắt buồn, nhìn sâu thẳm vào dòng đời, thời gian lịch sử, một cái nhìn xa vắng mênh mông. Có cả tiếng thở dài ngao ngán.
Gần một thiên niên kỉ đã trôi qua. Còn đâu những “vàng son” một thời chói lọi nữa? Hai câu 3, 4 đối nhau, diễn tả cảnh hoang tàn, phế tích của kinh thành xưa:
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”
Đường bàn cờ dọc ngang nơi Long Thành xưa kia từng suốt đêm ngày rộn rịp ngựa xe của các ông hoàng, bà chúa, những xe tứ mã của các vương công, quốc thích. Nhưng nay chỉ còn lại “thu thảo”, cỏ mùa thu vàng úa. “Thu thảo” như một chứng nhân buồn và tàn tạ. Cái hồn mùa thu cũng là cái hồn thiêng sông núi, cái hồn thiêng Thăng Long được cảm nhận từ sắc màu cỏ thu úa vàng, cỏ cây cũng mang nỗi buồn. Con đường càng trở nên vắng vẻ. Những cung điện nguy nga, những lầu son gác tía, những bệ ngọc hành cung huy hoàng, tráng lệ thời Lê – Trịnh vì chiến tranh loạn lạc, vì sự thay chủ đổi ngôi, nay đổ nát hoang tàn, chỉ còn lại “nền cũ”‘.
“Nghìn năm dinh thự thành quan lộ,
Một dải tàn thành lấp cố cung”.
(“Thành Thăng Long” – Nguyễn Du)
Cảnh vật càng trở nên ảm đạm dưới “bóng tịch dương”, bóng mặt trời lúc sắp lặn. Bao trùm lên vần thơ là một màu vàng tàn tạ: màu vàng úa của “thu thảo”, màu vàng nhạt nhòa của “bóng tịch dương”. Nỗi hoài cổ, nỗi nhổ xưa như dồn nén bao nỗi buồn chất chứa trong lòng nữ sĩ.
Phép đối được sử dụng thần tình: “lối xưa” với “nền cũ”, “xe ngựa” với “lâu đài”, “hồn thu thảo” với “bóng tịch dương” được cấu trúc cân xứng, hài hòa. Thanh điệu bằng, trắc hô ứng nhau tạo nên âm điệu du dương, trầm bổng như đưa hồn ta về xa xưa, năm tháng, những thuở vàng son của Kinh thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê, cái buổi hưng thịnh thanh bình…
Nỗi buồn hoài cổ ấy, một lần nữa lại được nữ sĩ diễn tả rất hay trong bài thơ “Chùa Trấn Bắc”, cảnh vật cỏ hoa như còn vương hương một thời quá vãng:
“Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu,
Khách qua đường dễ chạnh niềm đau.
Mấy dò sen rớt hơi hương ngự,
Năm thức mây phong nếp áo chầu…”
Nhà thơ như đứng lặng trầm ngâm nhìn sắc màu thời gian, nỗi buồn tỏa rộng, càng trở nên thâm thía.
Vật có đổi, sao có dời, nhưng tàn “nước” và , “đá” vẫn còn đó, vẫn thách thức cùng tuế nguyệt, cùng tang thương. Hai câu trong phần “luận ” nói về “nước” và “đá ” như những chứng nhân của lịch sử, của phế tích hoang tàn:
“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương”
“Đá” và “nước” được nhân hóa, mang tình người và hồn người. Trên cái “nền cũ lâu đài”, đá thách thức cùng năm tháng “vẫn trơ gan” đau đớn, buồn thương. Nơi bến cũ, hồ xưa, “nước còn cau mặt” với mọi đổi thay, “với tang thương” cuộc đời. Lấy cái bất biến: “vẫn trơ gan”, “còn cau mặt” của đá và nước để làm nổi bật cái tang thương cuộc đời là một nét vẽ “hoài cổ” làm rung động lòng người gần hai trăm năm qua. Có trải qua loạn lạc, chiến ưanh và phế hưng ở đời mới thấy hay, mới thấy thấm thía. Phép đối chặt chẽ, cách sử dụng, từ Hán Việt (tuế nguyệt, tang thương) tinh tế, đã làm tăng chất súc cảm của vần thơ. Qua hình ảnh ẩn dụ “đá” và “nước”, nữ sĩ gửi gắm nỗi buồn thương nhớ và tiếc nuối kinh thành Thăng Long một thời vàng son, huy hoàng và chói lọi. Chất hoài cổ như thấm vào đáy tầng sâu của lòng người, cảnh vật, cỏ hoa…
Hai chữ “tang thương” (tang điền thương hải), “bể dâu” xuất hiện đậm nét trong thơ văn Việt Nam trong nửa đầu thế kỉ XIX, nhất là trong “Truyện Kiều”, trong không ít bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Đó là dấu ấn một thời:
“Cuộc thương hải tang điền mấy lớp,
Cõi nhân gian thành quách đổi dời.
Tây Sơn cơ nghiệp đâu rồi,
Mà làng ca vũ một người còn trơ!”.
(Long Thành cầm giả ca- thơ dịch)
Cảm xúc hoài cổ dồn nén dâng lên ở hai câu trong phần kết:
“Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”
“Gương cũ” là chuyện đời, là quá khứ và hiện tại, là Thăng Long xưa, là Hà Nội nay (thời nhà Nguyễn). Cảnh đấy là “lối xưa”, là “nền cũ”, “hồn thu thảo ” và “bóng tịch dương”, là “đá” và “nước”, là hồn nước thiêng liêng, là Kinh thành xa xưa… “Người đây” là nữ sĩ, là nhân vật trữ tình trong bài thơ. “Đoạn trường” nghĩa là đứt ruột, nỗi đau ghê gớm. Nữ sĩ vô cùng đau đớn trước cảnh hoang phế, hoang tàn của Kinh thành Thăng Long. Nhớ xưa thành Thăng Long là nhớ tới tất cả niềm tự hào những trang sử vàng chói lọi của tiền nhân… Hai chữ “ngàn năm” gợi nhớ thiên niên kỉ Thăng Long huy hoàng. Hai vế tiểu đối: “cảnh đấy” “người đây” làm nổi bật sắc điệu thẩm mĩ tả cảnh ngụ tình. Câu 1 nói về “cuộc hí trường”, câu 8 cực tả “đoạn trường” – đó là cảm xúc chủ đạo của bài thơ. Có chứng kiến, có nhìn thấy sự đổi thay đến thấm thoắt nhanh chóng nơi Kinh thành xưa thì mới có nỗi đau “đoạn trường” đến như vậy.
“Thăng Long thành hoài cổ” xứng đáng là viên ngọc quý trong nền thi ca cổ điển Việt Nam. Từ nhan đề đến thi liệu, từ phép đối đến cách lựa chọn từ Hán Việt, từ ngôn ngữ trang nhã đến nhạc điệu du dương – tất cả tạo nên màu sắc cổ điển, thi vị. Màu sắc hoàng hôn, bóng tịch dương đã tô đậm chất hoài cổ buồn man mác. Nỗi buồn hoài cổ mang tính nhân văn: nhớ tiếc một thời vàng son của Thăng Long cũng là trở về cội nguồn của dân tộc, tự hào về sức sống và nền văn hiến Đại Việt. Bài thơ giúp mỗi chúng ta yêu thêm, gắn bó tâm hồn mình với Thăng Long, Đông Đô, Hà nội, “hồn núi sông ngàn năm”…
Bài văn tham khảo 3:
- Mở bài:
Bà Huyện Thanh Quan chỉ để lại cho đời mấy bài thơ Nôm Đường luật mà gây ấn tượng suốt mấy trăm năm nay, và còn hứa hẹn trường tồn. Điều gì đã tạo ra sức hấp dẫn kì lạ của thơ Bà Huyện Thanh Quan? Có lẽ là bằng ngôn ngữ trác tuyệt, bằng thi pháp độc đáo, nữ sĩ đã phô diễn những điều bí ẩn trong tâm hồn hoài cổ của bà.
“Thăng Long thành hoài cổ” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho triết lí nhân sinh sâu sắc và nghệ thuật trác tuyệt của thơ Bà Huyện Thanh Quan:
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá cũng trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương,
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.”
- Thân bài:
Với học vấn uyên bác, tác giả mỏ đầu bài thơ bằng triết lí có giá trị khái quát rộng lớn:
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mẩy tinh sương”
Thơ Bà Huyện Thanh Quan xúc cảm được nén lại mà lí trí nổi bật lên, điều đó hiếm thấy ở thơ của phụ nữ. Câu hỏi “tạo hóa gây chi cuộc hí trường” thật bất ngờ, với câu hỏi sâu sắc đó, bà vừa là người trong cuộc (sống) vừa là người ngoài cuộc. Bà làm sao tránh khỏi là “diễn viên” của cái “hí trường” (sân khấu hài) đó? Mặt khác bà đủ bản lĩnh đế thoát ra ngoài hí trường để quan sát, để xúc cảm, để suy ngẫm. Cùng thời với bà, bên trời Tây có Onôrê Đờ Bandấc (Pháp) viết 94 cuốn tiểu thuyết (có tên chung là “Tấn trò đời”) đế mô tả cái “hí trường” của nhân loại. Câu hỏi của Bà Huyện Thanh Quan đặt ra sẽ còn miên viễn vì “hí trường” của con người ngày càng sôi động hơn. Tạo hóa dường như ngày càng “thích đùa” hơn. Cảm nhận về thời gian của nữ sĩ cũng lạ. Cái “hí trường” của tạo hóa vận động không ngừng, “thấm thoắt” trong từng hình ảnh mọc, lặn của các vì tinh tú, “thấm thoắt” trong từng giọt sương đêm trên đầu ngọn cỏ và tan biến dưới ánh ngày. “Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương”, hình tượng hóa về sự vận động của thời gian như thế thật là sinh động.
Trong sự vận động “thấm thoắt” của thời gian, mảnh đất ngàn năm văn vật của một thời vàng son chỉ còn lại những dấu tích của tháng ngày:
“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền củ lâu đài bóng tịch dương”
Hai câu thực giữ nguyên âm điệu cổ điển của câu thơ Đường luật, nhịp 4/3 quen thuộc như “lối xưa”, như “nền cũ”, thích hợp với điệu hoài cảm của bà. Tình cảm của nữ sĩ với Thăng Long là một dòng chảy ngược. Không có một hình bóng, một sắc màu, một âm thanh nào là của hiện tại. Bà nuôi dưỡng, e ấp hình bóng của quá khứ. Một lối đi nhỏ nhoi cũng hằn trong tâm trí bà vì đó là “lối xưa”, với âm thanh vang động của “xe ngựa” thời vàng son. Và ghê gớm hơn, sợi cỏ cũng sống mãi trong hồn bà, gợi lại cả hương thời gian, cả “hồn thu” xưa. Người đàn bà này kì dị thật, chỉ xúc động với những gì tàn phai. Ánh chiều tà chiếu trên “nền cũ lâu đài” cũng gợi cho bà cả một thuở huy hoàng. Ánh sáng của “bóng tịch dương” hay là ánh sáng tích góp trong lòng bà để làm sáng lên hình bóng của quá khứ mà theo bà là lí tưởng?
Hai câu thực thấm đẫm tinh thần hoài cổ, mà nào bà có giấu giêìn, bà đã diễn tả nỗi luyến tiếc quá khứ bằng một thứ nhạc điệu êm đềm, bằng hình thức ngôn ngữ đài các, sang trọng.
Chuyến sang hai câu luận, bút pháp đổi. Hình thức tu từ nhân hóa biểu hiện tình cảm mãnh liệt của nhà thơ với Thăng Long xưa:
“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Nước còn cau mặt với tang thương”
Nữ sĩ đã chọn một hình ảnh tĩnh (đá) và một hình ảnh động (nước) tiêu biểu cho sự trường tồn trong không gian, thời gian. Dưới nhãn quan của bà, “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hình ảnh nhân hóa “đá vẫn trơ gan” biểu hiện cự tuyệt sự đổi thay của năm tháng, của thời gian. Câu thơ đầy nội lực của một tình yêu son sắt với quá khứ huy hoàng. Hình ảnh nhân hóa “nước còn cau mặt” cũng là một hình ảnh bên trong, của tâm trạng. Nhận ra bộ mặt đau khổ cua nước trước sự biến đổi, “Nước còn cau mặt với tang thương” phải nói là Bà Huyện Thanh Quan là con người yêu quá khứ đến đớn đau. Bà là một thi sĩ hoài cổ kì lạ. Nhìn vào đá, bà thấy tấm lòng của mình, nhìn vào nước, bà thấy chính khuôn mặt của mình, bà yêu thành Thăng Long xưa biết nhường nào. Và bà đã phổ tình yêu non nước sâu thẳm của bà bằng một giai điệu buồn. Tất nhiên nỗi buồn cua bà không ủy mị vì bà hiểu được lẽ lớn của tạo hóa. Cái tịch mịch trong thơ bà vẫn có ánh sáng trác tuyệt của trí tuệ.
Kết thúc bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ”, Bà Huyện Thanh Quan lí tưởng hóa quá khứ và bộc lộ nỗi đau lòng trước sự đổi thay:
“Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh dấy người đây luống đoạn trường”.
Bằng hình ảnh ẩn dụ “ngàn năm gương cù soi kim cổ”; nhà thi sĩ đã tôn vinh quá khứ thành mẫu mực cho xưa nay, cho “ngàn năm”. Đấy là tình cảm cùa một thời đại bế tắc. Tiếc thay một trí tuệ trác tuyệt như Bà Huyện Thanh Quan mà chỉ để hoài cổ. Song người đời có thể thông cảm với nữ sĩ vì nữ sĩ sống trong một chế độ phong kiến đến giai đoạn suy vong, bế tắc. Bà không thể phá phách được như Hồ Xuân Hương mà đành lòng quay về tôn thờ, hoài niệm một quá khứ vàng son đã mất. Cho nên, trở lại Thăng Long, nhìn thây cảnh đổi thay, nữ sĩ hết sức đau lòng “Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”. Khẳng định về một quá khứ hoàng kim, tác giả dùng động từ “soi” đầy tự hào, diễn tả nỗi đau đứt ruột của một tấm lòng hoài cố’, nỗi đau triền miên, đằng đẵng, tác giả đã dùng từ “luông” (Luông đoạn trường) là những nôt chủ âm kết thúc khúc ca bi thương, và khúc ca thì kết thúc, nhưng hoài niệm về một quá khứ vàng son thì cứ xôn xao mãi trong lòng thi nhân.
- Kết bài:
“Thăng Long thành hoài cổ” là bài thơ hay của Bà Huyện Thanh Quan. Thề thơ Đường luật điêu luyện, niêm luật chặt chẽ, từ ngữ chọn lọc, thủ pháp biến hóa. Xúc cảm được nén lại. Trí tuệ bộc lộ trong hình thức ngôn từ tráng lệ. Tư tưởng hoài cổ của nữ sĩ biểu hiện sâu sắc, mãnh liệt. Hoài niệm về những tàn dư của Thăng Long là một cách nhà thơ lí tưởng hóa quá khứ. Hoài cổ vốn dĩ là dòng tư tưởng phản lịch sử, ảo tưởng trí thức của một thời. Nhưng xét hoàn cảnh cụ thể lịch sử thì thái độ bất bình của bà đôì với thực tại suy vong tàn tạ của triều Nguyễn là một thái độ sáng suốt, tuy nhiên trí tuệ sáng suôt của bà chưa đủ sức mạnh để bà vượt qua bế tắc của thời đại và trở thành nhà tiên phong về tư tưởng, bà chi đủ quay về tôn vinh cái quá khứ mà bà cho là thời đại hoàng kim. Chúng ta yêu thích nghệ thuật trác tuyệt của bà và chia sẻ những hoài niệm của bà.