phan-tich-bai-thuat-hoai-to-long-de-thay-noi-long-yeu-nuoc-thiet-tha-cua-pham-ngu-lao

Phân tích bài Thuật hoài (Tỏ lòng) để thấy nỗi lòng yêu nước thiết tha của Phạm Ngũ Lão

Phân tích bài “Thuật hoài” (Tỏ lòng) để thấy nỗi lòng yêu nước thiết tha của Phạm Ngũ Lão

  • Mở bài:

Phạm Ngũ Lão là một trong những danh tướng lập nhiều chiến công hiển hách nhất của nhà Trần. Không chỉ có tài về quân sự, mà ông còn để lại nhiều bài thơ về chí trai, lòng yêu nước. Tiếc là hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật hoài (Tỏ lòng) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương). Tỏ lòng là bài thơ ngắn gọn, đạt đến độ súc tích cao, khắc họa đậm nét vẻ đẹp của con người có sức mạnh, có lý tưởng, có nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại.

  • Thân bài:

Thuật hoài

Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch nghĩa:

Tỏ lòng

Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng át cả sao Ngưu
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

Dịch thơ:

Tỏ lòng

Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân hùng khí át sao Ngưu
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Bùi Văn Nguyên dịch)

Mở đầu bài thơ, tác giả đã dựng lên bức tượng đài của người anh hùng với tư thế hiên ngang, tầm vc lớn lao, kì vĩ ngang tầm vũ trụ:

Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

(Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân hùng khí át sao Ngưu)

Con người ấy bao năm sừng sững với đất trời, tư thế như lấn át cả không gian bao la. Hình ảnh ba quân cũng được xây dựng tương xứng với tư thế của người dũng tướng. Khí thế ba quân như muốn nuốt sao ngưu, vang dạy trời đất. Hai câu thơ vẽ ra trước mắt người đọc một đội quân hùng mạnh, khí thế ngút trời xanh, sẵn sàng tiêu diệt mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ giang sơn bờ cõi.

Ba quân ấy chính là sức mạnh quân đội nhà Trần. Sức mạnh ấy là sự hội tụ của lòng yêu nước thiết tha, ý chí căm thù và quyết chiến quyết thắng kẻ thù của vị quân vương sáng suốt, tướng lĩnh tài ba, binh sĩ anh hùng không quản ngày đêm tập luyện. Lời thơ như tái hiện lại trong lòng người đọc một thời đại anh hùng rực rỡ.

Ta như vẫn còn nghe đâu đây tiếng trống trận dồn dập thúc giục, tiếng binh sĩ hô vang dậy đất trời, tiếng bước chân hành quân rầm rập rung trời chuyển núi. Ta như còn nhìn thấy ánh lửa sáng rực màn đêm, người dũng tướng phi ngựa vút lên phía trước, tay múa ngọn giáo dài xông thẳng vào quân giặc hung tàn. Thời đại ấy nay đã xa nhưng khí thế ấy vẫn còn vang mãi đến hôm nay và cho đến tận mai sau.

Dù đã dẹp yên giặc dữ, đất nước đã vẹn toàn, muôn dân no ấm, khắp nơi ca vang bài ca thái bình thịnh trị ca ngợi công đức của các bậc thánh minh thế nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn chưa thể yên lòng:

Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)

Phạm ngũ Lão cho rằng chiến công của mình vẫn chưa xứng đáng với cuộc đời làm trai. Ông muốn được làm nên nhiều kì tích hơn nữa. Thế nên, mỗi khi nghe chuyện kể về Gia Cát Tiên sinh (một mưu sĩ, một nhà quân sự tài ba thời Tam Quốc) ông cảm thấy hổ thẹn vì chưa bằng. Đó là nỗi thẹn cao quý của một vị dũng tướng đã hết lòng vì nước vì dân nguyện đem tinh thần và sức lực phụng sự cho đất nước.

Có người cho rằng, ở ý thơ này, Phạm Ngũ Lão đã tỏ ra quá kiêu mạn. Chiến công của ông trọng lịch sử hiếm người sánh bằng thì có gì mà phải thẹn. Lại nữa, ông đã đem mình so sánh với Gia Cát Lương, một vị “thiên cổ kì sư” thì có phần khập khiễng quá. Sự vĩ đại không thể tính bằng chiến tích, chiến công hay chiến lợi phẩm. Sự vĩ đại được khẳng định bằng mục đích và kết quả của hành động.

Có thể nói, Phạm Ngũ Lão đã hành động vì mục đích cao cả nhất của con người đó là ra sức đánh giặc cứu nước, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ non sông, xuất phát từ tình yêu tổ quốc thiết tha.

Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão là nỗi thẹn của một người khát khao được cống hiến, được chiến đấu nhưng hiện tại không còn có cơ hội nào. Ước mơ trở nên vĩ đại hơn càng làm cho ông trở nên phi thường. Hình ảnh Phạm Ngũ Lão khẳng định mạnh mẽ tư tưởng sống của người nam nhi xưa, luôn khao khát lập công danh, làm rạng rỡ nước nhà, gia tộc.

Nói về nợ công danh, Nguyễn Công Trứ có lần bày tỏ:

“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẩy vùng trong bốn bể”.

Làm nên công trạng hiển hách không những là lợi ích mà còn là bổn phận của người làm trai đối với đất nước. Đã là nam nhi mà không có danh gì, sống nhu nhược, bất tài thì quả là một nỗi nhục lớn:

“Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”.

Nhiều lúc, Nguyễn Công Trứ đã đi vào chỗ quyết liệt như lời thề sinh tử: “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Như vậy, có thể thấy, công danh là một khái niệm có hàm nghĩa khá rộng, đó là những cống hiến xứng đáng được ghi nhận của con người đối với giang sơn, đất nước, đối với con người. Nó cũng không có biên kiến hay giới hạn nào cả. Bởi thế, Phạm Ngũ Lão lúc nào cũng muốn có được nhiều chiến công hơn nữa, quyết đêm toàn bộ tinh thần và sức lực mình dâng hiến cho cuộc đời. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão cũng là nỗi thẹn chung của các tướng sĩ, lúc nào cũng muốn lập công để lại tiếng thơm muôn đời. Ý chí ấy chính là ý chí của thời đại Đông A, một thời kì rực rỡ và hào hùng bậc nhất trong lịch sử dân tộc ta.

Trong cuộc sống hôm nay, chí làm trai của lớp thanh niên có sự thay đổi do thời đại đã đổi thay chứ không còn như xưa nữa. Lớp thanh niên ngày nay đang sống trong thời kì hoà bình và thời đại toàn cầu hoá với sự chi phối rất lớn của công nghệ thông tin. Để vươn lên thành công, thanh niên ngày nay phai trải qua những thử thách rất lớn. Về cơ bản, “chí làm trai” của lớp thanh niên vẫn là mong muốn học tập thành công, tiếp thu được tri thức tiến bộ nhất của thời đại, làm được những việc lớn, có trình độ cao, thành đạt trong sự nghiệp hoặc được nổi tiếng… Những việc đó đều để tạo dựng cuộc sống của bản thân và góp phần vào việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tạo dựng một thế giới hoà bình.

“Chí làm trai” là một truyền thống tư tưởng tốt đẹp của người xưa và vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hôm nay. Bởi thực chất đó là việc sống phải có lí tưởng, có mục đích. Vậy, mỗi người, nhất là thanh niên, phải xác định cho mình một lí tưởng, một lẽ sống lành mạnh. Đó mới là cách sống cao đẹp.

  • Kết bài:

Bài thơ kết thúc trong tư thế cao vời, con người to lớn mà khí thế cũng vút tận mây cao. Ngôn ngữ ngắn gọn, súc tích nhưng bút pháp có tính hoành tráng, đạt đến sắc màu sử thi, bài thơ Tỏ lòng thể hiện kì vĩ tư thế con người chiến thắng mang tâm vóc ngang tầm vũ trụ. Đó cũng là một khúc ca đầy tự hào vang vọng giữa đất trời cho đến nghìn thu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang