phan-tich-bi-kich-bi-ep-duyen-cua-co-gai-trong-doan-trich-tien-dan-nguoi-yeu

Phân tích bi kịch bị ép duyên của cô gái trong đoạn trích Tiễn dặn người yêu

Phân tích bi kịch bị ép duyên của cô gái trong đoạn trích “Tiễn dặn người yêu”

Bi kịch bị ép duyên cùng những nỗi đớn đau, sợ hãi, quay quắt, tuyệt vọng trước mối lương duyên bị tước đoạt và trước những định kiến khắt khe vô cảm không thể chuyển dời. Lời cầu cứu vô vọng càng làm dậy thêm nỗi đớn đau bi đát của hoàn cảnh.

Gia đình là tổ ấm, là nơi mỗi con người tìm về ngơi nghỉ sau những cực nhọc gian lao của một ngày làm việc vất vả. Nhưng thật đau đớn thay, với em yêu, gia đình lại là nơi chứa đựng nỗi đau, chứa đựng một “bản án vắng mặt” tước đi tương lai, hạnh phúc của cô. Giọng tự sự chân thật, mộc mạc nhưng đau đớn, xót xa. Từng hình ảnh, từng tình tiết hiện lên rất thực, thực và thản nhiên đến đau lòng. Cái thản nhiên đó chính là sự câm lặng của những món đồ vô tri vô giác:

“Em thấy gói dong chen gói cá
Gói dong kín, gói gà
Gói trầu không bắt chéo
Gói dong dày, gói xôi
Và thuốc lào khô gói bằng lá đề”

Đồ vật không có tiếng nói. Nhưng chính con người đã gán cho chúng những ẩn ý , có lúc những ẩn ý đó là sợi dây trói buộc số phận con người, phá hủy hạnh phúc và là vật đưa đường cho những khổ nhọc đớn đau. Của cải ê hề, giá trị nằm chen chúc đầy đủ. Nhưng ai có ngờ rằng những thứ của cải càng ê hề bao nhiêu thì tình cảnh con người lại càng ê chề bấy nhiêu. Như hiểu được ẩn ý đầy đau đớn từ những món vật chất tự nhiên có, với một nỗi lo lắng mơ hồ dần xâm chiếm, người con gái cất tiếng hỏi:

Xá Núi Chíp mang bán?
Người Xá Xăm Cầm đem đổi phải không?

Hỏi đấy. Nhưng hỏi đâu phải để biết, để tìm sự thật. Bởi ngay ở cái cách hỏi đã cho thấy tâm trạng của nhân vật. Nếu như hỏi để biết, có lẽ cô sẽ hỏi rằng: “Ai mang những món đồ này tới đây?” Nhưng ở đây câu hỏi lạ là: “ Xà núi chíp mang bán?”, “ Người Xá Xăm Cầm đem đổi?”. Câu hỏi ở đây có lẽ chỉ như những lời tự an ủi mình, như những lời tự huyễn hoặc mình về một sự thật nào đó khác với sự thật bời bời đang diễn ra cho cuộc đời của cô. Cô hỏi, nhưng không phải hỏi để mong chờ người được hỏi trả lời sự thật, mà có lẽ cô mong đợi một câu trả lời với sự thật khác đi như một phép màu hy hữu nào đó xảy ra cho cuộc đời cô, cứu vớt cô khỏi nỗi đau đang trực chờ.Nhưng thật bất hạnh cho cô, sự thật vẫn là sự thật, dù có trớ trêu đau đớn đến nhường nào:

Mẹ yêu em đáp:

– Người Xá Núi Chíp không mang tới bán
Người Xá Xăm Cầm không mang tới đổi
Đây gói trầu nhỏ người mang tới gửi
Gói cau con tới dạm
Dây trầu không ràng cuốn tình con
Con mẹ có chồng đừng làm nũng
Đẹp lứa đôi đừng vòi quấy mẹ hiền.

Gói trầu tượng trưng cho hôn nhân. Gói cau tượng trưng cho cưới gả. Những thứ lễ vật mang ý nghĩa truyền thống ấy ai mà không biết. Và những ý nghĩa truyền thống nói lên sự thật. Một sự thật đau đớn xé lòng. Chẳng phải người núi Chíp mang tới bán. Cũng chẳng người Xá Xăm Cầm mang tới đổi. Mà chúng là vật người ta mang đến dạm hỏi để cưới cô về. Đau đớn thay hình ảnh trầu cau tốt đẹp thiêng liêng cho tình yêu chung thủy giờ đây lại như sợi dây oan trói buộc cuộc đời, tình duyên của một người con gái lương thiện nhưng vô cùng bất hạnh. Cái bất hạnh ở đây là cái bất hạnh của một con người câm lặng bất lực trước một “ bản án tử hình vắng mặt” tuyên lúc mình không hay, không biết, tuyên lúc mình không thể cất lên, dù chỉ một tiếng nhỏ nhất của lời thanh minh thống thiết cho số phận của mình. Bản án ấy đặt nặng lên vai cô, giày vò tương lai cô, và thật đớn đau, thứ bản án nghiệt ngã hủy hoại hạnh phúc con người kia tuyên ngay khi cô còn vất vả ngoài rừng, say mê với từng bó củi, góp nhặt tình yêu sâu đậm, niềm thương kính vô bờ vào từng thành quả nhỏ nhoi…

Oan ức. Nhưng trên cả oan ức còn la đớn đau và lo lắng. Bất ngờ và bàng hoàng vì tin xấu đến đột ngột và bằng một cách thản nhiên đến tàn nhẫn, cô gái rơi vào trạng thái hụt hẫng của cảm xúc, với những nỗi băn khoăn, đứng ngồi không yên:

“Em lập cập chạy ra sàn
Mâm cơm chiều dọn vội
Nghĩ đến anh mà nát ruột gan
Như nặn nến sáp không nên
Như ôm cây to không xuể”

Không sợ hãi đến hoảng loạn mất tự chủ, cô đã đủ bình tĩnh để chấp nhận sự thật trớ trêu, đủ bình tĩnh để suy nghĩ. Nhưng nỗi đau vụt đến cùng với tin dữ vẫn bùng lên quay quắt, dai dẳng, làm cô bồn chồn, thắc thỏm không yên. Nghĩ đến người yêu mà lòng tơi bời, nghĩ đến phận mình mà lòng chua xót, nghĩ đến tương lai mà lo lắng sợ sệt…

Và rồi những lo lắng, chua xót, đau đớn, bồi hồi, thắc thỏm kia trỗi dậy thành những tiếng kêu cứu khẩn khoản và thống thiết:

“Em lập cập chạy vào đằng gần
Cất tiếng xa gần trách chú:
– Giúp cháu với, bác trai, bác gái nhà trên
Giúp cháu với, ơi chú, ơi thím nhà dưới!
– Chúng ta không giúp nổi cháu ơi!
Ta đã ăn gói trầu nhỏ người mang tới gửi
Gói cau con người mang tới dạm
Dây trầu không người để gửi cuốn leo!

Em lại kêu lên:

– Giúp tôi với, hỡi chị em dâu rể trong nhà!
Chị em dâu rể trong nhà cũng đáp:
– Không giúp được em ơi!
Ta cũng ăn gói trầu nhỏ người mang tới gửi
Gói cau con người mang tới dạm
Dây trầu không người để gửi cuốn leo!”

Có lẽ đó là sự chống cự, giành giật của một người con gái yếu đuối vói số phận để bảo vệ cho tình yêu của mình. Từ “em lập cập chạy ra sàn” đến “ em lập cập chạy vào đằng gần”, cái dáng vẻ lập cập của cô gái sao mà đáng thương tội nghiệp, sao mà nhỏ bé bất lực, sao mà hoảng loạn sợ hãi. Cô cầu cứu chú bác, cô cầu cứu bác trai, bác gái, cô van nài chú, thím, cô thiết tha khẩn khoản với chị em dâu rể trong nhà. Mỗi lần ba tiếng “ giúp tôi với…” thảm thiết vang lên, ta lại thấy đau, thấy xót, thấy thương cho thân phận bé nhỏ của người con gái bất hạnh ấy.

Chỉ có gỗ đá trơ cứng vô tình mới có thể dửng dưng ngoảnh đi. Nhưng than ôi! Thật đáng sợ làm sao những món đồ vô tri vô giác lại trở thành thứ công cụ tàn nhẫn của con người, và chính chúng lại biến con người thành gỗ đã, giam cầm con người trong lòng tham, và cũng lại là chúng, đẩy con người vào sự tuyệt vọng thẳm sâu khôn cùng. Đáng thương làm sao những lời cầu khẩn vọng lên chỉ được đáp lại bằng những sự bất lực và hờ hững. Số phận của cô gái giờ như một con thú đáng thương bị giam hãm trong cái bẫy đau đớn chờ tới ngày chết. Lời cầu cứu vô vọng đã đẩy cô xuống thẳm sâu chơi vơi, đã khước từ của cô mọi hy vọng và làm cho cô ngã quỵ trong sự bẽ bàng đau tủi.

Nỗi đau ấy như ngày một lớn hơn, chua xót hơn, không gian như mở rộng ra và sự chơi vơi của tuyệt vọng như ngày một thăm thẳm khi ngay cả thiên nhiên cũng bị lay động, và rồi cũng bất lực chẳng thể giúp đỡ gì:

Nghe chim cu trên ngọn cây cúc cu:
– Cũng đừng khóc cô ơi!
Cây tre nó thành giấy
Cây nứa nó thành ống
Con gái thành nàng dâu
Bố gả chồng cho, đừng chối cô à!

Những quy luật hiển nhiên, biến đổi luân hồi của vạn vật hiện ra. Tre sẽ thành giấy. Nứa sẽ thành ống. Và con gái sẽ thành nàng dâu. Nỗi đau như nhân lên vạn lần trước cái hiển nhiên của số phận, trước hiển nhiên của đau đớn như thể đó là điều tất yếu gắn chặt lấy cuộc đời. “ trai khôn dựng vợ/ gái lớn gả chồng” cái quy luật muôn đời là vậy, bất biến và tàn nhẫn dù cho tình cảm con người có tốt đẹp và đáng quý, đáng trân trọng đến nhường nào…

Bố gả chồng cho rồi sẽ cửa cao nhà rộng, cô ơi!
Lời đã trao lời liền như chiếc chiếu
Lời chắc đanh như dao sắc chặt dong
Như lá dong kia đã lót ủ men nồng
Dầu van xin, cha cũng không buông không thả!
Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa
Bằng con chẫu chuộc thôi

“Thân em chỉ bằng con bọ ngựa…”, những câu thơ cuối cùng ấy sao mà đau đớn và chua xót đến thế? Cả một cuộc đời, cả một mối tình, cả một tương lai lại chỉ như một cái gì đấy rất nhẹ nhàng và vô giá trị cho con người ta tùy tiện sắp đặt. Dẫu rằng người ấy là cha cô, là người sinh ra cô, nhưng cuộc đời vẫn là cuộc đời của cô, và hạnh phúc của cuộc đời ấy phải là do cô kiếm tìm, do cô định đoạt. Con người khác loài vật ở chỗ con người biết tư duy và biết tự chủ. Nhưng thân cô,một con người, lại chẳng thể làm chủ cuộc đời mình mà đành phó mặc may rủi cho bàn tay của người cha điển hình trong xã hội phụ quyền gia trưởng. Vậy thân cô, chẳng qua cũng chỉ rẻ mạt như thân con bọ ngựa kia thôi…

Tiếng thơ thõng xuống, chua xót và cam chịu. Dẫu uất ức, dẫu đớn đau, dẫu yêu thương nồng cháy, nhưng bởi một lẽ “ thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa” nên đành để những nỗi đau lắng xuống thành câm lặng trong cay đắng và uất hận mà thôi…

Bằng những dòng tự sự chân thật nhưng chua xót, bằng những hình tượng mộc mạc theo phong cách của người miền núii nhưng lại đậm nỗi đau, đoạn trích đã khơi dậy nơi ta sự đồng cảm sâu sắc cho nỗi đau quay quắt của thân phận người phụ nữ. Đọc và ta thương cảm, đọc và ta tiếc nuối, đọc và ta trân trọng, nâng niu tình yêu đôi lứa sâu đậm, nâng niu cả những con người bất hạnh bé nhỏ chơi vơi giữa mênh mông của truân chuyên cực khổ.

Nỗi đau ấy, số phận ấy đâu phải chỉ là nỗi đau của một người, đâu phải chỉ là một cá thể. Còn biết bao “thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa” đau đớn và chua xót như thế nữa đã từng vang lên, và bao nhiêu trong số những lời ca ấy được đáp lại, và bao nhiêu tiếng ca đã bị lãng quên, đã trở thành lời chung vô vọng lắng xuống vào quên lãng? Trăn trở và suy ngẫm cho quá khứ để biết quý trọng thực tại và vươn tới tương lai, đó là những lời người xưa gửi gắm và đó là nhiệm vụ của chúng ta, những con người của thời đại ngày nay, những con người biết lắng nghe những âm hưởng từ hôm qua để vươn tới một ngày mai rạng ngời!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang